Thi hành án hành chính: Tập trung hoàn thiện hơn nữa thể chế

01/06/2022
(PLVN) -  Công tác thi hành án hành chính ngày càng có sự chuyển biến tích cực và đi vào thực chất. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại nhất định. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án hành chính nói chung, theo dõi thi hành án hành chính nói riêng, một trong những giải pháp được ưu tiên đó là tập trung hoàn thiện thể chế.


Theo dõi 100% bản án, quyết định của tòa án
Theo Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), thời gian qua công tác thi hành án hành chính (THAHC) nói chung, theo dõi THAHC nói riêng tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ công tác hoàn thiện thể chế, quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao kết quả THAHC, theo dõi THAHC đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thống kê, báo cáo về THAHC, theo dõi THAHC, góp phần đưa công tác THAHC, theo dõi THAHC có sự chuyển biến và đi vào thực chất, điều này được thể hiện ở việc nhận thức của UBND, Chủ tịch UBND các cấp về công tác THAHC ngày càng cao, số bản án hành chính được thi hành xong tăng (điển hình năm 2021 tăng 92 bản án so với năm 2020).
Nhìn chung, các cơ quan THADS đã thực hiện cơ bản đúng, đầy đủ và đi vào nền nếp chức năng theo dõi THAHC, thời gian qua (từ năm 2017 đến năm 2021), TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan THADS 10.445 bản án hành chính (8.734 bản án không thuộc phạm vi theo dõi và 1.711 bản án thuộc phạm vi theo dõi của các cơ quan THADS). Đối với 1.711 bản án thuộc phạm vi theo dõi, các cơ quan THADS đã ra 1.486 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 733 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 1.112 vụ việc; có kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 269 vụ việc do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Kết quả thuộc phạm vi theo dõi, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 1.502 bản án; đang tiếp tục theo dõi thi hành 209 bản án.
Ở một số địa phương, để thực hiện hiệu quả chức năng theo dõi THAHC, cơ quan THADS đã thành lập Đoàn để kiểm tra, làm việc trực tiếp với UBND, Chủ tịch UBND các cấp là người phải thi hành án để rà soát, xác định rõ nguyên nhân chậm thi hành trong từng bản án, từ đó đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm hoặc không THAHC. Với cách làm này, hoạt động theo dõi THAHC của cơ quan THADS được đi vào bản chất của vụ việc, góp phần nâng cao kết quả THAHC ở địa phương.
Công tác theo dõi THAHC mặc dù còn nhiều khó khăn do tính chất nhạy cảm, phức tạp của hoạt động THAHC, song hầu hết các cơ quan THADS đã triển khai thực hiện cơ bản nghiêm túc và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC, thể hiện ở việc các cơ quan THADS đã bảo đảm theo dõi được 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án. Nhiều địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã phân công Cục THADS giúp UBND quản lý công tác THAHC trên địa bàn, qua đó cho thấy các cơ quan THADS có vai trò ngày càng cao trong công tác THAHC, theo dõi THAHC.
Thông qua công tác theo dõi THAHC, Hệ thống các cơ quan THADS đã góp phần nâng cao tỷ lệ bản án, quyết định đã thi hành xong lên hàng năm, kịp thời cung cấp thực trạng THAHC của Chủ tịch UBND, UBND tỉnh nói riêng và của hệ thống hành chính nhà nước nói chung phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác THAHC của Chính phủ và của Bộ Tư pháp.
Nâng cao hiệu quả kiểm tra việc theo dõi thi hành án
Cũng theo Vụ Nghiệp vụ 3, công tác theo dõi THAHC còn gặp những khó khăn như việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính từ Tòa án sang cơ quan THADS để theo dõi chưa đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định; vẫn có trường hợp cơ quan THADS chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm được giao, cụ thể như chưa kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo quy định.
