Một số ý kiến trao đổi về tiêu chí phân loại án

24/10/2016
Trong công tác thi hành án dân sự, việc phân loại án chính xác (có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành) có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan Thi hành án dân sự lập kế hoạch, bảo đảm việc thi hành án dân sự được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật; đồng thời, để phục vụ công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tuân thủ pháp luật thi hành án dân sự; mặt khác, bảo đảm chính xác số liệu thống kê thi hành án, phản ánh thực chất kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Về việc này, Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp đã giao 04 chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự, trong đó có chỉ tiêu: "Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành".
 


Về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 và Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự; trong đó đã quy định cụ thể về tiêu chí thống kê phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. Quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập liên quan đến tiêu chí về thống kê thi hành án dân sự, thiết nghĩ cần nêu ý kiến để trao đổi như sau:
Theo Thông tư 08/20015/TT-BTP, việc có điều kiện thi hành gồm: thi hành xong, đình chỉ thi hành án, đang thi hành án, hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, tạm dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại và trường hợp khác (tại Biểu số 06/TK-THA). Như vậy, tiêu chí xác định việc có điều kiện thi hành bao gồm tất cả các trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, trong một khía cạnh nào đó về tiêu chí phân loại án có điều kiện thi hành chưa phản ánh đến yếu tố trở ngại khách quan của cơ quan Thi hành án dân sự, nói cách khác, Chấp hành viên có muốn tổ chức thi hành nhưng cũng phải tạm dừng việc giải quyết thi hành án và vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ. Trong đó:
Thứ nhất, đối với trường hợp hoãn thi hành án: Theo Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định có 09 nhóm căn cứ để Thủ trưởng cơ quan Thi hành dân sự ra quyết định hoãn thi hành án; trong đó: (i). Trường hợp đương sự thoả thuận đồng ý hoãn thi hành án thì trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình thi hành án kể cả tài sản thi hành án đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện theo yêu cầu hoãn của đương sự; (ii). Trường hợp hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Về việc này, nhận thấy: Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; theo quy định của Luật Thi hành án dân sự quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được và thời hạn không quá 03 tháng đối với cùng một việc thi hành án. Như vậy, cơ quan Thi hành án dân sự phải hoãn thi hành án theo yêu cầu của 04 chủ thể nêu trên, trong khi đó mỗi chủ thể đều có quyền yêu cầu hoãn một lần với thời hạn không quá 03 tháng đối với cùng một việc thi hành án; (iii). Hoãn thi hành án đối với trường hợp tài sản được kê biên nhưng sau khi giảm giá mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm; người phải thi hành án bị mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án mà họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định.v.v.
Thứ hai, đối với trường hợp tạm đình chỉ thi hành án: Theo Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định việc tạm đình chỉ thi hành án được thực hiện trong các trường hợp: (i). Có quyết định tạm đình chỉ của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (với 04 chủ thể có thẩm quyền như đã nêu trên); (ii). Toà án thông báo đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Trên thực thực tế, thời hạn tạm dừng tổ chức thi hành án do rơi vào trường hợp hoãn thi hành án có thể kéo dài như: Hoãn trong trường hợp người phải thi hành án bị mất năng lực hành vi dân sự suốt đời; tài sản là động sản đã kê biên, bán đấu giá, giảm giá nhiều lần đến khi giá trị thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm; người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 02 lần nhưng không đến nhận do đã đi định cư nước ngoài, không xác định được địa chỉ.v.v.); hoặc tạm đình chỉ thi hành án có những vụ việc với giá trị tiền, tài sản rất lớn phải tạm đình chỉ thi hành án đến 2-3 năm nhưng vẫn chưa có quyết định giám đốc, tái thẩm của Toà án.v.v. Trong khi đó, xét về tiêu chí phân loại án, những vụ việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự (Chấp hành viên) vẫn phải phân loại là có điều kiện thi hành, không có căn cứ  ra quyết định chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, trong trường hợp hoãn và tạm đình chỉ thi hành án, dù muốn hay không muốn thì Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự không thể tác nghiệp mà phải tạm dừng quá trình giải quyết việc thi hành án; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án là do khách quan mang lại, ngoài ý muốn chủ quan của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự; tuy nhiên, Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải "gánh chịu" về kết quả thi hành án trong số có điều kiện thi hành, mặc dù không thể thi hành. Đây là những tồn tại, chưa phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, việc xác định tiền có điều kiện thi hành án cũng có điểm bất cập cần xem xét điều chỉnh trong quy định về thống kê thi hành án. Cụ thể: Theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 242/2012/QĐ-KDTM ngày 24/11/2012 của Toà án nhân dân X, trong đó Công ty A phải trả cho Ngân hàng TMCP B số tiền 60 tỷ đồng (làm tròn số) và lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết. Tài sản phát mãi để thi hành án là 12 quyền sử dụng đất trong một quần thể dự án của Công ty A. Theo quy định đây là việc có điều kiện thi hành, phân loại tiền có điều kiện thi hành là 60 tỷ đồng. Khi cơ quan THADS kê biên, thẩm định giá tổng giá trị 12 quyền sử dụng đất là 37 tỷ đồng, sau nhiều lần giảm giá bán đấu giá đến 31,7 tỷ đồng vẫn chưa có người mua. Tuy nhiên, kết quả phải phân loại tiền có điều kiện thi hành trong thống kê thi hành án vẫn là 60 tỷ đồng, so với giá bán đấu giá không có người mua thì có sự chênh lệch đến 28,3 tỷ đồng. Sự chênh lệch này là "số ảo" mà Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải chịu trong thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của mình.
Về lý thuyết, cơ sở để phân loại án là khả năng kinh tế hoặc khả năng thực hiện hành vi nhất định của người có nghĩa vụ chấp hành nội dung bản án, quyết định của Toà án theo một trình tự, thủ tục luật định do Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện. Do đặc điểm về điều kiện thi hành án luôn luôn biến động, ở thời điểm khác nhau thì các việc đã được phân loại cũng có sự thay đổi. Lúc này chưa có điều kiện thi hành án, thời điểm khác lại có điều kiện thi hành án. Với đặc điểm như vậy, việc xác định tiền có điều kiện thi hành án cũng phải có sự thay đổi. Trường hợp này, tại thời điểm Ngân hàng cho vay giá trị quyền sử dụng đất có thể lúc đó lớn, đến nay giá trị đã giảm nhiều do yếu tố của thị trưởng bất động sản. Đây là yếu tố khách quan mang lại, nhưng với quy định của thống kê phân loại án, Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải chịu "hệ quả" giá trị cao trước đây trong phân loại có điều kiện thi hành. Trên thực tế, tại các cơ quan Thi hành án dân sự có lượng án dân sự và kinh doanh thương mại thụ lý ngày càng tăng cao (năm 2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thụ lý án KDTM số tiền 1.635 tỷ đồng /2.419 tỷ đồng tổng thụ lý, chiếm  67,6%); tài sản thi hành án chủ yếu là bất động sản, giảm giá nhiều lần không có người mua. Theo quy định hiện hành, mặc nhiên số đó vẫn có điều kiện thi hành; điều này chưa thực sự phù hợp với thực tế, tạo nên khó khăn rất lớn cho Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự. Vì vậy, kết quả phân loại án và tỷ lệ thi hành án chưa phản ánh đúng thực chất.
Thiết nghĩ khi đến giai đoạn tài sản thi hành án đã được kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, thì thời điểm thống kê thi hành án, việc xác định tiền có điều kiện thi hành lấy căn cứ là kết quả thẩm định giá, giá khởi điểm bán đấu giá (có thể hiểu là có điều kiện một phần); khi bán được giá cao hơn thì sẽ điều chỉnh số tăng sang có điều kiện thi hành là phù hợp với thực tế.
Một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn của mỗi Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự là kết quả thống kê thi hành án dân sự. Một số bất cập giữa quy định với thực tiễn như đã trình bày ở trên trên vô hình trung đã tạo thêm áp lực về chỉ tiêu cho Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt là những nơi thụ lý vụ việc với giá trị tiền lớn thì khả năng hoàn thành nhiệm vụ là rất khó khăn.
Để giải quyết các vướng mắc trong thực tế hoạt động thi hành án dân sự, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sửa đổi, bổ sung tiêu chí (phân loại) để phù hợp hơn, góp phần bảo đảm khách quan, thực chất trong công tác phân loại án.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu