Những kết quả đạt được trong thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

14/11/2023


Thi hành án là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế, được Hiến pháp quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 hiện hành đã dành riêng một Chương (chương XIX) quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Qua 07 năm thi hành, các quy định của Luật TTHC năm 2015 đã góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm nguyên tắc hiến định mọi bản án có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành, góp phần hoàn thiện từng bước quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
1. Những kết quả đạt được
Để tổ chức triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính (THAHC) và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, trong đó đã chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật TTHC, THAHC, nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, HVHC và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế khiếu kiện hành chính phát sinh. Đồng thời, với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tư pháp đã: (1) ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC áp dụng trong Hệ thống THADS; (2) phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch về hướng dẫn phối hợp trong thống kê THADS, theo dõi THAHC liên ngành; đồng thời có văn bản hướng dẫn thống nhất về chế độ báo cáo, thống kê công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC gửi các bộ, ngành, địa phương để thực hiện; (3) có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, tăng cường chỉ đạo đối với công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; (4) Chỉ đạo Tổng cục THADS ban hành Quy trình theo dõi THAHC trong hệ thống THADS, Quy chế công khai thông tin người phải thi hành án không chấp hành án hành chính …
Đối với các Cục THADS, theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi THAHC và tham mưu giúp UBND cùng cấp trong công tác THAHC khi được phân công. Để triển khai nhiệm vụ được giao, các cơ quan THADS đã quán triệt, triển khai các quy định về THAHC, theo dõi THAHC đến toàn thể công chức, Chấp hành viên thông qua các văn bản chỉ đạo, tổ chức Hội nghị riêng hoặc lồng ghép vào các Hội nghị tổng kết, sơ kết, họp giao ban theo định kỳ; phân công 01 lãnh đạo Cục phụ trách nghiệp vụ chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác theo dõi THAHC; tham mưu hoặc phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND cùng cấp và cơ quan khác có liên quan tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị về tăng cường công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trên địa bàn; phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng các kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác theo dõi THAHC qua đó chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về theo dõi THAHC; phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan liên quan tiến hành phân tích, đánh giá số liệu xét xử vụ án hành chính, số liệu quyết định buộc THAHC và kết quả công tác theo dõi THAHC; tổng hợp, báo cáo, tham mưu xây dựng báo cáo, thống kê về công tác THAHC, theo dõi THAHC theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền…
2. Kết quả thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính
2.1. Kết quả thi hành án hành chính
Tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án từ ngày 01/10/2017 đến hết ngày 30/9/2023 là 3.335 bản án, quyết định (đây là các bản án, quyết định có nội dung mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thi hành án). Trong đó, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án ngày càng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2023 với tổng số phải thi hành là 1.375 bản án. Kết quả thi hành xong trên tổng số bản án, quyết định phải thi hành cũng tăng qua các năm. Cụ thể năm 2020 thi hành xong 363 bản án (tăng 65 bản án so với năm 2019); năm 2021 thi hành xong 455 bản án (tăng 92 bản án so với năm 2020); năm 2023 thi hành xong 582 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022).
2.2. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Thực hiện Luật TTHC năm 2015, các cơ quan THADS đã thực hiện cơ bản đúng, đầy đủ và kịp thời chức năng theo dõi THAHC đối với các bản án thuộc phạm vi theo dõi của các cơ quan THADS. Theo đó, từ ngày 01/10/2017 đến hết ngày 30/9/2023, các cơ quan THADS đã ban hành 2.255 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 1.656 quyết định buộc thi hành án hành chính; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 2.157 vụ việc; có 481 văn bản kiến nghị người có thẩm quyền đôn đốc, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án.
3. Đánh giá chung
Trên cơ sở Luật TTHC năm 2015, thể chế về THAHC, theo dõi THAHC đã từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã ban hành hoặc phối hợp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, báo cáo công tác THAHC, theo dõi THAHC; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với công tác THAHC, theo dõi THAHC đã có những chuyển biến tích cực từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác THAHC trên địa bàn với việc ban hành các Chỉ thị, đưa vào các Nghị quyết hay các văn bản chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện; công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật TTHC, THAHC được triển khai thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; công tác thống kê, báo cáo về kết quả THAHC, công tác theo dõi thi hành án hành chính của Hệ thống THADS đã được triển khai, từng bước đi vào nền nếp. Kết quả THAHC theo đó đã có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước.
