Đến dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng chí Lê Thanh Hải, Thường trực Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, các đồng chí là Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Trưởng Thi hành án dân sự và Chấp hành viên thi hành án dân sự các huyện, thành phố.
Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp và được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ, trong năm qua, công tác thi hành án dân sự các cấp đạt một số thành tích đáng phấn khởi: mặc dù biên chế còn thiếu nhưng đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã thi hành xong số việc đạt tỷ lệ 86,81% tổng số việc có điều kiện thi hành (so với chỉ tiêu được giao là 75%), thi hành xong về tiền đạt tỷ lệ 60,78% (chỉ tiêu được giao là 55%). Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án được ngành quan tâm giải quyết triệt để, không để khiếu nại kéo dài, vượt cấp, đặc biệt là đã giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại bức xúc. Bên cạnh đó, ngành còn tập trung tăng cường công tác giải quyết án tồn đọng; phối hợp với các ngành liên quan trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án đúng trình tự, thủ tục quy định… Bên cạnh thuận lợi nêu trên, ngành còn gặp một số khó khăn, hạn chế như đội ngũ cán bộ, công chức còn thiếu so với biên chế được giao, trong khi số lượng bản án, quyết định của Toà án ngày càng nhiều và phức tạp; tình trạng đương sự tái chiếm tài sản sau khi đã cưỡng chế giao tài sản xong còn xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm; nguồn kinh phí chi tạm ứng cho việc cưỡng chế thi hành án chưa đảm bảo, vì phần lớn chi phí tạm ứng cưỡng chế không thu hồi được; sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thi hành án dân sự chưa chặt chẽ; bên cạnh đó một số bản án toà án tuyên chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong tổ chức thi hành, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong tổ chức thi hành án.
Các phát biểu tham luận tại hội nghị còn tập trung vào các vấn đề giải quyết án tồn đọng, khó khăn, phức tạp, công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự…
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân về ý thức chấp hành nghiêm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án; tiếp tục xem xét lựa chọn những cán bộ thi hành án có đủ trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên nhằm kịp thời bổ sung đội ngũ chấp hành viên của tỉnh đang thiếu. Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành án. Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Đối với Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đẩy mạnh quán triệt, giáo dục đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, không ngừng trau dồi nghiệp vụ, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan công tác thi hành án, đảm bảo kịp thời, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhằm hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong công tác thi hành án, đặc biệt là niêm yết quy trình, thủ tục thi hành án, công khai số điện thoại nóng của các cơ quan thi hành án; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp chấp hành viên, cán bộ, công chức thi hành án vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc tổ chức thi hành án.
Bế mạc hội nghị, đồng chí Trương Hùng Thanh, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hạ quyết tâm chỉ đạo ngành thời gian tới ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, thực hiện công tác thi hành án dân sự đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao.
M.H