Số hiệu
Số: 129/TB-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
V/v kết luận của Tổng Cục trưởng tại buổi làm việc với Cục THADS thành phố Hải Phòng ngày 02 tháng 6 năm 2016
 Chi tiết văn bản Ngày 02 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Hải Phòng, Đoàn công tác của Tổng cục THADS do đồng chí Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với thành phố Hải Phòng về công tác THADS. Tham gia buổi làm việc, về phía Đoàn công tác có đồng chí Trần Thị Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, đồng chí Phan Huy Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 và đồng chí Vũ Quang Tuấn - Chuyên viên Văn phòng Tổng cục THADS. Về phía thành phố Hải Phòng, có đại diện Lãnh đạo một số cơ quan của thành phố Hải Phòng: Đồng chí Phan Đăng Hải - Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy, đồng chí Vũ Hữu Cần - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy và đồng chí Vũ Văn Tùng - Trưởng phòng kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng; về phía cơ quan THADS có tập thể Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng thuộc Cục, Chi cục trưởng các Chi cục trực thuộc.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Cục trưởng Cục THADS báo cáo kết quả công tác THADS 8 tháng đầu năm 2016; ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự họp, đồng chí Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành kết luận:
1. Hải Phòng là địa phương có số lượng việc, tiền phải thi hành hàng năm khá cao[1], trong đó có nhiều vụ án lớn, nhất là về giá trị, án liên quan đến tín dụng ngân hàng, nhiều vụ việc có khó khăn, phức tạp, kéo dài. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức người lao động các cơ quan THADS thành phố Hải Phòng, công tác THADS thành phố Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là trong công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất được quan tâm, xếp hạng các cơ quan THADS thành phố Hải Phòng có cải thiện[2].
2. Qua công tác theo dõi, quản lý, chỉ đạo điều hành cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS của Hải Phòng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, điều đó cũng được nhận diện qua Báo cáo của Cục THADS, các ý kiến phát biểu tại Buổi làm việc, cụ thể: (i) Kết quả thi hành án 8 tháng đầu năm 2016 chưa có sự chuyển biến (Tỷ lệ thi hành xong trên số có điều kiện về việc đạt 45,04%, thấp hơn 11,18% so với tỷ lệ trung bình chung toàn quốc[3]; về tiền đạt 6,07%, thấp hơn 7,93% so với tỷ lệ trung bình chung toàn quốc[4]); kết quả phân loại án về việc đạt thấp (63,6%), kết quả thi hành xong về tiền đạt thấp, còn một lượng án lớn án chuyển kỳ sau (9.818 việc tương ứng với số tiền trên 3 ngàn 200 tỷ đồng); (ii) công tác cán bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất là trong quản lý chỉ đạo điều hành; kỷ luật kỷ cương có nơi còn chưa nghiêm; công tác quản lý, sử dụng cán bộ công chức hiệu quả chưa cao; (iii) còn một số vụ việc phức tạp, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, một số vụ án có giá trị lớn, án liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa đề ra được các giải pháp giải quyết dứt điểm, kết quả giải quyết nhiều vụ việc rất chậm; (iv) công tác kiểm tra, tự kiểm tra còn yếu, mặc dù đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều cuộc kiểm tra nhưng chất lượng kiểm tra còn thấp, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm, việc thực hiện kết luận kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu; (v) công tác phối hợp, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng như trong phối hợp với các ngành liên quan tại địa phương chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó về khách quan, chủ yếu do có nhiều vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng (chiếm tới 76,7% về giá trị so với tổng số tiền phải giải quyết), nhiều vụ việc có giá trị lớn nhưng tính chất phức tạp, khó thi hành, một số tài sản kê biên có giá trị lớn đã giảm giá nhiều lần nhưng chưa có người mua, nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, trong khi đó biên chế, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu do công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm, quy trình, kỹ năng giải quyết công việc của một bộ phận công chức, chấp hành viên, kể cả cán bộ quản lý chưa thực sự đồng đều, còn hạn chế; ý thức chấp hành kỷ luật kỷ cương còn yếu; người đứng đầu một số đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu.
