Số hiệu
Số: 799/TB-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
V/v kết luận của Tổng Cục trưởng tại buổi làm việc của Lãnh đạo Tổng cục với 23 tỉnh, thành phố có lượng án lớn hoặc còn những tồn tại, hạn chế
 Chi tiết văn bản

Ngày 18/03/2015, dưới sự chủ trì của Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức buổi làm việc với 23 cơ quan Thi hành án dân sự địa phương có số lượng việc, tiền phải thi hành án lớn hoặc còn những tồn tại, hạn chế nhằm đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu về việc và tiền 5 tháng đầu năm 2015thảo luận, tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và các đồng chí Cục trưởng của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, các tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Thuận,  Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tiền Giang. Tham dự buổi làm việc còn có Lãnh đạo, Chuyên viên làm công tác tham mưu, tổng hợp thống kê của Văn phòng Tổng cục, Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin. Tới dự và đưa tin về buổi làm việc có Pháp luật Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi trình bày Dự thảo Báo cáo thực hiện chỉ tiêu về việc và tiền 5 tháng đầu năm 2015 của các địa phương có số lượng việc, tiền phải thi hành lớn; ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự họp và ý kiến phát biểu của các Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành kết luận:  

1. Về cơ bản, nhất trí cao với dự thảo báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2015 của Tổng cục đối với các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc nói chung và 23 tỉnh, thành phố nói riêng (sau đây gọi tắt là 23 địa phương); ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, người lao động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2015; mặc dù tỷ lệ chưa đáp ứng yêu cầu được giao, chưa có sự đột phá, nhưng đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn về giá trị tuyệt đối và cả về tỷ lệ, cụ thể:

1.1. Kết quả chung của các cơ quan Thi hành án dân sự toàn quốc

a) Kết quả thi hành án dân sự về việc

Tổng số thụ lý là 488.327 việc, tăng 22.093 việc (4,74%) so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Số có điều kiện giải quyết là 350.230 việc, tăng 11.665 việc (3,45%) so với cùng kỳ năm 2014; chiếm 71,72% trong tổng số thụ lý, giảm 0,90% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 169.230 việc, tăng 13.196 việc (8,46%) so với cùng kỳ năm 2014; đạt tỉ lệ 48,32%, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2014. Số việc chuyển kỳ sau 319.097 việc, giảm 815 việc (0,64%) so với cùng kỳ năm 2014.

b) Kết quả thi hành án về tiền

Tổng số thụ lý là trên 86.619 tỷ đồng, tăng gần 18.200 tỷ đồng (26,60%) so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Số có điều kiện giải quyết là trên 61.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng (24,28%) so với cùng kỳ năm 2014; chiếm 70,50% trong tổng số thụ lý, giảm 1,31% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 11.623 tỷ đồng, tăng gần 2.735 tỷ đồng (30,77%) so với cùng kỳ năm 2014; đạt tỉ lệ 19,03%, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2014; số tiền chuyển kỳ sau là 75.000 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ (9,41%) so với cùng kỳ năm 2014.

1.2. Kết quả thi hành án dân sự của 23 địa phương

a) Kết quả thi hành án dân sự về việc

Tổng số thụ lý là 307.468 việc (chiếm tỷ lệ 62,96% so với tổng số thụ lý của toàn quốc), trong đó: Số có điều kiện giải quyết là 217.850 việc (chiếm tỷ lệ 62,20% số có điều kiện của toàn quốc); chiếm 70,85% trong tổng số thụ lý, giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn 0,87% so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 98.102 việc, tăng 7.949 việc (8,82%) so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ lệ 57,97% số thi hành xong của toàn quốc; đạt tỉ lệ 45,03%, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 3,29%; số việc chuyển kỳ sau 209.366 việc, chiếm tỷ lệ 65,61% so với tổng số chuyển kỳ sau của toàn quốc.

b) Kết quả thi hành án về tiền

Tổng số thụ lý là trên gần 68.112 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,63% so với tổng số thụ lý của toàn quốc), trong đó: Số có điều kiện giải quyết là gần 46.661 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 76,41% số có điều kiện của toàn quốc); chiếm 68,51% trong tổng số thụ lý, giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn 1,99% so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 8.834 tỷ đồng, tăng trên 1.874 tỷ đồng (26,95%) so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ lệ 76% số thi hành xong của toàn quốc; đạt tỉ lệ 18,93%, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 0,1%; số tiền chuyển kỳ sau là gần 60.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,04% so với tổng số chuyển kỳ sau của toàn quốc.

2. Nhất trí với đánh giá của các đồng chí Cục trưởng tham dự buổi làm việc về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; những kiến nghị xuất phát từ đặc điểm, tình hình riêng của mỗi địa phương. Mặc dù kết quả đã đạt được là tương đối khả quan trong điều kiện vừa kết thúc năm công tác, các cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện việc tổng kết năm 2014, triển khai công tác 2015 và rơi vào dịp Tết nguyên đán, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong thời gian tới, những hạn chế đó là: (i) Kết quả THADS 05 tháng đầu năm chưa có sự đột phá và còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2015 được Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao (toàn quốc còn thiếu gần 40% về việc và 58% về tiền; 23 địa phương còn thiếu 43% về việc và 59% về tiền); tỷ lệ thi hành án xong của 23 địa phương nêu trên thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc (thấp hơn 3,29% về việc và 0,1% về tiền); (ii) Số chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn còn rất lớn (gần 320.000 việc, tương ứng với số tiền gần 75.000 tỷ đồng), trong đó số chuyển kỳ sau của 23 địa phương trên cũng là gần 210.000 việc, tương ứng với số tiền gần 60.000 tỷ đồng; (iii) Còn số lượng lớn việc đã ra quyết định thi hành án, nhưng chưa được tổ chức xác minh kịp thời (7.147 việc tương ứng với số tiền phải thi hành là 2.347 tỷ đồng); (iv) Tỷ lệ việc và tiền có điều kiện giải quyết tuy đạt tương đối cao (71,72% về việc và 70,5% về tiền) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 (thấp hơn 0,9% về việc và 1,31% về tiền); (v) Số việc có điều kiện nhưng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm còn nhiều (112.601 việc, tương ứng với số tiền trên 35.480 tỷ đồng, chiếm 53,78% về việc và 59,86% về tiền so với số chuyển kỳ sau); (vi) Công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài; công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng còn chưa thực sự đạt hiệu quả.

3. Về nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên, ngoài một số nguyên nhân khách quan như lượng việc, tiền tăng mạnh trong khi biên chế và số lượng Chấp hành viên còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; điều kiện kinh tế chung của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc; nhiều tài sản bán đấu giá không có người mua, phải giảm giá nhiều lần..., còn có nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản sau: (i) Năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của nhiều công chức, kể cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo còn hạn chế, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu, thậm chí có trường hợp yếu kém; (ii) Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành mặc dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chưa thực sự quyết liệt, sát sao, cụ thể; (iii) Việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm, nhất là ở cấp Chi cục, Thủ trưởng các đơn vị chưa thực sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm túc và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật tại đơn vị, vẫn còn “tâm lý nghỉ xả hơi, đủng đỉnh” chưa bắt tay vào công việc ngay từ những tháng đầu năm; (iv) Công tác tổ chức cán bộ tuy đã được quan tâm chú trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “đi trước một bước”, chưa chủ động giải quyết các vấn đề trong công tác này một cách bài bản, căn cơ; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn trường hợp sa sút về phẩm chất, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, bị xử lý theo quy định; (v) Công tác phối hợp, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành tại địa phương của một số cơ quan Thi hành án dân sự còn chưa hiệu quả.

Tình hình trên cho thấy, việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2015 của cả hệ thống thi hành án là rất khó khăn, nhất là trong điều kiện những tháng cuối năm cả hệ thống chính trị phải tập trung vào việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

4. Trên cơ sở đánh giá kết quả, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện chỉ tiêu 5 tháng đầu năm 2015, Tổng Cục trưởng yêu cầu các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là 23 tỉnh, thành phố được triệu tập thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, công việc cụ thể sau đây: 

4.1. Đối với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục:

(i) Cần đề cao trách nhiệm, tiếp thu và tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục giải quyết đầy đủ, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; tiếp tục phát huy năng lực; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; động viên, khích lệ, đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công việc của công chức, người lao động trong đơn vị.

(ii) Tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục trong việc xây dựng thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; chủ động rà soát, đánh giá và ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS địa phương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu của các cơ quan Thi hành án dân sự, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp chỉ đạo. Khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2013/TT-BTP hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê THADS, cần thiết có thể xây dựng Thông tư thay thế, đảm bảo chế độ thống kê phải gọn, dễ áp dụng, nhất là phải phản ánh đúng bản chất, tình hình công tác thi hành án dân sự, làm cơ sở cho việc đánh giá hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự được khách quan, phù hợp với thực tiễn.

 (iii) Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát hơn, cụ thể hơn, kiên quyết không để hiện tượng chậm trễ trong công tác này; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, tồn đọng kéo dài, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc có giá trị lớn; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, Kế hoạch giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp, kéo dài...

(iv) Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS (Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCLN-NHNN-BTP ngày 18/03/2015).

(v) Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ, đảm bảo công tác này phải “đi trước một bước”, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của toàn hệ thống thi hành án dân sự.

(vi) Tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Tòa án NDTC, Viện KSNDTC và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo kịp thời, có chất lượng.

(vii) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp; rà soát kế hoạch công tác, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp giúp Lãnh đạo Tổng cục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc quyết liệt, hiệu quả hơn. Nghiên cứu, đề xuất phương án giao chỉ tiêu phù hợp với tình hình mới; tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và phân tích tình hình, kết quả thực hiện chỉ tiêu giao; bảo đảm số liệu thống kê về kết quả thi hành án dân sự phải trung thực, chính xác, kiên quyết chấn chỉnh biểu hiện báo cáo không trung thực, chạy theo thành tích; tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục tham mưu trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở, kho vật chứng; triển khai việc thực hiện phân bổ ngân sách năm 2015 cho các cơ quan THADS.

4.2. Đối với các đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự:

(i) Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục tại Hội nghị này đến toàn thể cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự tại địa phương mình. Nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế, chỉ đạo khắc phục ngay những nguyên nhân chủ quan làm hạn chế kết quả thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự đã nêu trên; đề ra giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế, chính trị xã hội của địa phương, chú trọng những giải pháp đột phá; quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức thi hành án.

(ii) Chỉ đạo quyết liệt các Phòng Nghiệp vụ, Chi cục trực thuộc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đợt thi hành án cao điểm; tích cực tổ chức xác minh ngay sau khi ra quyết định thi hành án để phân loại và tổ chức thi hành kịp thời; tập trung từ nay đến trước khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp (hết tháng 7/2015) tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, tồn đọng kéo dài, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo phức tạp; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm.

(iii) Tích cực triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS theo chỉ đạo của Tổng cục, trên cơ sở đó, tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.

(iv) Tiếp tục kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cơ quan THADS địa phương, nhất là những địa bàn, đơn vị còn yếu kém; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc điều động, luân chuyển, biệt phái công chức; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị, xác định năm 2015 tiếp tục là năm kỷ luật, kỷ cương, hạn chế đến mức thấp nhất số cán bộ, công chức vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Đơn vị nào để xảy ra sai phạm thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục và kiên quyết xử lý vi phạm, không xem xét khen thưởng đối với người đứng đầu. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục về công tác cán bộ; tăng cường và nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nhất là cho đội ngũ Chấp hành viên; coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện kỹ năng, tác phong, lề lối làm việc.

(v) Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo THADS, tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Kiểm sát, cơ quan truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ theo Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp.

(vi) Nâng cao hiệu quả công tác tổng hợp, báo cáo; kịp thời đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo thống kê; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ công việc. Riêng Cục THADS thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng Đề án quy hoạch các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, giao Vụ Kế hoạch – Tài chính của Tổng cục tham mưu chỉ đạo, thực hiện.

(vii) Tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức. Tạo môi trường tốt để cán bộ công chức yên tâm công tác.

5. Sau Hội nghị, đề nghị Văn phòng Tổng cục tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại buổi làm việc, hoàn thiện báo cáo; Trung tâm tiếp tục tham mưu giúp Lãnh đạo Tổng cục trong việc theo dõi, thống kê tình hình thực hiện chỉ tiêu của các cơ quan THADS trong thời gian tới. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp; học hỏi những sáng kiến, bài học kinh nghiệm hay, áp dụng vào thực tiễn địa phương mình; quán triệt tới toàn thể công chức, người lao động của đơn vị.

6. Biểu dương các đồng chí Cục trưởng của 23 địa phương được triệu tập đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, có mặt đầy đủ và tham gia trao đổi, thảo luận một cách thẳn thắng, tâm huyết, có trách nhiệm, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành án dân sự trong những tháng tiếp theo, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của toàn hệ thống năm 2015. Biểu dương Văn phòng Tổng cục, Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin đã chủ động rà soát, tổng hợp, đánh giá tình thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự trong 05 tháng đầu năm 2015 của các địa phương; phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục tham mưu đề xuất và chuẩn bị nội dung, điều kiện làm việc, đảm bảo cho buổi làm việc đạt hiệu quả cao.

Trên đây là kết luận của Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự với 23 Cục Thi hành án dân sự địa phương nhằm đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu về việc và tiền 5 tháng đầu năm 2015 và bàn giải pháp nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong thời gian tới, Tổng cục thông báo để các đơn vị và các đồng chí biết, thực hiện./.

 Ngày ban hành
25/03/2015
 Ngày có hiệu lực
25/03/2015
 
 Loại văn bản
Thông báo
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
Nguyễn Xuân Tùng