Chi tiết văn bản
|
Qua tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) trong năm 2014, Tổng cục nhận thấy: Trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, số việc, tiền thụ lý mới tăng cao so với năm 2013 song kết quả THADS năm 2014 vẫn tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, đạt được những kết quả quan trọng. Số thi hành xong về việc và tiền đều tăng cao so với năm 2013 (tăng 38.120 việc và trên 10.000 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 88,47% về việc, 76,72% về tiền trên số có điều kiện thi hành, cơ bản đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/NQ-QH13 của Quốc hội. Công tác chỉ đạo, điều hành bước đầu đã đi vào nề nếp, sâu sát, quyết liệt hơn; việc xây dựng Kế hoạch công tác năm 2014 được triển khai cơ bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, sát với yêu cầu và được thực hiện có hiệu quả. Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, kỷ cương, kỷ luật tiếp tục được tăng cường. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, triển khai có hiệu quả; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đã có sự chuyển biến, nhiều văn bản xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ đã được xử lý kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA; nhiều vi phạm của cán bộ, Chấp hành viên đã được phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Công tác quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng nề nếp, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn Ngành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2014 trong hệ thống THADS vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế, thậm chí là yếu kém. Kết quả THADS mặc dù đạt chỉ tiêu thi hành xong về việc, về tiền trên số có điều kiện thi hành song số việc chuyển sang năm 2015 vẫn ở mức cao, tăng 3,78% về việc và 34,92% về tiền so với năm 2013 chuyển sang năm 2014. Một số đơn vị đạt kết quả rất thấp như Cục THADS tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh (về việc), Hải Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, TP Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Bình, Ninh Thuận (về tiền), làm ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn Ngành. Kết quả THA có sự tăng đột biến vào hai tháng cuối năm (tăng 18,63% về việc và 35,82% so với kết quả 10 tháng), số việc ủy thác, hoãn thi hành án nhiều nhưng chưa được kiểm tra, kiểm chứng, làm rõ đúng – sai (ủy thác 20.140 việc = 11.521.502.765 nghìn đồng; hoãn 131.222 việc = 19.113.465.625 nghìn đồng) nên Tổng cục chưa thực sự yên tâm với số liệu báo cáo của các địa phương; kết quả phân loại án chưa có sự chuyển biến, số có điều kiện trên tổng số phải thi hành thấp hơn 0,78% về việc và 2,59% về giá trị so với năm 2013. Nhiều sai phạm mang tính chất phổ biến đã được chỉ ra từ những năm trước đây nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị còn bị buông lỏng, nhất là ở cấp Chi cục và đội ngũ Chấp hành viên. Tình trạng CBCC, kể cả cán bộ quản lý vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật gia tăng báo động. Năm 2014, toàn Ngành có 98 CBCC bị kỷ luật; 10 CBCC bị xử lý hình sự (tăng gấp 2 lần so với năm 2013), tập trung vào một số địa phương như Nghệ An, Vĩnh Long, Hải Phòng, Lai Châu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Cà Mau... Trong đó, có nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây nhức nhối cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Ngành, gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ việc 02 CBCC THADS tỉnh Nghệ An bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản; vụ Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vụ Thẩm tra viên Chi cục THADS quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, Chấp hành viên sơ cấp Chi cục THADS thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nhận hối lộ; vụ cán bộ Chi cục THADS huyện Cao Phong, Hòa Bình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ… Công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm còn chậm; công tác tuyển dụng có nơi thực hiện chưa tốt, chất lượng tuyển dụng chưa cao; còn nhiều đơn vị yếu kém chưa được các Cục tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành còn nhiều hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sâu sát, chưa thực sự xứng tầm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý ngành. Một số đơn vị chậm xây dựng Kế hoạch công tác năm 2014 (Bắc Kạn, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Vĩnh Long…); rất nhiều đơn vị, địa phương chưa quyết liệt triển khai công tác ngay từ đầu năm. Công tác kiểm tra chưa thực sự hiệu quả, nhiều sai phạm của cán bộ, Chấp hành viên chưa được phát hiện để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Công tác phối hợp trong THADS tại một số địa phương còn hạn chế, chưa tranh thủ được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, nhất là trong công tác cưỡng chế THA. Việc phối hợp với trại giam, trại tạm giam trong việc thu, trả tiền, tài sản tại một số địa phương chưa tốt, kết quả thu được chưa tương xứng (Phú Thọ, Đồng Nai, Khánh Hòa). Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ có nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã được quan tâm, song vẫn còn hiện tượng cán bộ tiếp công dân có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây bức xúc trong dư luận (Bình Phước); tỷ lệ giải quyết khiếu nại của một số địa phương còn thấp, chất lượng giải quyết khiếu nại chưa cao (Hải Phòng, Tây Ninh, Sóc Trăng, Phú Thọ…). Công tác triển khai thí điểm Thừa phát lại tại một số địa phương còn chậm, nhận thức của Thủ trưởng một số đơn vị về chủ trương thí điểm Thừa phát lại còn hạn chế. Công tác THA hành chính hiệu quả chưa cao, một số Cục THADS chưa chủ động tham mưu, giúp UBND cùng cấp xây dựng báo cáo kết quả THA hành chính của địa phương. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí tại một số đơn vị không đúng quy định (Đắk Nông); có sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu thống kê và số liệu kế toán (Cục THADS TP Hồ Chí Minh); tiến độ triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ bản của một số dự án còn chậm, chưa hiệu quả (Trụ sở Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc; Chi cục THADS TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).
Nhiệm vụ công tác THADS trong năm 2015 và những năm tiếp theo vẫn còn hết sức nặng nề, khó khăn, gian khổ và thậm chí cả nguy hiểm, tuy nhiên, với quyết tâm tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, xây dựng ngành Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Tổng cục kêu gọi toàn thể CBCC, người lao động trong toàn Ngành đồng lòng, nhất trí, chung sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trước mắt, trong khi chưa có Kế hoạch công tác năm 2015, Tổng cục yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm sau:
1. Chủ động triển khai công tác năm 2015 ngay từ những ngày đầu tháng 10 năm 2014, trong đó, chú trọng công tác xác minh, phân loại án, đảm bảo chính xác; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng; các vụ việc khiếu nại tố cáo, kéo dài, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật. Kiên quyết ngăn chặn hiện tượng buông xuôi và tâm lý nghỉ xả hơi, đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm “chạy chỉ tiêu” của CBCC trong các cơ quan THADS, không để công tác THADS bị gián đoạn.
Trước mắt, trong khi chưa có Quyết định giao chỉ tiêu chính thức của Bộ và của Tổng cục, các Cục Thi hành án dân sự tạm giao chỉ tiêu cho các Chi cục và Chấp hành viên theo chỉ tiêu được giao năm 2014. Năm 2015, bên cạnh các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng, Tổng cục yêu cầu các cơ quan THADS, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị nghiên cứu giao chỉ tiêu cho các đơn vị và Chấp hành viên, mỗi tháng, mỗi đơn vị, Chấp hành viên phải thi hành xong trên 7,3% về việc, trên 6,5% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành; xác minh được ít nhất 10% số việc được giao, đảm bảo năm 2015 không còn hiện tượng kết quả THADS tăng đột biến vào những tháng cuối năm. Đối với các vụ việc người phải THA có điều kiện nhưng không tự giác thi hành, Chấp hành viên phải áp dụng ngay biện pháp kê biên, định giá, bán đấu giá và cưỡng chế giao tài sản đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, góp phần giảm việc, tiền chuyển kỳ sau.
Phối hợp chặt chẽ với các trại giam, trại tạm giam trong việc thu, trả tiền, tài sản của người phải THA, xử lý hết số tiền tồn đọng tại các trại giam; triệt để khắc phục tình trạng trại giam đã thu tiền nhưng cơ quan THADS không phối hợp để xử lý.
2. Tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Quyết định số 642/QĐ-TCTHADS ngày 01/10/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra việc ra quyết định hoãn, ủy thác THA; rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả THADS của các Chi cục, các đơn vị trực thuộc và các Chấp hành viên để đảm bảo tính chính xác của số liệu thống kê cũng như kết quả thực hiện các mặt công tác khác. Tổng hợp các vi phạm, thiếu sót được phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra, công tác kiểm sát, giám sát, để chấn chỉnh kịp thời; tập trung chỉ đạo khắc phục triệt để những vi phạm, thiếu sót, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung.
3. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan THADS và Quyết định số 2657/QĐ-BTP ngày 03/10/2014 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ. Làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, bảo đảm chất lượng tuyển dụng và chất lượng cán bộ quản lý, tiến tới nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC thi hành án dân sự nói chung. Tập trung chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2015 cơ bản không còn các Phòng, các Chi cục yếu kém. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, cơ bản không để tình trạng cán bộ quản lý giữ một vị trí quá hai nhiệm kỳ. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ trong toàn Ngành, kiên quyết xử lý nghiêm những CBCC, kể cả cán bộ quản lý có sai phạm, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, có hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh, những CBCC thiếu tinh thần trách nhiệm, hạn chế về năng lực, trình độ. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa, thường xuyên giáo dục phẩm chất, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức THADS, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị, tại nơi cư trú để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và diễn biến tư tưởng của CBCC, kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực, sai trái, lệch lạc, từ đó có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng CBCC vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, Thủ trưởng cơ quan đơn vị đó không được xét thi đua, khen thưởng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan quản lý cấp trên.
4. Tăng cường công tác quản lý chỉ đạo điều hành của Tổng cục đối với Cục, Cục đối với Chi cục; của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục đối với đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký THADS và Kế toán... Tiếp tục giao Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Cục trực tiếp phụ trách các địa bàn có lượng án lớn, có nhiều vụ việc phức tạp; chỉ đạo lập danh sách các vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài từ năm 2014 chuyển sang, tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm. Lãnh đạo Cục, các phòng chuyên môn thuộc Cục phải nắm chắc địa bàn, nắm chắc các vụ việc phức tạp, các vấn đề báo chí, phương tiện thông tin đại chúng nêu để kịp thời có biện pháp giải quyết và chủ động báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục.
5. Tất cả các Cục THADS phải chủ động tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ THADS và phổ biến các quy định của pháp luật về THADS cho CBCC, nhất là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký THA. Nội dung tập huấn tập trung vào những lĩnh vực thường xảy ra sai sót về mặt trình tự, thủ tục như kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế THA. Chú ý bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động, kỹ năng dân vận của CBCC trong quá trình tổ chức thi hành án và tiếp công dân. Thời gian tập huấn, thực hiện xong trước 31/12/2014.
6. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo THADS trong công tác tổ chức cán bộ, trong việc tổ chức thi hành những vụ án lớn, những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Chỉ đạo các Chi cục THADS ký hợp đồng tống đạt các văn bản về THADS, xác minh điều kiện THA và tạo điều kiện cho các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực THADS. Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thí điểm chế định Thừa phát lại cấp tỉnh trong việc sơ kết, tổng kết thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác THA hành chính; tổ chức có hiệu quả việc THA hành chính tại địa phương.
7. Tập trung điều hành ngân sách và thu nộp, quản lý sử dụng phí THA đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tài chính trong đơn vị.
Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2015 của toàn Ngành dự kiến sẽ được tổ chức ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 (cuối tháng 11, đầu tháng 12), các Cục THADS chủ động tổng kết công tác năm 2014 và chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2015 ngay sau khi kết thúc Hội nghị triển khai công tác năm của Ngành.
Nhận được Công văn này, yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, chỉ đạo thực hiện./.
|