Thái Nguyên: Một số vấn đề về tổng kết thực tiễn sau 05 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

17/12/2008


I. Kết quả 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự

1. Công tác quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 thay thế Bộ Luật tố tụng hình sự năm 1988, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, đã ghi nhận bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, Phòng Thi hành án tỉnh Thái Nguyên  ( nay là Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên ) đã tổ chức triển khai nội dung của Bộ Luật này và các văn bản hướng dẫn có liên quan ( Nghị quyết  về việc thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự, một số Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của liên ngành Tư pháp Trung ương …) đến các Đội thi hành án cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh và các bộ phận nghiệp vụ.

2. Kết quả thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự.

a) Kết quả thi hành án đối với hình phạt tiền, tịch thu tài sản

- Hình phạt tiền: Trong 05 năm thi hành, các cơ quan Thi hành án dân sự 02 cấp của tỉnh Thái Nguyên đã thụ lý giải quyết 3.514 việc về hình phạt tiền, cụ thể như sau:

+ Hình phạt chính:  75 việc với số tiền 382.000.000đ

+ Hình phạt bổ sung: 3.439 việc với số tiền 16.825.634.000đ

Có thể thấy rằng, các cơ quan Thi hành án dân sự chủ yếu phải thi hành hình phạt tiền là  hình phạt bổ sung  ( chiếm 97.87% ), đối với hình phạt chính thì chiếm tỷ lệ không đáng kể ( chiếm 2.13 %).

- Tịch thu tài sản: số người bị tịch thu tài sản là 1.527 với tổng số tiền trị giá 21. 847.505.000đ.

- Tiêu huỷ tang vật, tài sản: 71.780.362đ

- Án phí: 994.588.350đ

-  Bồi thường thiệt hại:12.973.301.000đ

- Trả lại tài sản: 3.350.192.000đ

-  Các quyết định khác về dân sự trong hình sự: 1.327.109.000đ

II. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự và nguyên nhân.

1. Những khó khăn, vướng mắc bất cập

Trong quá trình tổ chức thi hành án, bên cạnh những thuận lợi thì các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp không ít những khó khăn, vướng mắc khiến kết quả giải quyết các vụ việc về thi hành án dân sự không đạt như mong đợi, mặc dù đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp nhằm làm giảm án tồn đọng. Có thể thấy rằng, số việc thụ lý giải quyết hàng năm không ngừng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp ( Năm 2004 là 10.416 việc với số tiền 56.772.429.000 nhưng đến năm 2008 tăng lên đến 12.010 việc với số tiền là 97.042.663.000đ )

a) Số lượng việc và tiền trong vụ án hình sự tồn đọng.

- Có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong: 05 việc với số tiền 6.031.000đ

- Chưa có điều kiện thi hành: 3.477 việc với số tiền 35.544.423.000đ

Có thể thấy rằng, số việc chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ lớn, tồn từ năm này qua năm khác. Các việc tồn đọng có thể từ những tài sản có giá trị không lớn hoặc Giấy tờ tuỳ thân của đương sự  cho đến những tài sản có giá trị lớn như một phần ngôi nhà .

* Tài sản có giá trị không lớn: chiếc đinh bu lông, chiếc xà beng; Giấy Chứng minh thư nhân dân, Giấy phép lái xe …. Do phần Quyết định của Bản án  Toà án tuyên trả lại đương sự nên Cơ quan Thi hành án báo gọi đương sự trả tài sản nhưng do tài sản có giá trị thấp hoặc giấy tờ đã hết thời hạn sử dụng nên đương sự không đến nhận.Ví dụ:  Trong năm 2007: Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên báo gọi Công ty đường sắt Hà Thái có trụ sở tại Hà Nội đến nhận  chiếc đinh bu lông là tang vật trong vụ án hình sự được xét xử về Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 231 Bộ luật hình sự năm 1999  nhưng Công ty không cử đại diện đến nhận nên việc  trả lại tài sản phải kéo dài …

* Đối với các tài sản có giá trị lớn như một phần ngôi nhà trong các vụ án hình sự. Ví dụ:  Bản án hình sự số 133/2006/HSST ngày 07/7/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên + văn bản số 108/ĐCBA ngày 02/10/2006  đính chính bản án  có nội dung về vật chứng như sau “ Áp dụng điều 41 BLHS, điều 76 BLTTHS  tịch thu 02 phòng bị cáo Trần Thanh Hải dùng để chứa mại dâm tại xóm Sau – xã Lương Sơn, thành phố Thái Nguyên: Phòng số 2 diện tích 5,9625m2, phòng số 3 diện tích 6,345m2 “; Bản án hình sự số 287/2005/HSST ngày 30/11/2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hà, trú tại xóm 5, Tân Sơn, xã Lương Sơn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về tội Chứa mại dâm. Phần quyết định của bản án như sau” .. Tịch thu căn phòng số 6 ( có kích thước 4,2m x 3,3m ) là căn phòng bị cáo sử dụng để chứa mại dâm

Có thể thấy rằng: một hoặc hai căn phòng như trên là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của ngôi nhà nên không thể bán  để thi hành án. Mặc dù đương sự có tài sản, có thể coi là thuộc diện có điều kiện thi hành án. Cơ quan Thi hành án chỉ có thể bàn giao cho cơ quan tài chính sung quỹ. Trên thực tế, không có ai mua những tài sản như vậy, trừ trường hợp người mua chính là người phải thi hành án. Đối với những trường hợp này,  cơ quan tiến hành tố tụng cần kê biên toàn bộ ngôi nhà đã chứa mại dâm để tịch thu sung quỹ hoặc khi quyết định hình phạt thì bổ sung hình phạt tiền tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và khả năng chấp hành hình phạt của bị cáo chứ không nên tịch thu một phần ngôi nhà như vậy.

