Giải pháp nào giải quyết án tồn đọng?

02/06/2008

Có thể nói một trong những khó khăn lớn của cơ quan thi hành án hiện nay là giải quyết lượng án tồn đọng. Số việc từ năm cũ chuyển sang năm mới ngày càng nhiều mà hiện nay Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết những bản án tồn đọng trước khi pháp lệnh THA năm 2004 có hiệu lực. Các bản án đang tổ chức thi hành cho dù có điều kiện THA nhưng vẫn thuộc dạng tồn đọng đó còn chưa nói đến án không có điều kiện thi hành. Tỷ lệ THA đạt không cao, những án tồn đọng đang là gánh nặng đối với cơ quan THA. Vì vậy rất cần có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, khắc phục.Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến án tồn đọng?



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến  án tồn đọng nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

+Nội dung bản án toà án tuyên không rõ, khó thi hành, không phù hợp với thực tiễn ví dụ:  Bản án số 02 ngày 25/1/1994 của toà án nhân dân Thành phố Đồng Hới-Tinh Quảng Bình tuyên Ông Trương Duy Nghi và Bà Đinh Thị Ninh được quyền sử dụng 4m x 12m đất, bà Ninh được quyền sử dụng 4m x 12m đất tại lô 72 phường Hải Đình Thành phố Đồng Hới, nhưng trên thực tế cả lô đất chỉ có 6m x 12m đất (1). Các cấp toà xét xử nhiều lần đương nhiên thi hành án cũng phải nhiều lần thực hiện quyết định của toà án. Đây là một trong những nguyên nhân  đáng kể cho việc thi hành án gặp  khó khăn. Hiện nay, những án tương tự như vậy cũng khá nhiều ở các cơ quan thi hành án. Khi bản án được chuyển sang cơ quan thi hành án thì những biên bản thoả thuận, biên bản giải quyết thi hành án đã “thay thế” nội dung của bản án đã tuyên.  Xét về nguyên tắc thì nhiệm vụ của cơ quan thi hành án phải thực thi các phán quyết của toà đã tuyên, nếu làm trái quyết định của toà án là chưa đúng pháp luật. Chẳng hạn bản vẽ sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của toà án không đúng với thực tế  nên mặc dù án có hiệu lực pháp luật song đương sự vẫn không chấp hành và khiếu kiện lâu dài.  Thi hành án không có quyền sửa bản án, cán bộ thi hành án không thể thi hành bản án được vì các những thiếu sót của bản án. Nếu cơ quan thi hành án làm văn bản kiến nghị  các cơ quan tố tụng thì thủ tục giải quyết cũng khá lâu và đương sự khó đủ kiên nhẫn chờ đợi các cơ quan nhà nước giải quyết.

+Các án ma tuý toà đã tuyên phạt từ 5.000.000-20.000.000 để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhằm mục đích răn đe tội phạm nhưng quá trình thi hành án cũng không thi hành được do tội phạm vừa nghiện vừa không có tài sản.

+Người phải thi hành án  cố tình chây ỳ, cản trở không thực hiện bản án mặc dù họ có tài sản, có điều kiện thi hành án. Bị cáo đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để thi hành án, người phải thi hành án bỏ trốn khỏi địa phương hiện không rõ địa chỉ. Hoặc có địa chỉ tại địa phương nhưng lại không rõ nơi cư trú. Cán bộ thi hành án không thể xác minh địa chỉ được nếu đương sự không còn ở nơi cư trú hoặc theo hộ khẩu.

+ Bên phải thi hành án là cơ quan, tổ chức nhà nước không có điều kiện thi hành án cụ thể: (Mới đây báo pháp luật thành phố Hồ chí minh online ngày 15/05/2008) đã phản ánh chuyện năm 1991, Ông Lưu Việt Hồng bị VKSND tỉnh Bến Tre truy tố tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", sau đó được toà án tuyên vô tội. Ông đã yêu cầu VKSND tỉnh phải bồ thường hơn 8.3 tỷ đồng. Tại phiên sơ thẩm tháng 5/2007TAND Thị Xã bế Tre tuyên buộc VKSND tỉnh phải bồi thường 216.000.000đ. Không đồng ý, ông Hồng kháng cáo.Tháng 9/2007 TAND Tỉnh Bến Tre xử phúc Thẩm buộc VKSND tỉnh phải bồi thường cho ông  hơn 350.000.000đ. Từ đó đến nay nhưng VKSND tỉnh không chịu thi  hành án. Bản án số 28 Tỉnh Quảng Bình tuyên: Sở văn hoá thông tin tỉnh phải thi hành án trả cho ông Vương Hưng Đức và ông Nguyễn Đình Lai 69.000.000 nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được vì sở không có kinh phí để thi hành án (2)

+Các điều  Luật trong bộ luật hình sự chưa đủ sức răn đe người phải chấp hành án dân sự . Các biện pháp cưỡng chế dân sự chưa đủ mạnh để buộc các đương sự phải chấp hành bản án. Hiện nay, trong bộ luật hình sự  năm 1999 duy nhất chỉ có điều 304  quy định tội không chấp hành  án. Mặt khách quan của tội này: “Chỉ bị coi là phạm tội nếu sau khi đã bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế mà vẫn tiếp tục không chịu chấp hành án”. Để  truy tố những người không thực hiện bản án dân sự, phải tiến hành xử phạt hành chính từ 02 lần hoặc tiến hành cưỡng chế như kê biên, phong toả tài khoản...Nhưng để áp dụng biện pháp cưỡng chế tỷ lệ quá ít, ít khi thi hành án áp dụng đặc biệt ở cấp huyện. Ngay cả điều 32 nghị định 173NĐ/CP ngày 30/9/2004 của chính phủ hầu hết các chấp hành viên cũng hiếm sử dụng khi phạt hành chính người phải thi hành án. Bởi số tiền phải thu nay đã không thu được, liệu đương sự có chấp hành quyết định xử phạt hành chính tiếp nữa không? Bên cạnh đó quá trình thi hành án  kể cả án có điều kiện thi hành gặp không ít những khó khăn và gian nan, thường xuyên gặp nguy hiểm, tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác thi hành án chiếm khá cao đây cũng là khó khăn cho công tác thi hành án.

-Nhiều địa phương lãnh đạo chưa đưa công tác thi hành án vào trong chương trình hành động của uỷ ban nhân dân. ở cấp xã án chuyển giao xuống   theo thông tư  05  ngày 27/2/2002   chỉ có cán bộ tư pháp thực hiện hiệu quả còn rất nhiều hạn chế. Thực tế cán bộ tư pháp không trực tiếp tác động hồ sơ THA mà khi đương sự có việc gì liên quan tới giấy tờ ở cấp xã thì “nhân thể” tác động hồ sơ. Nếu thu được thì thu không thu được tiền thì dẫn đến việc tồn đọng.

Vì vậy để khắc phục và giải quyết  án tồn đọng theo tôi cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là: Cần phải có những bước đột phá về khâu tổ chức cán bộ. Từ năm 2008 không tuyển dụng hệ tại chức, mở rộng, tuyển dụng các cán bộ trẻ, khoẻ có trình độ Đại học Luật, tỷ lệ nam cao hơn nữ. Vì vậy, chúng ta mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ có năng lực có đủ trình độ phẩm chất đạo đức dám làm, dám chịu trách nhiệm bổ nhiệm chấp hành viên sớm để họ đảm đương công việc. Nếu như trong pháp lệnh thi hành án năm 2004 quy định cứng là 05 năm công tác thì chuyên viên ngoài việc đi học lớp nghiệp vụ mới được xem xét bổ nhiệm chấp hành viên thì vấn đề quy hoạch cán bộ còn chậm. Nếu như  bây giờ chúng ta quy hoạch vậy khoảng 10 năm sau chúng ta mới  có đội ngũ chấp hành viên đáp ứng được công việc.

Hai là: Ngành toà án cần hạn chế một bản án phải qua nhiều cấp xét xử và ra nhiều bản án. Bản án vừa thi hành xong lại thi hành lại. những bản án về tài sản có giá trị lớn toà cần tuyên giao cho cơ quan THA giải quyết không nên tuyên cụ thể số tiền vì trong thực tế có sự biến động giá cả trên thị trường người được THA sẽ chịu thiệt do trượt giá. nếu bản án tuyên cụ thể thì cơ quan THA khó thi hành vì trong quá trình THA có nhiều phát sinh mà toà án không dự liệu được. Đối với các bản án có tang vật không còn gía trị sử dụng, hoặc có giá trị dưới 50.000đ toà nên tuyên tiêu huỷ. không nên tuyên trả lại cho người phải THA vì nhiều trường hợp họ ở xa không thể đến cơ quan THA nhận tài sản vì chi phí tầu xe quá số tiền tang vật, nên bản án vẫn tồn đọng. Đồng thời cần có các quy định của pháp luật đối với thẩm phán, chuyên viên toà án, chấp hành viên, chuyên viên THA. Cụ thể: Các bản án, quyết định của toà án thì thẩm phán và chấp hành viên  phải theo án đến cùng để có thể khắc phục những thiếu sót của bản án. Giải quyết những vướng mắc án đó phát sinh; các trường hợp miễn, giảm thi hành án và án chuyển giao xuống phường. Với phương châm án của thẩm phán nào xét xử thì người đó phải theo dõi; chấp hành viên nào nhận án phải phải giải quyết án đến cùng kể cả án uỷ thác đi nơi khác khắc phục án tuyên nửa vời.