         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau: (1) nhiều địa phương, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án; (2) vẫn còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, số bản án chưa thi hành xong chuyển kỳ sau tăng qua các năm; (3) mặc dù còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, trong đó có một số bản án đã kéo dài trong nhiều năm, Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS đã có nhiều văn bản đôn đốc, kiến nghị xem xét trách nhiệm, tuy nhiên, vẫn chưa có trường hợp cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án bị xem xét, xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án...
4. Khó khăn, vướng mắc
Một là, quy định về đối tượng bị áp dụng quyết định buộc thi hành án của Tòa án: Tại khoản 1 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án” (điểm b khoản 2 Điều 311 quy định thời hạn tự nguyện thi hành án đối với cả bản án có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 311 Luật TTHC năm 2015). Theo quy định này, đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC của Tòa án là người phải thi hành án. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính…. thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính”. Theo đó, trường hợp bản án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, thì người khởi kiện tiếp tục phải thi hành QĐHC đã khởi kiện, nếu vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có quyền cưỡng chế hành chính ngay và việc thi hành án trong trường hợp này sẽ được tiến hành theo thủ tục hành chính (Tòa án không phải ra quyết định buộc THAHC đối với người khởi kiện) hay phải đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc THAHC rồi mới được quyền thực hiện cưỡng chế hành chính. Quy định tại khoản 1 Điều 312 và điểm a khoản 1 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 dẫn đến cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong THAHC.
Hai là, quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính: Khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Một trong những quyền, nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định tại Điều 56 Luật TTHC năm 2015 là “Tham gia phiên tòa, phiên họp”; “Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án …”. Quá trình triển khai thực hiện quy định này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn. Nguyên nhân là do mỗi vụ án hành chính thường kéo dài và người bị kiện phải tham gia nhiều giai đoạn từ phiên họp giao nộp cung cấp chứng cứ, đối thoại, xác minh và các phiên xét xử. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan bị kiện đã tham gia phiên tòa theo đúng quy định ngay từ lần triệu tập đầu tiên, nhưng thường các phiên tòa lại bị hoãn, dẫn đến người đứng đầu hoặc của cấp phó (khi được ủy quyền) khó khăn trong việc chủ động sắp xếp công việc để tham gia phiên tòa, trong khi người đứng đầu với trách nhiệm quản lý, điều hành, khối lượng công việc phải chỉ đạo giải quyết là rất lớn. Đồng thời, với việc vắng mặt của một bên đương sự trong quá trình Tòa án xem xét, giải quyết vụ án, trong nhiều trường hợp đã gây khó khăn cho Hội đồng xét xử trong việc xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan vụ việc để đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng bản án, quyết định của Tòa án cũng như hiệu quả trong quá trình tổ chức THAHC.
Ba là, quy định về thời hạn tự nguyện THAHC: Tại khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, trừ một số trường hợp bản án, quyết định phải thi hành ngay”. Quy định nêu trên chưa rõ trong thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án phải thi hành xong tất cả các nghĩa vụ theo nội dung bản án hay chỉ cần đã tiến hành được một trong các bước để thi hành án theo thời hạn, trình tự, thủ tục mà pháp luật quản lý chuyên ngành điều chỉnh được xem là đã tự nguyện thi hành án. Điều này gây khó khăn trong việc xác định có hay không việc vi phạm nghĩa vụ THAHC trong những vụ việc THAHC cụ thể.
Bốn là, quy định về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS: Luật TTHC năm 2015 tại khoản 2 Điều 312 quy định quyết định buộc THAHC phải được gửi cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án theo quy định của Tòa án và đây là quy định duy nhất trong Luật TTHC năm 2015 quy định về trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS. Thực tiễn đang có 02 quan điểm khác nhau về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS. Quan điểm cho rằng phạm vi bản án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS là những bản án Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện và buộc cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện một nhiệm vụ, công vụ cụ thể, có quan điểm cho rằng cơ quan THADS phải theo dõi THAHC đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, bao gồm cả những bản án Tòa án tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện.
