Sơn La: Vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 22/2011/BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự

18/04/2012
Ngày 02/12/2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 20/01/2012, sau đây gọi tắt là Thông tư số 22) với nhiều quy định mới thay thế Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện cho thấy một số quy định về vấn đề chi trả tiền trong thi hành án của Thông tư số 22 chưa phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản liên quan.


1. Tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 22 quy định “Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan Thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền”. Cũng vấn đề này, Khoản 2, Điều 126 Luật Thi hành án dân sự lại quy định “Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự”.

Như vậy, giữa Luật Thi hành án dân sự và Thông tư số 22 có sự không đồng nhất trong quy định về thời hạn và chủ thể gửi tiền đối với khoản tiền chi trả cho đương sự trong trường hợp đương sự chưa đến nhận. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thời hạn là 15 ngày kể từ ngày được thông báo và chủ thể gửi tiền là Chấp hành viên. Còn theo quy định của Thông tư số 22 thì thời hạn là 30 ngày kể từ ngày được thông báo và chủ thể gửi tiền là cơ quan thi hành án dân sự. Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì phải áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự vì là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi thì thời hạn và chủ thể gửi tiền quy định tại Thông tư số 22 hợp lý và phù hợp hơn vì trên thực tế, nhiều đương sự với những lý do khách quan khác nhau không thể đến cơ quan Thi hành án để nhận lại tiền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông báo, việc tăng thời hạn lên 30 ngày tạo điều kiện cho đương sự về mặt thời gian đồng thời cũng giảm bớt các thủ tục cho cơ quan Thi hành án trong việc thông báo cho đương sự.

2. Tại Khoản 7, Điều 10 Thông tư số 22 quy định “Hồ sơ thi hành án lưu bản chính giấy ủy quyền, bản phô-tô chứng minh nhân dân; chứng từ kế toán lưu bản phô-tô giấy ủy quyền và chứng minh thư nhân dân của người nhận tiền”. Cũng vấn đề này, Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự lại quy định “Chứng từ lưu ở bộ phận kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự phải là bản chính. Trong trường hợp chứng từ chỉ có 01 bản chính mà phải lưu ở hồ sơ kế toán và hồ sơ thi hành án thì hồ sơ kế toán lưu bản chính, hồ sơ thi hành án lưu bản sao”.

Hiện nay, việc lưu chứng từ ở bộ phận kế toán và hồ sơ thi hành án trong trường hợp chứng từ chỉ có 01 bản chính mà phải lưu ở cả hồ sơ kế toán và hồ sơ thi hành án cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa biết phải thực hiện theo văn bản nào?

Trên đây là những vướng mắc bước đầu trong việc thực hiện Thông tư số 22 tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Sơn La về vấn đề chi trả tiền trong thi hành án, đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, hướng dẫn để kịp thời để cơ quan thi hành án dân sự địa phương có cơ sở thực hiện.

Nguyễn Minh Đức