Số hiệu
Số: 907/BC-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2013. Nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2013
 Chi tiết văn bản

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 và 02 với nhiều giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, hàng tồn kho cao; thị trường bất động sản trầm lắng; đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó có giao chỉ tiêu cụ thể về công tác thi hành án dân sự; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trực tiếp chỉ đạo và phát biểu Kết luận đã thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng. Công tác thi hành án dân sự được xác định là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2013, trong đó có chỉ tiêu thi hành án xong đạt tỷ lệ trên 88% về việc và 77% về tiền là thách thức rất lớn, nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra đối với hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác trọng tâm của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, Kế hoạch công tác của Tổng cục, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và của Tổng cục Thi hành án dân sự để triển khai tương đối đồng bộ các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình của Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội.

Sau đây là kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ, giải pháp công tác thi hành án dân sự 6 tháng cuối năm 2013:

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013

1. Tình hình quán triệt, triển khai thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình của Chính phủ,  Chương trình, Kế hoạch, Quyết định của Bộ trưởng và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

1.1. Tình hình quán triệt thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2013 (sau đây gọi là Nghị quyết số 37), Bộ Tư pháp đã dành riêng 01 ngày để Khối các cơ quan thi hành án thảo luận về công tác thi hành án dân sự, trong đó tập trung thảo luận về giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đặc biệt, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2013 do Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xác định công tác thi hành án là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2013. Trước đó, ngày 28/12/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3955/QĐ-BTP giao chỉ tiêu cho Tổng cục và chỉ đạo Tổng cục giao chỉ tiêu cho các cơ quan Thi hành án dân sự và các Chấp hành viên trong toàn quốc. Cùng ngày, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ký ban hành Quyết định số 881/QĐ-TCTHADS giao chỉ tiêu năm 2013 cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; chỉ đạo các Cục giao chỉ tiêu cụ thể cho các Chi cục và từng Chấp hành viên, đồng thời, tập trung đôn đốc, tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 37, Tổng cục đã phối hợp với Văn phòng Bộ tham mưu cho Bộ Tư pháp báo cáo, đề xuất Chính phủ đưa một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 37 vào 02 Nghị quyết quan trọng của Chính phủ, triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án dân sự trong năm 2013 (Nghị quyết số 01) và đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự để bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng thu hồi tài sản sớm nhất (Nghị quyết số 02). Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục nghiên cứu, rà soát, tổng hợp danh mục các vụ việc có liên quan đến hoạt động ngân hàng đang thi hành dở dang hoặc chưa thi hành, trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất chỉ đạo tháo gỡ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 2013, Chương trình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, ngày 13/03/2013, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 562/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thực hiện Kế hoạch tổng thể nêu trên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 603/QĐ-BTP ngày 18/03/2013), đồng thời, có văn bản quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch nêu trên.

Việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại cũng đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tổng cục đã khẩn trương tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, trên cơ sở Đề án, Bộ Tư pháp đã thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính dự kiến lựa chọn 13 địa phương mở rộng thực hiện thí điểm; tiến hành xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP; chuẩn bị tổ chức tập huấn để bổ nhiệm Thừa phát lại cho các địa phương mở rộng thực hiện thí điểm...

1.2. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

Xác định việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án được giao trong năm 2013 là hết sức khó khăn, chính vì vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có sự đổi mới trong công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn, với phương châm “hướng về cơ sở, phấn đấu để Tổng cục thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương”, tập trung chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các địa phương có nhiều án, án lớn, phức tạp, những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Để bảo đảm tính liên tục trong công tác chỉ đạo, điều hành, ngay sau khi kết thúc năm 2012, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo và tạm giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cho các địa phương; ra thông báo kết quả công tác năm 2012 để các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc có thể đánh giá, so sánh kết quả của địa phương mình với các địa phương khác. Việc sớm giao chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2013 đã giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch công tác. Sau Hội nghị triển khai công tác năm 2012 của Bộ và của ngành, Tổng cục đã khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2013 của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, Kế hoạch phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng và phê duyệt Kế hoạch công tác tại địa phương mình. Tổng cục cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra việc triển khai Kế hoạch công tác năm 2013 tại 05/06 địa phương, gồm: Hòa Bình, Sơn La, Tây Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang (mỗi địa phương kiểm tra tại Cục và 01 Chi cục, hiện còn Khánh Hòa chưa kiểm tra theo Kế hoạch). Kết thúc kiểm tra, đã có kết luận, ra thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành và báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trong thời gian từ trước, sau nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, Tổng cục đã có hàng loạt văn bản (04 văn bản) chỉ đạo, quán triệt các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, bắt tay ngay vào công việc; tập trung tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Tổng cục đã lưu ý, nhắc nhở các đơn vị có nhiều án, kết quả thi hành án đạt thấp tập trung cao độ và đưa ra các giải pháp phù hợp, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Cùng với việc ra các văn bản đôn đốc nhắc nhở, Tổng cục đã thường xuyên duy trì chế độ giao ban giữa Lãnh đạo Tổng cục với Thủ trưởng các đơn vị để kịp thời đưa ra giải pháp, hướng xử lý, giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Tổng cục và Thủ trưởng các đơn vị đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng (là những đơn vị có lượng án lớn hoặc còn nhiều tồn tại, hạn chế) để trực tiếp nghe, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, có những chỉ đạo rất cụ thể đối với từng địa phương; Cử các Đoàn công tác làm việc tại một số địa phương có lượng án lớn hoặc có khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án, tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, bố trí thời gian làm việc với các đơn vị có nhiều án, án lớn, khó khăn, phức tạp với mục đích giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương có thể hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Tại địa phương, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện và các Cục và Chi cục Thi hành án dân sự cũng đã tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình của Thủ tướng Chính phủ, Phát biểu của Thủ tướng và Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Kế hoạch, Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của Tổng cục đến các đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức; tập trung thực hiện việc rà soát, phân loại, tổ chức thi hành án, đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời xử lý ngay những vướng mắc. Tại một số địa phương, Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng Chuyên môn, Chấp hành viên phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, trực tiếp xuống làm việc, hướng dẫn Chấp hành viên Chi cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án.

2. Kết quả thi hành án dân sự (Từ 01/10/2012 đến 31/3/2013)

* Về việc: đã thụ lý tổng số 479.029 việc, trong đó, số thụ lý mới là 248.345 việc, tăng 44.628 việc (22%) so với cùng kỳ năm 2012; một số địa phương có số việc thụ lý mới lớn, tăng cao đột biến[1].

- Qua phân loại án thì có: 349.647 việc có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 73%); 129.382 việc chưa có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 27%).

So với cùng kỳ năm 2012, thì tỷ lệ số việc có điều kiện thi hành/tổng số phải thi hành cao hơn 11% (năm 2012: 62%); một số địa phương, số án có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao như: Trà Vinh (92,97%), Quảng Trị (91%), Bình Dương (90,03%), Bến Tre (88%), Tây Ninh (86,4%), Đồng Tháp (84,13%)…

- Kết quả, trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 164.107 việc, tăng 15.718 việc (10,6%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt tỷ lệ 50,85%, thấp hơn 3,26% so với cùng kỳ năm 2012 (Phụ lục số I).

- Số việc chuyển kỳ sau là 301.238 việc, tăng 11.839 việc (4,1%) so với cùng kỳ năm 2012.

* Về tiền: Tổng số thụ lý là 48.818 tỷ 788 triệu 77 nghìn đồng, trong đó, số thụ lý mới là 20.407 tỷ 727 triệu 221 nghìn đồng, tăng 8.203 tỷ 368 triệu 663 nghìn đồng (67,21%) so với cùng kỳ năm 2012.

