Với việc kiện toàn hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ, việc triển khai các nhiệm vụ công tác được thực hiện đồng bộ, tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương đã đem lại nhiều hiệu quả thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BTP ngày 09/4/2012 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch trong Ngành Tư pháp”; Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 30/8/2012 về tăng cường công tác xây dựng kế hoạch trong Ngành Tư pháp. Đây là những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng.
Để có cơ sở thực tiễn vững chắc hơn trong việc bảo đảm kế hoạch công tác trở thành công cụ thực hiện có hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến nội dung xây dựng Kế hoạch công tác hàng năm về thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định.
I. Quy trình thực hiện xây dựng kế hoạch công tác
Kế hoạch công tác thi hành án dân sự hàng năm là một trong những văn bản pháp lý quan trọng xác định tính kế hoạch của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương do Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự ban hành trên cơ sở kế hoạch chung của Ngành Thi hành án dân sự. Thực tiễn việc xây dựng kế hoạch công tác thi hành án dân sự hàng năm tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định được thực hiện theo 05 quy trình:
Thứ nhất: Lập Dự thảo Kế hoạch công tác.
Thứ hai: Thảo luận và lấy ý kiến góp ý Dự thảo.
Thứ ba: Tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa nội dung Dự thảo.
Thứ tư: Trình Dự thảo Kế hoạch để Lãnh đạo Cục xem xét trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt.
Thứ năm: Công bố, phát hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Quy trình, cách thức xây dựng Kế hoạch công tác hàng năm về thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định được thực hiện như sau:
1. Giai đoạn lập dự thảo Kế hoạch công tác.
Đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch công tác; ở giai đoạn này đơn vị được phân công xây dựng Kế hoạch (Văn phòng Cục) phải xác định rõ những nội dung sau:
a) Mục đích, yêu cầu và phạm vi, nội dung công việc
Xác định nội dung tổng thể của Kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; trên cơ sở mục đích yêu cầu chung, gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tình hình thực tiễn của địa phương để đề ra mục đích, yêu cầu và phạm vi, nội dung công việc đối với tỉnh và mỗi huyện.
Ví dụ: Kế hoạch số 48/KH-TCTHADS ngày 09/01/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự xác định mục đích công tác thi hành án dân sự năm 2012 “Thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 của toàn Ngành đã được xác định trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án và công tác đặc xá năm 2011...”, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định đã triển khai trong kế hoạch công tác 2012 “Thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 của Ngành Thi hành án dân sự; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.
Kế hoạch công tác thi hành án dân sự được lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, do đó nội dung của kế hoạch phải xác định tổng thể, toàn diện trên các mặt công tác, thể hiện việc định hướng, hoạch định các nhiệm vụ được giao như: công tác nghiệp vụ; công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác xây dựng và phát triển Ngành… Trong đó phải xác định rõ công việc nào là công việc trọng tâm của năm công tác để ấn định trong Kế hoạch cho phù hợp. Ví dụ: Với việc Tổng cục Thi hành án dân sự định hướng công tác “Xác định năm 2012, công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục là công tác trọng tâm”, Cục Thi hành dân sự tỉnh Nam Định đã xác định trong Kế hoạch công tác như sau “Xác định năm 2012, công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục là công tác trọng tâm; tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bồi dưỡng, kiện toàn, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự; bảo đảm chất lượng và cơ bản đủ số lượng theo quy định;...”.
b) Về các phương pháp thu thập, phân tích thông tin phục vụ công tác xây dựng Kế hoạch công tác thi hành án dân sự
Đây là những cách thức, biện pháp tổ chức tiếp nhận và phân tích xử lý thông tin, số liệu để rút ra những tri thức, nội dung phục vụ việc đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch công tác của các cơ quan Thi hành án dân sự. Trong thực tế xây dựng Kế hoạch công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Nam Định, rút ra một số phương pháp được sử dụng chủ yếu sau:
b.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu:
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến và hiệu quả, dựa trên các nguồn thông tin tại các văn bản như: Báo cáo tổng kết công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự; Kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các tin tức hội nghị, hội thảo, trả lời trực tuyến của Lãnh đạo Bộ Tư pháp được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng có liên quan đến công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự… Trên cơ sở đó tổng hợp và đề ra trong Dự thảo Kế hoạch chung của tỉnh và mỗi đơn vị.
b.2. Phương pháp thu thập, phân tích số liệu, kết quả thi hành án:
Đây là phương pháp được thường xuyên sử dụng, dựa trên nguồn thông tin chính là báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự hàng năm của Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, xác định được số việc, tiền còn phải thi hành chuyển sang năm sau và định lượng, định tính số lượng việc, tiền sẽ thụ lý mới trong năm tiếp theo để nhận định, đánh giá đề ra các giải pháp cụ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về Thi hành án dân sự do Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho tỉnh Nam Định và chỉ tiêu do Cục Thi hành án dân sự giao cho mỗi đơn vị cấp huyện.
b.3. Phương pháp thu thập kết quả từ đơn vị điển hình - thí điểm:
Được sử dụng để đánh giá hiệu quả từ việc thực hiện nhiệm vụ của những đơn vị xuất sắc để nhân rộng trong toàn tỉnh; hoặc những hoạt động mới được thực hiện để áp dụng, nhân rộng trong toàn tỉnh. Ví dụ: Thực hiện Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 của Bộ Tư pháp, Kế hoạch số 631/TCTHADS-TĐKT ngày 24/4/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự, ngày 23/5/2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch 364/CTHADS-TĐKT về phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Theo đó đã chọn xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường là xã điểm để thực hiện. Thông qua việc theo dõi các hoạt động tại địa bàn này để đánh giá kết quả, xem xét có thể nhân rộng thực hiện tại các đơn vị khác.
b.4. Phương pháp phỏng vấn – trả lời hoặc xin ý kiến thỉnh thị:
Đây là phương pháp đặc thù trong thu thập thông tin của Ngành Thi hành án dân sự. Phương pháp này nhằm khắc phục những hạn chế mang tính định lượng, định tính trong việc xây dựng Kế hoạch công tác. Các hình thức sử dụng phổ biến của phương pháp này là: bằng điện thoại hoặc thư điện tử.
Ví dụ: Tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2011 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nam Định có đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2012 “Tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, có giá trị thi hành lớn trên địa bàn thành phố”. Để làm rõ nội dung này phải sử dụng phương pháp phỏng vấn đối với Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nam Định để xác định rõ vụ việc (họ và tên đương sự; số, ngày tháng năm của Bản án, Quyết định thi hành án; nội dung phải thi hành, những vướng mắc liên quan đến vụ việc cần được tháo gỡ) để đưa vào danh mục kèm theo Kế hoạch những vụ việc phức tạp cần giải quyết trong năm 2012.
Việc xin ý kiến thỉnh thị của Cơ quan cấp trên cũng được vận dụng thường xuyên. Ví dụ: Kế hoạch công tác 2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự xác định “Tổ chức kiểm tra, xét duyệt, tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách năm 2011 của các đơn vị trực thuộc; theo dõi, đối chiếu tổng hợp tình hình thu nộp phí thi hành án và báo cáo tài chính nghiệp vụ thi hành án”. Cục Thi hành án dân sự đã xin ý kiến của Vụ Kế hoạch tài chính – Tổng cục Thi hành án dân sự về lịch dự kiến duyệt quyết toán ngân sách năm 2011 đối với các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định, trên cơ sở đó dự kiến trong kế hoạch công tác lịch duyệt quyết toán đối với các đơn vị cấp huyện trực thuộc.