3. Một số yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới:
3.1. Yêu cầu Lãnh đạo, cấp ủy Cục THADS thành phố Hải Phòng tổ chức ngay cuộc họp Lãnh đạo để đánh giá kỹ những tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém của Cục, các Chi cục, từ đó đề ra giải pháp thực hiện; đối với những khó khăn, vướng mắc cần tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Tổng cục THADS để được chỉ đạo, hướng dẫn. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả công tác, cải thiện vị trí xếp hạng cơ quan THADS thành phố Hải Phòng trong năm 2016 và các năm tiếp theo, yêu cầu Cục THADS thành phố Hải Phòng cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
a) Khẩn trương thực hiện một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ:
- Rà soát ngay Lãnh đạo các Phòng, các Chi cục trực thuộc, trên cơ sở đó có giải pháp, biện pháp luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, cán bộ lãnh đạo nào đáp ứng thì tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, cán bộ nào yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật thì kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí thay thế; không để tình trạng yếu kém ở đơn vị này lại được chuyển sang đơn vị khác, yếu kém là phải kiên quyết thay thế; tất cả những đơn vị yếu kém phải được nhận diện và xử lý triệt để;
- Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nhất là đối với đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, thư ký thi hành án, kế toán; xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm trong chuyên môn nghiệp vụ, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ;
- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từ Cục đến các Chi cục, đặc biệt là các Chi cục trưởng;
- Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, thi đua khen thưởng, chế độ chính sách cán bộ, trong quá trình thực hiện phải thực sự khách quan, công tâm, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục; tăng cường công tác đấu tranh, phê và tự phê.
b) Chú trọng công tác xác minh, phân loại án chính xác; tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nhất là đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình tổ chức thi hành án cần đặc biệt lưu ý về trình tự, thủ tục (cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá...) phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hạn chế để xảy ra trách nhiệm bồi thường nhà nước, bồi hoàn, đặc biệt là đối với các vụ việc liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký. 
c) Quan tâm hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đặc biệt chú ý việc phân công, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ trực tiếp tiếp công dân; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định, tránh để phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, trong đó lưu ý vụ Phùng Thị Tý - Phạm Thị Hồng Tự.
d) Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ có vi phạm, sai phạm, đây là khâu yếu cần tập trung. Tổng cục sẽ tổ chức kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm mà trước đó các Đoàn kiểm tra của Cục không phát hiện, xử lý thì sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm tra thuộc Cục, trách nhiệm của đồng chí Cục trưởng.
đ) Rà soát, thống kê các vụ việc tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành báo cáo Ban Nội chính Thành ủy để tham mưu đề xuất giải quyết dứt điểm các vụ việc loại này.
e) Tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương trên tất cả các mặt công tác.
3.2. Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Lãnh đạo Tổng cục trong việc chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Cục THADS thành phố Hải Phòng.
3.3. Đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS thành phố Hải Phòng; chỉ đạo cấp ủy trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS; chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh tăng cường sự phối hợp với các cơ quan THADS, nhất là trong giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, trong công tác tổ chức cán bộ, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp...
Đề nghị Lãnh đạo thành phố Hải Phòng sắp xếp, bố trí buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS, các ngành liên quan để chỉ đạo đối với công tác thi hành án của thành phố Hải Phòng, trong đó có giải quyết vụ việc bà Phùng Thị Tý – Phạm Thị Hồng Tự.
Đề nghị Ủy ban kiểm tra Thành ủy tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên cơ quan THADS trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đảng viên có vi phạm.
Đề nghị các sở, ngành của thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng cường sự quan tâm, phối hợp với các cơ quan THADS thành phố trong công tác THADS.
Trên cơ sở Kết luận cuộc họp, Cục THADS thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận. Cuối năm 2016, Cục THADS thành phố Hải Phòng báo cáo Tổng cục THADS kết quả thực hiện kết luận này, trên cơ sở đó Tổng cục sẽ xem xét, quyết định việc kiểm tra Cục THADS thành phố Hải Phòng.
Trên đây là Kết luận của đồng chí Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tại buổi làm việc với thành phố Hải Phòng về công tác THADS ngày 02/6/2016, Tổng cục Thi hành án dân sự thông báo để các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan biết, thực hiện./.  
 
[1] Là một trong 10 địa phương có lượng án phải thi hành lớn nhất trong toàn quốc
[2] Năm 2013: Yếu; năm 2014: Trung bình; năm 2015: Khá
[3] Tỷ lệ thi hành xong về việc toàn quốc là 56,22%
[4] Tỷ lệ thi hành xong về tiền toàn quốc là 14%
 Ngày ban hành
13/06/2016
 Ngày có hiệu lực
13/06/2016
 
 Loại văn bản
Thông báo
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
Nguyễn Xuân Tùng