Năm là, quy định về phạm vi THAHC: Hiện nay tại điểm h khoản 1 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 về thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định: Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Đồng thời, tại Điều 1 Luật THADS về phạm vi điều chỉnh quy định: “Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành …phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án”. Như vậy, việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được Luật TTHC năm 2015 dẫn chiếu đến Luật THADS và được Luật THADS điều chỉnh. Tuy nhiên, Luật TTHC năm 2015 chưa điều chỉnh nội dung thi hành quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong bản án, quyết định dân sự và Luật THADS chưa dẫn chiếu nên thực tế hiện nay, các QĐHC hoặc HVHC bị Tòa án tuyên hủy trong bản án, quyết định dân sự không được thi hành theo thủ tục THAHC mà được thi hành theo thủ tục THADS. Điều này dẫn đến bất cập trong thực tiễn đó là cùng một nội dung phán quyết của Tòa án liên quan đến QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhưng trình tự, thủ tục thi hành lại khác nhau. Nếu phán quyết hành chính nằm trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thì thi hành theo trình tự, thủ tục THAHC do Luật TTHC quy định; nếu phán quyết hành chính nằm trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự thì thi hành theo trình tự, thủ tục THADS do Luật THADS quy định.
Sáu là, quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong THAHC: Theo quy định tại Điều 315 Luật TTHC năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để có biện pháp thi hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm trả lời, thời hạn trả lời kiến nghị hoặc thông báo kết quả thực hiện kiến nghị của các chủ thể bị kiến nghị cho Viện kiểm sát nhân dân. Điều này làm giảm hiệu lực các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trên thực tế.
Bảy là, quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THAHC: Luật TTHC năm 2015 mới chỉ quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính mà chưa có quy định về khiếu nại, tố cáo trong THAHC. Bộ Tư pháp nhận thấy, Luật TTHC năm 2015 giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về THAHC, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý THAHC nhưng chưa quy định thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC. Hiện nay, việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình THAHC mới chỉ quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và điều luật này chỉ mang tính dẫn chiếu đến Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo mà chưa quy định thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC nên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC trên thực tế.
5. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính
5.1. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm thi hành án hành chính ngay trong giai đoạn Tòa án giải quyết vụ án hành chính
Thứ nhất, quy định về người đại diện tham gia tố tụng tại Điều 60 của Luật TTHC năm 2015: Hiện nay khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định này bị vi phạm phổ biến. Nguyên nhân được xác định là do số lượng khởi kiện hành chính ngày càng gia tăng, trong khi thời gian giải quyết một vụ án hành chính thường kéo dài do tính chất phức tạp của tranh chấp hành chính, đương sự phải có mặt nhiều lần theo triệu tập của Tòa án để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này gây khó khăn cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các cấp trong việc tham gia TTHC. Với phiên tòa xét xử vắng mặt của một bên đương sự, việc xem xét, đánh giá vụ việc để đưa ra quyết định cuối cùng là một khó khăn đối với Hội đồng xét xử. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng bản án, quyết định của Tòa án cũng như hiệu quả trong quá trình tổ chức thi án.
Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 theo hướng: Mở rộng đối tượng được ủy quyền tham gia TTHC đến Thủ trưởng cơ quan chuyên môn - là đơn vị đã tham mưu ban hành QĐHC bị khởi kiện. Vì thực tế, các cơ quan chuyên môn là cơ quan trực tiếp tham mưu và nắm rõ nhất toàn bộ vụ việc phát sinh tranh chấp hành chính. Sự tham gia TTHC của người đứng đầu cơ quan chuyên môn sẽ giúp cho Hội đồng xét xử có được góc nhìn đầy đủ, toàn diện, khách quan về vụ việc phát sinh tranh chấp hành chính, trên cơ sở đó đưa ra phán quyết bảo đảm khách quan, khả thi và đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, về thẩm quyền của Hội đồng xét xử vụ án hành chính (Điều 193 Luật TTHC năm 2015): Đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm của hội đồng xét xử vụ án hành chính trong việc tuyên rõ, tuyên cụ thể nhiệm vụ, công vụ mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi QĐHC, HVHC bị tuyên hủy/tuyên trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ. Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc xác định và tuyên cụ thể thời hạn người phải thi hành án phải thực hiện xong nhiệm vụ, công vụ. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính không có nội dung buộc cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện một nhiệm vụ, công vụ cụ thể hoặc có nội dung tuyên nhưng chung chung theo hướng cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Điều này làm cho người phải thi hành án lúng túng trong việc xác định nghĩa vụ phải thực hiện; thiếu căn cứ để cơ quan THADS, VKSND và Thủ trưởng cơ quan cấp trên của người phải thi hành án trong việc thực hiện hiệu quả các cơ chế đôn đốc, kiểm tra, kiểm sát và theo dõi hoạt động THAHC của người phải thi hành án mà Luật TTHC năm 2015 đã quy định.
