Theo báo cáo của đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, năm 2024, mặc dù số việc và tiền thi hành án tăng gần 10% so với năm 2023, nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi sát việc tổ chức thi hành án nên nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm. Cụ thể, tổng số phải thi hành là
12.132 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 9.867 việc, chiếm
81,33%; trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 8.529 việc, tăng 446 việc (tăng 5,52%), đạt tỉ lệ
86,44% (tăng 0,29%) so với cùng kỳ năm 2023; vượt 2,99% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao (83,45%). Về tiền, tổng số phải thi hành là 3.404.261.977.000 đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 1.431.146.957.000 đồng, chiếm
42,04%. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 717.221.971.000 đồng, tăng 57.905.476.000 đồng (tăng 8,78%), đạt tỉ lệ
50,12%, vượt 3,37% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 46,75%. Về theo dõi THAHC, trong năm đã theo dõi là 08 bản án, quyết định (có 05 vụ việc năm trước chuyển sang), đã làm việc với các bên đương sự là 08 vụ việc, qua đó đã theo dõi thi hành xong 04 bản án.
Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đối với việc tiếp công dân hàng ngày và định kỳ theo đúng quy chế tiếp công dân. Trong năm đã tiếp 91 lượt, tổng số người: 87 người, tổng số vụ việc: 79 vụ việc; Đoàn đông người: 01 đoàn, số người: 06 người, số vụ việc: 01; trong đó, Lãnh đạo cơ quan tiếp: 42 lượt, 38 người, 34 vụ việc. Trong năm, đã tiếp nhận giải quyết 27 đơn thuộc thẩm quyền (24 đơn khiếu nại và 03 đơn tố cáo), đã giải quyết xong 26/27 đơn khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ: 96,29% (vượt chỉ tiêu 1,29%).
Theo báo cáo giải trình, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, như: Nhiều vụ việc thế chấp tài sản liên quan đến đất đai, nhà ở, khi xác minh tại thực địa thì giới cận đất đai còn chồng lấn, không xác định rõ vị trí, mộc giới; còn có vụ việc tài sản chưa đảm bảo tính pháp lý; phát sinh tài sản khác trên đất không phải tài sản thế chấp, nên việc giao đất hoặc xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người phải thi hành án trong các vụ việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế không có điều kiện thi hành án chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp Chấp hành viên phải khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung để thi hành án nên vụ việc kéo dài. Đến nay, cơ quan Thi hành án dân sự đã cơ bản xử lý xong tài sản thế chấp là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đã đưa ra theo dõi riêng những vụ việc không còn tài sản để thi hành án. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vụ việc sau khi xử lý xong tài sản thế chấp là tàu cá, bên được thi hành án tiếp tục yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự xử lý các tài sản khác là nhà ở duy nhất, không phải là tài sản thế chấp. Hiện cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục xác minh, làm rõ điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, báo cáo xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh để xử lý theo qui định.
Đoàn Giám sát đã ghi nhận, đánh giá cao kết qủa công tác THADS năm 2024, đồng thời cũng đã xác định những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, qua đó tham gia góp ý nhiều nội dung trong công tác THADS của tỉnh. Để làm rõ hơn những nội dung báo cáo, nhất là những hạn chế, tồn tại, theo yêu cầu của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã báo cáo, giải trình đầy đủ các nôi dung theo yêu cầu của đoàn. Để thực hiện tốt nhơn nhiệm vụ trong năm 2025, Cục THADS tỉnh đã đề ra các giải pháp, như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Cục, các Chi cục theo hướng sâu sát, cụ thể; đề cao vai trò, trách nhiệm của công chức, nhất là người đứng đầu, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong công tác; thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với công chức, người lao động nhằm động viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên bám sát các địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm để theo dõi, chỉ đạo các hoạt động của cấp dưới; kịp thời chỉ đạo việc tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc có điều kiện thi hành trên 01 năm chưa thi hành xong, những vụ việc có giá trị tiền, tài sản lớn và những vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài; nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức thi hành án dân sự, đảm bảo thủ tục thi hành án chặt chẽ, đúng qui định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện những sai sót, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay; chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Công Hoàng