Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài

31/03/2017
Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài về thi hành án dân sự. Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục cũng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác này. Kết quả cho thấy về cơ bản công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết khiếu nại đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đều được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định, có căn cứ mang tính thuyết phục. Kết quả giải quyết đạt và vượt chỉ tiêu về giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ Tư pháp giao. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tại nhiều cơ quan Thi hành án dân sự địa phương có xu hướng giảm, tuy nhiên số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp tới cơ quan Trung ương (Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự) lại có xu hướng tăng; không chỉ nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trùng lặp mà số các vụ việc mới phát sinh cũng đang tăng dần, trong khi nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, không được giải quyết dứt điểm. Số lượng công dân đến Tổng cục, yêu cầu được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp dân còn nhiều và hầu hết vụ nào người dân cũng bức xúc với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương. Tình hình này cho thấy khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự vẫn rất phức tạp.


1. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài
* Kết quả chỉ đạo, giải quyết   
Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện cơ bản tốt công tác quản lý, theo dõi, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của toàn bộ Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự. Tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo định kỳ: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm; thực hiện kiểm tra toàn diện công tác thi hành án, trong đó có giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, xác minh, đối thoại tại địa phương để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng và theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ; …
Năm 2016, toàn ngành thi hành án tiếp nhận: 12.876 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị trong Thi hành án dân sự. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 96 vụ việc (09 việc tố cáo, 87 việc khiếu nại), đã giải quyết được 92/96 vụ việc đạt tỷ lệ 95,83%, tăng 1,83% so với năm 2015; thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương là 3.517 việc (3.224 việc khiếu nại, 293 việc tố cáo). Kết quả đã giải quyết xong 3.393 việc (3.130 việc khiếu nại, 263 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 96%. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm.
Đối với công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng Kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc và tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc. Định kỳ hàng tháng, quý hoặc theo yêu cầu đột xuất, Tổng cục báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả giải quyết các vụ việc thuộc loại này.
Để chỉ đạo rà soát, giải quyết một cách tổng thể các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự, ngày 30/12/2016, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS quy định tạm thời tiêu chí xác định việc khiếu nại, tố cáo về Thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Ngày 28/02/2017, Tổng Cục trưởng đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-TCTHADS phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện. Liên quan đến công tác này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 02/2017, Tổng cục đã có chuyên đề: “Những địa phương yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài”, chuyên đề chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này của hệ thống Thi hành án dân sự, trong đó có 06 địa phương yếu kém (Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Bình Định, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng cục đã yêu cầu các địa phương này kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay tồn tại, hạn chế; chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở đợt cao điểm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; bổ sung các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp dân vào danh sách các vụ việc thuộc loại này để tập trung chỉ đạo, giải quyết.
Hiện nay, Tổng cục đang chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương rà soát, lập danh sách các vụ việc thuộc loại này, báo cáo về Tổng cục trước ngày 31/3/2017 để tập chung chỉ đạo dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở; giảm tối đa các vụ việc công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp đề nghị Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục tiếp dân.
* Những tồn tại, hạn chế,
Một là, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa nhận thức được tầm quan trọng nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể:
- Chưa quan tâm củng cố, kiện toàn cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có trình độ, kinh nghiệm hạn chế, thời gian làm công tác Thi hành án dân sự chưa lâu nên còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ trong xử lý công việc (Tây Ninh, Quảng Ngãi...). Đặc biệt, có nơi còn có tình trạng bố trí cán bộ, công chức thuộc diện đang bị xem xét xử lý kiểm điểm, kỷ luật, chờ nghỉ hưu…về công tác tại Phòng Kiểm tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Không giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở dẫn đến đương sự khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Tổng cục với số lượng lớn; công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo, đề nghị Lãnh đạo Bộ tiếp dân ngày càng nhiều. Phần lớn trong số đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đến Tổng cục thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
- Chưa thực hiện đầy đủ, chậm báo cáo định kỳ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, chưa thực hiện đầy đủ nhất là việc báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Báo cáo chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Tổng cục đối với các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục trưởng, các vụ việc cụ thể theo yêu cầu của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ.
- Nhiều địa phương thực hiện chưa đầy đủ việc thanh quyết toán đối với chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 08/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.  
Hai là, phân loại xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo: (01) Một số Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự không trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; (02) Có địa phương cán bộ tiếp công dân có thái độ, ứng xử không đúng mực khi thực hiện nhiệm vụ, để công dân phản ánh, thậm chí ghi âm, ghi hình tố cáo lên cấp trên về thái độ hách dịch khi làm việc tiếp xúc với công dân; (03) Kỹ năng ứng xử, thái độ giải quyết vụ việc có khiếu nại, tố cáo chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công dân bức xúc với việc giải quyết của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tiếp tục đến Tổng cục và Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo; (04) Công tác phân loại đơn, thư còn nhiều thiếu sót, hạn chế; kỹ năng xử lý đơn thư đầu vào của cán bộ làm công tác này còn lúng túng. Đơn khiếu nại, tố cáo nhưng lại được phân loại thành đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến số liệu thống kê về tình hình xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chính xác.
Ba là, kết quả giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền còn nhiều hạn chế. Qua theo dõi về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn Hệ thống, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổng hợp một số tồn tại, hạn chế, vi phạm điển hình, lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng chậm được khắc phục, cụ thể như sau:
(01) Vi phạm quy định về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Xác định đối tượng bị khiếu nại, hành vi bị khiếu nại, tố cáo không chính xác; Thụ lý giải quyết khiếu nại đối với trường hợp người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình; hết thời hiệu khiếu nại, vi phạm khoản 3, khoản 4 Điều 141 Luật Thi hành án dân sự; Chậm giải quyết khiếu nại (đã ra thông báo thụ lý khiếu nại nhưng để kéo dài, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại); Giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ, không đúng nội dung khiếu nại của đương sự; Không giải quyết tố cáo của đương sự; Vi phạm quy định về xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo; Khiếu nại, tố cáo của đương sự là có cơ sở nhưng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo áp dụng pháp luật không đúng, không chấp nhận khiếu nại của đương sự, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp; Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về thiết lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo: không đánh số bút lục hoặc đánh bút lục không đầy đủ; sắp xếp tài liệu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng thứ tự; không ghi danh mục tài liệu có trong hồ sơ; …
(02) Không nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ thi hành án và các tài liệu có liên quan; không tổ chức xác minh, đối thoại hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo không khách quan, chưa đúng pháp luật.
(03) Nhiều quyết định giải quyết khiếu nại của các Cục Thi hành án dân sự bị Tổng cục giải quyết khiếu nại lần hai chấp nhận toàn bộ, hoặc chấp nhận một phần khiếu nại, hủy, sửa một phần quyết định giải quyết khiếu nại. Một số kết luận tố cáo của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương bị đương sự tố cáo tiếp và Tổng cục kết luận là tố cáo có cơ sở. Trong đó, những địa phương bị hủy, sửa đổi, thu hồi nhiều như địa bàn các tỉnh: Tây Ninh, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh.
(04) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có biểu hiện nể nang, lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên, giải quyết lần 01 thiếu trách nhiệm để công dân khiếu nại, tố cáo tiếp đến Tổng cục để giải quyết lần hai.
(05) Chậm khắc phục sai phạm và tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo đã có hiệu lực: Chưa chủ động, kịp thời khắc phục những sai phạm, thiếu sót đã được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn chậm, hạn chế và đùn đẩy; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo còn chưa quyết liệt. Thậm chí, Thủ trưởng một số cơ quan Thi hành án dân sự còn có biểu hiện chưa nghiêm khắc đối với những cán bộ, Chấp hành viên và công chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài, vượt cấp hoặc chuyển từ khiếu nại sang tố cáo, làm cho vụ việc càng phức tạp hơn.
(06) Công tác phối hợp, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành ở một số địa phương chưa tốt nên ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thi hành án. Ví dụ địa bàn thành phố Hải Phòng (vụ Vinashin); Tây Ninh (vụ bà Trần Thị My...). Một số vụ việc, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan với cơ quan thi hành án còn chậm, trong đó có việc đính chính, giải thích bản án, chuyển giao các biên bản và tài liệu kèm theo chưa đầy đủ. Ví dụ địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (vụ Huỳnh Thị Huyền Như), Đắk Lắk (vụ Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk).
(07) Việc thực hiện quy trình, hồ sơ giải quyết bồi thường các vụ việc cơ bản còn chậm hoặc chưa đúng quy định, ảnh hưởng đến quá trình thẩm định, cấp phát tài chính của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến đương sự khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, công tác quản lý, kiểm tra nội bộ và kiểm tra cấp Chi cục: Việc tự kiểm tra và kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự đối với các Chi cục Thi hành án dân sự còn mờ nhạt, thậm chí yếu kém (Ví dụ: địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Tây Ninh, Kiên Giang ...). Có địa phương, Cục sau khi kiểm tra tại các Chi cục không ban hành Kết luận kiểm tra mà kết quả kiểm tra được thể hiện bằng “Biên bản kiểm tra”; không theo dõi kết quả kiểm tra, không đánh giá được các tồn tại của Chi cục sau khi kiểm tra đã khắc phục những tồn tài đó đến đâu, kết quả thực hiện như thế nào. Như vậy, hiệu quả của việc kiểm tra không đạt được mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trên địa bàn. Việc buông lỏng, thiếu sâu sát trên dẫn đến việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo chưa chắc, chưa theo dõi, kịp thời nắm bắt diễn biến, kết quả, không dự báo được xu hướng khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Thực tế còn bị động, lúng túng trong việc chỉ đạo, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra. Việc sơ kết, tổng kết công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo từng tháng, quý, năm chưa đánh giá được thực trạng, cụ thể những tồn tại, yếu kém để có giải pháp khắc phục.