- Qua phân loại thì có: 29.998 tỷ 410 triệu 910 nghìn đồng có điều kiện thi hành là (chiếm tỷ lệ 61,45%); 18.820 tỷ 377 triệu 166 nghìn đồng chưa có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 38,55%).

So với cùng kỳ năm 2012, thì tỷ lệ số tiền có điều kiện thi hành/tổng số phải thi hành cao hơn 21,3% (năm 2012: 40,15%); một số địa phương có tỷ lệ phân loại án cao như: Trà Vinh (96,51%), Tiền Giang (92,15%), Quảng Trị (97,5%), Sóc Trăng (88%)…

- Kết quả, trong số tiền có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 3.315 tỷ 160 triệu 906 nghìn đồng, giảm 7 tỷ 854 triệu 637 nghìn đồng (0,23%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt tỷ lệ 25,15%, thấp hơn 4,58% so với cùng kỳ năm 2012 (Phụ lục số II).

- Số tiền chuyển kỳ sau là 41.266 tỷ 227 triệu 134 nghìn đồng, tăng 13.307 tỷ 176 triệu 876 nghìn đồng (47,6%) so với cùng kỳ năm 2012.

Kết quả thi hành án của một số địa phương đạt khá cao, như: Nam Định (66,62% về việc và 73,24% về tiền), Phú Thọ (67,96% về việc và 51,13% về tiền), Vĩnh Phúc (79,11% về việc và 35,94% về tiền), Hà Tĩnh (77,92% về việc và 58,45% về tiền), Đồng Tháp (62,77% về việc và 33,24% về tiền)…

Tính đến ngày 31/3/2013, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 3.427 trường hợp, giảm gần 570 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012. Trong số trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án, có 1.298 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng, 2.129 trường hợp cưỡng chế huy động lực lượng, trong đó, có 381 trường hợp sau khi cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế thi hành án, đương sự đã tự nguyện thi hành án.

Về kết quả miễn, giảm thi hành án, tính đến ngày 31/3/2013, đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm đối với 1.206 trường hợp với số tiền 5 tỷ 769 triệu 696 nghìn đồng (so với cùng kỳ năm 2012, giảm 312 trường hợp nhưng lại tăng 883 triệu 74 nghìn đồng); đã xét, miễn giảm thi hành án đối với 718 trường hợp, với số tiền gần 4 tỷ 581 triệu 665 nghìn đồng.

* Về thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước:

- Số việc thụ lý là 348.499 việc (riêng số thụ lý mới là 201.193 việc), chiếm 72,75% tổng số việc thụ lý. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 243.099 việc (chiếm 69,75%); số chưa có điều kiện thi hành là 105.400 việc (chiếm 30,25%). Đã thi hành xong 147.638/243.099 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 63,17%; chiếm 89,96 tổng số việc đã thi hành xong.

- Số tiền thụ lý là 4.567 tỷ 347 triệu 983 nghìn đồng (riêng số thụ lý mới là 906 tỷ 684 triệu 919 nghìn đồng), chiếm 9,36% tổng số tiền thụ lý. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành là 1.295 tỷ 175 triệu 804 nghìn đồng (chiếm 28,35%), số tiền chưa có điều kiện thi hành là 3.272 tỷ 172 triệu 179 nghìn đồng (chiếm 71,65%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 441 tỷ 481 triệu 719 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 40,19%; chiếm 13,32% tổng số tiền đã thi hành xong.

3. Công tác xây dựng đề án, văn bản

Thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác, từ ngày 01/10/2012 đến 31/3/2013, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 05 văn bản, đề án, gồm: Đề án mở rộng thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại một số địa phương (Quyết định số 510/QĐ-TTg); Đề án Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (Quyết định số 397/QĐ-TTg); Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân; Thông tư số 10/2012/TT-BTP ngày 15/10/2012 quy định tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp; Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, nâng tổng số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này lên 41 văn bản, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thể chế cho công tác thi hành án dân sự.

Hiện nay, Tổng cục đang hoàn thiện Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu cho Ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành (dự kiến trình Quốc hội thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6), đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số văn bản, đề án quan trọng[2]. Ngoài ra, Tổng cục cũng đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và lấy ý kiến vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại cơ quan Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo đúng yêu cầu của Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Tại Tổng cục, các Quy chế nội bộ, Quy trình nghiệp vụ... đã được ban hành tương đối đầy đủ và thường xuyên được rà soát để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn[3]. Hiện nay, đang chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu về quy trình hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ và quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo để đề xuất xây dựng Thông tư (nếu cần thiết). Các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cũng đã chủ động xây dựng các Quy chế cần thiết, bảo đảm hoạt động của đơn vị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường...) xây dựng các Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Tính đến hết ngày 31/03/2013, 63/63 đơn vị đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, 62/63 đơn vị đã ban hành Quy chế làm việc (Hà Giang đang xây dựng), 60/63 đơn vị đã ban hành Quy chế dân chủ cơ sở (Kon Tum, Điện Biên, và Hải Phòng đang xây dựng), 38/63 đơn vị ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự...

4. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra

4.1. Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ tiếp tục được xác định là một trong những mặt công tác quan trọng, được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt hơn và được Lãnh đạo Tổng cục thường xuyên đưa ra trao đổi, thảo luận tại các cuộc họp giao ban của Tổng cục. Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục tập trung nghiên cứu, trả lời kịp thời các thỉnh thị, công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của địa phương, Tổng cục đã tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp hoặc có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, như: vụ bà Diễm (Năm Căn, Cà Mau), vụ Docimexco (Đồng Tháp), vụ ông Trần Kia (Bạc Liêu), vụ Nga - Học (Quảng Ngãi), Vụ Trịnh Vĩnh Bình (Bà Rịa - Vũng Tàu)...; tập trung chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các địa phương có nhiều án, án lớn, phức tạp (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) hoặc những đơn vị có hạn chế, yếu kém về công tác tổ chức cán bộ (Tây Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ...). Đồng thời, tổ chức các cuộc họp liên ngành, thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến xác minh, làm việc tại địa phương hoặc yêu cầu các Cục Thi hành án dân sự báo cáo trực tiếp để có hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết kịp thời đối với những vụ án lớn, phức tạp, ví dụ như: Việc thi hành án liên quan đến vụ Vinashin, vụ Trịnh Vĩnh Bình...

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục cũng đã xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc xử lý tài sản bán đấu giá không thành theo Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Hiện nay, Tổng cục đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (đã dự thảo phương án xử lý đối với 58 vấn đề vướng mắc và đang lấy ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện, để sớm trình ký, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, để kịp thời tháo gỡ những bất cập, hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan THADS địa phương tháo gỡ khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Tính đến ngày 31/3/2013, Tổng cục đã tiếp nhận 146 văn bản xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ (trong đó, mới tiếp nhận: 115, cũ chuyển sang: 31). Kết quả đã xử lý 131/146 văn bản, đạt tỷ lệ 90%, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2012, không ít vụ việc phức tạp kéo dài hoặc có khó khăn, vướng mắc đã kịp thời được chỉ đạo giải quyết dứt điểm như vụ Trịnh Vĩnh Bình, vụ Trần Kia (Bạc Liêu), vụ bà Hồ Thị Tha (An Giang), vụ Nga - Học (Quảng Ngãi)...; tiến độ giải quyết các vụ việc đã nhanh chóng, hiệu quả hơn, chất lượng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, bám sát và phù hợp với tình hình thực tiễn, số vụ việc còn tồn không nhiều (15 văn bản), giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2012 (giảm 14 văn bản).

Tại địa phương, trên cơ sở Kế hoạch công tác năm 2013 được Tổng cục phê duyệt, các Cục đã chỉ đạo các Chi cục xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch công tác của đơn vị mình, tích cực tổ chức thi hành án. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Thi hành dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành hàng nghìn văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Chi cục; có văn bản chỉ đạo các Chi cục có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; một số Cục còn chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, các Chi cục và các Chấp hành viên, Thẩm tra viên (ví dụ như: Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh...).

Cục Thi hành án dân sự của nhiều địa phương đã duy trì và thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất để nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai và kết quả công tác, những vấn đề nổi cộm, nhất là các vụ việc có khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ, nhắc nhở đối với những Chi cục có kết quả thi hành án thấp đẩy mạnh tiến độ tổ chức thi hành án để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ví dụ: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Tp.Hồ Chí Minh...; có đơn vị (Bến Tre), Lãnh đạo Cục đã trực tiếp làm việc với các Chi cục để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm, công tác quy hoạch bố trí cán bộ, những vụ việc án có khó khăn vướng mắc…qua đó lãnh đạo Cục đã chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời.

4.2. Công tác kiểm tra

Ngay từ đầu năm, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch kiểm tra đối với các địa phương (kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề…); chỉ đạo các Cục xây dựng Kế hoạch kiểm tra ở địa phương, đơn vị mình theo Kế hoạch của Tổng cục. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tiến hành kiểm tra việc triển khai Kế hoạch công tác năm 2013 tại 05 địa phương (Khánh Hòa chưa kiểm tra); giúp Lãnh đạo Bộ thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính tại 04 địa phương (Cà Mau, Bình Định, Nghệ An, Hà Nội). Hiện nay, Tổng cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch kiểm tra việc ra quyết định thi hành án, thụ lý thi hành án, phân loại việc, tiền thi hành án dân sự, kết quả thi hành án dân sự và công tác thống kê thi hành án dân sự năm 2013.

Ở địa phương, Lãnh đạo các Cục và Chi cục cũng đã quan tâm, chú trọng đến công tác này; đã xây dựng Kế hoạch và triển khai việc kiểm tra cơ bản theo đúng Kế hoạch. Một số địa phương thực hiện tương đối tốt công tác này, như: Hà Nội, Đăk Lăk, Bình Dương, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh...

5. Công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng

Tổng số biên chế được phân bổ năm 2012 là: 9.891 biên chế (năm 2013, chưa được phân bổ thêm biên chế mới). Trong đó, Tổng cục đã thực hiện được 113/125 biên chế; các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã thực hiện được 9.323/9.726 biên chế, còn thiếu 403 biên chế. Cả nước hiện có 3.699 Chấp hành viên (02 Chấp hành viên cao cấp; 410 Chấp hành viên trung cấp; 2.731 Chấp hành viên sơ cấp), tăng 652 người so với năm 2012. Số Chấp hành viên mới được bổ nhiệm là 76 trường hợp. Toàn hệ thống hiện có 03 Thẩm tra viên cao cấp, 28 Thẩm tra viên chính (Tổng cục: 13, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương: 15), 500 Thẩm tra viên (Tổng cục: 13, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương: 487) và 1.602 Thư ký thi hành án, trong đó, số mới được bổ nhiệm là: 03 Thẩm tra viên cao cấp, 34 Thẩm tra viên và 86 Thư ký thi hành án.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý tiếp tục được kiện toàn, tại cơ quan Tổng cục có: 01 Quyền Tổng Cục trưởng, 02 Phó Tổng Cục trưởng, 06 Vụ trưởng, 01 Chánh Văn phòng, 19 Phó Vụ trưởng và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện có 60/63 Cục trưởng, 03 đơn vị Phó cục trưởng được giao Quyền Cục trưởng (Đồng Nai, Kon Tum, Hưng Yên). Trong 6 tháng đầu năm, đã bổ nhiệm lại 02 Cục trưởng (Quảng Bình, Hòa Bình) và đang làm quy trình bổ nhiệm lại đối với 06 trường hợp; 62/63 đơn vị có Phó Cục trưởng với tổng số 123 người, trong đó, có 03 Phó Cục trưởng mới được bổ nhiệm (Lào Cai, Đăk Nông, Cà Mau), hiện đang làm quy trình bổ nhiệm Phó Cục trưởng đối với 13 trường hợp. Đối với cấp huyện, với việc thành lập thêm Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã nâng tổng số Chi cục Thi hành án dân sự lên 697 đơn vị, đến nay, 665/697 đơn vị đã bổ nhiệm Chi Cục trưởng, 12 đơn vị giao Quyền Chi cục trưởng, 18 đơn vị do cấp Phó phụ trách; 669 đơn vị đã được bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng với tổng số 728 người.

Hiện nay, Tổng cục đang phối hợp với Bộ Nội vụ gấp rút hoàn thành toàn bộ Đề án cơ cấu tổ chức, xác định vị trí việc làm trong hệ thống thi hành án dân sự đến năm 2015 để kiện toàn thêm một bước bộ máy tổ chức cán bộ của Ngành. Năm 2013, Tổng cục đã rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ và chỉ đạo, xử lý những địa phương còn hạn chế, yếu kém về công tác tổ chức cán bộ (Tây Ninh, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắc Nông, Bình Thuận...).

Thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự và Quyết định số 2785/QĐ-BTP ngày 25/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục đã chỉ đạo kiện toàn, thành lập Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Tài chính, kế toán thuộc Cục (đến nay, 48/63 Cục đã thành lập và kiện toàn Phòng Tổ chức cán bộ và 06/17 Cục thành lập Phòng Tài chính, kế toán). Tổng cục cũng đã chỉ đạo rà soát, bổ sung các chức năng nhiệm vụ mới, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục, các đơn vị thuộc Cục, bảo đảm phù hợp với quy định mới và yêu cầu thực tiễn.

Về công tác quy hoạch cán bộ, thực hiện Kế hoạch số 41-KH/BCS ngày 02/5/2012 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục đã trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt quy hoạch chức danh Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2021. Đối với các Cục, đến nay đã có 43/63 đơn vị xây dựng xong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2012-2015 và báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt, đồng thời, đang tiếp tục xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2021 theo chỉ đạo của Tổng cục, trong đó, chú trọng đề bạt các cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, bảo đảm hướng dẫn của cấp trên.

Thực hiện Nghị quyết số 152-NQ/BCSĐ ngày 28/11/2012 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch luân chuyển, gắn với Kế hoạch số 10/TCTHADS-TCCB ngày 04/01/2012 về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, trình Ban Cán sự phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

Công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức tại Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng quy định pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã tuyển dụng mới 679 trường hợp (Tổng cục 10, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương 669). Một số đơn vị thực hiện tương đối tốt công tác tuyển dụng, như: Đăk Lăk, Vĩnh Phúc, Vũng Tàu... song vẫn còn một số đơn vị còn thiếu nhiều biên chế, như: Tiền Giang (thiếu 28 biên chế), Bình Dương (thiếu 24 biên chế), Long An (thiếu 22 biên chế)...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm trước, Tổng cục đã quán triệt, yêu cầu các đơn vị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng về việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, từ khâu xây dựng Kế hoạch, thành phần, chuẩn bị tài liệu đến việc sắp xếp thời gian, địa điểm... nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Theo Kế hoạch năm 2013, Tổng cục sẽ chủ trì tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác báo cáo, tổng hợp và công tác thống kê (dự kiến tổ chức vào Quý II/2013); phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ Thi hành án dân sự khóa 13, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên cao cấp, trung cấp, thư ký, lớp nghiệp vụ về Thừa phát lại, lớp cao cấp lý luận chính trị... Tại các địa phương, Cục Thi hành án dân sự cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án tại địa phương mình.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự[4] tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cán bộ, công chức, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nên số lượng cán bộ phát hiện có sai phạm, bị xử lý kỷ luật tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết ngày 31/3/2013, đã tiến hành xử lý kỷ luật 25 trường hợp (tăng 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012), trong đó: Khiển trách 08; Cảnh cáo 12; Buộc thôi việc 02; Giáng chức 01; Tạm đình chỉ công tác 02 trường hợp, do bị khởi tố về hình sự. Đáng lưu ý là, Tổng cục đã kiên quyết xử lý đối với một số cán bộ Lãnh đạo Cục có vi phạm.

6. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm chú trọng, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã phân công cán bộ, công chức thường xuyên trực và tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Trong quá trình tiếp công dân, cán bộ, công chức được phân công đã giải thích cho đương sự về các quy định của pháp luật, thẩm quyền giải quyết vụ việc, hướng dẫn đương sự gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ghi nhận những đề nghị của đương sự để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Tổng cục đã tiếp gần 391 lượt công dân tại trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp (tăng gần 30% so với 6 tháng đầu năm 2012); các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức tiếp hàng nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Tổng hợp báo cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tính đến ngày 31/3/2013, tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo nhận được là 2.435 đơn (2.328 đơn khiếu nại, 107 đơn tố cáo), giảm 193 đơn so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, số đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết là 1.399 đơn (giảm 530 đơn so với cùng kỳ năm 2012), số đơn không thuộc thẩm quyền là 771 đơn. Số đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết, đã kịp thời được phân loại, ban hành các quyết định giải quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với đơn thư không thuộc thẩm quyền, đã kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kết quả, đã giải quyết xong: 1.203/1.399 đơn thư khiếu nại, tố cáo (1.152 đơn khiếu nại và 51 đơn tố cáo), đạt tỷ lệ 86%, thấp hơn 2,8% so với cùng kỳ năm 2012 (88,8%).

Tổng cục Thi hành án dân sự phải giải quyết tổng số 1.671 đơn thư các loại (1.284 đơn khiếu nại, 180 đơn tố cáo và 207 đơn khác), giảm 120 đơn = 7% so với cùng kỳ năm 2012. Trong tổng số 1.671 đơn có 809 đơn trùng (chiếm 48,4%), số đơn thực tế phải giải quyết là 862 đơn (tương đương cùng kỳ năm 2012). Kết quả về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Đã giải quyết 1.596/1.671 đơn, đạt tỷ lệ 95,5% (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2012). Số đơn đang giải quyết: 75 đơn (chiếm 4,5% tổng số đơn phải xử lý), đây hầu hết là các đơn mới nhận, còn đang trong thời hạn giải quyết. Kết quả về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền: Tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết theo thẩm quyền của Tổng cục trong 6 tháng đầu năm 2013 là 66 vụ việc (64 vụ việc khiếu nại, 02 vụ việc tố cáo), trong đó: cũ chuyển sang là 19 vụ việc, thụ lý mới là 47 vụ việc; đã giải quyết xong 42/66 vụ việc, đạt tỷ lệ 64%, trong đó, đã giải quyết xong 100% số vụ việc cũ chuyển sang, ban hành 42 văn bản gồm 32 Quyết định giải quyết khiếu nại[5] và 10 văn bản trả lời khiếu nại. Số vụ việc đang giải quyết là 24 vụ việc.

Ngoài ra, Tổng cục đã ban hành 702 văn bản để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tổ chức 23 cuộc họp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài: họp liên ngành giữa Lãnh đạo Tổng cục với các cơ quan Trung ương (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ…) để giải quyết các vụ việc phức tạp như: vụ Nguyễn Thị Thu Hà (Kon Tum); vụ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; vụ Lê Đại Độ (Hà Nội), vụ Công ty Thái Tuấn và Ngân hàng VIB (Thanh Hóa)…; họp báo cáo Lãnh đạo Bộ để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo: vụ Nguyễn Thị Bình (Bắc Ninh), vụ Ngân hàng VIB (Thanh Hóa), vụ Nguyễn Thị Thu Hà (Kon Tum); vụ Nguyễn Thị Ngọc Nga và vụ Công ty Trung Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), vụ Nga - Học (Quảng Ngãi)…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, kéo dài (ban hành kèm theo Quyết định số 541/QĐ-TCTHADS ngày 27/7/2012); tổ chức 10 Đoàn kiểm tra tại 15 địa phương kết hợp kiểm tra Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngày 27/3/2013, Tổng cục tiếp tục ban hành Quyết định số 640/QĐ-TCTHADS về Kế hoạch kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài năm 2013, trên cơ sở đó, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan để chỉ đạo, giải quyết các vụ việc loại này. Trong số 54 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài đã được rà soát, đến nay đã giải quyết được 18 vụ việc, hiện còn 36 vụ việc đang được tập trung chỉ đạo giải quyết theo Kế hoạch.

7. Về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

 Bên cạnh việc tiếp tục phối hợp tích cực với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ xây dựng và hoàn thành, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH 13 về tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tổng cục đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan đề nghị chỉ đạo thực hiện các công việc có liên quan, tạo điều kiện cho hoạt động bình thường của Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội; đề nghị Ban thường vụ các Tỉnh, Thành ủy nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại địa phương mình. Đồng thời, Tổng cục đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2013 phê duyệt “Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”. Triển khai thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đã thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính về việc lựa chọn 13 địa phương mở rộng thực hiện thí điểm.

Hiện nay, Tổng cục đang gấp rút chuẩn bị các công việc có liên quan cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án: xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án; xây dựng Kế hoạch quán triệt, triển khai Nghị quyết của Quốc hội, nội dung Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án của Bộ Tư pháp; tập trung hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Tp.HCM (dự kiến ban hành trong tháng 4/2013); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Tp.Hồ Chí Minh; tổ chức tập huấn để bổ nhiệm Thừa phát lại cho các địa phương mở rộng thực hiện thí điểm…

Tính đến ngày 31/3/2013, đã thành lập mới thêm 03 Văn phòng Thừa phát lại (Văn phòng Thừa phát lại Quận 10, Quận Gò Vấp và Quận Bình Tân), nâng tổng số Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh lên 08 Văn phòng với 32 Thừa phát lại, 65 Thư ký nghiệp vụ và 28 nhân viên khác. Về kết quả, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của các Văn phòng Thừa phát lại là 6 tỷ 106 triệu 214 nghìn đồng, tăng gần 900 triệu đồng (17%) so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, đã lập và đăng ký 2.856 vi bằng, thu được 4 tỷ 368 triệu 680 nghìn đồng (chiếm  72,54%); thực hiện tống đạt 13.871 văn bản, thu được 758 triệu 416 nghìn đồng (chiếm 12,42%); xác minh điều kiện thi hành án 65 vụ việc, thu được 390 triệu 750 nghìn đồng (chiếm 6,4%); trực tiếp tổ chức thi hành xong  19 vụ việc, thu được 588 triệu 368 nghìn  đồng (chiếm 9,6%).

8. Về công tác thi hành án hành chính

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai công tác thi hành án hành chính, Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch triển khai Luật Tố tụng hành chính và Chỉ thị của Thủ tướng; đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác thi hành án hành chính cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tại Thái Nguyên, Đăk Lăk và Hậu Giang. Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch và tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện Kế hoạch kiểm tra về công tác thi hành án hành chính tại 04 địa phương (Hà Nội, Nghệ An, Bình Định và Cà Mau).

Về kết quả đôn đốc thi hành án hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số việc phải đôn đốc là 154 việc, trong đó, số việc năm trước chuyển sang là 25 việc, số việc thụ lý mới là 129 việc; kết quả: đã có 153 văn bản đôn đốc; số việc đã thi hành xong là 120 việc, số việc chưa thi hành xong là 33 việc.

9. Về công tác bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực Thi hành án dân sự

Tính đến ngày 31/3/2013, số việc liên quan đến bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 13 việc, với số tiền 16 tỷ 584 triệu 971 nghìn đồng (số cũ chuyển sang là 8 việc với số tiền 8 tỷ 768 triệu 524 nghìn đồng; số thụ lý mới là 03 việc với số tiền 7 tỷ 816 triệu 447 nghìn đồng). Kết quả: đã phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước tiến hành giải quyết dứt điểm 01 vụ việc bồi thường Nhà nước với số tiền 2 tỷ 308 triệu 750 nghìn đồng (vụ Nga - Học, Quảng Ngãi); số vụ việc còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

10. Về công tác kế hoạch tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác

Công tác quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn; công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về công tác này tiếp tục được quan tâm chú trọng; đã tiến hành xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 03/2011-TT-BTP về phân cấp quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ  bản cho Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan THADS địa phương; hoàn thiện Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2011/TT-BTP quy định mẫu, nguyên tắc cấp phát, sử dụng thẻ Chấp hành viên, thẻ Thẩm tra viên và trang phục, phù hiệu, cấp hiệu công chức trong hệ thống Thi hành án dân sự; đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 2797/QĐ-TCTHADS ngày 29/9/2010 về việc ban hành quy trình in, phát hành, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền thi hành án; xây dựng Đề án phân bổ kinh phí đặc thù cho hệ thống thi hành án dân sự. Tổng cục đã phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thi hành án tại các địa phương. Tổng cục đã chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống.

Công tác quản lý ngân sách được quan tâm chú trọng, kịp thời giao dự toán thu, chi Ngân sách cuối năm 2012 cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn, mua sắm tài sản theo đề án, giao bổ sung kinh phí cho biên chế tuyển mới và giao dự toán đầu năm 2013; hướng dẫn thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2013 cho 759 đơn vị dự toán. Việc phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2013 đã có sự đổi mới, đã tách riêng phần chi cho con người và chi cho công tác quản lý, có tính đến các nội dung chi đặc thù, vì vậy tổng số dự toán được giao phù hợp, công bằng hơn so với các năm trước, tạo điều kiện giúp các đơn vị đảm bảo có đủ kinh phí hoạt động thường xuyên, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ được giao công khai, minh bạch hơn. Đến nay, đã hoàn thành báo cáo toàn Ngành về tình hình phân bổ Ngân sách năm 2013 và giao ngân sách đợt 2 cho Văn phòng Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; đã thực hiện xong báo cáo tình hình quản lý và sử dụng tài sản, công tác đấu thầu, báo cáo tình hình thu nộp phí năm 2012, báo cáo đánh giá kết quả công tác kế toán nghiệp vụ năm 2012 và các báo cáo chuyên môn tài chính khác. Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị tổng hợp, rà soát, kiểm tra đề nghị bổ sung ngân sách cho các hoạt động bảo trì, sửa chữa lớn trụ sở, kinh phí thuê kho, thuê trụ sở và cho các công tác trọng tâm của Ngành như: đề án rà soát án tồn đọng, án điểm, hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại, dự án Tabmis...; thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo việc quản lý, thu nộp, sử dụng nguồn phí thi hành án đúng chế độ quy định. Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng Ngân sách Nhà nước, Tổng cục đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị và địa phương nghiêm túc thực hiện.

Về công tác quản lý tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, Tổng cục đã đôn đốc các đơn vị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kiểm kê tài sản từng năm, tổng hợp báo cáo kê khai và nhu cầu mua sắm tài sản của năm tiếp theo; đã tổng hợp xong nhu cầu mua sắm tài sản năm 2013 của các đơn vị trực thuộc, báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng, mua sắm, đấu thầu tài sản; thực hiện kiểm tra tình hình triển khai dự án xây dựng trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai để đánh giá, đưa ra giải pháp để khắc phục tồn tại và triển khai tiếp dự án; hoàn chỉnh công tác thẩm định phương án bảo trì trụ sở, kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự; tổng hợp tình hình thiên tai, bão lũ để có kế hoạch khắc phục đảm bảo cơ sở vật chất làm việc cho các đơn vị Thi hành án dân sự.

Công tác điều hòa phí đã có tiến bộ; đã kịp thời điều hòa phí trong năm 2012 cho các địa phương. Công tác báo cáo chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án có chuyển biến tích cực; đã hoàn thành báo cáo trong năm 2012. Tổng cục cũng đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, các khoản thu khác bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn vừa góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ, công chức; chỉ đạo và tiến hành kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh đối với những sai phạm, thiếu sót và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm.

Tại địa phương, theo sự phân cấp, các cơ quan Thi hành án dân sự đã chủ động thực hiện việc đầu tư xây dựng trụ sở, bố trí trang thiết bị, phương tiện làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ công chức theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính; việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án được thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp; công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án, quản lý tài chính, tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC...

11. Một số mặt công tác khác

a) Về công tác phối hợp trong thi hành án dân sự

Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm chú trọng, kể cả ở Trung ương cũng như địa phương.

Tổng cục đã tiếp tục duy trì và thực hiện tương đối tốt công tác phối hợp liên ngành với các đơn vị có liên quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ Kiểm sát thi hành án - Vụ 10, Cục Điều tra hình sự, Cục Thống kê tội phạm) trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong hoạt động kiểm sát, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (Tòa dân sự, Thanh tra) tiến hành rà soát những vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành; phối hợp với Bộ Nội vụ trong công tác tổ chức cán bộ; phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết số 36 và Nghị quyết số 37... Đã chủ động chuẩn bị nội dung, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có nhiều buổi làm việc, trao đổi với các bộ, ngành có liên quan để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, ví dụ như: làm việc với Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để đánh giá về công tác phối hợp, trên cơ sở đó đã có Kết luận liên ngành số 60/KL-BTP-VKSNDTC ngày 04/01/2013 về phối hợp trong công tác thi hành án dân sự và quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương triển khai thực hiện nghiêm các nội dung được nêu trong Kết luận liên ngành; làm việc với Thanh tra Chính phủ về những nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra đối với công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; làm việc với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong công tác xây dựng các văn bản, đề án về thi hành án dân sự, triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại... Công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị khác (Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính... và các đơn vị thuộc Bộ) tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả tốt. Đặc biệt, Tổng cục đã thường xuyên tham mưu, giúp Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án, như: kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm cán bộ; triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại; chỉ đạo tổ chức thi hành án tại cơ sở...

Tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tổ chức quán triệt việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Tổng cục; thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thi hành án, từ khâu cho ý kiến về Kế hoạch công tác thi hành án hàng năm đến đôn đốc, kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cho các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ở địa phương ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự và tổ chức quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, công tác thi hành án dân sự... Theo báo cáo của nhiều địa phương, cơ quan Thi hành án đều được mời tham dự và báo cáo tại các cuộc họp của cấp uỷ, HĐND, UBND để triển khai, quán triệt các Nghị quyết, văn bản của cấp trên hoặc các cuộc họp giao ban của các cơ quan nội chính. Công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án với các sở, ban, ngành có liên quan (Công an, Tòa án, Kiểm sát...) tiếp tục phát huy hiệu quả. Một số Cục Thi hành án dân sự địa phương đã chủ động trong việc xây dựng các Quy chế phối hợp liên ngành (38/63 đơn vị đã xây dựng Quy chế phối hợp).

