Số hiệu
Số: 24 /TB-BTP
 Trích yếu nội dung
V/v kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Cuộc họp với Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác Thi hành án dân sự, hành chính
 Chi tiết văn bản Ngày 31 tháng 05 năm 2016, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp với Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác Thi hành án dân sự, hành chính. Tham dự Cuộc họp có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bổ trợ Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ, Học viện Tư pháp. Sau khi nghe Báo cáo kết quả công tác 07 tháng đầu năm của Tổng cục, ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã kết luận như sau:
I. Về kết quả công tác Thi hành án
1. Kể từ khi chuyển giao từ Tòa án sang Chính phủ đến nay, nhất là từ khi có Luật Thi hành án dân sự (THADS), công tác THADS đã không ngừng phát triển, nhiều mặt công tác đã có sự chuyển biến rõ rệt từng bước, ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình, đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn yêu cầu bảo đảm tính nghiêm minh của các bản án, quyết định của tòa án, góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Một số kết quả nổi bật như sau:
1.1. Công tác xây dựng thể chế đã được Tổng cục quan tâm, tập trung nguồn lực tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao chỉ tiêu thi hành án dân sự.
1.2. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố, kiện toàn, đến nay đã thành lập được Hệ thống THADS từ Trung ương đến địa phương bao gồm Tổng cục THADS, 63 Cục THADS, 710 Chi cục với 9.616 biên chế trong toàn hệ thống; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; năng lực, trình độ, chất lượng cán bộ ngày càng nâng lên, nhờ đó kết quả THADS, đôn đốc án hành chính năm sau cao hơn năm trước; các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp giao cơ bản hoàn thành.
1.3. Công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục đã có nhiều đổi mới, Lãnh đạo Tổng cục đã quyết liệt, sâu sát hơn. Hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ đã có sự gắn kết với công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân được chú trọng hơn nên nhiều vụ việc lớn, phức tạp kéo dài đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm.
1.4. Công tác phối hợp giữa Tổng cục, Cục, các chi cục với các đơn vị chức năng của Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, các sở ngành và cấp ủy chính quyền địa phương đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
1.5. Trụ sở, kho vật chứng, trang thiết bị làm việc của Hệ thống THADS ngày càng được chú trọng đầu tư; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, phục vụ quản lý chỉ đạo điều hành được tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả bước đầu. Tổng cục đã xây dựng và vận hành các Trang thông tin điện tử THADS; Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành...
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác của Tổng cục cũng còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể như:
(i) Kết quả thi hành án có chuyển biến nhưng chưa bền vững, số liệu thống kê chưa đánh giá được thực chất hoạt động THADS tại các địa phương. Trong 7 tháng đầu năm 2016, mặc dù số thụ lý mới về tiền giảm nhưng kết quả công tác THADS chưa có sự đột phá, số việc và tiền có điều kiện thi hành đều giảm so với cùng kỳ; lượng án có điều kiện phải chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ (trên 230 nghìn việc, tương ứng với số tiền trên 83 nghìn tỷ đồng);
(ii) Kết quả giải quyết các vụ việc THADS trọng điểm (33 vụ việc) và các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài (22 vụ việc) chưa có chuyển biến rõ nét. Công tác tiếp công dân; thực hiện ý kiến Kết luận của Lãnh đạo Bộ tại các Buổi tiếp công dân còn chưa kịp thời, gây bức xúc cho người dân;
(iii) Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành còn rất chậm, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Cục, Chi cục THADS mặc dù được quan tâm nhưng vẫn chỉ được đầu tư ở mức tối thiểu;
(iv) Kỷ cương, kỷ luật có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Còn hiện tượng cán bộ làm công tác THADS nhũng nhiễu, vi phạm, làm giảm uy tín của Ngành, của Bộ, của Hệ thống. Số Chấp hành viên THA bị xử lý hình sự có xu hướng ngày càng tăng (trong 6 tháng đầu năm có đã 40 trường hợp vi phạm kỷ luật, trong đó 06 trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm hình sự); chưa có cơ chế phản ứng kịp thời với các thông tin báo chí nêu về các vụ việc liên quan đến thi hành án.
II. Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong thời gian tới
THADS là một nhiệm vụ lớn, phức tạp và quan trọng của Bộ, Ngành; kết quả thi hành án ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt với một Chính phủ đang chuyển mình, với tinh thần: Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ người dân đặt ra yêu cầu với Bộ, ngành Tư pháp nói chung và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống THADS nói riêng cần phải nỗ lực, tận tụy, kỷ cương, năng động, sáng tạo hơn nữa, hết lòng vì quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh như vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu, tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khẳng định đậm nét hơn vị trí, vai trò của công tác thi hành án dân sự, hành chính, đề nghị tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây: 
1. Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn nợ đọng hướng dẫn thi hành Luật THADS và các đề án, văn bản khác theo Chương trình, Kế hoạch; rà soát các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính so với các văn bản mới được ban hành, nhất là các dự án luật liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án dân sự, hành chính như Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính... để kịp thời tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, thay thế. Phối hợp chặt chẽ với Cục Bổ trợ tư pháp trong việc triển khai có hiệu quả Chế định Thừa phát lại trong toàn quốc.
2. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS, theo hướng tăng cường trách nhiệm, chủ động của người đứng đầu; phát huy tối đa nguồn lực hiện có của Hệ thống THADS; tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; thực hiện phân cấp quản lý gắn với tăng cường hoạt động kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm công tác THADS trong toàn Hệ thống được triển khai kịp thời, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
3. Triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu THADS (xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành, giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 4% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016). Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó có các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
4. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác THADS, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thiếu trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra các chi cục THADS. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các cơ quan THADS chủ động xử lý kịp thời, đúng luật các vụ việc, hạn chế xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp làm phức tạp tình hình; có kế hoạch và những giải pháp để xử lý dứt điểm các vụ việc kéo dài; xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và truyền thông trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hành chính, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước 20/7/2016.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ. Triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ II trong công tác THADS và thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS từ 01/10/2016. Tổ chức triển khai có hiệu quả các phần mềm quản lý, như phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và thống kê thi hành án; phần mềm quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thông, báo chí, kịp thời phục vụ chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ.
6. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế và công tác truyền thông, dân vận trong hoạt động thi hành án dân sự, hành chính.
7. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan THADS hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
8. Về các đề xuất, kiến nghị:
8.1. Giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục THADS và các đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung  Thông tư số 03/2011/TT-BTP ngày 17/1/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về phân cấp quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản cho Tổng cục THADS và cơ quan THADS theo hướng bảo đảm công tác quản lý Hệ thống toàn diện, sâu sát, hiệu quả hơn, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước 31/7/2016.
8.2. Giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổng cục THADS, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nghiên cứu, đưa Luật đăng kí tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2017.
8.3. Giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục THADS nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 và tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngành Tư pháp theo hướng mở rộng phạm vi thanh tra sang các hoạt động thanh tra nghiệp vụ thi hành án, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước 31/7/2016.
8.4. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục THADS báo cáo Lãnh đạo Bộ về việc bổ sung biên chế cho Tổng cục, tăng tỷ lệ Chấp hành viên tại các địa phương.
8.5. Giao Văn phòng Ban Cán sự Đảng nghiên cứu đề xuất của Tổng cục THADS về việc định kỳ mỗi năm dành 1-2 cuộc họp của Ban cán sự Đảng để thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả công tác THADS; nghiên cứu, đối chiếu với các quy định của Đảng về việc bổ sung chức danh Tổng Cục trưởng làm ủy viên Ban cán sự Đảng, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước 30/6/2016.
8.6. Giao Văn phòng Bộ nghiên cứu, tham mưu về nghi thức lễ tân, Hội nghị nhằm nâng cao vị thế thứ bậc của Tổng cục THADS, Cục THADS trong Bộ, Ngành.
8.7. Giao Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về việc tăng cường hợp tác quốc tế cho Tổng cục THADS, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong Hệ thống THADS.
Trên đây là Kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Cuộc họp với Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác Thi hành án dân sự, hành chính ngày 31/5/2016, Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và thực hiện./.
 Ngày ban hành
08/06/2016
 Ngày có hiệu lực
08/06/2016
 
 Loại văn bản
Thông báo
 Cơ quan ban hành
Bộ Tư pháp
 Người ký duyệt
Phan Anh Tuấn
File đính kèm: