Chi tiết văn bản
|
Thực hiện Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 29/9/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân, trên cơ sở kết quả công tác năm 2014, để tăng cường hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân trong năm 2015, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm và triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, để thực hiện nghiêm các quy định của Luật tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Chấn chỉnh, khắc phục tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân trong thi hành án dân sự. Thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với công tác này; tăng cường tiếp công dân, sắp xếp, thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân; quan tâm, thực hiện chế độ, chính sách đối với những cán bộ làm công tác này; lấy hiệu quả của công tác tiếp công dân làm một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.
3. Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại để nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:
- Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, không để vụ việc diễn biến thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tổ chức đối thoại công khai mời các ban, ngành có liên quan tham gia; kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình của các cơ quan thi hành án dân sự.
- Đối với những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan Thi hành án dân sự cần chủ động phối hợp chặt chẽ thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí để dư luận hiểu rõ bản chất vụ việc. Đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, gây rối an ninh, trật tự công cộng; cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật; lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân, vi phạm Quy chế tiếp công dân thì phải có biện pháp hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
4. Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Lãnh đạo Tổng cục tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các đơn vị chuyên môn (Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp Vụ 2) và các cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan hữu quan ở địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân liên quan đến lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách.
Nhận được công văn này, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai, thực hiện./.
|