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả, nhất là trong việc chỉ đạo thi hành án, tổ chức cưỡng chế đối với những vụ án lớn, những vụ việc khó khăn, phức tạp. Một số Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự[6] còn chủ động trong việc kiểm tra tình hình triển khai các đợt cao điểm thi hành án, duy trì họp định kỳ hoặc đột xuất để cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án khó, phức tạp…

b) Công tác Đảng và các tổ chức đoàn thể

Đảng ủy Tổng cục và các Chi bộ thuộc Đảng ủy Tổng cục và các tổ chức Đảng của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiếp tục được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động có nề nếp. Đến nay, hầu hết các Chi bộ thuộc Đảng ủy Tổng cục và các tổ chức Đảng của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tiến hành Đại hội Chi bộ. Các tổ chức Đảng trong toàn hệ thống làm tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị, xã hội hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình thực hiện luôn bám sát vào chương trình, kế hoạch của tổ chức Đảng cấp trên, kịp thời phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức và đảng viên; tích cực thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015; nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, 5 chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp. Tổng cục đã tổng hợp Báo cáo kết quả thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 trong toàn hệ thống, báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Ngành và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động Vì bình đẳng giới trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự năm 2013 với nhiều nội dung thiết thực nhằm tham mưu giúp Lãnh đạo Tổng cục và Cục các vấn đề về giới như: tham mưu với Lãnh đạo đơn vị tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; khuyến khích công chức nữ được học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; tạo điều kiện cho công chức nữ tham gia nhiều lĩnh vực, phát huy năng lực cá nhân, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ công chức nữ. Định hướng các đơn vị, địa phương tổ chức tọa đàm, gặp mặt nhân các dịp Kỷ niệm kết hợp lồng ghép phổ biến kiến thức về giới, gia đình và sự tiến bộ của phụ nữ, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nữ công chức trong cơ quan thi hành án dân sự; đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Bình Phước và tại cơ quan Tổng cục.

Các tổ chức đoàn thể khác, như: Công đoàn, Đoàn thành niên, Hội cựu chiến binh, Nữ công… đều được quan tâm kiện toàn và có nhiều đóng góp cho hoạt động và kết quả công tác chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị; tích cực chăm lo đời sống, kịp thời thăm hỏi, động viên đối với các trường hợp cán bộ công chức bị đau ốm, gặp khó khăn trong cuộc sống.

c) Công tác thi đua, khen thưởng

Đầu năm 2013, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua năm 2013 trong toàn hệ thống; hướng dẫn các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức đăng ký thi đua năm 2013, Tính đến ngày 31/3/2013, 100% đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. 64/64 đơn vị (Tổng cục và 63 Cục) đã tổ chức cho các tập thể và cá nhân đăng ký thi đua. Kết quả tổng hợp đăng ký thi đua năm 2013 trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự như sau: Về danh hiệu đối với tập thể: 952 Tập thể Lao động tiên tiến, 785 Tập thể Lao động xuất sắc, 98 Tập thể đăng ký Cờ thi đua ngành Tư pháp, 05 Tập thể đăng ký Cờ thi đua Chính phủ. Về hình thức khen thưởng đối với tập thể: 10 Tập thể đăng ký Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 31 Tập thể, Bằng khen của Bộ trưởng 324 Tập thể, Giấy khen của Tổng cục trưởng 31 Tập thể. Về danh hiệu đối với cá nhân: 9.521 cá nhân đăng ký Lao động tiên tiến, 3.720 Chiến sĩ thi đua cơ sở, 171 Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp và 07 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Về hình thức khen thưởng đối với cá nhân: 26 cá nhân đăng ký Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 75 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng 836 cá nhân, Giấy khen của Tổng cục trưởng 90 cá nhân, Giấy khen của Cục trưởng 6.885 cá nhân.

Ngày 06/02/2013, Tổng cục ban hành hướng dẫn xét, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước năm 2013 đối với các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Tính đến ngày 31/3/2013, Tổng cục đã tiếp nhận, thẩm định và xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xét cho 142 tập thể và cá nhân đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận, thẩm định 93 hồ sơ đề nghị khen thưởng về phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp nhận 08 hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Tổng cục tham gia góp ý các văn bản của Bộ trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; xây dựng dự thảo Bảng chấm điểm thi đua của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; hướng dẫn, giải đáp một số nội dung về nghiệp vụ thi đua cho các địa phương; tham dự các Hội nghị ký kết giao ước thi đua tại một số khu vực để theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua của khối Thi hành án dân sự tại các khu vực.

Qua theo dõi các địa phương về việc triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua   “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương phát động; nhiều đơn vị đã có những hoạt động phong phú, thiết thực để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển mạnh, tiêu biểu là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế… Việc củng cố và kiện toàn Hội đồng Thi đua, Khen thưởng, Hội đồng sáng kiến, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng TĐKT, Hội đồng sáng kiến đã được các Cục Thi hành án dân sự tiếp tục quan tâm thực hiện.

d) Về việc thực hiện Quy chế dân chủ dân chủ cơ sở; công tác phòng chống tham nhũng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Toàn Ngành tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các quy định về dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của Tổng cục đã được kiện toàn, đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của Tổng cục, Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của Tổng cục Thi hành án dân sự; hầu hết các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của đơn vị mình; chủ động xây dựng Quy chế, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy chế... Tổng cục đã ban hành và chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thực hiện tốt các Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý tài sản và các Quy chế khác bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng kinh phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, công chức...

Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm triển khai, thực hiện. Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thường xuyên quán triệt các văn bản, quy định về phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức; thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định trong toàn Ngành. Một số đơn vị làm tốt công tác báo cáo, như: Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh…), song cũng còn nhiều đơn vị thực hiện chưa nghiêm chế độ báo cáo, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Tiền Giang, Đồng Nai...

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự cũng đã được Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương quan tâm chú trọng.

12. Hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

a) Hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc

Hạn chế, tồn tại:

- Công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm chưa có chuyển biến mang tính đột phá; kết quả thi hành án xong đạt tỷ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012; một số địa phương đạt kết quả rất thấp, về việc: Tây Ninh (25,89%), Tiền Giang (27,75%)…; về tiền: Hà Nam (0,92%), Thái Bình (10,23%), Trà Vinh (10,5%)...; số án có điều kiện thi hành của một số địa phương còn chiếm tỷ lệ thấp, nhất là về tiền, ví dụ: Tuyên Quang (20,27%), Hòa Bình (27,73%); án chuyển kỳ sau không giảm, mà tăng so với cùng kỳ (tăng 4% về việc và 47% về tiền).

- Việc xây dựng đề án, văn bản còn chậm so với yêu cầu, chất lượng còn chưa cao, trong đó có Quy chế phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự với Sở tư pháp, chi cục Thi hành án dân sự với Phòng Tư pháp; một số địa phương (cấp tỉnh) chưa xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

- Việc ban hành Kế hoạch công tác năm 2013 của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu.

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, có nơi còn thiếu sâu sát, vẫn còn tình trạng đầu năm còn “đủng đỉnh”, chưa bắt tay ngay vào công việc, nhất là tại địa phương; quy trình, kỹ năng giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ công chức, kể cả tại Tổng cục còn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn chưa kịp thời, chất lượng còn hạn chế. Những vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn vi phạm xảy ra ở một số địa phương.

- Công tác kiểm tra vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao, nhất là ở cơ sở; công tác tự kiểm tra chưa được coi trọng; kết luận kiểm tra chưa chỉ rõ thiếu sót, vi phạm cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

- Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn Ngành còn chưa nghiêm; số lượng cán bộ, công chức, trong đó có một số đồng chí là cán bộ Lãnh đạo quản lý vi phạm, bị xử lý kỷ luật còn nhiều (25 trường hợp, tăng 05 trường hợp so với cùng kỳ). Một số địa phương có nhiều cán bộ vi phạm, như: Đồng Nai (5), Vĩnh Long (5), Kiên Giang (4).

- Công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc quản lý đối với cán bộ cấp dưới, quy hoạch, luân chuyển cán bộ; việc chuyển, xếp ngạch Chấp hành viên, tổ chức thi nâng ngạch ngạch còn chậm so với yêu cầu; một số đơn vị vẫn chưa tuyển đủ biên chế được giao; việc xử lý đối với những hạn chế, tồn tại một số địa phương còn chậm và chưa triệt để. Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa khoa học.

- Việc giải quyết đối với những vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài còn chưa kịp thời, hiệu quả còn thấp; chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là tại cơ sở còn hạn chế, bị cải sửa nhiều.

- Việc triển khai công việc liên quan thí điểm chế định Thừa phát lại còn chậm so với yêu cầu.

Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án hành chính tuy đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, song kết quả còn hạn chế.

- Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản tại một số đơn vị còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao; qua kiểm tra đã phát hiện có sai phạm tại một số đơn vị.

- Việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp; nhiều cán bộ địa phương còn chưa thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin nên, triển khai công việc còn lúng túng, không đúng hướng dẫn.

- Số liệu thống kê của một số địa phương vẫn chưa chính xác, phải chỉnh sửa nhiều lần, có đơn vị còn gian lận về số liệu (Hải Phòng); công tác tổng hợp, báo cáo có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số đơn vị không thực hiện đúng theo mẫu Quy chế báo cáo ban hành kèm theo Quyết định số 644/QĐ-TCTHADS ngày 18/9/2012, nội dung chưa đáp ứng yêu cầu (Hà Nam, An Giang, Lai Châu... ). Mặc dù đã được hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, song, vẫn còn nhiều đơn vị chấp hành chưa nghiêm kỷ luật báo cáo, thực hiện không đúng hướng dẫn, gửi chậm so với yêu cầu (Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Gia Lai, Phú Thọ...). Công tác tham mưu còn thiếu chủ động, chưa xứng tầm, chủ yếu mang tính sự vụ, kể cả ở Tổng cục.

Khó khăn, vướng mắc:

- Số án thụ lý mới tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2012[7]; thời gian gần đây phát sinh nhiều vụ án liên quan đến kinh doanh, thương mại, tín dụng ngân hàng, tranh chấp dân sự… với giá trị phải thi hành án lớn nhưng rất khó thi hành, như: vụ Vinashin; việc xử lý tài sản hiện rất khó khăn, có nhiều tài sản đã kê biên nhưng không bán được, thậm chí khi đã giảm giá nhiều lần.

- Công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết một số công việc cụ thể còn gạp khó khăn, vướng mắc, không bảo đảm tiến độ; quá trình triển khai một số việc (thí điểm Thừa phát lại, chuyển ngạch Chấp hành viên, xây dựng văn bản liên tịch...) chưa nhận được sự phối hợp có hiệu quả của một số Bộ, ngành có liên quan.

- Một số bất cập trong quy định của pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án (chuyển nhượng đất đai, tài sản, công chứng, đấu giá tài sản…) chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; một số quy định về trình tự, thủ tục thi hành án mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án...

- Cơ sở vật chất còn khó khăn, nhất là kho vật chứng, trụ sở làm việc của nhiều địa phương chưa được xây dựng; việc tuyển dụng cán bộ, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn khó khăn về nguồn tuyển dụng.

- Nhận thức của một số Cấp ủy và Lãnh đạo địa phương trong việc triển khai các chế định mới (thí điểm Thừa phát lại, thi hành án hành chính...) còn hạn chế, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

b) Nguyên nhân

Về chủ quan:

- Các đơn vị chủ trì xây dựng đề án, văn bản còn thiếu quyết liệt, chưa bám sát tiến độ, chưa nắm chắc trình tự, thủ tục, chưa chủ động báo cáo Lãnh đạo về tiến độ cũng như khó khăn, vướng mắc...

- Năng lực công tác, kỹ năng làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong xử lý công việc; một số cán bộ, Chấp hành viên chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ, thiếu ý thức tự giác trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ Lãnh đạo quản lý chưa tâm huyết với nghề, ý thức trách nhiệm chưa cao, còn ngại khó khăn, chưa có tinh thần chủ động, quyết liệt với công việc, sa sút, yếu kém về phẩm chất đạo đức.

- Công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo một số cơ quan Thi hành án dân sự còn thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp; chưa chủ động trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, chủ yếu là giải quyết những vấn đề theo yêu cầu của cấp dưới. Công tác kiểm tra tuy đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, chưa phát huy được vai trò và phục vụ tốt cho quản lý, điều hành.

- Việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ triển khai công tác Thi hành án dân sự năm 2013 cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tuy đã được chủ động triển khai sớm hơn so với những năm trước, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu.

- Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo quản lý, bổ nhiệm, chuyển ngạch Chấp hành viên, bổ nhiệm Thẩm tra viên, xử lý những địa bàn yếu kém ở một số nơi còn chậm, chất lượng chưa tốt, đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như công tác thi hành án dân sự.

- Công tác phối hợp giữa Tổng cục với các đơn vị có liên quan ở trong và ngoài Bộ, giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương, có lúc có việc còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

- Một số cơ quan THADS địa phương chưa thực sự khẳng định được vị thế, chưa tạo dựng được niềm tin để có thể tranh thủ tốt hơn sự quan tâm của cấp Ủy và chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự.

Về khách quan:

- Tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2013 chưa có nhiều chuyển biến tích cực; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, dẫn đến nhiều tài sản kê biên để thi hành án không bán được.

- Số lượng án và tiền thụ lý mới tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2012[8] (đây vừa là khó khăn, vướng mắc, vừa là nguyên nhân của hạn chế, tồn tại); công tác phân loại án có tiến bộ, số có điều kiện thi hành tăng nhiều, nên số thực tế phải đôn đốc, tổ chức thi hành cũng rất lớn; việc thi hành một số vụ án có giá trị lớn gặp khó khăn, ví dụ như vụ Vinashin.

- Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài xảy ra đã lâu, nên đòi hỏi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

- Một số bất cập trong quy định của pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; một số đề án, văn bản quan trọng về thi hành án chậm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành.

- Chế độ đãi ngộ đối với công chức thi hành án dân sự chưa là động lực thu hút cán bộ tốt vào làm việc.

- Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án còn chưa cao; nhiều trường hợp, người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án.

 

Đánh giá chung               

Xác định nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2013 là rất nặng nề và còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội đã được đưa vào Chương trình công tác năm 2013 của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác năm 2013 của Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và tập trung tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm. Mặc dù kết quả thi hành án 6 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ 2012, nhưng số việc đã thi hành xong được nhiều hơn. Đặc biệt là, việc ra quyết định thi hành án được quan tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc hơn; công tác phân loại án bảo đảm chính xác và có tiến bộ hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Tổng cục đã quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch công tác trong toàn hệ thống được quan tâm thực hiện bài bản và đi vào nề nếp; công tác kiểm tra của Tổng cục, nhất là kiểm tra để phát hiện nhằm chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã được quan tâm chú trọng. Một số yếu kém tồn tại từ năm 2012 bước đầu đã được khắc phục, nhất là tình trạng chậm trễ xây dựng, ban hành văn bản, đề án. Bộ máy, tổ chức trong hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm kiện toàn. Các mặt công tác khác cũng được chỉ đạo và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ. Mặc dù vậy, công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá; kết quả thi hành án đạt thấp; vẫn còn để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến số cán bộ bị xử lý kỷ luật còn nhiều; năng lực, trình độ, phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành ở nhiều đơn vị còn chậm được đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí còn yếu kém; ý thức trách nhiệm, thái độ, tác phong công tác của bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, yếu kém; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại còn chậm và lúng túng. Do đó, trong thời gian 6 tháng cuối năm, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần phải có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn mang tính đột phá thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013

1. Nhiệm vụ trọng tâm

1.1. Về nhiệm vụ mang tính cấp bách, trước mắt

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và có các giải pháp mang tính đột phá trong việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, những vụ việc có giá trị lớn, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và Bộ Tư pháp giao năm 2013.

