Chi tiết văn bản
|
Thực hiện Luật thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP; Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp; Quyết định số 07/QĐ-BTP ngày 07 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua ngành Tư pháp năm 2016; Chương trình công tác trọng tâm thi hành án dân sự năm 2016, để tạo động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2016 của Hệ thống, Tổng cục Thi hành án dân sự phát động phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Hệ thống với những nội dung chính sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ngành Tư pháp và của đất nước trong năm 2015.
Chú trọng xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, biểu dương khen thưởng kịp thời tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua.
Thông qua phong trào thi đua để rèn luyện nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức, người lao động; tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, phối hợp, trao đổi, hock tập chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác.
2. Yêu cầu:
Phong trào thi đua phải được phát động và thực hiện sâu rộng, thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động trong toàn Hệ thống tham gia thường xuyên, liên tục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác; gắn kết công tác thi hành án dân sự với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của Ngành và của đất nước.
Nội dung, hình thức phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải thực chất, hiệu quả, phù hợp điều kiện của địa phương, đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua hàng năm với phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Bộ Tư pháp, chính quyền địa phương phát động.
Thường xuyên gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với khen thưởng; khen thưởng phải trên cơ sở kết quả thành tích thi đua; bảo đảm khen thưởng chính xác, công khai, công bằng và kịp thời; động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tạo động lực để tập thể và cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tăng tỷ lệ khen thưởng đối với công chức trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ.
II. NỘI DUNG
1. Nhiệm vụ cụ thể
Các cơ quan thi hành án dân sự ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự được giao năm 2016, triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Ngành Tư pháp phát động với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2016” gắn phong trào Thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 – 19/7/2016), với các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1.1. Thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
- Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với 100% số văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp, bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động thi hành án dân sự.
- Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp, tạo sự đột phá trong công tác thi hành án dân sự; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ Tư pháp, thi hành xong đạt trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 4% số tiền có điều kiện thi hành. Tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt thi hành án cao điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; tiếp tục tập trung chỉ đạo, bảo đảm ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật; tiếp tục khắc phục những sai phạm, thiếu sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục THADS.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế yếu kém; bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phù hợp với Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công THADS, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh (lãnh đạo, quản lý, chức danh công chức); đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng công chức ngày càng được nâng cao.
- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục và nội dung theo quy định của pháp luật; tiếp tục thực hiện việc rà soát, lập danh sách và tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc phức tạp tồn đọng, kéo dài.
- Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ, quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các đơn vị, địa phương có nhiều án, án phức tạp, những đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém. Kiên quyết khắc phục và xử lý nghiêm các trường hợp chậm trả lời các kiến nghị, thỉnh thị của cấp dưới và chấp hành không đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Phấn đấu trả lời đúng thời gian và bảo đảm chất lượng.
- Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính, tài sản và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để phục vụ tốt cho hoạt động của Ngành, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
- Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Toà án và chính quyền địa phương trong việc đôn đốc thi hành kịp thời, đúng pháp luật các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; chú trọng kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
- Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chế định này theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
- Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp; thực hiện nghiêm kỷ luật về chế độ báo cáo, thống kê thi hành án dân sự, đảm bảo chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thi hành án dân sự.
1.2. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ công chức làm công tác THADS, đảm bảo chấp hành nghiêm túc “Chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”, “Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm; kiên quyết thay thế cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, chất lượng, hiệu quả công tác. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống.
1.3. Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả giai đoạn 02 (2016-2020) phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” ban hành kèm theo Quyết định số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 của Bộ Tư pháp gắn với nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai giai đoạn 01 để xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình mới, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức triển khai phong trào, kết hợp, lồng ghép các hoạt động thi đua xây dựng phong trào nông thôn mới với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các Cục Thi hành án dân sự triển khai tới các Chi cục Thi hành án dân sự, mỗi địa phương (Cục và Chi cục) nên chọn ít nhất 03-05 điểm cấp xã trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch ưu tiên tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
1.4. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trong thi hành án dân sự :
- Quán triệt, chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện Quyết định số 2795/QĐ-BTP ngày 18/11/2013 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Tư pháp. Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng trong công tác thi hành án dân sự.
- Triển khai các quy trình xây dựng, sử dụng vốn xây dựng cơ bản, các nguồn vốn khác từ ngân sách Nhà nước đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Các tổ chức đoàn thể quần chúng và Ban thanh tra nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị dân chủ, đoàn kết. Công tác Tổ chức - cán bộ, Tài chính - kế toán được công khai, minh bạch theo quy định. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy chế của cơ quan, nhất là quy chế chi tiêu nội bộ để nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, công chức và người lao động.
1.5. Xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng tổ chức các đoàn thể quần chúng vững mạnh toàn diện; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức đảng, đoàn thể với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, trong việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
1.6. Tham gia các phong trào khác
- Tiếp tục hướng ứng thực hiện các phong trào thi đua chuyên đề, cao điểm, theo đợt do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các địa phương phát động.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; thường xuyên chăm lo, giúp đỡ cán bộ, công chức trong ngành, đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với các tổ chức chính trị trong đơn vị (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, đoàn kết, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công chức trong đơn vị.
- Giải quyết tốt, kịp thời các chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, người lao động.
2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
2.1. Tiếp tục tổ chức học tập, tuyên truyền quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự. Tăng cường phối hợp đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chức thi hành án dân sự đối với nhân dân.
2.2. Phát huy vai trò định hướng chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sức mạnh tổng hợp của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua, phải được phát động một cách sôi nổi, rộng khắp tới 100% cán bộ, công chức, người lao động; đảm bảo thường xuyên, liên tục, thiết thực, không phô trương, tránh hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc về số lượng, chất lượng và tiến độ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016.
2.3. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát hiện, biểu dương tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương ”Người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên ”Trang thông tin thi hành án dân sự” của Tổng cục và của các địa phương.
2.4. Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch và kịp thời, tăng cường khen thưởng cho công chức, viên chức, người lao động trực tiếp, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, phát huy vai trò của các đơn vị, tổ chức đoàn thể, các kênh thông tin và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng trong việc phát hiện các điển hình để đề xuất khen thưởng.
2.5. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua –Khen thưởng, phân công cụ thể các thành viên, kiểm tra; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua, công tác khen thưởng gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016 của các cơ quan, đơn vị và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp, đưa phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và thực chất.
2.6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong tiếp nhận, quản lý, lưu trữ, tra cứu, thống kê dữ liệu các phong trào thi đua, hồ sơ đề nghị khen của các tập thể, cá nhân trong toàn Hệ thống.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian, tiến độ thực hiện
Phong trào thi đua năm 2016 được tổ chức thực hiện thường xuyên ngay từ đầu năm, được chia làm hai đợt, cụ thể như sau:
Đợt 1: Từ 01/01/2016 đến 30/5/2016, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự; kết thúc đợt thi đua đánh giá tổng kết và đề nghị khen thưởng nhân dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự.
Đợt 2: Từ ngày 01/6/2016 đến 30/9/2016, đánh giá tổng kết và đề nghị khen thưởng cuối năm 2016
Trong các đợt thi đua trên, căn cứ tình hình, tiến độ thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị phát động các đợt thi đua cao điểm, nước rút, ngắn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
2. Trách nhiệm thực hiện
Các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đăng ký thi đua và ký kết giao ước thi đua xong trước 31/3/2016. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch, tổ chức phát động các phong trào thi đua để đề ra nội dung, chỉ tiêu, biện pháp phù hợp, phát động phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực, lập thành tích xuất sắc, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Kết thúc mỗi đợt thi đua, các đơn vị tổ chức tổng kết, khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong đợt thi đua, báo cáo kết quả về Tổng cục.
Giao Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu giúp Tổng cục trưởng và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Hệ thống Thi hành án dân sự theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua, tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phục vụ sơ kết, tổng kết năm công tác.
Yêu cầu Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Tổng cục tổ chức, thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp chung./.
|