Nhiều giải pháp thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng ở Hà Nội

20/03/2018
Thực tiễn thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng tại các cơ quan thi hành án dân sự ở thành phố Hà Nội 5 tháng đầu năm cho thấy tổng số thụ lý loại việc này là 3.399 việc với số tiền 13.814.822.395.000 đồng; trong đó năm trước chuyển sang 2.868 việc với số tiền 9.338.558.140.000 đồng, thụ lý mới 531 việc với số tiền 4.476.264.256.000 đồng. Tổng số phải thi hành 3.382 việc, với số tiền 13.668.534.178.000 đồng; trong đó số có điều kiện thi hành 2.665 việc với số tiền 10.705.736.171.000 đồng, số chưa có điều kiện 717 việc với số tiền 2.962.798.008.000 đồng.


Kết quả tổ chức thi hành về việc thi hành xong 78 việc (thi hành xong 59 việc, đình chỉ 19 việc). Thi hành xong về tiền 485.126.080.000 đồng (gồm thi hành xong 449.017.038.000 đồng, đình chỉ 36.109.042.000 đồng), đạt tỷ lệ 3% về việc và 4,5% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành. Số chuyển kỳ sau 3.304 việc, với số tiền 13.183.408.098.000 đồng.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, mặc dù các cơ quan thi hành án  dân sự đã nỗ lực, có cố gắng, kết quả thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng đạt kết quả chưa cao. Lượng việc và tiền phải thi hành, đặc biệt là giá trị phải thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng chuyển kỳ sau rất lớn. Sự phối hợp trong quá trình giải quyết việc thi hành án của một số tổ chức tín dụng, ngân hàng với cơ quan thi hành án chưa thật sự được tốt, điển hình như: Nhiều lần thay đổi người được ủy quyền nhưng không kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án; có trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng tự thực hiện thỏa thuận xử lý tài sản đã kê biên nhưng không kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án; sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người mua nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng là người được thi hành án hầu hết không nhận tài sản bảo đảm để trừ vào số tiền được thi hành án; một số ngân hàng, tổ chức tín dụng không hoặc chậm thực hiện việc giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của tài sản bảo đảm cho cơ quan thi hành án dân sự; có trường hợp hợp đồng thế chấp của người thứ ba không chặt chẽ khi ký kết, thế chấp diện tích quyền sử dụng đất, nhà, tài sản trên đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không theo hiện trạng thực tế, khi Tòa án giải quyết (đặc biệt là trong các vụ Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự) cũng không xem xét thực tế hiện trạng tài sản khác biệt rất nhiều so với thông tin trong Giấy chứng nhận; gây khó khăn cho công tác kê biên, xử lý tài sản; một số vụ việc tài sản thế chấp là ô tô, máy móc thiết bị nhưng đa số các vụ việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu để kê biên, xử lý; tổ chức tín dụng không cung cấp được các động sản này ở địa chỉ cụ thể nào, tài sản vẫn do các tổ chức hoặc cá nhân thế chấp giữ, họ không giao nộp tài sản để kê biên, xử lý hoặc đã tẩu tán nhưng không có chế tài để xử lý; một số vụ tài sản thế chấp không ở Việt Nam nên không thể kê biên, xử lý hoặ ủy thác được; có nhiều vụ tài sản bảo đảm tính thanh khoản rất thấp; nhiều khu vực không có giao dịch, đưa ra bán đấu giá, hạ giá nhiều lần vẫn không có người mua; nhiều tài sản bảo đảm được các tổ chức tín dụng nhận thế chấp định giá rất cao, bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán rất lớn nhưng đến khi tổ chức thi hành án, định giá thực tế tài sản bảo đảm thấp hơn rất nhiều lần dẫn đến một thực tế là cơ quan thi hành án đang phải thi hành lượng tiền rất lớn nêu trên là con số có điều kiện giá trị thực của tài sản bảo đảm làm căn cứ đưa vào diện có điều kiện thi hành án là rất thấp (ví dụ khoản phải thi hành là 5 tỷ đồng, trong khi đó giá trị tài sản đảm bảo được định giá khoảng 300 triệu đồng, nhưng vụ việc vẫn thuộc loại có điều kiện đối với toàn bộ khoản phải thi hành 5 tỷ đồng). Vẫn còn có một số trường hợp chậm phối hợp xác minh, chậm cung cấp thông tin về số dư tài khoản ngân hàng của người phải thi hành án. Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên liên quan đến án tín dụng, ngân hàng không rõ, khó thi hành, không xác định rõ phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của từng tài sản thế chấp (có xác định phạm vi bảo đảm tối đa) bảo đảm chung cho một hợp đồng tín dụng dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thi hành án và ủy thác thi hành án. Việc rà soát, xác định, thống nhất ký Danh sách án tuyên không rõ, khó thi hành định kỳ 03 tháng một lần theo Quy chế phối hợp liên ngành của Tòa án có lúc còn chậm dẫn đến cơ quan thi hành án chưa kịp thời có hướng giải quyết, chậm báo cáo, đề xuất giải quyết; công tác trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án, giải thích bản án của Tòa án án còn chậm, thậm chí có trường hợp văn bản giải thích, trả lời chưa phù hợp, khó thi hành.
Phương hướng, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới đặt ra:
- Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự; Chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch số 621/KH-TCTHADS ngày 26 tháng 02 năm 2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự về kế hoạch công tác năm 2018 của Tổ công tác xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng và Công văn số 644/TCTHADS-NV1 ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự về triển khai Kế hoạch chỉ đạo án tín dụng, ngân hàng.
- Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng và chính quyền, tranh thủ sự tập trung quan tâm, sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cho công tác thi hành án dân sự; Lãnh đạo sát sao, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo về đường lối, về hướng dẫn nghiệp vụ, về công tác phối hợp, phân công, phân nhiệm để giải quyết dứt điểm, triệt để những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự nói chung và trong thi hành các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng nói riêng; Nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; Chủ động đôn đốc, giám sát các Chấp hành viên trong việc thực hiện kế hoạch công tác, trong việc rà soát, phân loại hồ sơ, lập kế hoạch chi tiết từng vụ việc thi hành án trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt; Tìm ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc sớm, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác, nếu có khó khăn, vướng mắc, Chấp hành viên cần chủ động báo cáo, đề xuất ngay để Lãnh đạo đơn vị có hướng chỉ đạo, phối hợp giải quyết hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, của Ban chỉ đạo thi hành án hoặc đề xuất phối hợp liên ngành thống nhất giải quyết; Phát huy hiệu quả của công tác kiểm tra và tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những thiếu sót, vi phạm, nghiêm khắc xử lý kỷ luật các cán bộ, công chức vi phạm nhằm duy trì trật tự kỷ cương, kỷ luật công vụ.
- Đối với việc phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng: Các tổ chức tín dụng, ngân hàng là người được thi hành án cần tập trung và tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan thi hành án, nhất là trong việc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án, trong việc cử cá nhân đại diện đảm bảo có năng lực, có trách nhiệm để phối hợp với Chấp hành viên trong xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, trong việc tổ chức kê biên, định giá, xử lý tài sản bảo đảm; Với tài sản đã bán đấu giá nhiều lần không thành, cần giải thích, vận động, đề nghị ngân hàng, các tổ chức tín dụng là người được thi hành án nghiên cứu, lên phương án nhận những tài sản này để trừ vào số tiền được thi hành án theo quy định; Và thực tế khi tổ chức thi hành án, người phải thi hành án gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh nên muốn xin miễn, giảm tiền lãi để giảm bớt, chia sẻ gánh nặng khoản phải thi hành; tạo điều kiện để người phải thi hành án đề xuất, thỏa thuận với các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, có chính sách miễn, giảm tiền lãi phù hợp đối với trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án và có đề xuất được miễn, giảm tiền lãi.
- Trong công tác phối hợp: Chủ động, tích cực phối hợp với Tòa án để sớm có văn bản giải thích bản án hoặc xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với các trường hợp cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị, kiến nghị. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai, sở, phòng tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương để sớm có văn bản trả lời, tích cực phối hợp để xử lý các khó khăn, vướng mắc khi xác minh, làm rõ thông tin, điều kiện về tài sản thế chấp và tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho những người được giao, mua tài sản bán đấu giá khi tổ chức thi hành án. Xác định Công an thành phố Hà Nội, công an quận, công an phường, xã và chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp xác minh, bảo vệ cưỡng chế kê biên, cưỡng chế giao nhà, đất trong các vụ việc thi hành án, do đó phải chủ động, tích cực trong việc duy trì và phối hợp để công tác thi hành án được thuận lợi và đạt hiệu quả. Chủ động đề nghị Viện kiểm sát tăng cường quan tâm, sát sao trong công tác kiểm sát toàn diện đối với cả cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án để công tác thi hành án được thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, hạn chế các thiếu sót, vi phạm.
Vĩnh Quỳnh