Quy định mới về trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự (Phần II)

08/10/2009
Trước tiên, có thể khẳng định rằng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương do Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.


Ở địa phương thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 Luật Thi hành án dân sự và báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu, ngoài ra phải báo cáo công tác tổ chức; hoạt động thi hành án dân sự với Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Ở cấp huyện cũng tương tự, Chi cục Thi hành án dân sự huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự và báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu, ngoài ra phải báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án trước Cục Thi hành án dân sự tỉnh và theo quy định của pháp luật. Như vậy, khác với quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định trách nhiệm tham mưu, giúp việc trực tiếp của cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể:

1. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

- Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh; quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

- Yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo, kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

2. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện.

- Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện; yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện tự kiểm tra, đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

- Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự; yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì trong phạm vi quyền hạn do pháp luật quy định, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thực thi chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự; chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn.

Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã quy định hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức tập trung, thống nhất, nhưng đây là hoạt động đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành có liên quan ở địa phương, nhất là đối với những vụ việc thi hành án phức tạp, cần phải cưỡng chế. Do Luật Thi hành án dân sự chưa quy định cơ chế, phương thức phù hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong thi hành án dân sự nên Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Thành phần Ban chỉ đạo thi hành án dân sự gồm: Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Phó Trưởng Ban chỉ đạo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; các ủy viên gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, mời đại diện lãnh đạo cơ quan Toà án nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể mời đại diện các cơ quan liên quan khác làm ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

3. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực thi hành án dân sự được quy định như sau: "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn" (Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Ngoài ra, để giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tùy từng trường hợp cụ thể mà Ủy ban nhân dân cấp xã còn có thể có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác được quy định ở các điều khác trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan, như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; nhận Quyết định cưỡng chế thi hành án, Kế hoạch cưỡng chế thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự gửi; giúp cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai các văn bản, giấy tờ về thi hành án, như thông báo về việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án; chuyển các quyết định về thi hành án, giấy báo tự nguyện thi hành án cho các đương sự, giấy báo gọi đương sự đến cơ quan thi hành án hoặc trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã để giải quyết việc thi hành án; xác nhận vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án; ký xác nhận vào biên bản kê biên tài sản thi hành án; tham gia vào quá trình Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án; xác nhận về các trường hợp do xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn theo quy định; xác nhận vào đơn xin miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án; xác nhận vào văn bản thỏa thuận về thi hành án của đương sự; tham gia vào việc giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi tổ chức việc phối hợp các cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, tổ dân phố, tổ an ninh và các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi địa phương mình quản lý đối với việc thi hành án; cung cấp địa chỉ, tài liệu, điều kiện về thu nhập, tài sản của người phải thi hành án là công dân, tổ chức thuộc phạm vi địa phương mình quản lý cho cơ quan thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi, bố trí địa điểm, chỗ làm việc để cơ quan thi hành án triệu tập đương sự đến làm việc và những công việc khác theo quy định của pháp luật; v.v... Để tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và phát huy vai trò của cơ quan này trong công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án cần chú trọng vai trò của các đơn vị chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong đó đặc biệt là vai trò của Ban Tư pháp và cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã trong công tác thi hành án dân sự. (Còn nữa).

Ths. Nguyễn Văn Nghĩa