Công khai quy trình thi hành án ở TP. Hoà Bình: Góp phần giảm án tồn đọng

03/02/2009
Năm 2008, Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hoà Bình đã làm giảm đến 59% khối lượng án tồn đọng, vượt xa so với chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đặt ra (từ 10 – 15%). Một trong những bí quyết để đạt được thành công này là nhờ các quy trình THA đã được công khai rộng rãi.


Cơ sở cùng chung sức.

Như nhiều cơ quan THADS trên toàn quốc, khối lượng án tồn đọng ở TP Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) luôn là nỗi lo lắng hàng đầu của các cán bộ, chấp hành viên. Năm 2007 con số tồn đọng ở TP. Hoà Bình là hơn 1 ngàn việc. Với chỉ 5 chấp hành viên, đây thực sự là một khối lượng không phải nhỏ. “Án không thi hành được, đương sự kiện cáo khắp nơi, họ không hiểu cho cơ quan THA là không có tài sản thì không thể thi hành được”, ông Nguyễn Anh Tung, Trưởng THADS TP. Hoà Bình giãi bày. “THADS nôm na giống như lấy từ túi người nọ bỏ sang túi người kia, người phải cũng kiện mà được cũng kiện vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. THA là người ở giữa phải làm sao đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên mà vẫn giữ ổn định trật tự trên địa bàn. Đó là điều không dễ”

Trước tình hình đơn thư khiếu kiện nhiều, THADS TP. Hoà Bình mạnh dạn thực hiện việc công khai các quy trình THA. Một quyết định về THA ra đời được cơ quan gửi cho tổ hoà giải, tổ dân phố, chính quyền địa phương. Đặc biệt khi xác minh điều kiện THA theo đơn yêu cầu, cơ quan THA mời người được THA đi cùng. Đi cùng để họ chứng kiến người phải THA thực sự có tài sản hay không để tránh kiện cáo sau này. Nếu đương sự không có tài sản thì cơ quan THA sẽ trả đơn, chờ định kỳ sẽ xác minh tiếp. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo THA và người được THA nên có nhiều việc, thậm chí có cả những việc phải cưỡng chế kê biên không nhất thiết phải mời lực lượng công an mà vẫn thành công.

Nhờ công khai các quy trình THA mà đến nay án tồn đọng ở TP. Hoà Bình đã giảm cơ bản. Hiện chỉ còn 150 việc tồn (chủ yếu là án cấp dưỡng nuôi con, án ma tuý, án không rõ địa chỉ…mà không có cơ chế miễn giảm). Năm 2008, THADS TP. Hoà Bình đã giải quyết đạt 96% về việc và trên 70% về tiền, đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong khi các địa phương khác rất khó khăn trong việc chuyển giao án không quá 500 ngàn cho UBND xã, phường trực tiếp đôn đốc thi hành thì tại TP. Hoà Bình, năm 2008 đã giải quyết xong 299/333 việc, chỉ còn tồn 34 việc với số tiền hơn 11 triệu đồng. “Bí quyết” địa bàn này áp dụng thành công là thành lập các tổ chuyên trách theo dõi án chuyển giao gồm 3 người, trong đó có một chấp hành viên, thường xuyên phối hợp với cơ sở xác minh điều kiện THA của đối tượng để tránh việc tẩu tán tài sản.

Trong năm THADS cũng đã lập 96 hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm với số tiền trên 761 triệu đồng. Đến nay số việc được miễn là 72 với số tiền 416 triệu đồng.

Lấy vận động thuyết phục là chính

Địa bàn rộng với 14 xã, phường, 7 dân tộc,  khối lượng án chiếm 1/3 của toàn tỉnh nhưng mỗi năm số vụ việc phải cưỡng chế ở TP. Hoà Bình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Chúng tôi luôn đề cao công tác hoà giải, lấy vận động thuyết phục là chính. Khi đã phải áp dụng cưỡng chế thì cũng mềm dẻo và luôn chủ động cải tiến lề lối làm việc để trong cưỡng chế, đương sự vẫn tự nguyện THA”. Ông Tung cho biết. Việc cải tiến phương pháp làm việc như ông Tung nói là sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ dân phố…trong quá trình THA. “Có những việc chấp hành viên nói chưa chắc đương sự đã nghe, nhưng chính quyền cơ sở mà vào cuộc thì khả năng thành công sẽ lớn hơn do chính quyền cơ sở là nơi gần gũi với dân nhất. THA biết phối hợp với địa phương để phát huy tối đa vai trò của họ thì hiệu quả THA sẽ cao”.

Với nỗ lực trong giảm án tồn đọng, năm 2008 THADS TP. Hoà Bình được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua.

Thu Hằng