Số hiệu
Số: 2261/KH-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
V/v phát động phong trào thi đua yêu nước trong Hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2020
 Chi tiết văn bản Thực hiện Luật thi đua khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp; Quyết định số 1265/QĐ-BTP ngày 14/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phát động phong trào thi đua yêu nước Ngành Tư pháp giai đoạn 2016-2020, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chiến lược của Ngành Tư pháp nói chung, Hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2020 nói riêng, Tổng cục Thi hành án dân sự phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
 - Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1265/QĐ-BTP ngày 14/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phát động phong trào thi đua yêu nước Ngành Tư pháp giai đoạn 2016-2020, tiếp tục giáo dục truyền thống vẻ vang của Ngành, của Hệ thống, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, trình độ, năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, tăng cường đoàn kết, hợp tác, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Tư pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020;
b) Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác, tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước của Ngành, của Hệ thống; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua phải được triển khai thực hiện sâu rộng, thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động trong toàn Hệ thống tham gia. Nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải phong phú, thiết thực, hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Bộ Tư pháp, Tổng cục và địa phương phát động với thực hiện phong trào thi đua Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành, của Hệ thống, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương.
- Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, phát hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, đảm bảo chính xác, công khai, dân chủ, chú trọng việc nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo phong trào thi đua rộng lớn, thường xuyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tình hình mới.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Chủ đề phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020
Tổng cục Thi hành án dân sự phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Hệ thống giai đoạn 2016–2020 với chủ đề “Toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao giai đoạn 2016-2020”.
2. Nội dung tổ chức các phong trào thi đua
2.1. Thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch công tác hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, công tác hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, xây dựng đề án, các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những văn bản đã có hiệu lực pháp luật.
- Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp, tạo sự đột phá trong công tác thi hành án dân sự; bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao, hàng năm giảm ít nhất 5% lượng án tồn đọng; ra Quyết định đúng thời hạn đối với bản án, quyết định của Tòa án về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; phân loại chính xác việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành; khắc phục thiếu sót về trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự, đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và các năm tiếp theo.
Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Toà án và chính quyền địa phương trong việc đôn đốc thi hành kịp thời, đúng pháp luật các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phấn đấu giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch rà soát những vụ việc phức tạp, kéo dài để tập trung chỉ đạo giải quyết; cơ bản giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài.
- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công hướng dẫn nghiệp vụ, quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các đơn vị, địa phương có nhiều án, án phức tạp, những đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém; kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, phấn đấu trả lời kịp thời gian và bảo đảm chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trả lời các kiến nghị, thỉnh thị của cấp dưới và chấp hành không đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
- Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính, tài sản và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để phục vụ tốt cho hoạt động của Hệ thống, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
- Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp; thực hiện nghiêm kỷ luật về chế độ báo cáo, thống kê thi hành án dân sự, đảm bảo chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự.
2.2. Thường xuyên củng cố về tổ chức, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động từ Trung ương đến cơ sở bảo đảm chất lượng, hiệu quả; tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết. Xây dựng đội ngũ công chức, người lao động thi hành án dân sự đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có phẩm chất, đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
2.3. Triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mớivà các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm trong các năm; tập trung phổ biến quán triệt cho công chức, người lao động nắm vững về các nội dung của phong trào; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người được thi hành án, người phải thi hành án và nhân dân ở khu vực nông thôn; toàn hệ thống phấn đấu hỗ trợ 20 hộ nghèo làm nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương; tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ xây dựng tủ sách pháp luật, điều kiện làm việc cho các xã khó khăn, trao quà học bổng giúp học sinh nghèo vượt khó, quyên góp ủng hộ các loại quỹ, ủng hộ tiền và hiện vật, cây, con giống, đóng góp ngày công tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng….
2.4. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Trang thông tin của Cục và các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền, nêu gương, tạo sự lan tỏa trong đơn vị, toàn Ngành và cộng đồng. Xây dựng chương trình, kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực công tác thi hành án làm nòng cốt đẩy mạnh phong trào thi đua của toàn Hệ thống, đảm bảo đồng bộ ở cả 04 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân điển hình tiên tiến.
2.5. Nâng cao chất lượng khen thưởng. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng người, đúng thành tích; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, xuất sắc, cán bộ, công chức người trực tiếp lao động, làm cho phong trào thi đua không ngừng phát triển, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên công chức, người lao động ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp trong toàn Hệ thống.
2.6. Nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thi đua đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả. Phát động thi đua theo đợt, các đợt thi đua cao điểm, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống; tổ chức tổng kết, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khuyến khích những tập thể và cá nhân có nhiều cố gắng trong các phong trào thi đua. Tăng cường kiểm tra về thi đua, khen thưởng để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua và bình xét khen thưởng.
2.7. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi hành án dân sự; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành”.
2.8. Tham gia các phong trào thi đua khác
- Tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; thường xuyên chăm lo, giúp đỡ cán bộ, công chức trong ngành, đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong đơn vị (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, đoàn kết, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công chức, người lao động trong đơn vị.
3. Các giải pháp tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua
3.1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn Hệ thống về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong điều kiện hiện nay. Tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, tạo động lực góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2016 và các năm tiếp theo của Hệ thống Thi hành án dân sự và của Ngành Tư pháp.
3.2. Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Hệ thống theo tinh thần chỉ đạo chung của Ngành Tư pháp, phù hợp với Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn về thi đua, khen thưởng cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn Hệ thống.
3.3. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở, nâng cao chất lượng công chức trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
3.4. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực, nhân rộng điển hình tiên tiến và kịp thời khắc phục những hạn chế trong phong trào thi đua.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiến độ tổ chức thực hiện
Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 được tổ chức thực hiện thường xuyên, trong đó cao điểm là hai đợt:
1.1. Đợt 1: Thời gian tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 19/7/2018, tổ chức kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và 73 Ngày truyền thống ngành Tư pháp.
1.2. Đợt 2: Thời gian tính từ ngày 20/7/2018 đến ngày 19/7/2020, tổ chức kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.
Việc tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và bình xét khen thưởng được thực hiện theo văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp cho từng đợt thi đua, (Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp).
2. Trách nhiệm thực hiện
Các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Kế hoạch. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch, tổ chức phát động các phong trào thi đua, đề ra nội dung, chỉ tiêu, biện pháp phù hợp, phát động phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực, lập thành tích mới, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Kết thúc mỗi đợt thi đua, các đơn vị tổ chức tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong đợt thi đua, báo cáo kết quả về Tổng cục.
Giao Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu giúp Tổng Cục trưởng và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Hệ thống Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch phát động các phong trào thi đua, báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua do Tổng cục phát động.
Yêu cầu Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Tổng cục tổ chức, thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp chung./.   
 Ngày ban hành
20/07/2016
 Ngày có hiệu lực
20/07/2016
 
 Loại văn bản
Kế hoạch
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
Mai Lương Khôi