Vai trò của công tác kiểm tra trong lĩnh vực thi hành án dân sự

29/11/2017
Công tác kiểm tra có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước đối với Hệ thống thi hành án dân sự nói riêng. Để thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra cần có sự quan tâm của tất cả các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương. Bài viết dưới đây sẽ nêu khái quát về vai trò, mục đích, đối tượng, nguyên tắc của công tác kiểm tra trong lĩnh vực thi hành án dân sự và kết quả kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong thời gian qua.


1. Vai trò của công tác kiểm tra
Thông qua công tác kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, quản lý, chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện quy định của pháp luật trong công tác thi hành án dân sự; phát hiện ra những sai phạm trong tất cả các mặt công tác của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật về Thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan, tổng hợp làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát hiện những quy định pháp luật nhưng có nhiều cơ quan thi hành án dân sự hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau thì Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về Thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước hoặc xây dựng và triển khai Kế hoạch tập huấn trang bị kỹ năng giải quyết công việc cho Lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Chuyên viên, Thư ký, Kế toán, công tác tổ chức cán bộ, văn phòng, công nghệ thông tin, ...
2. Mục đích, đối tượng kiểm tra
Kiểm tra công tác thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp trên chủ trì hoặc có sự tham gia phối hợp của các cơ quan hữu quan để kiểm tra đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống thi hành án dân sự.
Đối tượng kiểm tra là các cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự.
3. Nguyên tắc kiểm tra
Theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 01/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ về thi hành án dân sự, Điều 3 Quy trình Kiểm tra công tác thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 83/QĐ – TCTHADS ngày 28/01/2015 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định nguyên tắc kiểm tra trong công tác thi hành án dân sự là những nguyên tắc sau đây:
Một là, việc kiểm tra được thực hiện trên cơ sở quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền theo kế hoạch kiểm tra được phê duyệt từ đầu năm hoặc theo yêu cầu kiểm tra đột xuất. Quyết định kiểm tra là căn cứ pháp lý để thực hiện hoạt động kiểm tra theo mảng, lĩnh vực hay kiểm tra toàn diện hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự.
Hai là, việc kiểm tra không được làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được kiểm tra. Trong thời gian diễn ra việc kiểm tra, mọi hoạt động liên quan đến nhiệm vụ thi hành án của đơn vị được kiểm tra vẫn hoạt động bình thường. Đoàn kiểm tra nghiên cứu hồ sơ, sổ sách, tài liệu có liên quan.
Ba là, việc kiểm tra phải công khai, dân chủ; các đánh giá, kết luận phải chính xác, khách quan. Hoạt động kiểm tra phải công khai thể hiện:
- Hàng năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện phải xây dựng và quyết định kế hoạch kiểm tra của đơn vị mình. Kế hoạch kiểm tra phải được lập xong trong kỳ báo cáo 03 tháng đầu tiên của năm báo cáo Thi hành án dân sự và phải gửi cho cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để báo cáo.
- Khi thực hiện quyết định kiểm tra phải có thông báo cho đơn vị được kiểm tra về nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm kiểm tra.
- Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo khách quan, dân chủ thể hiện ở quyền giải trình, cung cấp các tài liệu, chứng cứ, chứng minh của đối tượng bị kiểm tra. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, đối tượng bị kiểm tra có quyền xuất trình các tài liệu, chứng cứ, chứng minh hoặc giải trình các nội dung kiểm tra chưa rõ để Đoàn kiểm tra xem xét, xác thực, tiếp thu giải trình (nếu có). Trường hợp, Đoàn kiểm tra không tiếp thu giải trình mà đối tượng bị kiểm tra nhận thấy nội dung kiểm tra đã được thực hiện đúng quy định pháp luật thì đối tượng bị kiểm tra có quyền kiến nghị đến người có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
- Khi tiến hành kiểm tra trên cơ sở hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, Sổ sách, kết quả xác minh trực tiếp, phần giải trình của đối tượng kiểm tra, đối chiếu với quy định pháp luật, Đoàn kiểm tra tiến hành đánh giá từng nội dung được kiểm tra có phù hợp với quy định pháp luật hay không và phải đưa ra các kết luận một cách chính xác, khách quan về nội dung đã được kiểm tra.
Bốn là, kết thúc kiểm tra phải có kết luận kiểm tra về những nội dung được kiểm tra. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, đơn vị thực hiện kiểm tra phải có kết luận kiểm tra về những từng nội dung được kiểm tra để làm căn cứ khắc phục những hạn chế, sai phạm nếu có và làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của đối tượng kiểm tra để có những giải pháp về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, giải pháp kiện toàn về tổ chức. Kết luận kiểm tra phải thể hiện rõ những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân, hạn chế; những kiến nghị về biện pháp khắc phục nhược điểm; biện pháp xử lý những tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác thi hành án dân sự dự kiến sẽ đề xuất đối với người có thẩm quyền.
Để đánh giá sâu sắc hơn vai trò, hiệu quả của công tác kiểm tra, trong bài viết tiếp theo ”Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xác minh, phân loại án” tác giả sẽ đề cập đến kết quả kiểm tra công tác xác minh, phân loại án của các cơ quan thi hành án dân sự được kiểm tra trong thời gian vừa qua và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong năm 2018.  
Nguyễn Hằng – Vụ GQKNTC – Tổng cục THADS