Ba là: Tăng cường tuyên truyền pháp luật về thi hành án rộng rãi đối với nhân dân. Cần tích cực điều tra, xác minh, phân loại án có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết xử lý những người phải cơ thi hành án có điều kiện thi hành mà không chấp hành bản án theo điều 304 Bộ luật hình sự. Các cơ quan tố tụng cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho ngành mình khi cơ quan thi hành án kiến nghị truy tố các đương sự không chấp hành bản án đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt đối với những vụ án dân sự trọng điểm mang tính nổi cộm chưa thi hành được mặc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành. Cần thiết phải thành lập tổ thi hành án ở cấp Huyện dưới sự chỉ đạo của ban chỉ đạo thi hành án nhằm tập trung trí tuệ tập thể cán bộ ở huyện, xã  ngoài việc vẫn thực hiện việc chung và phải tham gia tổ thi hành án. Nhiệm vụ tổ này giải quyết án ở từng thôn, khu phố dứt điểm sau đó tổng kết và tiếp tục làm những địa điểm khác.

Bốn là: Sửa đổi bổ sung một số điều tại thông tư  02 liên bộ  ngày 17/6/2006 về việc miễn giảm về thi hành án theo hướng đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian xét miễn giảm. Nên có các quy định giao thẩm quyền cho trưởng thi hành án các địa phương, hoặc chủ tịch UBND cấp xã  khi làm thủ tục xét miễn giảm đối với một số án cụ thể. Cần phải phân biệt và chỉ rõ các đối tượng phạm tội cụ thể đối tượng phạm tội nào được miễn, giảm. Ví dụ như : Mục 3, 4 thông tư các trường hợp  miễn chỉ nói chung chung về vụ án hình sự về ma tuý. Theo chúng tôi cần nêu rõ tội phạm buôn bán, tàng trữ miễn, giảm phải khác với tội sử dụng chất ma tuý. Bởi tội sử dụng chất ma tuý đa số đương sự không còn khả năng chấp hành án, rất nhiều trường hợp họ đã thuộc “giai đoạn cuối” của cuộc đời.

Năm là: Luật phải quy định có sự ràng buộc giữa người phải thi hành án với chính quyền địa phương và một số cơ quan khác đối với cơ quan thi hành án. Chẳng hạn người phải thi hành án với số tiền nhất định. Nếu họ chưa thi hành án mà lại có nhu cầu bán tài sản của mình mà cơ quan thi hành án chưa tiến hành thủ tục kê biên, áp dụng các biện pháp cưỡng chế; Nếu đương sự bán tài sản tất nhiên họ phải ra chính quyền địa phương xác nhận giấy tờ. Vậy phải có quy định chính quyền địa phương yêu cầu người phải thi hành án đến cơ quan thi hành án giải quyết hướng dẫn thủ tục, hoặc khi người phải thi hành án bán tài sản khi xác nhận của cấp xã phải có ý kiến của cơ quan thi hành án.  Theo chúng tôi tất cả các bản án cần phải  được thông báo cho chính quyền địa phương nơi người phải thi hành án đang sinh sống được biết để phối hợp tốt với cơ quan thi hành án địa phương giải quyết bản án. 

Sáu là: Trường hợp đối với những người đã chấp hành phạt tù bản thân họ đã phải trả giá do hành động mình gây ra. Vì vậy, pháp luật cần có quy định đối với những án từ năm 1997 trở về trước khi xoá án tích không cần xác minh phần dân sự án phí của họ. về việc làm cho những người hoàn lương để tạo điều kiện họ đi làm có thu nhập thì họ mới có thể bồi thường  cho gia đình nạn nhân khi họ ra tù. Nếu họ ra tù họ chưa có công việc làm ổn định, họ không sinh sống tại địa chỉ như trong bản án đã tuyên thì thi hành án vô cùng khó khăn và phần dân sự của án  khó có thể kết thúc. Thiệt thòi vẫn thuộc người được thi hành án. Nếu người  được thi  hành án chết thì các tổ chức, cá nhân liên quan yêu cầu toà án xác định tài sản riêng của họ để đảm bảo THA.

Trần Đại Sỹ