VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHƯA THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ GIỮA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ HIỆN HÀNH

16/08/2023
Tóm tắt: Bài viết phân tích, so sánh một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS) với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, sau đây gọi tắt là Luật THADS), đề xuất hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới khi tiến hành sửa đổi Bộ luật TTDS và Luật THADS, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật.


I.Đặt vần đề:
Luật Thi hành án dân sự ra đời năm 2008, đến năm 2014 được sửa đổi, bổ sung (sau đây gọi tắt là “Luật THADS”)[1] đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; Luật THADS đã quy định đầy đủ hơn, cụ thễ hơn về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân theo quy định pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đến ngày 01/7/2016, Bộ luật Tố tung dân sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là “Bộ luật TTDS”) bắt đầu có hiệu lực, đây có thể được coi là một trong những Bộ luật mang tinh thần đổi mới theo Hiến pháp 2013, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, do Bộ luật TTDS có hiệu lực thi hành sau Luật THADS nên có một số nội dung chưa được dự liệu trong Luật THADS, dẫn đến việc chưa có sự thống nhất, đồng bộ hoàn toàn giữa Bộ luật TTDS và Luật THADS hiện hành. Hiện nay, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đang xây dựng chủ trương, kế hoạch tổng kết qua 14 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự, để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những hạn chế, vướng mắc, bất hợp lý của Luật này.
Bài viết sau đây, tác giả phân tích, đối chiếu những nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật TTDS với Luật THADS hiện hành và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự.
 
II.Đối chiếu, so sánh những nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật TTDS với Luật THADS hiện hành:
 