- Hoàn thành việc xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Chương trình, Kế hoạch, trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, các thông tư và thông tư liên tịch theo Kế hoạch phải ban hành trong năm 2013[9]; nghiên cứu, đề xuất nội dung và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2008 vào năm 2014; hoàn chỉnh Đề án miễn thi hành một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành theo chỉ đạo của Bộ trưởng và gợi ý của Ủy ban Tư pháp, đồng thời, hoàn chỉnh Tờ trình Nghị quyết, Báo cáo đánh giá tác động, hồ sơ... để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

- Tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ đối với các đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém và các đơn vị mới thành lập; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương trong toàn hệ thống,

- Tập trung giải quyết có hiệu quả số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch. Nâng cao chất lượng và tiến độ công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp. Khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Triển khai thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra năm 2013, trong đó có việc phối hợp với Thanh tra Bộ kiểm tra công tác ra quyết định thi hành án, thụ lý, phân loại án, thống kê số liệu và kết quả thi hành án.

- Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch triển khai Đề án mở rộng thí điểm thừa phát lại và tổ chức thực hiện sau Kế hoạch được phê duyệt

- Giúp Chính phủ và Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng, hoàn thiện Báo cáo công tác thi hành án năm 2013 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm đúng tiến độ và có chất lượng.

- Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai Kế hoạch công tác năm 2014, kết hợp với Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống thi hành án dân sự” và tổng kết 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự về Chính phủ và Bộ Tư pháp quản lý.

1.2. Về nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài

- Chỉ đạo triển khai đồng bộ các mặt công tác thi hành án dân sự, nhất là việc tổ chức thi hành án tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và đạt kết quả, hiệu quả.

- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, nhất là tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh pháp lý; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV và cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm 5 Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện Đề án mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thi hành bản án hành chính và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trong công tác này.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc phân cấp quản lý về tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản giữa Tổng cục với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng theo Thông tư số 06/TT-BTP ngày 07/3/2011 của Bộ Tư pháp và Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 24/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Đẩy mạnh việc áp dụng rộng rãi hơn nữa công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác theo Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2013 của Bộ, Ngành và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự.

2. Giải pháp cơ bản

2.1. Đối với Tổng cục Thi hành án dân sự

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án, văn bản về công tác thi hành án dân sự theo đúng Kế hoạch đề ra, đặc biệt là những đề án, văn bản tồn đọng từ những năm trước chuyển sang, trước mắt, khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ để triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc ra quyết định thi hành án, thụ lý thi hành án, phân loại việc, tiền thi hành án dân sự, kết quả thi hành án dân sự và công tác thống kê thi hành án dân sự năm 2013 bảo đảm thực chất, có hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ theo phương châm “công tác cán bộ đi trước một bước”; tập trung chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn đối với các đơn vị còn nhiều yếu kém; tăng cường phối hợp với Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân để tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đạo tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; nhanh chóng thực hiện việc chuyển ngạch Chấp hành viên, thi nâng ngạch, thi tuyển Chấp hành viên.

- Phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ Tổ chức cán bộ sớm ban hành Bộ tiêu chí xếp hạng đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, làm cơ sở cho việc bình xét thi đua khen thưởng, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức làm công tác thi hành án dân sự.

- Khẩn trương nghiên cứu, sớm có đề xuất về tiêu chí xác định án chuyển kỳ sau để có sự đánh giá đúng, phù hợp thực tiễn, giảm áp lực về chỉ tiêu cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

- Nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, văn bản hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cần có tính định hướng, bảo đảm sự ổn định, tránh thay đổi nhiều gây khó khăn cho việc thực hiện ở địa phương; tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp kéo dài.

- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 02 Đề án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án về cơ chế phân bổ ngân sách đặc thù cho các cơ quan Thi hành án dân sự.

2.2. Đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương

- Khắc phục cơ bản những thiếu sót, tồn tại về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức và thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm về thi hành án dân sự; tập trung rà soát, tổ chức thi hành dứt điểm, đạt kết quả các vụ việc có điều kiện thi hành và các vụ việc đã tổ chức cưỡng chế; Lãnh đạo Cục, Chấp hành viên của Cục tăng cường bám sát cơ sở, địa bàn phụ trách, thường xuyên đôn đốc, nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các Chi cục trong việc tổ chức thi hành án.

- Căn cứ tình hình thực tế, thực hiện việc luân chuyển, kịp thời điều động tăng cường Chấp hành viên cho những đơn vị nhiều án, còn thiếu nhiều Chấp hành viên hoặc những đơn vị có kết quả thi hành án thấp, có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu được giao.

- Thực hiện nghiêm chỉ tiêu “ra Quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xác minh, phân loại án.

- Tranh thủ tốt hơn nữa sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp; phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị có liên quan (Tòa án, Kiểm sát, Công an, các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá…) để chủ động  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thi hành án.

2.3. Cùng với việc thực hiện các giải pháp cụ thể nêu trên, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

- Tham mưu giúp Lãnh đạo làm tốt công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý và các chức danh Tư pháp theo quy định, bảo đảm số lượng và chất lượng; tập trung xử lý những địa bàn, đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém; tiếp tục kiện toàn tổ chức theo Đề án về cơ cấu, tổ chức, xác định vị trí công tác trong hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2011-2015; phấn đấu tuyển dụng đủ số biên chế được giao.

- Chú trọng thực hiện tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, những địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.

- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục đối với các Cục và của Cục đối với các Chi cục theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn; nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu đơn vị; duy trì chế độ giao ban định kỳ để nắm vững tiến độ, kết quả công tác, gắn với việc xem xét và kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với những vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp.

- Chú trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm bảo đảm đung quy định của pháp luật, nhất là các đơn vị, cá nhân thực hiện việc phân loại án không chính xác, báo cáo không đúng thực tế, vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án, các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân.

- Phát huy dân chủ, sức mạnh tập thể và tăng cường đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV và cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời, thực hiện nghiêm 5 Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp một số vấn đề sau:

1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, tăng cường phối hợp, trao đổi với Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thi hành án dân sự trong mọi mặt công tác, nhất là việc nâng cao chất lượng, bảo đảm thời gian trong việc góp ý xây dựng các đề án, văn bản.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; đầu tư kinh phí, phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, trong đó có việc vận hành Cổng thông tin điện tử, xây dựng các Phần mềm quản lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, quản lý hồ sơ cán bộ, phần mềm quản lý công văn đi, đến, lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong toàn hệ thống.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao; trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, quan tâm bố trí mặt bằng xây dựng trụ sở, kho vật chứng; hỗ trợ kinh phí và các trang thiết bị làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương./.

Tải nội dung tại đây:

- Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2013

- Phụ lục 1, 2

 Ngày ban hành
23/04/2013
 Ngày có hiệu lực
23/04/2013
 
 Loại văn bản
Báo cáo
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt