Số hiệu
Số: 2098/TB - TCTHADS
 Trích yếu nội dung
V/v kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tại các buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương                                 
 Chi tiết văn bản

Từ ngày 04/7 đến ngày 07/7/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành đã dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm 2014 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương; làm việc với 2 đơn vị này về việc giải quyết các vụ việc thi hành án có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tổng cục trưởng cũng đã làm việc với Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Tại các buổi làm việc, Tổng cục trưởng đã kết luận như sau:

1. Tổng cục trưởng biểu dương kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2014 mà Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã đạt được, cụ thể:

 Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý 73.338 việc (tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 6.044 việc, tương đương 15%), với số tiền phải thi hành là 28.140,2 tỷ đồng (tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 3.090,3 tỷ đồng, tương đương 32%). Số việc có điều kiện giải quyết là 54.641 việc, tăng 6.587 việc (tăng 13,71% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 74,51% trong tổng số thụ lý (tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2013). Số tiền có điều kiện giải quyết 15.559,8 tỷ đồng (tăng 63,17% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 55,29% trong tổng số thụ lý (tăng 9,53% so với cùng kỳ năm 2013). Đã giải quyết xong 35.725 việc (tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 2.543 việc, tương đương 8%), đạt tỷ lệ 65,38% so với số việc có điều kiện giải quyết;  số tiền giải quyết xong là 6.126,4 tỷ đồng (tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 1552,4 tỷ đồng, tương đương 34%), đạt tỷ lệ 39,37% so với số tiền có điều kiện giải quyết.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương thụ lý thụ lý 21.697 việc (tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 2.674 việc, tương đương 14,05%) với số tiền phải thi hành là 4.603 tỷ đồng (tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 1.222 tỷ đồng, tương đương 36,16%). Số việc có điều kiện thi hành là 19.907 việc (chiếm 91,75% trong tổng số thụ lý), số tiền có điều kiện là 3.894 tỷ đồng (chiếm 84,59% trong tổng số thụ lý). Đã giải quyết xong 12.008 việc (đạt lỷ lệ 60,32% so với số việc có điều kiện thi hành, tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 4,09%), với số tiền giải quyết xong là 875,7 tỷ đồng (tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 0,52%), đạt tỷ lệ 22,49% so với số có điều kiện thi hành.

Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và của ngành; đã xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, xuyên suốt các hoạt động của Cục. Kết quả phân loại án đã đi vào thực chất, số có điều kiện giải quyết có tỷ lệ khá cao, số lượng việc, tiền giải quyết xong cao hơn kỳ trước; công tác kiểm tra với vai trò là công cụ trong quản lý đã dần được thể hiện rõ nét, những vi phạm theo kết luận của Viện kiểm sát, Thanh tra Bộ và của Tổng cục đã cơ bản được khắc phục. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Cục được thực hiện quyết liệt, có sự đổi mới, linh hoạt, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Lãnh đạo Cục. Công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo... nhìn chung đều được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, công tác luân chuyển, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo từ phòng đến các Chi cục có tiến bộ. Việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và các cơ quan, ban ngành hữu quan ngày càng chặt chẽ, thống nhất. Sự quyết tâm, nỗ lực của Lãnh đạo, công chức các cơ quan thi hành án dân sự của 2 đơn vị đã tạo nên những kết quả đáng ghi nhận như trên.

2. Tổng cục trưởng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của 2 đơn vị, như: Tỷ lệ giải quyết án xong mặc dù cao hơn năm trước cả về việc và tiền, tuy nhiên còn thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao, có nguy cơ không đạt chỉ tiêu cả năm, nhất là ở Bình Dương; số việc và tiền chuyển kỳ sau tăng cao; sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị, một số Chấp hành viên chưa được khắc phục triệt để; một số vụ án lớn, có tính chất phức tạp, kéo dài nhiều năm  chưa được tập trung giải quyết dứt điểm; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật ở một số đơn vị chưa nghiêm; kết quả thi hành án các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng chưa cao…

Tổng cục trưởng cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan như: Một số thủ trưởng đơn vị cấp phòng, cấp Chi cục có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, không sâu sát, không nắm chắc công việc của đơn vị dẫn đến kết quả công tác của đơn vị còn hạn chế, chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án đạt thấp, còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm nhưng không được kiểm tra, phát hiện để kịp thời chấn chỉnh. Một số Chấp hành viên chưa nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, chưa thực sự tích cực tổ chức thi hành án, còn sai phạm về trình tự, thủ tục và áp dụng pháp luật trong khi tổ chức thi hành án...

3. Tổng cục trưởng yêu cầu 2 đơn vị thực hiện ngay các giải pháp sau để thực hiện tốt lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, và để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao theo Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội:

- Quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ trưởng và Tổng cục trưởng về việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37/NQ-QH13, lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và toàn diện, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức toàn ngành.

- Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương phải khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp ban hành Chỉ thị (hoặc công văn) chỉ đạo UBND các cấp phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án để hoàn thành chỉ tiêu được giao trong 3 tháng cuối năm 2014.

- Điều động, tăng cường Chấp hành viên ở Cục, Chi cục cho các đơn vị có số lượng án phải thi hành lớn. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại chính xác án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; lập danh sách cụ thể các vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn, phức tạp, vướng mắc, trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo thật sát sao, có các biện pháp cụ thể giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả, trong đó cần gắn trách nhiệm cá nhân của từng Chấp hành viên, của Chi cục trưởng và của Cục trưởng về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án. Cục có trách nhiệm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chi cục. Đối với những vụ có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn thì Cục phải rút lên để tổ chức thi hành. Lãnh đạo Cục phải kịp thời báo cáo Tổng cục những vướng mắc phát sinh để được chỉ đạo giải quyết.

- Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, cưỡng chế thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

- Về công tác tổ chức cán bộ: Hai đơn vị cần nhanh chóng tuyển dụng đủ số biên chế được giao nhưng phải đảm bảo chất lượng; củng cố, kiện toàn tổ chức các đơn vị còn thiếu lãnh đạo, nhất là các phòng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương. Thực hiện tốt công tác biệt phái, luân chuyển cán bộ, không để cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ. Tập trung chỉ đạo những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý không đáp ứng yêu cầu thì phải thay thế.

Tiếp tục siết chặt, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện những vi phạm của Chấp hành viên, công chức. Kiên quyết xử lý kỷ luật, miễn nhiệm Lãnh đạo các phòng, các Chi cục và Chấp hành viên, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém, năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân trong khi tổ chức thi hành án, không chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 02/CT-BTP ngày 25/03/2013 về việc cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc và Chỉ thị 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự của Bộ trưởng.

4. Tổng cục trưởng cũng yêu cầu 2 đơn vị quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ và thi hành dứt điểm các vụ án dân sự phức tạp, kéo dài, có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2013, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Tư pháp, Kế hoạch số 1646/KH-TCTHADS ngày 04/7/2013 của Tổng cục triển khai thực hiện các Nghị quyết trên. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của ngành thi hành án dân sự, một trong những yếu tố quyết định để đơn vị cũng như toàn ngành hoàn thành chỉ tiêu (đặc biệt là chỉ tiêu về giá trị) được giao. Cục và các chi cục tăng cường kiểm tra, rà soát phân loại án chính xác, chủ động tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tăng kết quả xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Tập trung chỉ đạo tại một số địa phương, một số vụ việc trọng điểm để từ đó có kinh nghiệm nhân rộng ra toàn địa bàn quản lý.

5 . Tổng cục trưởng đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp tốt hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự; chia sẻ khó khăn với cơ quan thi hành án trên cơ sở quy định của pháp luật; có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định như có cơ chế miễn, giảm lãi suất cho người phải thi hành án... để tạo điều kiện cho việc thi hành án dứt điểm.

6. Những vấn đề Tổng cục trưởng đã làm việc và thống nhất với đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh: tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, hỗ trợ kinh phí quản lý hành chính từ 1 triệu đồng/01 biên chế lên 1,5 triệu đồng /01 biên chế, bằng với mức hỗ trợ với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án; hỗ trợ kinh phí cho Cục mua sắm trang, thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị sau khi xây dựng xong trụ sở của Cục.

Đối với những vụ án liên quan đến các tổ chức tín dụng có tài sản thế chấp là bất động sản có giá trị lớn, Cục phối hợp với các cơ quan hữu quan báo cáo UBND Thành phố mua lại để hỗ trợ cho các cơ quan thi hành án dân sự làm trụ sở hoặc kho tang vật.

Cục chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tìm giải pháp và báo cáo UBND Thành phố phê duyệt phương án xây dựng, bố trí nhà ở cho công chức ngành thi hành án dân sự Thành phố.

-  Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương: trong tháng 7/2014 chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tại địa phương trong việc quy hoạch, đo vẽ và trình UBND tỉnh Bình Dương bố trí cho Cục diện tích đất cần thiết đủ để xây dựng trụ sở làm việc và cụm kho tang vật tại khu hành chính mới của tỉnh; Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ cân đối, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và cụm kho tang vật của Cục trong năm 2015.

Cục lập dự toán chi tiết, cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt làm cơ sở hỗ trợ thêm kinh phí cho Cơ quan Thi hành án dân sự.

7. Tổng cục trưởng giao Vụ Nghiệp vụ 1 nghiên cứu, tham mưu giải quyết những kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương về những vướng mắc trong quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; giao Trung tâm Dữ liệu thông tin và Thống kê thi hành án nghiên cứu quy định đối với những loại án Cơ quan Thi hành án dân sự đã kê biên, định giá và tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký mua thì được đưa được vào mục “lý do khác” trong báo cáo thống kê hàng tháng, hàng quý, hàng năm.

8. Trên cơ sở kết luận của Tổng cục trưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, các Cục Thi hành án dân sự trên toàn quốc cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm đối với địa phương mình và căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương mình để triển khai thực hiện kết luận của Tổng cục trưởng cho phù hợp. Các đơn vị thuộc Tổng cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trên đây là kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tại các buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương. Tổng cục Thi hành án dân sự trân trọng thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện và phối hợp thực hiện./.

 Ngày ban hành
14/07/2014
 Ngày có hiệu lực
14/07/2014
 
 Loại văn bản
Thông báo
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt