Pháp luật lao động về làm thêm giờ - thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị

25/12/2023


1. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về thời giờ làm thêm:
- Số giờ làm thêm: Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Số giờ làm thêm của người lao động được đảm bảo không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm. Một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm (đó là các trường hợp: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất) và người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi sử dụng người lao động làm thêm giờ.
Thực tế, so với các quốc gia trong khu vực, thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (giờ làm thêm tối đa ở Indonesia là 56 giờ/tháng, Singapore là 72 giờ/tháng, Malaysia là 104 giờ/tháng, Thái Lan là 36 giờ/tuần). Tuy nhiên việc so sánh này phải gắn với quy định thời giờ làm việc ở Việt Nam (tối đa 48 giờ/tuần). Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu cộng thêm với thời giờ làm thêm (là 400 giờ/năm), thì tổng quỹ thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam có thể lên đến 2.720 giờ/năm. Trong khi đó, ở Hàn Quốc quy định số giờ làm thêm là 624 giờ/năm, còn tại Trung Quốc là 432 giờ/năm. Tuy nhiên, cộng cả giờ làm chính thức và giờ làm thêm tối đa theo quy định thì quỹ thời gian làm việc của người lao động ở các nước này đều thấp hơn tại Việt Nam. Như vậy, có thể nói thực chất quỹ thời gian làm việc của người lao động Việt Nam đang ở mức cao.
- Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật lao động năm 2019, mức tiền lương làm thêm giờ phụ thuộc vào thời điểm người lao động được huy động làm thêm. Cụ thể:
+ Người lao động hưởng lương theo thời gian được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định (Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019). Tiền lương làm thêm được tính bằng tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường nhân mức ít nhất 150%, 200%, 300% nhân với số giờ làm thêm.
+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc theo định mức lao động đã thỏa thuận.
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ được tính bằng đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường nhân mức ít nhất 150%, 200% hoặc 300% nhân với số sản phẩm làm thêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
+ Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = (Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%) + (Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x mức ít nhất 30%) + (20% x Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x số giờ làm thêm vào ban đêm).
+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = (Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%) + (Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30%) + (20% x Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm).
- Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt: Theo Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019, khi huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Nếu người lao động đồng ý, người sử dụng lao động mới được phép huy động người lao động làm thêm giờ. Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thể hiện sự tôn trọng ý chí của người lao động và sự nỗ lực của pháp luật trong việc cân bằng vị thế của người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, quy định này cũng hạn chế tình trạng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người sử dụng lao động được thực hiện quyền đơn phương huy động người lao động làm thêm giờ bất cứ ngày nào không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối, đó là các trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động năm 2019 - Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, cụ thể là hai trường hợp sau:
“1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Một số kiến nghị
2.1. Hoàn thiện quy định của pháp luật về thời giờ làm thêm trên cơ sở tương thích với các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và pháp luật của các quốc gia khác trong khu vực
Thứ nhất, quy định thời giờ làm thêm giới hạn theo ngày, tháng, năm nhưng có sự linh hoạt. Cụ thể: (1) Giữ nguyên mức giới hạn về số giờ làm thêm theo năm. Tính cả thời gian làm việc chính thức và thời gian làm thêm giờ của người lao động như hiện nay thì Việt Nam có số giờ làm việc vào diện cao nhất thế giới; bên cạnh đó, muốn tăng số giờ làm thêm lên thì một phương án được đề ra là số giờ làm việc tiêu chuẩn hiện nay (08 giờ/ngày) phải giảm xuống, tuy nhiên, phương án này trong thực tế là thiếu khả thi hơn so với việc giữ nguyên số giờ làm thêm ở mức thấp như hiện nay. (2) Quy định số giờ làm thêm xác định theo ngày, ấn định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 02 giờ/ngày, bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì thời giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Như vậy, tối đa người lao động có thể phải làm việc liên tục 12 giờ/ngày cộng với trường hợp người lao động được huy động làm thêm giờ nhiều ngày liên tục thì khả năng suy giảm sức khỏe, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, xảy ra tai nạn lao động là rất cao. Thêm vào đó, xét về cơ sở sinh học, khoảng thời gian tối đa 02 giờ làm thêm trong một ngày, cộng với số giờ làm việc bình thường là 08 giờ phù hợp với thời gian hoạt động hiệu quả của cơ thể, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người lao động, đảm bảo thời gian phục hồi và tái tạo sức lao động của người lao động.
Thứ hai, bổ sung các quy định nhằm hạn chế tác động bất lợi của làm thêm giờ. Cụ thể: (1) Bổ sung thời gian nghỉ giữa giờ trong thời gian làm thêm (phải là thời gian nghỉ ngơi bắt buộc, không cho làm việc để tính là giờ làm thêm), thời gian nghỉ giữa 02 ca làm việc liền kề, sau một số ngày làm thêm liên tục; quy định giới hạn số ngày trong tuần, số tháng trong năm được làm thêm liên tục; (2) Bổ sung, sửa đổi quy định nhằm tăng cường chia sẻ lợi ích kinh tế, trách nhiệm xã hội như: Tăng cường khám sức khỏe tại nơi làm việc, tăng lương tương ứng theo số giờ làm thêm tích lũy trong năm; ưu tiên người sử dụng lao động thực hiện tốt điều kiện phúc lợi xã hội (nơi nghỉ ngơi, giải trí, nhà trẻ, trường học, v.v…), sử dụng lao động nữ sau độ tuổi 35… (3) Pháp luật lao động hiện nay chỉ hạn chế người sử dụng lao động thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không hạn chế người lao động ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (tức là làm thêm giờ không hạn chế với người lao động làm việc cho nhiều người). Vì vậy, nếu cho rằng hạn chế làm thêm là để bảo vệ sức khỏe người lao động thì cũng phải hạn chế cả việc người lao động ký nhiều hợp đồng nếu đã làm đủ 08 giờ/ngày; (4) Cần thiết bổ sung quy định thời hạn báo trước ít nhất 12 giờ khi huy động người lao động làm thêm giờ (trừ trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, sự cố) để người lao động chủ động bố trí thời gian cho công việc gia đình cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động trong hoạt động báo trước; (5) Để hạn chế tình trạng làm thêm giờ tràn lan và tạo điều kiện cho những người chưa có việc làm kiếm được việc làm, Nhà nước cần có một số quy định cấm doanh nghiệp áp dụng việc làm thêm trong một số trường hợp đặc biệt (ví dụ như trong trường hợp tình trạng thất nghiệp gia tăng) và yêu cầu tăng cường tuyển dụng nhằm tạo điều kiện kiếm việc làm cho những người đang thất nghiệp.
2.2. Nâng cao hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về làm thêm giờ
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về làm thêm giờ, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thời giờ làm thêm thông qua các kênh thông tin đại chúng, các hoạt động phổ biến pháp luật tới người lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật lao động, giúp người lao động biết và có thể đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể liên quan, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lao động và xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật về thời giờ làm việc nói chung và quy định của pháp luật về làm thêm giờ nói riêng.
Tăng cường hiệu quả giám sát, bảo vệ quyền lợi người lao động, xử lý các hành vi vi phạm như: Quy định phương thức thỏa thuận, tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở, đăng ký hoặc khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động… Tổ chức đại diện của người lao động, nhất là tổ chức đại diện của người lao động ở cơ sở phải thực sự quyết liệt trong việc đấu tranh bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời giờ làm thêm, xâm phạm tới quyền lợi của người lao động. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nói chung và thời giờ làm thêm nói riêng.
Trần Thị Thanh Trang - Vụ TCCB