II.1. Một số điểm chưa thống nhất giữa Bộ luật TTDS và Luật THADS trong quy định về “Những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành”:
Về “bản án, quyết định được thi hành” được quy định tại Điều 2 của Luật THADS như sau:
“Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Trong khi đó, tại Điều 482 của Bộ luật TTDS về “những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành”, có quy định:
1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án được thi hành là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật này;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”.
Như vậy, so với Bộ luật TTDS, có những trường hợp sau chưa được quy định là “những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành” trong Luật THADS, đó là: Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ TTDS”[2] và các bản án, quyết định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đặc biệt là “quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công”[3] đối với trường hợp những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, Bộ luật TTDS còn quy định cụ thể thêm đối với “những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị”, bao gồm kể cả trường hợp những bản án, quyết định sơ thẩm đó có thể bị “khiếu nại” hoặc “kiến nghị”.
Đồng thời, liên quan đến “quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công” thì tại khoản 3 Điều 485 của Bộ luật TTDS cũng quy định: 3. Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.[4]. Tuy nhiên, quy định tương ứng về loại việc này chưa có trong Luật THADS. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 28 Luật THADS quy định về “chuyển giao bản án, quyết định” như sau: 3. Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
Trong thực tế, đến nay, có thể các cơ quan thi hành án dân sự chưa có tiền lệ tổ chức thi hành án đối với trường hợp này, tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải dự liệu tình huống phải tổ chức thi hành “quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công”, theo quy định của Bộ luật TTDS trong thời gian tới, khi nền kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển cùng với sự phát sinh của các tranh chấp lao động tập thể.
II.2. Quy định chưa thống nhất, đồng bộ về thời hạn Tòa án trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo Điều 170 Luật THADS; Cụ thể: Tại điểm b khoản 2 Điều 170 Luật THADS quy định Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự TW trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là: “..trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị”. Tuy nhiên, tại Điều 487 Bộ luật TTDS quy định về thời hạn Tòa án giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan THADS đối với bản án, quyết định của Tòa án thì: “Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền phải trả lời trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 04 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.”. Cần lưu ý, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 của Luật THADS: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây: …đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;”. Do vậy, việc chưa thống nhất, đồng bộ trong quy định về thời hạn Tòa án trả lời kiến nghị của cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS trong việc lựa chọn thời điểm để tiếp tục thi hành án.
II.3. Về thi hành quyết định giám đốc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án:
Hiện nay, theo quy định tại khoản 5 Điều 343 Bộ luật TTDS thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án[5], cụ thể hơn, tại Điều 347 Bộ luật TTDS có quy định: 1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án;
b) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
2. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.. Trương ứng với quy định tại Điều 343 Bộ luật TTDS, tại Mục 3 Chương V của Luật THADS cũng có 03 điều luật quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm như sau:
- Điều 134 Luật THADS: Quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiện lực pháp luật.
 - Điều 135 Luật THADS: Quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.
- Điều 136 Luật THADS: Quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiện lực pháp luật.
Như vậy, đối với quyết định giám đốc thẩm tuyên sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (theo khoản 5 Điều 343 và Điều 347 Bộ luật TTDS) thì chưa được quy định cụ thể trong Luật THADS, sự thiếu vắng của điều luật này có thể khiến cho các cơ quan thi hành án dân sự gặp lúng túng trong việc áp dụng căn cứ pháp luật khi gặp trường hợp nảy.
          II. 4. Về biệp pháp khẩn cấp tạm thời:  
Hiện nay, theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có tới 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án có thể áp dụng (chưa kể đến các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định)[6], tuy nhiên đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì có một số biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa được Luật THADS quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành, dẫn đến cơ quan THADS gặp lúng túng trên thực tế nếu phải thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dạng này,, ví dụ như: biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án[7].
II.5. Về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam: Vấn đề này có những nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Bộ luật TTDS với Luật THADS như sau: 
Thứ nhất, quy định về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài: Theo khoản 1 Điều 425 Bộ luật TTDS: Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu”. Như vậy, Bộ luật TTDS (Điều 425) chỉ quy định người được thi hành (hoặc đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không quy định những chủ thể khác có quyền này[8]. Do đó, nếu như một chủ thể khác mà Tòa án Việt Nam cho rằng không phải là người được thi hành nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì có khả năng Tòa án Việt Nam sẽ từ chối thụ lý vì lý do họ không có quyền. Cho đến nay, Tòa án tối cao cũng chưa có hướng dẫn thế nào là người được thi hành và trong thực tế đã có những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài Tòa án không thể xác định bên nào là người được thi hành, chẳng hạn như các bản án, quyết định về quan hệ hôn nhân mà trong đó Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn, không có giải quyết tranh chấp về tài sản[9]. Trong khi đó, tại điểm b khoản 1 Điều 7a Luật THADS có quy định quyền của người phải thi hành án cũng được: “Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;”
Ngoài ra, không phải bao giờ người muốn Tòa án Việt Nam công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cũng là người được thi hành. Trong thực tế, có thể có trường hợp chính người phải thi hành muốn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài vì bản án này có lợi cho họ, bất lợi cho người được thi hành; chẳng hạn như trường hợp Tòa án nước ngoài bác hầu hết hoặc phần lớn yêu cầu của nguyên đơn (đồng thời là người được thi hành). Khi đó, người phải thi hành chấp nhận thi hành để bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không phải bị bên kia tiếp tục kiện ra Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án một nước khác, nhằm tìm kiếm một phán quyết khác có lợi hơn cho bên khởi kiện.
Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu cho công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam: Theo quy định tại khoản 1 Điều 432 Bộ luật TTDS thì “trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc Tòa án Việt Nam có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó”.Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn (khoản 2 Điều 432 Bộ luật TTDS).
Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 30 Luật THADS có quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”.
Như vậy, quy định trên có thể được hiểu thời hiệu 3 năm là thời hạn để người được thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tiến hành các thủ tục yêu cầu nhằm trao cho bản án, quyết định của Toà án nước ngoài khả năng được thi hành tại Việt Nam, còn thời hiệu 5 năm vừa nêu được áp dụng sau khi bản án, quyết định của Toà án nước ngoài đã nhận được khả năng thi hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cách hiểu này không phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 439 của Bộ luật TTDS, theo đó: Những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:..6. Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam.. Như vậy, quy định về thời hiệu yêu cầu cho công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam có sự không thống nhất giữa quy định tại khoản 1 Điều 432 với khoản 6 Điều 439 của Bộ luật TTDS và với Luật THADS. Quy định trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật để người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó, như tại khoản 1 Điều 432 của Bộ luật TTDS đã vô tình làm mất đi 02 năm thời hiệu của họ. Bởi vì, trong trường hợp người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ không kịp thời gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, trong thời hạn 03 năm như quy định tại khoản 1 Điều 432 Bộ luật TTDS và không chứng minh được do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, thì phải sau 02 năm nữa bản án, quyết định đó mới không được công nhận thi hành tại Việt Nam theo quy định tại khoản 6 Điều 439 Bộ luật TTDS hiện hành. 
 
III. Một số đề xuất, kiến nghị:
          Từ những phân tích, đối chiếu nói trên, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung cũng như pháp luật liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự nói riêng, tác giả xin có một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS và Luật THADS trong thời gian tới; cụ thể như sau:
          III. 1. Đối với Luật Thi hành án dân sự:
- Đề nghị bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Luật THADS đối với trường hợp: quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật TTDS và bổ sung khoản 2 Điều này như sau: 2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”.
- Đề nghị bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật THADS như sau: “3. Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công  phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
- Đề nghỉ sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Luật THADS như sau:  “Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 04 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.”.
- Đề nghị bổ sung tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau: “Cấm xuất cảnh dối với người có nghĩa vụ”; “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình”; “Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu”; “Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án”.
- Đề nghị bổ sung tại Mục 3 Chương V Luật THADS điều luật quy định về “thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
III. 2. Đối với Bộ luật Tố tụng dân sự:
- Đề nghị sửa đổi Điều 425 Bộ luật TTDS theo hướng cho người phải thi hành, người có nghĩa vụ có liên quan cũng có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
- Đề nghị sửa đổi Điều 432 Bộ luật TTDS theo hướng nâng thời hiệu yêu cầu cho công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam từ 03 năm lên thành 05 năm.
Người viết: Nguyễn Giao – Chi cục THADS Quận 12 TP. Hồ Chí Minh.
 

[1] Cụ thể Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Luật số 64/2014/QH13) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Đến ngày 11/01/2022, được sửa đổi, bổ sung tại các Điều 55,56,57 quy định về ủy thác thi hành án theo  Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022.

 [2] Cụ thể tại Điều 360 của Bộ luật TTDS năm 2015, quy định: Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
1. Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham dự (nếu có) và khi xét thấy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì tùy từng trường hợp, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định như sau:
a) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;
b) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tòa án nhân dân tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;
c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.
 
[3] Cụ thể Điều 412 Bộ luật TTDS năm 2015, quy định: Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công:
1. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải nêu rõ lý do và căn cứ để kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công.
Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được công bố công khai tại phiên họp và gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp. Tập thể lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.
2. Sau khi quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công được công bố, nếu cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
 
[4] Điều 485 Bộ luật TTDS năm 2015.
[5] Cụ thể tại Điều 343 Bộ luật TTDS năm 2015, quy định: Thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
 
[6] Cụ thể tại Điều 114 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định  các biện pháp khẩn cấp tạm thời, gồm có:
1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.
14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.
15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.
16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
 

[7] Huy Hùng, Một số vấn đề cần lưu ý khi thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành;

https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1042

[8] Đồng thời tại khoản 2 Điều này của Bộ luật TTDS năm 2015 quy định người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ chỉ có quyền “yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
 
[9] Nguyễn Thị Thùy Dung; Một số bất cập trong thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam. https://phapluatdansu.edu.vn/2017/11/07/12/16/mt-so-bt-cap-trong-thu-tuc-cng-nhan-v-cho-thi-hnh-ban-n-quyet-dinh-cua-ta-n-nuoc-ngoi-tai-viet-nam/