Thứ năm, những hạn chế, yếu kém trong công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, cụ thể:
- Trước đây theo Quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc Thi hành án dân sự trọng điểm đã ban hành kèm theo Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài là một trong những tiêu chí của án trọng điểm. Việc rà soát, cập nhật danh sách các vụ việc theo tiêu chí này còn chưa chính xác; chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự, chưa quy định chế tài xử lý đối với nơi không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời, không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên.
- Kết quả giải quyết rất hạn chế, số việc chuyển từ năm cũ sang năm mới còn nhiều, số vụ việc mới tiếp tục phát sinh, chiều hướng phức tạp ngày càng tăng, đặc biệt là các việc có bồi thường nhà nước. Hiện tại toàn Ngành có 25 vụ việc thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, địa phương có nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm như: Thái Nguyên (05 việc), Thanh Hóa (05 việc) và Thành phố Hồ Chí Minh (05 việc).
- Một số vụ việc thực hiện không nghiêm ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; giải quyết còn chưa kịp thời, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, đương sự khiếu nại gay gắt. Ví dụ như địa bàn tỉnh Tây Ninh (vụ bà Trần Thị My, vụ ông Phạm Hữu Nghĩa, vụ ông Phạm Văn Thông, vụ bà Nguyễn Thị Kim Thu).
- Việc tổ chức thi hành án có nhiều sai phạm, hậu quả khó khắc phục, đương sự khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhưng Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa tập trung, chỉ đạo để có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ví dụ như địa bàn thành phố Hải Phòng (vụ bà Phạm Hồng Tự); Nghệ An (vụ bà Lê Thị Thăng, ông Trần Xuân Thảnh; vụ Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Mạnh Cường);
- Có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận những sai phạm, thiếu sót để không phải thực hiện trách nhiệm bồi thường; giải quyết vụ việc không khách quan, chưa thực hiện đúng quy định về giải quyết bồi thường dẫn đến đương sự khiếu nại, yêu cầu bồi thường kéo dài. Ví dụ địa bàn tỉnh Kiên Giang (vụ bà Nguyễn Thị Hiền).
- 22 vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp dân còn tồn đọng hiện nay đều là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhưng chỉ có 03 vụ việc được các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương rà soát đưa vào danh sách (Vụ ông Bùi Văn Dần, bà Nguyễn Thị Hoan - Thanh Hóa; vụ bà Ngô Thị Hạt - Thái Nguyên; vụ Võ Thiệu Huy - Thái Bình), còn lại 19 vụ việc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương rà soát nhưng không đưa vào danh sách để tập trung, chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
* Khó khăn, vướng mắc
Còn tồn tại những hạn chế, yếu kém trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nêu trên là công tác này có nhiều khó khăn, vướng mắc:
- Do tính chất đặc thù công tác thi hành án rất phức tạp và khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự là phức tạp nhất. Việc thi hành án động chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Quá trình thi hành án, Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự phải ban hành nhiều quyết định và thực hiện nhiều thủ tục thi hành án (hành vi). Trong khi đó pháp luật quy định bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng, Chấp hành viên cũng bị đương sự khiếu nại nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự hạn chế nên việc phân công cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn, đặc biệt, một số địa phương có lượng án nhiều, giá trị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, trước đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, khiếu nại, tố cáo phát sinh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Vụ việc có khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nhiều năm, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết. Ví dụ: vụ bà Phạm Thị Hồng Tự - Hải Phòng.
- Án tuyên không rõ hoặc phải chờ kết quả giải quyết của Tòa án, chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: vụ Trương Hòa Phúc - Sóc Trăng; vụ Công ty Vĩnh Tường - Đồng Nai, ...   
- Có các quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương và giữa các ban ngành có liên quan. Ví dụ: vụ Sampanh Matxcova - Đồng Nai.
- Vụ việc đã được các cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại, tố cáo hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật nhưng đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo kéo dài. Ví dụ: Thanh Hóa (vụ ông Bùi Văn Dần, bà Nguyễn Thị Hoan; vụ ông Hoàng Sỹ Công, bà Lê Thị Cơi); Hà Nội (vụ ông Phùng Viết Chanh; vụ bà Nguyễn Thị Thu; vụ bà Nguyễn Thị Kim Dung); Quảng Ninh (vụ ông Lương Ngọc Kính).
* Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém
Ngoài những nguyên nhân khách quan xuất phát từ những vướng mắc, khó khăn như trên, những tồn tại, hạn chế trong công tác này, còn xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa nhận thức đúng tầm quan trọng nên chưa quan tâm kiện toàn, củng cố bộ phận làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Không bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn làm công tác này; Không chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc có khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; Chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc loại này; Buông lỏng, không kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo, các kết luận kiểm tra; Việc xử lý kỷ luật các sai phạm còn chưa nghiêm.
- Một số đơn vị cấp ủy đảng, có nơi có lúc người đứng đầu cơ quan chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu gương về đạo đức, lối sống; có một số Chấp hành viên, cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi; một số quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự chưa thống nhất, thiếu chặt chẽ.
- Một số cơ quan Thi hành án dân sự địa phương giải quyết vụ việc không khách quan; có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận những sai phạm, thiếu sót để không phải thực hiện trách nhiệm bồi thường; chưa thực hiện đúng quy định về giải quyết bồi thường dẫn đến đương sự khiếu nại, yêu cầu bồi thường kéo dài.
- Việc tổ chức thi hành án có nhiều sai phạm, hậu quả khó khắc phục, đương sự khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhưng Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa tập trung, chỉ đạo để có biện pháp giải quyết dứt điểm.
- Thủ trưởng cơ quan chưa tranh thủ được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan, đặc biệt là Viện kiểm sát, Tòa án, công an trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
- Một số vụ việc thực hiện không nghiêm ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; giải quyết còn chưa kịp thời, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, đương sự khiếu nại gay gắt.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới, góp phần xây dựng Hệ thống Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, Tổng cục đã và đang thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:   
Một là, Lãnh đạo Tổng cục tiếp tục làm việc trực tiếp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có yếu kém về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Hai  là, rà soát tổng thể số lượng và đánh giá chất lượng cán bộ công chức được phân công làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trên cơ sở kết quả rà soát số lượng và đánh giá chất lượng cán bộ công chức làm công tác này, Tổng cục sẽ chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay;
Ba là, mở đợt cao điểm kiểm tra chuyên đề và tăng cường kiểm tra đột xuất đối với đơn vị mà Thủ trưởng chưa phát huy được vai trò của  người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết chưa quyết liệt và còn nhiều thiếu sót; có nhiều khiếu nại, tố cáo vượt cấp và khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Qua kiểm tra,  đánh giá chính xác, động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đối với những đơn vị yếu kém thì có hình thức xử lý nghiêm khắc người đứng đầu, lãnh đạo phụ trách và bộ phận tham mưu, đặc biệt là đối với những địa phương mà số vụ việc bị hủy, sửa đổi, thu hồi có tỷ lệ cao và số lượng nhiều.
Bốn là, đối với công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài:
Ngày 29/3/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 1096/TCTHADS-GQKNTC chỉ đạo chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu trên; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung giải quyết dứt điểm 22/38 vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân; rà soát, giải quyết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016 của Tổng cục; đôn đốc, chỉ đạo địa phương tích cực tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo đúng pháp luật hợp tình, hợp lý, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức cưỡng chế thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương lập hồ sơ bồi thường theo đúng trình tự, thủ tục đối với các vụ việc có sai phạm trong việc tổ chức thi hành án, phải bồi thường; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để thống nhất hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình áp dung pháp luật về thi hành án cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
Định kỳ, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ kết quả giải quyết và đôn đốc các Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; đưa kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài vào tiêu chí đánh giá Cục trưởng, địa phương nào để tồn đọng nhiều, không thực hiện chỉ đạo của Tổng cục và báo cáo không chính xác, không trung thực thì Cục trưởng phải bị xem xét, xử lý.
Năm là, nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự, đảm bảo giải quyết được toàn bộ khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến công tác Thi hành án dân sự.
Từ thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại về Thi hành án dân sự nêu trên, có thể thấy trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp rất quan tâm đến công tác Thi hành án dân sự. Cùng với sự quyết liệt vào cuộc của Tổng cục, phối hợp tích cực của các ban ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương và nỗ lực của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, trong thời gian tới công tác Thi hành án dân sự nói chung và công tác giải quyết khiếu nại trong Thi hành án dân sự nói riêng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Giảm tối đa tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp đến Tổng cục, đề nghị được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp dân để phản ánh, khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Đưa công tác này đạt kết quả ngang tầm với kết quả tổ chức thi hành án.
Nguyễn Hằng - Vụ GQKNTC, Tổng cục Thi hành án dân sự