Án không có điều kiện thi hành do bản án không rõ ràng: “Bó tay” thi hành án

21/11/2008

Một trong những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới là dự án Luật THADS. Dự án luật này được hy vọng sẽ đem đến một mở đầu mới cho công tác THADS ở nước ta. Nhưng cho tới thời điểm đó, công tác THADS vẫn “loanh quanh” với vấn đề án không có điều kiện thi hành, mà một trong những nguyên nhân là từ chính sự không rõ ràng của các bản án đã có hiệu lực pháp luật.



Án tuyên… để đấy!

Để thực hiện Pháp lệnh THADS 2004, các cơ quan chức năng đã ban hành trên dưới 40 văn bản hướng dẫn. Nhưng suốt thời gian qua, khối lượng văn bản đồ sộ đó vẫn không “thúc” được hệ thống các cơ quan THADS giảm tỷ lệ án không có điều kiện thi hành. Bởi một lẽ rất tự nhiên, bản án của toà đã “bó tay” cơ quan THADS, nhất là những phán quyết án dân sự trong những bản án hình sự liên quan đến các tội phạm ma tuý, cướp, trộm cắp.... Số liệu của cơ quan quản lý công tác THADS cho biết, án dân sự trong hình sự chiếm tới 47% tổng số lượng án, trong đó có tới 65,3% không có điều kiện thi hành. Thực tế đã có rất nhiều vụ án, án tuyên xong không thể thi hành do người phải THA không có tài sản, hoặc do số tiền phạt quá lớn mà bị cáo cũng đành chịu không thể thi hành.

Một ví dụ rất điển hình cho vấn đề này là Bản án số 129/HSPT (ngày 05/4/1995) của Toà Phúc thẩm (TANDTC tại Đà Nẵng), xét xử về việc buôn lậu, đã tuyên: … tịch thu chiếc thuyền máy mang biển số BĐ 0234-TS của ông Nguyễn Đưa (trú tại: tổ 25, khu vực 5, phường Hải Cảng, Qui Nhơn, Bình Định) để sung vào công quỹ Nhà nước (ngoài nhiều nghĩa vụ THA khác). Ngày 03/01/1998, Uỷ ban thẩm phán TANDTC xét xử vụ án nói trên theo trình tự giám đốc thẩm, đã ra Quyết định số: 07/UBTP-HS, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 129/HSPT. Song vấn đề là chiếc thuyền máy – đối tượng để THA - đã được ông Đua bán cho người khác (không xác định được địa chỉ) trước khi có bản án của toà. Mặc dù cảnh sát điều tra đã lập biên bản về việc này nhưng toà vẫn tuyên “tịch thu chiếc thuyền máy” mà không quan tâm xem đối tượng để THA có tồn tại hay không. Vì thế, đến nay, sau 13 năm có hiệu lực, bản án phúc thẩm vẫn là một tờ giấy đúng nghĩa vì cơ quan THADS đã không thể tịch thu được chiếc thuyền máy mang biển số BĐ 0234-TS từng thuộc sở hữu của ông Đua.

Cũng có trường hợp, toà tuyên bị cáo nộp phạt số tiền hàng tỷ đồng. Nhưng như ở Sơn La, hầu như các bị cáo trong những vụ án liên quan đến ma tuý đều “trắng tay”, không tài sản, hoặc có thì không đáng giá vài trăm nghìn. Hay do bản án của toà không có tính khả thi nên đương sự (người phải THA) không tuân phục, tìm mọi cách trốn tránh THA... Đấy là chưa kể đến thực trạng, do vụ án được xét xử nhiều lần, rồi giám đốc thẩm, tái thẩm, thậm chí kéo dài cả chục năm trời. Trong thời gian đó, tài sản là đối tượng để THA có biến động, không còn nguyên trạng. Và thế là án tuyên rồi, có hiệu lực rồi... để đấy, còn cơ quan THADS năm này qua năm khác tiếp tục báo cáo “án tồn đọng do không có điều kiện thi hành”.

Làm sao cho đến… chỉ tiêu?

Báo cáo của Chính phủ về kết quả THA năm 2008 cho thấy tính đến tháng 10, vẫn thiếu 4,04% về việc và 9,34% về tiền so với chỉ tiêu (thi hành xong 75% về việc và 55% về tiền đối với những án có điều kiện thi hành). Những con số này phản ánh một thực trạng dường như đã trở thành “tiềm thức” của công tác THADS. Đó là lúc nào cũng có án không có điều kiện thi hành. Tất nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, THADS không phải là công việc giản đơn, cứ “luật mà làm”. Vì thế, có một văn bản pháp lý giá trị cao để điều chỉnh hoạt động THADS là “một đòi hỏi khách quan, cấp thiết và về lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện các thủ tục THA, khắc phục những nhược điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thực tiễn THA hiện nay” như nhận xét của ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Nhưng rồi nhiều người vẫn cứ băn khoăn, liệu dự án Luật THADS nếu được ban hành có làm thay đổi “không khí” THADS những năm tới?.

Điều đó thì phải chờ nhưng trước mắt, vấn đề cũng rất quan trọng là phải thay đổi được quan niệm về sự gắn kết giữa công tác xét xử và công tác THA, trách nhiệm giữa toà án và cơ quan THADS. Theo Luật sư James F. Harrigan - Cố vấn pháp luật của Trưởng Cơ quan THA San Francico (bang California – Mỹ), pháp luật THADS của Việt Nam nên tăng cường quyền hạn cho toà án và yêu cầu Toà án phải có vai trò tích cực và quan trọng hơn trong việc thi hành các bản án của mình. Đặc biệt, không nên để tồn tại quan niệm, sau khi ra bản án là coi như toà hết trách nhiệm, còn việc thi hành các phán quyết đó là nhiệm vụ của cơ quan THA.

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy, hiệu quả công tác THADS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có tính khả thi của các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án. Vì các bản án, quyết định của toà án dù đúng pháp luật nhưng không phù hợp với thực tiễn cũng sẽ thực sự là dây xích “bó tay” cơ quan THADS./.

Huy Anh