5.2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong giai đoạn thi hành án hành chính
Thứ nhất, về cơ chế THAHC: tiếp tục duy trì cơ chế “tự thi hành án” song song với việc tăng cường hơn nữa các biện pháp có tính “cưỡng chế” trong THAHC. Thực chất của hoạt động THAHC theo quy định của pháp luật hiện hành là quá trình cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải ban hành một QĐHC mới hoặc thực hiện một HVHC mới nhằm khôi phục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân theo đúng phán quyết của Tòa án. Hoạt động này được điều chỉnh bởi pháp luật về quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp hành chính từ thẩm quyền cho đến trình tự, thủ tục thực hiện. Do đó, hoạt động THAHC là hoạt động không thể thay thế (tức người phải thi hành án phải tự mình thực hiện). Với  đặc thù này, việc áp dụng cơ chế “cưỡng chế thi hành án” như trong hoạt động THADS là không phù hợp; việc tiếp tục duy trì cơ chế “tự thi hành” của của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải THAHC theo pháp luật hiện hành là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác THAHC, thì bên cạnh cơ chế “tự thi hành”, pháp luật THAHC cần nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng tăng cường hơn những những biện pháp có tính chất “cưỡng chế” trong THAHC như: Quy định về phạt tiền nếu vi phạm nghĩa vụ THAHC; quy định về bồi thường nhà nước trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ THAHC gây thiệt hại cho phía người được THAHC.
Ngoài ra, Luật TTHC năm 2015 cần bổ sung quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc THAHC, do hiện nay, Bộ Tư pháp mới chỉ được giao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về quản lý THAHC; đồng thời, quy định rõ cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý THAHC cũng như trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THAHC ở địa phương; mặt khác, bổ sung quy định về trách nhiệm trả lời, thời hạn trả lời kiến nghị hoặc thông báo kết quả thực hiện kiến nghị của các chủ thể bị kiến nghị cho Viện kiểm sát nhân dân và quy định rõ hơn trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc THAHC và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Thứ hai, tiếp tục duy trì trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS trong công tác THAHC: Theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. Hoạt động theo dõi THAHC được hiểu là việc cơ quan THADS chủ động nắm thông tin và cập nhật về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trên cơ sở đó đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên thực tế. Với cơ chế THAHC là cơ chế “tự thi hành” của của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải THAHC thì việc duy trì trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS là cần thiết, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả THAHC trên thực tế và giúp các cấp có thẩm quyền nắm bắt được thực trạng công tác THAHC trên phạm vị địa phương và cả nước. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về phạm vi trách nhiệm của cơ quan THADS trong công tác theo dõi, đôn đốc THAHC, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm người phải thi hành án, làm căn cứ thống nhất triển khai thực hiện trên thực tế thi hành, khắc phục tình trạng còn có những quan điểm, ý kiến khác nhau về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS. Theo đó, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 theo hướng quy định rõ cơ quan THADS thực hiện theo dõi, đôn đốc thi hành án đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Thứ ba, mở rộng phạm vi THAHC: đề nghị bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi bản án, quyết định của Tòa án thi hành theo Luật TTHC bao gồm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự phần nội dung tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ QĐHC hoặc tuyên bố HVHC là trái pháp luật. Quy định này nhằm đảm bảo cùng một nội dung phán quyết của Tòa án liên quan đến QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thì trình tự, thủ tục thi hành là giống nhau. Theo đó, đều được thi hành theo Luật TTHC, không phân biệt phán quyết hành chính nằm trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính hay phán quyết hành chính nằm trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự.
Thứ tư, bổ sung chế tài đối với người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ THAHC: Bên cạnh các chế tài bảo đảm THAHC đã được pháp luật hiện hành quy định (chế tài Tòa án ra quyết định buộc THAHC; chế tài xử lý kỷ luật đối với người phải thi hành án không chấp hành án hành chính; chế tài xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Không chấp hành án”), đề xuất quy định bổ sung biện pháp phạt tiền trong trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ THAHC. Cụ thể, biện pháp này sẽ do Tòa án xét xử quyết định ngay trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính hoặc trong quyết định buộc THAHC nhằm ngăn chặn việc không thi hành án của bên phải thi hành án và là chế tài áp dụng khi các chủ thể này vi phạm nghĩa vụ THAHC. Đối với trường hợp người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, thì số tiền phạt này cần được quy định lấy từ nguồn tiết kiệm chi quản lý hành chính nhà nước của cơ quan, đơn vị là người phải THAHC hoặc là của cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức là người phải THAHC.
