Một số vướng mắc từ thực tiễn xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

25/05/2021
Xử lý vật chứng, tài sản là một trong những khoản thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự ( THADS) chủ động tổ chức thi hành[1]. Theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội. vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Trong thực tiễn tổ chức THADS, việc xử lý vật chứng, tài sản theo phán quyết của tòa án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
 
[1]Khoản 2 Điều 36 Luật THADS


Một là, việc trả lại các giấy tờ đã hết hạn sử dụng: trong thực tiễn, khi tòa án tuyên trả lại giấy tờ cho đương sự, tuy nhiên, có một số trường hợp các giấy tờ này có thời hạn cụ thể (ví dụ các giấy tờ thông hành, các giấy tờ có ấn định thời hạn sử dụng…), đến giai đoạn thi hành án đã hết hạn sử dụng. Nhưng theo nội dung bản án tuyên, cơ quan THADS vẫn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành khoản trả lại giấy tờ cho đương sự. Tuy nhiên việc này vô hình chung đã gây lãng phí về thời gian, kinh phí để tổ chức thi hành án mà không thật sự đem lại lợi ích cho đương sự. Do đó, đối với những giấy tờ có ấn định thời hạn sử dụng, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khi ban hành phán quyết cần lưu ý về thời hạn sử dụng của các loại giấy tờ này và có cách xử lý phù hợp để thuận lợi hơn cho quá trình tổ chức thi hành án.
Hai là,  thủ tục xử lý các giấy tờ đương sự không đến nhận: khoản 3 Điều 126 Luật THADS quy định: "Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận,Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định”. Như vậy, phải sau 01 năm kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận lại giấy tờ tùy thân, Chấp hành viên mới được làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan ban hành giấy tờ đó, hồ sơ sẽ để tồn đọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của Chấp hành viên và Cơ quan THADS. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 126 Luật THADS đối với việc trả lại giấy tờ tùy thân đã hết thời hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng, tương tự như quy định tại đoạn 1 khoản 3 Điều 126 Luật THADS quy định đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng, cụ thể:  "Đối với những giấy tờ tùy thân bản án tuyên trả lại cho đương sự nhưng hết thời hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự  ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Điều 125 của Luật thi hành án dân sự".
Ba là, việc xử lý đối với những tài sản được tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án có giá trị quá nhỏ.
Thực tế hiện nay, khi xét xử các vụ án hình sự, tòa án tuyên thu giữ tài sản để đảm bảo thi hành án, hoặc tuyên trả lại tài sản, nhưng các tài sản bị thu giữ lại có giá trị rất nhỏ, ví dụ như chiếc ví da, điện thoại cũ…. Quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài nên điện thoại, ví đã bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng. Trong khi đó, trình tự thủ tục xử lý đối với các tài sản này rất phức tạp, đặc biệt là những trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, cơ quan THADS không thể xác định được trại giam nơi đương sự thụ hình….dẫn đến phải thực hiện nhiều tác nghiệp khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành. Do đóTòa án nên cân nhắc lựa chọn cách xử lý phù hợp, thuận lợi cho việc thi hành án.
Đối với những tài sản có giá trị nhỏ, đề nghị bổ sung quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với loại tài sản này (ví dụ: giá trị tài sản dưới 1.000.000 đồng), Tòa án có thể tuyên tịch thu để sung quỹ của Nhà nước hoặc tiêu hủy (đối với tài sản đã quá cũ, giảm, không còn giá trị), không tuyên trả cho đương sự, đặc biệt đối với đương sự là bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Đồng thời cần quy định “trình tự rút gọn” để rút ngắn quá trình xử lý đối với các tài sản tuyên thu giữ để đảm bảo thi hành án, khi đã xác định tài sản đó bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng.
Bốn là,  xử lý vật chứng khi bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo tủ tục phúc thẩm.
 Tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật THADS năm 2014 quy định về những bản án, quyết định được đưa ra thi hành “Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm sẽ được đưa ra thi hành. Tuy nhiên, thực tế có những phần của bản án, quyết định tuy không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng nếu đưa ra thi hành sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án cũng như sẽ gây khó khăn trong quá trình thi hành án như khoản tiêu hủy vật chứng, xử lý tang vật. Do vậy, có nhiều quan điểm cho rằng, cần xem xét, sửa đổi bổ sung theo hướngchỉ sử lý vật chứng, tang vật của vụ án khi toàn bộ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đối với nội dung này, Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có hướng dẫn như sau[1]: về cơ bản, phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là có hiệu lực pháp luật và sẽ được đưa ra thi hành. Theo quy định tại Điều 125 Luật THADS sửa đổi năm 2014, việc tiêu hủy vật chứng theo quyết định của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị phải được cơ quan THADS tổ chức thi hành.
Tuy nhiên, Bộ luật TTDS năm 2015 và Bộ luật TTHS năm 2015 quy định rất chặt chẽ trình tự thu thập, bảo quản vật chứng, tài sản nhằm bảo vệ chứng cứ để giải quyết vụ án khách quan. Khi vụ án chưa được giải quyết xong nhưng phần tuyên tiêu hủy vật chứng, tài sản đã có hiệu lực phải được thi hành, tức là có “tranh chấp về quyền sở hữu vật chứng”.
Khoản 4 Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “...4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Khoản 2 Điều 111 Bộ luật TTDS năm 2015 về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định:...2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”. Trong đó, khoản 12 Điều 114 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về biện pháp “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”.
Do vậy, khi thi hành phần bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng  cáo, kháng nghị liên quan đến tiêu hủy vật chứng, tài sản của vụ án, cơ quan THADS và VKSND kiểm sát việc tiêu hủy cần có văn bản yêu cầu cơ quan Tòa án có thẩm quyền ra quyết định về việc chưa xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đến khi vụ án được giải quyết xong, tránh tình trạng khi giải quyết lại vụ án thì vật chứng, tài sản đã bị tiêu hủy, không còn chứng cứ, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tác giả, để thuận lợi cho công tác xử lý vật chứng, tài sản, tránh các vấn đề phát sinh khi đã tiêu hủy vật chứng khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật,đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung quy định này theo hướng: đối với vật chứng của vụ án, chỉ đến khi toàn bộ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới đưa ra thi hành.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 
[1]Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân Tối Cao, tài liệu tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự năm 2018; trang 2