Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội

24/03/2014
Chiều ngày 12/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Đoàn giám sát do đồng chí Chu Sơn Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn. Tham dự còn có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân – Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh và đại diện các cơ quan liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Năm 2009, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự trong điều kiện Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nên có những khó khăn nhất định, do phải tập trung ổn định tổ chức, trụ sở làm việc và các điều kiện cần thiết khác. Mặc dù số lượng vụ việc thụ lý mới năm sau nhiều hơn năm trước, năm 2012 tăng 578 việc so với năm 2011, năm 2013 tăng 1.950 việc so với năm 2012. Nhưng, nhìn chung, số việc tồn chuyển năm sau thi hành giảm dần. Số việc năm 2010 tồn chuyển sang năm 2011 là 10.691 việc, số việc năm 2011 tồn chuyển sang năm 2012 là 9.544 việc, số việc năm 2012 tồn chuyển sang năm 2013 là hơn 9.144 việc. Riêng năm 2013 tồn chuyển sang năm 2014 là 9.941 việc, nguyên nhân do việc thụ lý mới trong năm tăng đột biến (9%).

Năm 2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội không có trường hợp nào khiếu nại về việc chậm ra quyết định thi hành án. 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội ra quyết định thi hành án đúng thời hạn theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Theo đó, năm 2013 tổng số việc đã thụ lý là 33.313 việc, tăng 1.550 việc so với năm 2012. Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 23.472 việc, đạt tỷ lệ 91.42%, tăng 2.501 việc so với năm 2012. Về số tiền, tổng số tiền thụ lý là hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng 1.366 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả đã thi hành được 2.089 tỷ đồng trong số tiền có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 83,1%.

 

 

Sau 4 năm triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, sự cố gắng nỗ lực của chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự và sự phối hợp của các ngành có liên quan, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố đã có những tiến bộ, trưởng thành đáng kể so với những năm trước. Tổ chức, bộ máy, đội ngũ công chức thi hành án dân sự toàn thành phố được kiện toàn; cơ sở vật chất của các cơ quan Thi hành án dân sự được từng bước cải thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kết quả thi hành án xong về việc là 129.604 và giá trị tiền, tài sản thu về cho ngân sách, tổ chức và cá nhân là 5 ngàn 676 tỉ 762 triệu đồng; các vụ việc khó khăn, phức tạp trong thi hành án dân sự đã được tập trung giải quyết dứt điểm, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Việc tổng rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được thực hiện nghiêm túc, đạt được yêu cầu đề ra. Đại đa số chấp hành viên nhận thức đầy đủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, nên đã thực hiện việc rà soát, phân loại khá chính xác và đảm bảo tính căn cứ, tỷ lệ việc có điều kiện thi hành hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, số tiền phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành có chiều hướng tăng lên. Thực tế cho thấy những năm gần đây, số việc phải thi hành án liên quan đến các hoạt động tín dụng, ngân hàng có chiều hướng gia tăng, đối với các vụ việc này, việc xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp mất rất nhiều thời gian, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể xử lý xong dẫn đến số tiền phải thi hành án chuyển kỳ sau tiếp tục thi hành tăng dần từng năm. Số việc hoãn thi hành án theo các năm chiếm khoảng 20% so với tổng số việc, tiền đã thụ lý, chủ yếu là các trường hợp người phải thi hành án phải nộp các khoản tiền án phí, phạt, truy nộp sung công quỹ nhà nước trong các bản án hình sự phải đi tù, không có công ăn việc làm, không có thu nhập, không có tài sản, và rất nhiều trường hợp người phải thi hành án bỏ địa phương đi nơi khác, nhiều Công ty TNHH phải nộp khoản án phí KDTM không còn ở địa chỉ đăng ký kinh doanh, không xác định được địa chỉ...

Việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án nhân dân cho cơ quan Thi hành án dân sự cơ bản được thực hiện thường xuyên, tạo thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự  tiếp nhận, thụ lý, đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, có nhiều trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu, cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu giải thích được Toà án ra văn bản giải thích, đính chính, tháo gỡ được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên. Trong công tác xét miễn, giảm án phí, tiền phạt theo quy định của pháp luật, Toà án nhân dân cấp huyện đã tạo điều kiện thuận lợi và phối kết hợp tốt với cơ quan Thi hành án dân sự nên đã tiến hành xét miễn, giảm đạt kết quả tốt; cơ quan Công an thường xuyên tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc chuyển giao, xử lý tài sản, vật chứng và cử lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án hoặc xác minh nhân thân của người phải thi hành án khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đảm bảo cho việc cưỡng chế thi hành án an toàn và đạt kết quả; các cơ quan chuyên môn của thành phố như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ, như: Cử người tham gia cưỡng chế, kê biên, định giá, giao tài sản để thi hành án, lập thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, xác nhận quyền sở hữu tài sản. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương luôn thể hiện sự nhiệt tình, kịp thời tuyên truyền, động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án thuộc đoàn thể của mình và nhân dân hiểu quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để tự nguyện thi hành án, góp phần giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm nhiều vụ án có tính chất phức tạp hoặc những vụ việc liên quan đến họ tộc, người thân của người phải thi hành án.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân - Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong thi hành án dân sự. Trong quá trình thi hành án luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Thành phố Hà Nội là địa phương được triển khai sớm nhất việc thực thi các điều khoản trong Luật Thi hành án dân sự, không chỉ sớm kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự, thành phố còn tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản để đảm bảo hoạt động thống nhất, hiệu quả giữa các đơn vị thuộc thành phố. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tích cực ban hành Quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự giữa các Sở, ngành của thành phố. Để tạo ra hiệu quả tốt hơn trong công tác thi hành án dân sự, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân – Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố kiến nghị với Đoàn Giám sát, thông qua việc giám sát “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 01/7/2009 đến 30/9/2013” đánh giá, làm rõ sự tác động tích cực của Luật Thi hành án dân sự cũng như những bất cập hạn chế trong quy định của Luật Thi hành án dân sự; làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những thiếu sót, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 nhằm bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự; giảm cơ bản vụ việc tồn đọng; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, hạn chế sự chây ỳ, kéo dài của người phải thi hành án; xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp, đồng thời, tạo công khai minh bạch trong các ngành, các cấp; có cơ chế, chính sách để bảo vệ và bảo đảm quyền lợi cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự khi gặp phải những rủi ro hoặc bị đe doạ, bị hành hung và tố cáo, vu oan sai sự thật trong quá trình thực hiện công vụ, tạo điều kiện để công chức thi hành án dân sự yên tâm công tác.

Đồng chí Phó Chủ tịch cũng đề nghị với Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền bổ sung biên chế cho các cơ quan Thi hành án dân sự của thành phố Hà Nội; đề nghị bổ sung tỷ lệ chấp hành viên đồng thời có cơ chế tổ chức thi sát hạch bổ sung đội  ngũ chấp hành viên kịp thời tạo điều kiện để các cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cấp kinh phí xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đảm bảo ổn định lâu dài và trang bị phương tiện, điều kiện làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

 Về phía cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch đề nghị Tòa án nhân dân thành phố kịp thời chuyển giao bản án cho cơ quan Thi hành án dân sự; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp thực hiện đúng thời hạn pháp luật quy định về việc xem xét, giải quyết, trả lời đơn khiếu nại của các đương sự và văn bản kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt đối với những vụ việc đã có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án, đề nghị cần tập trung xem xét giải quyết và có văn bản trả lời đúng pháp luật và tránh được khiếu nại bức xúc từ phía đương sự do chưa được trả lời nội dung khiếu nại.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Chu Sơn Hà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đánh giá công tác thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được thực hiện tốt, đúng pháp luật. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đã hoạt động và phối hợp hiệu quả, tích cực thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả khá cao. Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự thành phố cần tích cực tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo ở các đơn vị cấp huyện, nâng cao năng lực, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Tích cực tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự đến các lực lượng liên quan, đặc biệt tuyên truyền pháp luật cho người dân bằng nhiều hình thức để dân hiểu và làm theo.

Kiều Oanh