Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện kiểm sát thường xuyên việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, giúp các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự. Đặc biệt, trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, định giá tài sản, tiêu huỷ tang vật đều được Việc Kiểm sát nhân dân cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát, phối hợp tốt với cơ quan thi hành án trong công tác đề nghị xét miễn, giảm tiền phạt, án phí theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển giao bản án, quyết định và tang vật từ Toà án nhân dân cho cơ quan thi hành án cơ bản được thực hiện kịp thời, tạo thuận lợi cho các cơ quan thi hành án tiếp nhận, thụ lý, đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, có nhiều trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án có văn bản yêu cầu giải thích thì Toà án đã kịp thời ra văn bản giải thích, đính chính, tháo gỡ được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên. Trong công tác xét miễn, giảm án phí, tiền phạt theo quy định của pháp luật, Toà án nhân dân cấp huyện đã tạo điều kiện thuận lợi và phối kết hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự nên đã tiến hành xét miễn, giảm đạt kết quả tốt.
Lực lượng công an thường xuyên tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án khi có yêu cầu tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án hoặc xác minh nhân thân của người phải thi hành án. Trước khi tham gia bảo vệ, Lãnh đạo công an đã cử lực lượng tiến hành khảo sát địa bàn cưỡng chế, lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế phù hợp với đặc điểm, tình hình, từng đối tượng và từng vụ việc cụ thể. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, các cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế thi hành án nhiều vụ việc, ngăn chặn và làm hạn chế hành vi chống đối của đương sự đối với người thi hành công vụ, bảo vệ an toàn tính mạng của những người tham gia cưỡng chế và các tài sản có liên quan đến việc thi hành án.
Các cơ quan chuyên môn như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và công nghệ, Phòng quản lý dodo thị, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ, như: cử người tham gia cưỡng chế, kê biên, định giá, gia tài sản để thi hành án, lập thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, xác nhận quyền sở hữu tài sản. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương luôn thể hiện sự nhiệt tình, kịp thời tuyên truyền, động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án hoặc cán bộ, công chức là người phải thi hành án, thuộc hội đoàn thể của mình và nhân dân hiểu quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để tự nguyện thi hành án, góp phần làm cho cơ quan thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm nhiều vụ án có tính chất phức tạp hoặc những vụ việc liên quan đến họ tộc, người thân của người phải thi hành án.
Tuy nhiên, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự ở Bình Định vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Một là, việc chuyển giao các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và tang vật cho cơ quan thi hành án dân sự từng lúc, từng nơi thiếu kịp thời, nhất là các việc thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án; một số vụ án có tang vật nhưng khi chuyển giao bản án, quyết định, Tòa án chưa chuyển giao tang vật hoặc có chuyển giao nhưng không đầy đủ, không đúng số lượng. Do đó, nhiều trường hợp đương sự đến cơ quan thi hành án yêu cầu tự nguyện thi hành án nhưng vật chứng, tài sản chưa được Tòa án chuyển giao nên gặp nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án.
Có một số trường hợp, bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu, Trưởng Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu giải thích, đính chính nhưng Tòa án trả lời không kịp thời, đầy đủ, cá biệt có trường hợp không trả lời, làm cho việc thi hành án có lúc, có nơi còn tồn đọng, ảnh hưởng đến hoạt động thi hành án và quyền lợi của các đương sự.
Một số Tòa án nhân dân cấp huyện chưa quan tâm xem xét phối hợp trong công tác xét miễn, giảm tiền phạt, án phí, như Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước nhiều năm liền chưa xét được trường hợp nào.
Hai là, Viện kiểm sát nhân dân thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với cơ quan thi hành án dân sự nhưng chưa quan tâm đến việc kiểm sát các cơ quan trong việc phối hợp thi hành án hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với người phải thi hành án, người được thi hành án và những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc thi hành án.
Ba là, khi cơ quan thi hành án dân sự có kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, có văn bản yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự cưỡng chế, vẫn còn một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan thi hành án, như: cử không đủ lực lượng tham gia, tham gia thiếu nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm bảo vệ chưa cao, cá biệt có trường hợp khước từ không cử lực lượng công an tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
Bốn là, công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa thường xuyên. Vì vậy, ý thức chấp hành việc thi hành án dân sự của người có nghĩa vụ thi hành án ở một số nơi còn xem nhẹ, nhiều trường hợp chây ỳ, thách thức, chống đối làm ảnh hưởng đến hoạt động thi hành án dân sự và ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Năm là, sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo đúng mức trong công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự, vẫn còn quan niệm cho rằng việc đó là của cơ quan thi hành án dân sự, nên chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm, nhất là những vụ thi hành án dân sự có liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp xã và các Hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị phải thi hành án. Nhiều Ban chỉ đạo thi hành án chưa duy trì họp định kỳ, nên những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa được đưa ra bàn bạc thống nhất để chỉ đạo thi hành, nhiều vụ việc còn tồn đọng, kéo dài dẫn đến khiếu nại vượt cấp.
Sáu là, việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công tác thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn như: đương sự chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật, án có điều kiện thi hành nhưng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, trong khi đó cấp Ủy và chính quyền địa phương cũng như các ngành có liên quan thiếu sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp tập trung giải quyết dứt điểm, làm cho số lượng đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp chưa giảm.
Bảy là, việc phối hợp xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án, như công tác định giá tài sản, có một số cơ quan chuyên môn cử người chưa đảm bảo chuyên môn nên gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản. Có một số trường hợp, khi Chấp hành viên mời các cơ quan tham gia Hội đồng định giá tài sản kê biên nhưng không cử người hoặc có cử nhưng không đủ thành phần, làm cho vụ việc phải hoãn nhiều lần, gây trở ngại cho việc tổ chức thi hành án.
Thủ tục đăng ký, chuyển quyền sử dụng, sở hữu nhà đất và tài sản khác do cơ quan thi hành án phát mãi cũng còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian, yêu cầu nhiều loại giấy tờ có liên quan đến tài sản mà cơ quan thi hành án không thể đáp ứng được. Việc bán đấu giá tài sản để thi hành án trong một số trường hợp còn chậm, phải bổ sung thủ tục, đi lại nhiều lần và chưa tổ chức bán đấu giá tại nơi có tài sản để tạo điều kiện cho nhiều người tham gia đấu giá và đảm bảo được giá trị thật của tài sản bán đấu giá.
Để góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự ở Bình Định ngày càng hiệu quả hơn, thì công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự cần được quan tâm, chú trọng hơn. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Bình Định cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao hơn việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự.
Lê Tuấn