b.5. Phương pháp đánh giá điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức:
Phương pháp này được các cơ quan Thi hành án dân sự sử dụng chủ yếu trong định hướng công tác nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Ví dụ: Năm 2012, Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định là thi hành xong 89% về việc, 75% về tiền, giảm tối thiếu từ 10 đến 13% việc chuyển kỳ sau. Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định phải lập danh sách những vụ việc chuyển kỳ sau còn phải thi hành; trong đó phân loại rõ việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện; số việc, tiền có thể xét miễn giảm; định lượng số việc, tiền mới thụ lý trong năm tiếp theo. Bám sát kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, kết hợp việc đánh giá thực trạng, tình hình địa phương, đội ngũ cán bộ thi hành án để dự báo tình hình và phân bổ chỉ tiêu nhiệm vụ cho các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm bảo đảm chi tiêu chung của toàn tỉnh.
c) Chủ thể thực hiện, chủ thể phối hợp việc thu thập và phân tích thông tin, số liệu
Nội dung này xác định chủ thể thực hiện, chủ thể phối hợp thu thập và phân tích thông tin số liệu, góp ý, đánh giá kết quả thu được. Hiện tại, việc thực hiện xây dựng Kế hoạch công tác của Cục Thi hành án dân sự được giao cho Văn phòng Cục. Để có được thông tin toàn diện từ các mặt hoạt động trong công tác thi hành án dân sự cần xác định chủ thể phối hợp để thu thập thông tin. Ví dụ: Đối với việc rà soát phân loại án cần phối hợp với Lãnh đạo phòng Nghiệp vụ, để cụ thể những vụ việc thuộc cấp huyện thì liên lạc Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.
Trường hợp, nội dung Kế hoạch công tác có liên quan đến các Ngành khác thì liên hệ với Lãnh đạo phụ trách hoặc phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ. Ví dụ: Kế hoạch định hướng tăng cường việc Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Thi hành án dân sự thì phải chủ động liên hệ với phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp để thu thập thông tin và định hướng trong Kế hoạch cho phù hợp.
d) Xác định các nguồn thông tin và kiểm định các nguồn thông tin
Nguồn thông tin sử dụng trong việc xây dựng Kế hoạch khá đa dạng như: Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, Ủy ban nhân dân tỉnh; phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự; quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, báo cáo đề xuất của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự; phản ánh của các cơ quan ban ngành hữu quan có liên quan… Trên cơ sở đó tổng hợp, nghiên cứu và đối chiếu với mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành Thi hành án dân sự trong năm tới để định hướng trong Dự thảo kế hoạch công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
e. Xây dựng Dự thảo Kế hoạch
Sau khi xác định được các nội dung trên sẽ thực hiện việc xây dựng Dự thảo Kế hoạch công tác; trong đó định hướng nhiệm vụ toàn diện trên các mặt công tác:
- Công tác chuyên môn nghiệp vụ (việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; công tác xét miễn giảm, công tác phối hợp trong việc xét đặc xác; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ);
- Công tác kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo;
- Công tác xây dựng và phát triển Ngành: việc tham gia góp ý xây dựng Văn bản, Đề án của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; các Văn bản Luật theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định; các Văn bản về thi hành án dân sự cần tham mưu trình cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành; công tác tổ chức cán bộ;
- Công tác phối hợp của cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan ban ngành hữu quan (việc quản lý chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp; tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; việc phối hợp của cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan);
- Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành (việc quản lý chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Cục, chi cục; công tác kế hoạch của Cục và các Chi cục; quy chế làm việc của các đơn vị…);
- Công tác Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Thi hành án dân sự và các văn bản khác có liên quan đến Thi hành án dân sự;
- Công tác kế hoạch tài chính (ngân sách, nghiệp vụ thi hành án);
- Công tác thi đua khen thưởng (việc phát động và đăng ký thi đua; giao chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự cho các đơn vị và Chấp hành viên…);
- Các mặt công tác khác (cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác Đảng, đoàn thể; vì sự tiến bộ phụ nữ…).
Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn được định hướng, trong Dự thảo Kế hoạch cần xác định các biện pháp, cách thức thực hiện công việc. Trong đó có các phương pháp để kiểm soát thực hiện kế hoạch (tiến độ thực hiện, điều chỉnh khi có sự thay đổi tình hình dẫn đến việc điều chỉnh Kế hoạch…); phương pháp kiểm tra (đối tượng kiểm tra; hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra; nguồn nhân lực thực hiện… ) và trách nhiệm của tập thể, cá nhân các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch.
Thời gian thực hiện cho giai đoạn này từ 03 đến 05 ngày.
2. Giai đoạn thảo luận và lấy ý kiến góp ý Dự thảo
Sau khi Văn phòng Cục hoàn thiện Dự thảo, sẽ tổ chức 01 buổi làm việc hoặc sao gửi tài liệu để lấy ý kiến góp ý Dự thảo. Các chủ thể lấy ý kiến góp ý gồm: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự; Lãnh đạo và cán bộ Văn phòng được phân công xây dựng Kế hoạch; Lãnh đạo phòng Nghiệp vụ, Lãnh đạo phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, đại diện Lãnh đạo một số Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ các nhiệm vụ chung của Ngành, địa phương và tình hình thực tiễn trong công tác thi hành án dân sự, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, loại bỏ hoặc những nội dung còn có ý kiến khác nhau sẽ được thảo luận để thống nhất đường lối định hướng trọng Kế hoạch công tác. Thời gian thực hiện từ 01 đến 02 ngày.
3. Giai đoạn tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa nội dung Dự thảo.
Trên cơ sở các ý kiến của góp ý xây dựng Dự thảo, cán bộ Văn phòng được giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp, chỉnh sửa và hoàn thiện Kế hoạch. Thời gian thực hiện từ 01 đến 02 ngày.
4. Giai đoạn trình Dự thảo Kế hoạch để Lãnh đạo Cục xem xét trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt.
Sau khi hoàn thiện, Kế hoạch công tác được báo cáo Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét và thông qua nội dung. Kế hoạch công tác sau khi được Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự nhất trí sẽ được gửi để xin ý kiến của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở nhất trí của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Kế hoạch công tác sẽ được báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt Thời gian thực hiện từ 05-07 ngày.
5. Giai đoạn công bố, phát hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của Tổng cục Thi hành dân sự đối với Kế hoạch công tác thi hành án dân sự của địa phương, Cục Thi hành án dân sự thực hiện việc phát hành cho các cơ quan đơn vị trực thuộc và các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện. Căn cứ Kế hoạch công tác của Cục Thi hành án dân sự, các Chi cục Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch công tác báo cáo Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh phê duyệt để thực hiện tại địa bàn huyện.
II. Những khó khăn, tồn tại
Trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng Kế hoạch công tác thi hành án dân sự cho thấy còn những khó khăn, tồn tại sau:
1. Về văn bản hướng dẫn.
Hiện nay, chưa có văn bản của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn về bố cục, nội dung Kế hoạch, tiêu chí, biểu mẫu cũng như cơ chế theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện Kế hoạch công tác. Do đó việc xây dựng Kế hoạch công tác tại các đơn vị còn chưa được đồng nhất; còn lúng túng trong việc xây dựng và đề ra định hướng trong Kế hoạch. Việc kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện Kế hoạch công tác và đề ra những giải pháp còn hạn chế.
2. Về biên chế.
Hiện tại, việc xây dựng Kế hoạch công tác tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định được giao cho 01 đồng chí thuộc biên chế của Văn phòng Cục Thi hành án dân sự. Do hiện nay, công tác văn phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định gồm rất nhiều các mảng việc như: Tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính (ngân sách và nghiệp vụ thi hành án), kế hoạch công tác, tổng hợp thống kê, thi đua khen thưởng… trong khi đó, công tác xây dựng, theo dõi Kế hoạch công tác là công việc còn mới mẻ lại do cán bộ tổng hợp, thống kê, thi đua khen thưởng kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng việc theo dõi tiến độ, kế hoạch cũng còn chưa được thực hiện sát sao, thường xuyên.
3. Về thời điểm ban hành và thời điểm thực hiện Kế hoạch.
- Thông thường, Chương trình công tác tư pháp hàng năm của Bộ Tư pháp được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 của năm công tác. Căn cứ Kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch công tác để triển khai tới các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Trên cơ sở đó, Cục Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện cho phù hợp với kế hoạch chung của Ngành. Các nội dung này thường được hoàn thiện trong tháng 2 của năm công tác.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, để bảo đảm việc báo cáo Kết quả công tác thi hành án dân sự của Chính phủ trước Quốc hội, hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc khóa sổ, chốt số liệu công tác đến 30/9 hàng năm. Từ 01/10 được tính kết quả của năm tiếp theo, (chỉ còn số liệu về Kế toán ngân sách được thực hiện theo năm công tác). Như vậy, thực tế việc triển khai công tác của năm tiếp theo tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã được thực hiện từ ngày 01/10 hàng năm. Vấn đề này cũng gây ít nhiều lúng túng cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác định nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm tiếp theo của Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự.
4. Về số liệu phục vụ hoạt động xây dựng Kế hoạch.
Việc sử dụng số liệu, kết quả thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng cho việc phân tích, đánh giá, định hướng Kế hoạch công tác, tuy nhiên các biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ Tư pháp về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, nên có những trường hợp việc đánh giá, nhận định kết quả thi hành án dân sự ở một số địa bàn chưa được sát thực, dẫn đến việc phải điều chỉnh, thay đổi kế hoạch công tác.
5. Về thay đổi, điều chỉnh Kế hoạch.
Đây là một trong những vấn đề thường xảy ra đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đặc biệt trong kế hoạch tổ chức thi hành án dân sự. Thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự phải triển khai một số nhiệm vụ công tác mới phát sinh theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự hoặc trong việc tổ chức thi hành án, nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã xây dựng Kế hoạch giải quyết dứt điểm một số vụ án trên địa bàn, tuy nhiên khi đề nghị cơ quan Công an xây dựng Kế hoạch bảo vệ cưỡng chế thì lại không được đáp ứng do cơ quan Công an phải huy động lực lượng để thực hiện cưỡng chế hành chính theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị nội bộ của Ngành… Trong năm 2012, nội dung này càng hạn chế hơn bởi sau ảnh hưởng từ vụ việc cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng – Hải Phòng, nhiều vụ việc cưỡng chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã phải điều chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện.
III. Một số đề xuất kiến nghị
- Hiện nay Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/N Đ-CP của Chính phủ chưa xác định rõ trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự trong việc xây dựng Kế hoach công tác dài hạn, ngắn hạn về thi hành án dân sự tại địa phương. Trong khi đó, các cơ quan đầu ngành khác tại địa phương lại quy định rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng Kế hoạch công tác, ví dụ: Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác Tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về nhiệm vụ của Sở Tư pháp “Dự thảo kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm và các Đề án, Dự án, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vị quản lý nhà nước của Sở Tư pháp”. Do đó đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ xem xét bổ sung nội dung này.
- Đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng biểu mẫu chung về Kế hoạch công tác, trong đó xác định rõ các tiêu chí cần phản ánh trong Kế hoạch; các phương pháp phù hợp với cấp tỉnh, cấp huyện để phân tích, đánh giá. Chú trọng những nội dung cần được dự báo trước về tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch công tác. Hiện nay cần nghiên cứu tháo gỡ việc Ngành Thi hành án dân sự kết thúc năm công tác vào 30/9 những đến đầu năm tiếp theo mới ban hành được Kế hoạch công tác sau khi có kế hoạch công tác chung của Ngành Tư pháp.
- Đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thống kê thi hành án dân sự thay thế Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ Tư pháp về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, tạo cơ sở tốt hơn trong việc thu thập phân tích số liệu, kết quả thi hành án để đưa ra những dự báo về tình hình kế hoạch công tác của địa phương.
- Đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tăng cường 01 biên chế cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc xây dựng Kế hoạch công tác tại Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường việc tổ chức các lớp tập huấn về công tác xây dựng Kế hoạch cho công chức các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Tăng cường việc ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm phục vụ cho công tác xây dựng Kế hoạch./.
Phạm Thị Đương
Cục THADS tỉnh Nam Định