Việc nhiều bản án hành chính đã có quyết định buộc THAHC chưa được thi hành xong phần nào thể hiện công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS chưa đi sâu vào nội dung vụ việc THAHC, dẫn đến việc thực hiện trách nhiệm theo dõi THAHC còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính toàn diện, bao quát trong việc tham mưu UBND chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án trên địa bàn không chấp hành án hành chính.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về THAHC chưa được quy định rõ ràng, cụ thể dẫn đến phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng trên thực tế, như quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án, về thi hành án trong trường hợp bản án tuyên hủy quyết định hành chính, về phạm vi trách nhiệm theo dõi THAHC, về xử lý trách nhiệm trong THAHC, về cơ quan tham mưu giúp UBND trong công tác THAHC…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THAHC các năm tiếp theo, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và mang tính chiến lược lâu dài.
Tổng cục THADS sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ có các giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC nói chung và công tác theo dõi THAHC nói riêng, trong đó tập trung hoàn thiện hơn nữa về thể chế THAHC, theo dõi THAHC và triển khai, tổ chức thi hành nghiêm túc các quy định của pháp luật THAHC và theo dõi THAHC. Tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan trong công tác THAHC, theo dõi THAHC.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Hệ thống THADS tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, bảo đảm các cơ quan THADS thực hiện theo dõi có hiệu quả 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc THAHC.
Tham mưu Bộ Tư pháp thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành hoặc báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ chủ động tổ chức các buổi làm việc giữa Tổng cục THADS với UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Trong đó cần tập trung làm rõ nguyên nhân những tồn tại, vi phạm, kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đến cùng việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra nhằm nâng cao kết quả THAHC, tăng cường vai trò của các cơ quan THADS trong công tác THAHC.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao chất lượng hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ chấp hành viên, tạo sự thống nhất chung trong việc áp dụng pháp luật về theo dõi THAHC tại các cơ quan THADS trong cả nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác theo dõi THAHC.
Cùng đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi THAHC tại các cơ quan THADS, nhất là tại các địa phương có số lượng lớn án hành chính phải thi hành, qua đó, giúp cho người đứng đầu UBND các cấp nhận thức đúng và đủ trách nhiệm của mình trong THAHC ở địa phương; hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác THAHC, theo dõi THAHC ở các địa phương được kiểm tra nói riêng và cả nước nói chung.
Cần chủ động đề xuất xử lý người chậm thi hành án
Đối với các cơ quan THADS, Cục THADS cần tập trung thực hiện hoặc chỉ đạo đối với các Chi cục THADS trực thuộc thực hiện có hiệu quả chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS; đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THAHC dưới những hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS, toàn thể công chức thuộc Cục và Chi cục THADS trực thuộc cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về pháp luật THAHC, theo dõi THAHC.
Bên cạnh đó, các Cục THADS cần phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi THAHC tại Cục và tại các Chi cục THADS, qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót trong công tác theo dõi THAHC tại các cơ quan THADS.
Cần chủ động báo cáo, thường xuyên bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đối với công tác THAHC, theo dõi THAHC, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện tốt các quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong đó, chú trọng việc tham mưu UBND cùng cấp có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thi hành kịp thời, nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, chủ động làm việc với các UBND đang có các vụ việc THAHC tồn đọng để kiểm tra thực trạng, tham mưu, đề xuất hướng giải quyết căn cơ, hiệu quả; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với TAND, VKSND, các cơ quan hữu quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHC, theo dõi THAHC trên địa bàn.
Công chức THADS cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi THAHC do mình quản lý, không ngại va chạm, nể nang, né tránh trong thực thi công vụ. Bảo đảm tính ổn định, lâu dài trong việc bố trí lãnh đạo phụ trách, công chức được giao nhiệm vụ công tác theo dõi THAHC.
Các cơ quan THADS cần phải chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối người phải thi hành án chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính để cấp có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp và xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Thanh Nhàn
Nguồn: baophapluat.vn