Thứ năm, quy định rõ trình tự, thủ tục THAHC: Hiện nay Điều 311, 312 Luật TTHC năm 2015 quy định trình tự, thủ tục THAHC áp dụng thống nhất cho tất cả các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành, không phân biệt bản án, quyết định có nội dung chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện với bản án, quyết định có nội dung bác hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục trong thi hành bản án, quyết định có nội dung bác hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện (thực chất là tổ chức thi hành QĐHC đã bị khởi kiện mà kết quả xét xử Tòa án xác định QĐHC đã được ban hành hợp pháp), đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 311 Luật TTHC năm 2015 theo hướng tách bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không chấp nhận/tuyên bác yêu cầu khởi kiện ra để thực hiện theo một quy trình riêng, quy trình thực hiện QĐHC do pháp luật quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực quy định (bỏ quy định viện dẫn đến điểm a khoản 1 Điều 311 tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015). Đồng thời, thời hạn tự nguyện thi hành án không đặt ra đối với việc thực hiện QĐHC vốn đã bị trì hoãn việc thực hiện trong một thời gian dài do bị kiện hành chính tại Tòa án. Tòa án đã xét xử sơ thẩm không phải ra quyết định buộc THAHC đối với bản án bác đơn yêu cầu khởi kiện. Quy định này bảo đảm đơn giản hóa thủ tục thi hành các QĐHC đã được ban hành đúng quy định pháp luật; không tư pháp hóa việc thực hiện các QĐHC vốn thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, người đã ban hành QĐHC.
Ngoài ra, đối với việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần QĐHC: đề nghị bổ sung quy định rõ theo hướng: Người phải thi hành án không phải ra quyết định thu hồi, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ QĐHC mà Tòa án đã tuyên hủy nhưng phải có văn bản thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc một phần hoặc toàn bộ QĐHC bị Tòa án tuyên hủy đã hết hiệu lực kể từ thời điểm bản án có hiệu lực.
Thứ sáu, quy định rõ thời hạn tự nguyện thi hành án: điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 quy định thời hạn tự nguyện THAHC là 30 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Quy định này dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong việc xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ tự nguyện THAHC. Trên cơ sở đặc thù của đối tượng THAHC là các QĐHC, HVHC, theo đó quá trình THAHC là quá trình cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải ban hành QĐHC, thực hiện HVHC mới với thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo đúng quy định của pháp luật quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp. Do đó, để phù hợp với thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 và các quy định có liên quan theo hướng quy định rõ: Người phải thi hành án có trách nhiệm “tổ chức” triển khai thi hành bản án, quyết định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Theo đó, không nhất thiết trong thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành phải hoàn thành xong nhiệm vụ, công vụ mà bản án đã tuyên mới được xác định là tự nguyện THAHC.
Thứ bảy, quy định cụ thể thời hạn cũng như trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị trong việc trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của đương sự: Luật TTHC năm 2015 mới chỉ quy định về thời hạn đương sự được quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và thời hạn người có thẩm quyền thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà chưa quy định rõ thời hạn cũng như trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị trong việc trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của đương sự dẫn đến tình trạng có những bản án, đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết về việc có hay không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của người có thẩm quyền, làm căn cứ để người phải thi hành án tổ chức thi hành án. Điều này phần nào ảnh hưởng đến quá trình thi hành án của người phải thi hành án. Vì vậy, Luật TTHC cần quy định cụ thể thời hạn và trách nhiệm trả lời kiến nghị, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị khi nhận được kiến nghị, đề nghị đương sự.
Thứ tám, quy định bổ sung về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THAHC: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC là một nội dung rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp của cá nhân, công dân. Vì vậy, cần thiết phải có một chương riêng quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THAHC được quy định tại Luật TTHC cũng như cần nghiên cứu, quy định thẩm quyền của các cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC. Việc đảm bảo quy định các nội dung này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác THAHC, hiệu lực quản lý nhà nước về THAHC cũng như bảo đảm hơn quyền và lợi ích hợp của cá nhân, công dân trong THAHC./.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3.