Xác minh điều kiện thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn thi hành

13/12/2010


1. Những thuận lợi

Các quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án hiện nay có thể nói là tương đối cụ thể và chi tiết. Qua đó có những thuận lợi nhất định cho Chấp hành viên khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án:

Thứ nhất, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định giảm gánh nặng cho Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đồng thời gắn trách nhiệm của người được thi hành trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, làm cơ sở để Chấp hành viên tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh trong các trường hợp thi hành án chủ động (theo khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự). Đối với các trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu (ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự), Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh khi người được thi hành có yêu cầu. Tuy nhiên, khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh, người được thi hành án phải xuất trình các tài liệu chứng minh rằng mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và việc yêu cầu Chấp hành viên xác minh phải được lập thành văn bản. Khi đó, người phải được thi hành án phải chịu các chi phí xác minh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự.

Thứ hai, các quy định pháp luật hiện hành về xác minh điều kiện thi hành án giúp cho Chấp hành viên có thể dễ dàng xây dựng kế hoạch xác minh trong những trường hợp cụ thể và đối với những loại tài sản cụ thể. Thông qua kế hoạch xác minh, Chấp hành viên sẽ xác định được thời gian, địa điểm tiến hành xác minh, đối tượng cần tiếp cận để xác minh cũng như các đối tượng có liên quan có thể cung cấp những thông tin mà mình cần thu thập. Quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý thông thoáng để Chấp hành viên yêu cầu đối tượng nắm giữ thông tin phải cung cấp những thông tin đó cho mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng những quy định này cũng không phải là dễ dàng và còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy đòi hỏi Chấp hành viên ngoài việc hiểu rõ quy định pháp luật về xác minh còn phải nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức nắm giữ các thông tin để có phương án giải thích, vận động họ phối hợp cung cấp thông tin cho mình.

2. Những khó khăn trong thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án

Bên cạnh những thuận lợi từ các quy định của pháp luật khi trao quyền cho Chấp hành viên trong việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án, cũng có không ít những khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến việc xác minh. Những khó khăn đó đến với không chỉ Chấp hành viên là người được Nhà nước trao quyền mà đến với cả người được thi hành án là người có trách nhiệm trong việc xác minh đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu.

Khó khăn thứ nhất, theo Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định thì nội dung “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” là nội dung bắt buộc phải có trong đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Nếu thiếu nội dung này, cơ quan Thi hành án có thể căn cứ quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58 thông báo cho người được thi hành án bổ sung nội dung đó trước khi ra quyết định thi hành án.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế dẫn đến những quan điểm khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Qua ví dụ dưới đây sẽ nêu rõ vấn đề:

Bản án của Toà án nhân dân huyện B tuyên ông Nguyễn Văn A phải trả cho ông Trần Văn K số tiền 20 triệu đồng cùng lãi suất chậm thi hành án.

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, ông Trần Văn K làm đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện B, sau khi tiếp nhận và xem xét nội dung đơn, cán bộ tiếp nhận đơn yêu cầu ông B bổ sung nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của ông Nguyễn Văn A. Ông Trần Văn K bổ sung rằng ông Nguyễn Văn A có 01 chiếc xe máy Honda Lead BKS 34P6 – 8209.

Cán bộ thụ lý yêu cầu ông Trần Văn K xuất trình căn cứ chứng minh chiếc xe máy đó là của ông Nguyễn Văn A. Ông K không chứng minh được và cũng không yêu cầu cơ quan Thi hành án xác minh nên cơ quan Thi hành án dân sự huyện B đã không ra quyết định thi hành án đối với khoản ông K yêu cầu.

Quan điểm thứ nhất:

Cơ quan Thi hành án dân sự huyện B không ra quyết định thi hành án đối với khoản ông K yêu cầu là đúng. Vì mặc dù ông K đã cung cấp thông tin về tài sản của ông A, nhưng thông tin đó không được cơ quan có thẩm quyền (ở đây là Phòng CSGT Công an tỉnh H) xác nhận. Vì vậy, thông tin đó chưa đáng tin cậy, nên cơ quan thi hành án dân sự huyện B không thụ lý là đúng.

Quan điểm thứ hai:

Cơ quan Thi hành án dân sự huyện B không ra quyết định thi hành án là sai. Vì theo Điều 31 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định là người được thi hành án phải cung cấp “thông tin” về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào bắt buộc những “thông tin” đó phải là thông tin đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, hay nói cách khác thì những “thông tin” đó chỉ mang tính chất báo tin, trách nhiệm xác minh độ tin cậy sẽ thuộc về cơ quan Thi hành án dân sự.

Trên đây là một ví dụ thực tế, cơ quan Thi hành án dân sự huyện B thực hiện theo quan điểm thứ nhất và đã xảy ra khiếu nại của ông Trần Văn K. Nếu thực hiện theo quan điểm thứ hai thì xét cho cùng, trách nhiệm xác minh trong trường hợp này vẫn thuộc về Cơ quan Thi hành án dân sự huyện B. Thông tin do ông B cung cấp chỉ mang tính tham khảo. Như vậy sẽ không đúng với tinh thần đổi mới của Luật Thi hành án dân sự so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 như đã phân tích ở trên.

Khó khăn thứ ha, thuộc về người được thi hành án, xuất phát từ quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự:

“Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.”

Theo tinh thần của quy định trên thì người được thi hành án được yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án khi:

+/ Không có điều kiện để tiến hành xác minh.

+/ Đã tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác tiến hành xác minh nhưng không có kết quả.

+/ Có yêu cầu bằng văn bản Chấp hành viên tiến hành xác minh.

Từ quy định trên có thể thấy rằng, mặc dù trách nhiệm và cũng là quyền lợi của người được thi hành án tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên để thực hiện được quyền, trách nhiệm đó không phải là chuyện dễ dàng.

Mặc dù tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 58 có quy định “… Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo uỷ quyền của người được thi hành án có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

Thực tế cho thấy, ngay cả Chấp hành viên là người được Nhà nước trao những quyền năng nhất định khi gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xác minh còn gặp phải những trở ngại nhất định huống chi là người được thi hành án với tư cách là một cá nhân bình thường đến yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cung cấp những thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án thì là một điều rất khó khăn.

Việc tự mình hoặc thông qua người uỷ quyền tiến hành xác minh đã rất khó khăn, việc chứng minh với cơ quan Thi hành án dân sự rằng mình hoặc người uỷ quyền đã tiến hành áp dụng các biện pháp cần thiết mà không đạt kết quả càng khó hơn. Pháp luật không quy định thế nào và trong trường hợp nào là “biện pháp cần thiết”, người được thi hành án nói rằng biện pháp mình áp dụng là đã cần thiết, cơ quan Thi hành án bảo chưa, vậy thì sẽ xử lý thế nào?

Tại đoạn 2 khoản 2 Điều 6 Nghị định số 58 mới chỉ quy định:

“Việc xác minh tại cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được uỷ quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.”

Quy định trên vẫn có bất cập đó là làm thế nào để người được thi hành án chứng minh được ngày nào là ngày mình đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cung cấp thông tin để làm căn cứ tính thời hạn 01 tháng? Và lý do chính đáng ở đây ai phải có trách nhiệm cung cấp? Người được thi hành án hay cơ quan, tổ chức, cá nhân đó?

Đây vẫn là điểm yếu trong kỹ thuật lập pháp của nước ta, pháp luật vẫn có những quy định mang tính chất chung chung, đa nghĩa dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Chỉ sau khi đạt được những điều kiện như đã nói ở trên, người được thi hành án mới có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc trốn tránh trách nhiệm của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự, dễ xảy ra tâm lý ngại khó mà đẩy cho người được thi hành án thực hiện việc đi xác minh, thu thập tài liệu chứng minh việc mình làm không đạt kết quả… Những quy định như vậy dễ làm phát sinh những khiếu nại, khiếu kiện do tâm lý của người được thi hành án thấy quyền lợi của mình chưa được bảo đảm mà việc xác minh của mình mặc dù đã tiến hành xác minh hết cách cũng không biết làm thế nào để chứng minh được và để Chấp hành viên chấp nhận yêu cầu xác minh của mình.

Khó khăn thứ ba, khi người được thi hành án có văn bản yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh và đã được chấp nhận thì họ phải chịu chi phí cho việc xác minh. Tuy nhiên chi phí đó hiện nay chưa có quy định cụ thể về định mức, thanh toán. Điều này làm cho các cơ quan Thi hành án rất lúng túng trong việc thu chi phí xác minh của người được thi hành án có yêu cầu xác minh. Đồng thời cũng dễ xảy ra tình trạng lợi dụng của Chấp hành viên tự ý thu phí xác minh của người được thi hành án một cách tuỳ tiện. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân đối với Cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung.

Trên đây là trao đổi về những khó khăn và thuận lợi trong việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và những người quan tâm./.

Lương Thanh Tùng