b) Về quy định của pháp luật ( thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục …)

- Về thời hạn,, thủ tục nhận bản án, quyết định  hình sự sơ thẩm:  Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003  chỉ quy định việc giao bản án và quyết định phúc thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự  trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định ( Điều 254 ) mà không có điều khoản nào quy định thời hạn Toà án phải chuyển giao bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan Thi hành án. Nếu theo cách tính thông thường, nếu hết thời hạn kháng cáo ( 15 ngày ), kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên( 30 ngày ) mà không có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Có thể chuyển giao sang cơ quan thi hành án từ ngày thứ 31 hoặc 32, kể từ  tuyên án sơ thẩm.

Theo quy định hiện nay thì việc giao nhận bản án, quyết định hình sự từ Toà án và cơ quan Thi hành án được thực hiện theo quy định chung, ghi nhận sự kiện này chỉ có biên bản giao nhận giữa 02 cơ quan. Vì vậy, có tình trạng Toà án chậm chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan Thi hành án không kịp thời giải quyết vật chứng ( tài sản để lâu trong kho đã bị hư hỏng, giảm sút về giá trị không bán được ….) nhưng hầu như Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không có ý kiến gì, không xác định được trách nhiệm thuộc về cơ quan nào. Còn đương sự thì liên tục đến cơ quan thi hành án thắc mắc tại sao việc thi hành án chưa được giải quyết  trong khi bản án đã có hiệu lực pháp luật từ lâu.

Đã có trường hợp trong quá trình thực hiện xét miễn giảm án phí, tiền phạt theo Thông tư số 02/2005/TTLT, điều kiện bắt buộc về thủ tục là tính từ ngày ra Quyết định về thi hành án lần đầu ( tiểu mục 4.1 mục 4 phần I của Thông tư liên tịch số 02/2005 ngày 17/6/2005 của liên ngành Tư pháp – Các trường hợp được giảm thi hành án ) nhưng do cơ quan Thi hành án địa phương chậm được bản án, quyết định do Toà án chuyển nên chưa thể thực hiện thủ tục xét miễn giảm án phí, tiền phạt cho đương sự. ( bản án đã có hiệu lực từ năm 2004 - về nguyên tắc đã gần 05 năm, đến  năm 2009 là đương sự có thể được xem xét giảm  -   nhưng đến năm 2008, cơ quan Thi hành án  dân sự mới nhận được bản án từ Toà án chuyển giao )

c) Về cơ chế quản lý thi hành án: Theo quy định tại Điều 257 BLTTHS năm 2003, có 05 loại cơ quan có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định hình sự của Toà án, trong đó có cơ quan Thi hành án. Trách nhiệm của các cơ quan này là báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án,quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được thì phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng để gắn kết các loại cơ quan này khiến chất lượng, hiệu quả thi hành chưa cao.

III. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ Luật

Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên kiến nghị sửa đổi bổ sung một số nội dung sau:

1. Về việc nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử từ Toà án:

Theo điểm đ khoản 2 điều 75 của BLTTHS năm 2003 thì “ cơ quan THA có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án “. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp  thì “ cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Tại điều 178, 182 BLTTHS về nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử  có quy định” vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà”. Tuy nhiên theo  quy định hiện hành thì Cơ quan Thi hành án dân sự không là đối tượng được nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, dẫn đến tình trạng cơ quan Thi hành án luôn phải thụ động trong việc bố trí cán bộ để tiếp nhận vật chứng hoặc thực hiện các yêu cầu từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Thi hành án dân sự, đề nghị bổ sung Thi hành án dân sự cũng là một trong những đối tượng nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2.Thẩm quyền ban hành Quyết định thi hành án:  Đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự  năm 2003 về thẩm quyền của Chánh án Toà án trong việc ra các quyết định thi hành hình phạt tiền, chỉ quy định thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với khoản hình phạt tiền cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định về thi hành án.

3. Thành viên Hội đồng xét miễn giảm hình phạt: bổ sung  đại diện của cơ quan Thi hành án dân sự là  thành viên Hội đồng xét miễn giảm hình phạt tù.

4. Bãi bỏ quy định về án phí hình sự tại điều 98 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

Theo quy định hiện nay, án phí là tất cả chi phí để tiến hành tố tụng hình sự    ( bao gồm thù lao cho người làm chứng, bị hại, giám định… và các khoản chi phí khác). Án phí do người bị kết án chịu hoặc nhà nước chịu. Tại Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ thì người bị kết án chỉ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 50.000đ. Trong 05 năm thi hành tại Thái Nguyên, số tiền án phí phải thi hành chỉ là 994.588.000đ/18.716.970.712đ  số tài sản phải thi hành ( chiếm tỷ lệ 5,13% ), trong khi đó số việc lại rất lớn, phải theo dõi từ năm này qua năm khác. Để thu được số tiền này, cơ quan Thi hành án phải mất rất nhiều thủ tục, giấy tờ và công sức. Xét một cách tổng thể, Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để thu về một khoản tiền nhỏ là điều không phù hợp. Vì vậy, đề nghị bãi bỏ quy định án phí về hình sự để giảm số đầu việc, tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự tập trung vào các công việc khác.

Trên đây là một số vấn đề  tổng kết thực tiễn  05 năm thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.

Hà Tuấn Phương – Chuyên viên Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên