Số hiệu
Số: 887/TCTHADS- VP
 Trích yếu nội dung
V/v hướng dẫn xét, đề nghị tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” năm 2016
 Chi tiết văn bản Thực hiện Quyết định số 04/2008/QĐ-BTP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”, Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn các đơn vị xét, đề nghị Bộ trưởng tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” năm 2016 như sau:
1. Về đối tượng xét tặng
Đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” theo quy định tại Điều 3 Quy chế, gồm:
- Cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các cơ quan Thi hành án trong Quân đội;
- Cá nhân công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự và có đóng góp thiết thực trong công tác thi hành án dân sự.
Không xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho các cá nhân đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” ban hành theo Quyết định số 713/TC ngày 22/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc, khai trừ Đảng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kỷ niệm chương được tặng một lần, không truy tặng.
2. Về tiêu chuẩn xét tặng
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” được xét tặng cho các cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 4 Quy chế, cụ thể như sau:
2.1. Đối với cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các cơ quan Thi hành án trong Quân đội, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự được đề nghị xét tặng khi đủ 1 nhiệm kỳ đối với cấp trưởng và 2 nhiệm kỳ đối với cấp phó;
b) Cá nhân công tác trong các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được công nhận là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang được đề nghị xét tặng ngay sau khi có quyết định khen thưởng;
c) Cá nhân có thời gian công tác trong ngành Tư pháp từ đủ 20 năm trở lên đối với nam và từ đủ 15 năm trở lên đối với nữ;
d) Cá nhân công tác trong các ngành bảo vệ pháp luật (Công an, Kiểm sát, Toà án) chuyển về ngành Tư pháp hoặc từ ngành Tư pháp chuyển sang các ngành bảo vệ pháp luật có 20 năm công tác liên tục, trong đó thời gian công tác trong ngành Tư  pháp có ít nhất 5 năm trở lên đối với nam và 4 năm trở lên đối với nữ;
e) Cá nhân công tác trong các ngành, tổ chức khác chuyển về ngành Tư pháp hoặc từ ngành Tư pháp chuyển sang các ngành, tổ chức khác có 25 năm công tác liên tục, trong đó thời gian công tác trong ngành Tư pháp có ít nhất 10 năm trở lên đối với nam và 8 năm trở lên đối với nữ.
2.2. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế, đạt một trong các điều kiện sau:
a) Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự có thời gian từ 5 năm trở lên;
b) Có công trình khoa học hoặc sáng kiến, giải pháp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, có giá trị thiết thực đóng góp trong công tác thi hành án dân sự;
c) Giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.
Lưu ý: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đề nghị Bộ Tư pháp xét tặng Kỷ niệm chương đối với những trường hợp tại Điểm a, Mục này cần có sự  trao đổi, thống nhất với Sở Tư pháp để không đề nghị trùng đối tượng.
Đối với Ban chỉ đạo cấp huyện, Cục THADS lưu ý chỉ xem xét đề nghị Bộ trưởng tặng Kỷ niệm chương cho Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã.
3. Cách tính thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương đối với một số trường hợp cụ thể:
a) Cá nhân công tác trong ngành Tư pháp hoặc làm công tác tư pháp ở các tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo thì thời gian công tác thực tế tại các địa bàn trên được nhân với hệ số 1,2 (đối với các tỉnh, huyện, xã có hệ số  phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,5) và được nhân với hệ số 1,5 (đối với các tỉnh, huyện, xã có hệ số phụ cấp khu vực 0,7 và 1,0) để tính thời gian công tác trong ngành Tư pháp.
b) Cá nhân có thời gian công tác trong ngành Tư pháp hoặc làm công tác tư pháp được khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao của ngành Tư pháp và của Nhà nước thì được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn thời gian quy định tuỳ thuộc vào danh hiệu hoặc hình thức khen cao nhất đã được khen thưởng như sau:
+ Huân chương Lao động các hạng được đề nghị xét tặng sớm hơn 5 năm;
+ Chiến sỹ thi đua toàn quốc được đề nghị xét tặng sớm hơn 3 năm;
+ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp được đề nghị xét tặng sớm hơn 2 năm.
c) Cá nhân công tác trong ngành Thi hành án dân sự theo hình thức hợp đồng không xác định thời hạn thì thời gian công tác trong Ngành được tính từ thời điểm ký hợp đồng không xác định thời hạn.
d) Cá nhân có đủ thời gian công tác quy định tại điểm d, e, g Khoản 1 Điều 4 của Quy chế nhưng bị kỷ luật dưới mức buộc thôi việc hoặc dưới mức khai trừ Đảng chỉ được xét tặng sau 3 năm, tính từ thời điểm có quyết định xoá kỷ luật hoặc hết hạn kỷ luật Đảng. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương.
e) Trường hợp cá nhân có thời gian giữ chức vụ cấp trưởng, nhưng không đủ để được xét theo tiêu chuẩn quy định đối với cấp trưởng thì được cộng với số thời gian giữ chức vụ cấp phó để tính tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương theo chức vụ cấp phó.
Lưu ý: Thời gian tính để xét tặng Kỷ niệm chương đến ngày 30/7/2016.
4. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gồm:
- Tờ trình đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương của Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng cục (mẫu số 01);
- Danh sách trích ngang đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 lập theo mẫu số 2A; cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 3 lập theo mẫu số 2B);
- Bản kê khai tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân, có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ (cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 lập theo mẫu số 3A; cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 lập theo mẫu số 3B); cá nhân đã nghỉ hưu do cơ quan quản lý ra quyết định nghỉ hưu xác nhận;
- Biên bản họp Hội đồng Thi đua, khen thưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bản phô tô các quyết định khen thưởng, quyết định kỷ luật, quyết định xóa kỷ luật liên quan đến việc xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại điểm b mục 2.1; điểm b, d mục 3 của Công văn này.
Đối với cá nhân đang công tác tại các cơ quan Thi hành án Quân đội: Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lập hồ sơ trình lãnh đạo Bộ Quốc phòng để đề nghị Hội đồng Thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp xét trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định (gửi hồ sơ trước ngày 30/4/2016).
5. Tổ chức thực hiện
Các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai, rà soát cá nhân có đủ điều kiện được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư  pháp”, tiến hành họp Hội đồng TĐKT để xét và lập hồ sơ đề nghị về Tổng cục (qua Văn phòng Tổng cục) trước ngày 20/4/2016. Gửi trước bản mềm danh sách cá nhân đề nghị xét tặng kỷ niệm chương theo địa chỉ: Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thanhdt@moj.gov.vn; Khu vực Miền Đông Nam Bộ và cơ quan Tổng cục chungktk@moj.gov.vn; Khu vực Miền Trung Tây Nguyên, Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, duyendtl@moj.gov.vnKhu vực Miền Núi Phía Bắc bavt@moj.gov.vn
 Tổng cục không tiến hành xét bổ sung đối với hồ sơ đề nghị sau thời gian trên.
Nhận được văn bản này yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc chưa rõ có thể liên lạc trực tiếp về Văn phòng Tổng cục qua số điện thoại 04.62739596 để được hướng dẫn, giải đáp./.
 Ngày ban hành
25/03/2016
 Ngày có hiệu lực
25/03/2016
 
 Loại văn bản
Công văn
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
Mai Lương Khôi