Số hiệu
Số : 1159/KH-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
 Chi tiết văn bản

Thực hiện Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” và Hướng dẫn số 46-HD/BPGV ngày 31/3/2014 của Bộ phận giúp việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn học tập chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp” trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

-  Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, người lao động trong ngành Thi hành án dân sự, quyết tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác Tư pháp và về người cán bộ làm công tác Tư pháp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối làm việc và các tệ nạn khác, xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng, đoàn thể  trong sạch, vững mạnh.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức (CBCC), người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCC, củng cố vai trò, uy tín của đội ngũ CBCC ngành Thi hành án dân sự. Xây dựng đội ngũ CBCC Thi hành án dân sự có phẩm chất, đạo đức, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu:

- Gắn việc thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn ngành Thi hành án dân sự, phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những gương " người tốt, việc tốt trong CBCC, người lao động phù hợp với đặc điểm của Ngành; phát hiện, phê phán và kiên quyết xử lý những hành vi tiêu cực của CBCC, người lao động trong Ngành, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch đi vào chiều sâu, nội dung thiết thực, tác dụng tích cực đến mọi CBCC, người lao động; không phô trương, hình thức, làm theo phong trào, quyết tâm hành động bằng việc làm cụ thể và thường xuyên trong từng cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG

1. Thời gian, nội dung “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

1.1. Quý II/2014: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm:

Các nội dung cụ thể cần học tập:

- Tinh thần trách nhiệm và sự cần thiết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm

- Quan điểm của Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay.

1.2. Quý III/2014: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân:

Các nội dung cụ thể cần học tập:

- Chủ nghĩa cá nhân và sự cần thiết phải chống chủ nghĩa cá nhân

- Những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân

- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay.

1.3. Quý IV/2014: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm:

Các nội dung cụ thể cần học tập:

- Nói đi đôi với làm và sự cần thiết phải nói đi đôi với làm

- Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm

- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm phục vụ việc học tập chuyên đề năm 2014 do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và phát hành.

1.4. Một số nội dung khác:

Ngoài các nội dung học tập chuyên đề theo Hướng dẫn chung, CBCC, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự có thể đăng ký và cam kết thực hiện tốt các nội dung sau đây:

a) Đối với CBCC, người lao động:

- Chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị.

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự và Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc.

- Sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; không đi muộn, về sớm, không làm việc riêng, không đánh bài, không chơi games  trong giờ làm việc.

- Trách nhiệm, tận tình, niềm nở, lịch sự trong giao tiếp với công dân; không gây phiền hà, sách nhiễu với nhân dân.

- Thi hành kịp thời, đúng pháp luật các Bản án, Quyết định có hiệu lực thi hành.

b) Đối với tập thể:

- Xây dựng môi trường công khai, minh bạch, dân chủ, đoàn kết  trong đơn vị;

- Thực hiện đúng, đầy đủ công tác tiếp dân theo quy định của pháp luật; giải quyết đúng thời hạn đối với các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

-  Đơn vị không có CBCC, người lao động của đơn vị vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ.

2. Nội dung đẩy mạnh thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”

Tiếp tục phổ biến và quán triệt, thực hiện nội dung Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp” trong các cơ quan thi hành án dân sự theo 5 Chuẩn mực đã được cụ thể hóa sau đây:

2.1. Với Tổ quốc – Trung thành, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ;

- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đóng góp công sức, trí tuệ vào việc xây dựng và hoạch định chính sách pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần tăng cường pháp chế XHCN;

- Thi hành kịp thời, đúng pháp luật các Bản án, Quyết định có hiệu lực thi hành, để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

2.2. Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân

- Tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhất là pháp luật về thi hành án dân sự. Khách quan, công tâm khi thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tinh thần phục vụ nhân dân “công bằng, liêm khiết, gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”, bằng những việc làm thiết thực cụ thể sau:

+ Thi hành đúng, đầy đủ các Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật có điều kiện thi hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giai đoạn thi hành án;

+ Đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người được thi hành án, người phải thi hành án và thái độ của nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự, từ đó có biện pháp tổ chức thi hành án thích hợp, đảm bảo thấu tình, đạt lý, giữ được truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư;

 + Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội để vận động những người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người được đặc xá đã mãn hạn tù, là đối tượng đang phải thi hành án dân sự trở về địa phương sinh sống thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, sớm hoà nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân tại nơi cư trú;

Tham gia tích cực vào các phong trào thi đua do Bộ, Tổng cục, địa phương phát động nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

2.3. Với công tác thi hành án dân sự - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư

- Thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự là bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, giải quyết xong 87% về việc và 77% về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền) trong số việc, tiền có điều kiện giải quyết; giảm tối thiểu 7-10% số việc chưa giải quyết xong chuyển sang năm 2014 và những năm tiếp theo; phấn đấu phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết chính xác 100%; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản…

- Làm tròn nhiệm vụ, trung thực trong công tác; hết lòng, hết sức với công việc; không quản ngại khó khăn, gian khổ. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp;

- Giữ nghiêm kỷ cương phép nước; lấy pháp luật làm chuẩn mực để xử lý công việc. Khách quan, công tâm; không nể nang, né tránh, bao che trong thực hiện công tác Thi hành án dân sự. Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng;

- Có tư duy, quan điểm thực tiễn, không pháp lý thuần túy; vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân để góp phần giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm thực thi quyền tự do dân chủ của công dân;

- Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cách thức mới để thực hiện tốt hơn công tác thi hành án dân sự.

2.4. Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.

- Chân thành, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ; không có tư tưởng, biểu hiện cục bộ, chia rẽ, bè phái, tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm;

- Trung thực, thẳng thắn, có tinh thần xây dựng, có tình đồng chí thương yêu, gần gũi, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp. Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; quan tâm dìu dắt, giúp đỡ nhau làm tròn nhiệm vụ.

2.5.. Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy định về những điều Đảng viên, cán bộ, công chức không được làm, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Quy tắc ửng xử của cán bộ, công chức Ngành Tư pháp và Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự;

-  Ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chấp hành kỷ cương, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình; đoàn kết, trung thực tương trợ, hợp tác với đồng nghiệp; xây dựng đơn vị văn hóa và các đoàn thể vững mạnh;

-  Không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiệt tốt các quy định, trình tự, thủ tục nghiệp vụ thi hành án dân sự; tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao;

- Tích cực vận động, giáo dục, thuyết phục các thành viên trong gia đình xây dựng nếp sống văn hoá; bản thân và người thân trong gia đình không mắc các tệ nạn xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

3. Phương thức, hình thức thực hiện

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn đơn vị, kết hợp lồng ghép nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”“Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”, với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và triển khai sâu, rộng tới tất cả các tập thể, cá nhân trong đơn vị. Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi CBCC, người lao động trong Ngành, nhất là vai trò gương mẫu của Thủ trưởng và lãnh đạo đơn vị.

- Tổ chức Tọa đàm, hoặc lồng ghép trao đổi, thảo luận nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị- xã hội. Căn cứ vào chỉ đạo của cấp ủy Đảng và tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, chuẩn bị nội dung chuyên đề theo quý, tổ chức cho đảng viên, CBCC, người lao động thảo luận, liên hệ với bản thân để đề ra các giải pháp thực hiện tốt nội dung học tập trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự. Tọa đàm, sinh hoạt phải được ghi chép vào biên bản sinh hoạt chi bộ, biên bản họp cơ quan theo quy định.

- Khuyến khích CBCC, người lao động trong cơ quan, đơn vị viết tin, bài trên các phương tiện thôn tin đại chúng, trên Báo Pháp luật, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Trang thông tin Thi đua – Khen thưởng về những tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành Thi hành án dân sự. Kịp thời phổ biến những kinh nghiệm hay, những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức và kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân và tập thể tiêu biểu về nội dung này.

- Các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương triển khai cho CBCC, người lao động đăng ký nội dung học tập trong năm 2014 (theo mẫu gửi kèm), mỗi cá nhân có thể đăng ký 01 hoặc nhiều nội dung học tập và nộp về đơn vị. Riêng đảng viên thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng. Hàng tháng, quý, cơ quan tổ chức họp đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện những nội dung đã đăng ký học tập của CBCC, người lao động. Thủ trưởng đơn vị ghi nhận xét, đánh giá vào Bản đăng ký của CBCC, người lao động, làm căn cứ xét thi đua, khen thưởng cuối năm.

3. Chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết

Định kỳ 6 tháng, cuối năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị, xây dựng báo cáo, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

4.  Kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức

- Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch kiểm tra lồng ghép việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kết hợp với kế hoạch kiểm tra hàng năm đối với các đơn vị trực thuộc;

- Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị tổ chức giám sát, phát hiện, kiến nghị và kiểm tra đối với cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị có vi phạm, kịp thời thông báo với Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp CBCC, người lao động biết để có biện pháp xử lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Thi hành án dân sự

Ban hành Kế hoạch đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự; thường xuyên bám sát thực tiễn, nghiên cứu bổ sung kịp thời các tiêu chí, chuẩn mực mới, hướng dẫn và tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề ra các giải pháp mới để tổ chức thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đạt hiệu quả.

Giao Văn phòng Tổng cục làm đầu mối, tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, xây dựng báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch trong toàn Ngành.

2. Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Kế hoạch của Tổng cục và đặc điểm, tình hình của địa phương, Thủ trưởng các đơn vị tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp tổ chức triển khai, cụ thể hóa nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”để CBCC, người lao động trong đơn vị thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, định kỳ 6 tháng và cuối năm báo cáo tình hình thực hiện (trong báo cáo công tác thi đua, khen thưởng) về Tổng cục tổng hợp chung.

Trên đây là Kế hoạch Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”“Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp” trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự. Nhận được Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tổng cục (qua Văn phòng Tổng cục, ĐT: 0462739596) để được hướng dẫn, giải đáp./.

 Ngày ban hành
28/04/2014
 Ngày có hiệu lực
28/04/2014
 
 Loại văn bản
Văn bản khác
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
Mai Lương Khôi