Chi tiết văn bản
|
Ngày 07/7/2016, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc tại Cục THADS tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở kết quả làm việc, Thứ trưởng có ý kiến chỉ đạo: “Tổng cục THADS phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu và có trả lời Cục THADS tỉnh Sóc Trăng trong tháng 7/2016 và báo cáo lại kết quả xử lý. Ngoài ra, Cục THADS cũng có ý kiến không đồng tình về nội dung thông báo ý kiến của Tổng Cục trưởng làm việc với Cục vào tháng 4/2016; quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ THADS, nhất là khi luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, căn cứ các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục đã xem xét, nghiên cứu và có ý kiến như sau:
1. Về các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng
- Về nội dung “Cục THADS cũng có ý kiến không đồng tình về nội dung thông báo ý kiến của Tổng Cục trưởng làm việc với Cục vào tháng 4/2016”: Tổng cục đã trao đổi với Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, theo đó, do Cục báo cáo với Thứ trưởng chưa rõ ràng nên có nhầm lẫn. Việc triển khai Thông báo kết luận của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng chỉ có khó khăn liên quan đến tiến độ kiện toàn cán bộ của các Chi cục, cụ thể là khó hoàn thành trước 30/9/2016 theo nội dung Thông báo kết luận, do chưa có nguồn cán bộ và thời gian thực hiện ngắn. Mặt khác, việc ban hành Thông báo kết luận của Tổng cục được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, trong đó có việc gửi lấy ý kiến Cục trước khi ký ban hành.
- Về nội dung “quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ THADS, nhất là khi luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác”: Hiện nay, chế độ, chính sách cho công chức, người lao động trong các cơ quan THADS khi luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo Điều 39 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái[1]; Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang[2]; Công văn số 62/BHXH-TCCB về chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái[3]. Về cơ bản, đã có những chế độ, chính sách ưu đãi nhất định về tiền lương đối với công chức, người lao động khi được luân chuyển, điều động, chuyển dổi vị trí công tác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những chế độ đãi ngộ trên mới chỉ giảm bớt được phần nào khó khăn cho công chức, người lao động khi chuyển đến đơn vị mới; với đặc thù của công tác THADS, hệ thống THADS chưa có văn bản quy định riêng, đặc thù quy định chế độ đãi ngộ về chỗ ở, phương tiện đi lại, điều kiện cơ sở vật chất… để thu hút, đảm bảo cho công chức, người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống và gắn bó, công tác lâu dài khi được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo yêu cầu của đơn vị.
Để khắc phục vấn đề này, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức làm công tác THADS để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, trong Quy chế sẽ có nội dung quy định liên quan đến các vấn đề về chế độ, chính sách đối với công chức được luân chuyển, biệt phái trên cơ sở những quy định của pháp luật và dựa trên đặc thù công tác THADS để vận dụng những điều kiện, ưu đãi tốt nhất, đảm bảo cho những đối tượng được điều động, luân chuyển, biệt phái được hưởng chính sách, quyền lợi phù hợp với vị trí, yêu cầu công việc, đảm bảo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
2. Về kiến nghị của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng
2.1. Các nội dung tiếp thu, giải quyết
- Về ý kiến “Có ý kiến chỉ đạo sớm triển khai phần mềm báo cáo thống kê cho các cơ quan THADS toàn quốc”: Hiện nay, Tổng cục THADS đang triển khai thí điểm phần mềm “quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THADS và báo cáo thống kê THADS” tại Cục THADS TP Hồ Chí Minh và đã có kế hoạch đề xuất kinh phí năm 2017 triển khai phần mềm ra toàn quốc. Tổng cục sẽ chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện.
- Về ý kiến “sớm triển khai đầu tư xây dựng trụ sở Cục THADS triển khai xây dựng trụ sở Cục, Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng và cụm kho vật chứng của Cục, Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng”: Dự án Cụm trụ sở và kho vật chứng của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và thành phố Sóc Trăng được Bộ Tư pháp phê duyệt theo Quyết định số 1888/QĐ-BTP ngày 30/10/2015 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Năm 2016 Bộ cấp 14 tỷ đồng, đã giải ngân 500 triệu đồng. Từ tháng 3/2016 Dự án đã được chuyển giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp làm chủ đầu tư. Hiện tại, theo báo cáo của Chủ đầu tư dự án, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế và đang trong giai đoạn hoàn thiện Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến đến cuối tháng 8/2016 sẽ xong công tác thẩm định Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tại Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng và đến cuối Quý IV/2016 sẽ khởi công xây dựng công trình.
2.2. Các nội dung đang nghiên cứu, chỉ đạo
Về kiến nghị “Có ý kiến đối với Hội Sở chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng xem xét có chủ trương khoanh nợ, giảm một phần lãi cho người phải thi hành án, để tạo động lực cho người phải thi hành án tích cực trong việc thi hành án, trong việc tìm người mua tài sản thi hành án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án”: Tại Thông báo kết luận số 79/TB-TCTHADS ngày 11/4/2016, Tổng Cục trưởng đã yêu cầu Cục THADS tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng liên quan đến vấn đề trên.
Về kiến nghị: “Có ý kiến với TANDTC và VKSNDTC xem xét giải thích, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 12 Bản án, Quyết định của tòa án tuyên không rõ”: Theo yêu cầu của Tổng cục THADS về việc thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC về việc phối hợp liên ngành trong công tác THADS, Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 2080/TCTHADS-TTDL.TT&TK ngày 14/7/2014 về việc yêu cầu các Cục THADS địa phương phối hợp lập và gửi danh sách Bản án, Quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót theo quý và gửi về Tổng cục THADS (đại diện nơi nhận là Trung tâm) trước ngày 15/1, 15/4, 15/7, 15/10 hàng năm.
Tổng cục đã có Văn bản số 2479/TCTHADS-NV1 ngày 08/8/2016 yêu cầu Cục Sóc Trăng (1) báo cáo kết quả làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và báo cáo rõ nội dung vụ việc đang được đề nghị khoanh nợ, giảm lãi để có cơ sở trao đổi, phối hợp với Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước; (2) gửi bản danh sách 12 vụ việc có xác nhận của liên ngành VKSND và TAND để có cơ sở đề nghị TANDTC và Viện KSNDTC xem xét giải thích, hoặc xem xét giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm. Trên cơ sở báo cáo của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và kết quả xử lý, giải quyết, Tổng cục sẽ kịp thời báo cáo Thứ trưởng tình hình, kết quả trả lời kiến nghị của địa phương.
2.3. Các nội dung không tiếp thu, giải quyết
- Về kiến nghị “Xem xét cách tính tỷ lệ thi hành xong đối với những việc đang tiến hành bán đấu giá, việc mới thụ lý chưa thi hành, việc thi hành án đương sự thỏa thuận trả định kỳ, các vụ việc đương sự tự thỏa thuận hoãn thi hành án, các vụ việc hoãn, tạm đình chỉ theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”: Các loại việc thi hành án mà Sóc Trăng kiến nghị không thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành theo quy định của Luật THADS (Điều 44a Luật THADS và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ). Mặt khác đó là những vụ việc đã thụ lý, đang thi hành, vì thế cách tính tỷ lệ được xác định là loại việc, tiền có điều kiện thi hành án theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT- BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn phối hợp trong thống kê THADS. Do đó, theo quy định hiện hành, không có căn cứ để tính tỷ lệ thi hành xong đối với các loại việc mà Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đề xuất.
Tổng cục sẽ tổng hợp những kiến nghị của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các Cục THADS nói chung về nội dung nêu trên để nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS trong thời gian tới.
- Về ý kiến “Cấp bổ sung kinh phí cưỡng chế THADS năm 2016”: Năm 2016, Tổng cục không được Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí tạm ứng cưỡng chế, do vậy, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cần cân đối và điều chỉnh linh hoạt kinh phí tạm ứng cưỡng chế giữa các đơn vị dự toán trực thuộc trong đơn vị để việc sử dụng kinh phí tạm ứng cưỡng chế đạt hiệu quả.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và trả lời kiến nghị của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục THADS trân trọng báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng./.
[1] “…2. Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng.
3. Trường hợp công chức được luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
4. Công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.”
[2] “Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn, thì được giữ mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ. Trường hợp công việc mới được luân chuyển đến quy định xếp lương theo ngạch hoặc theo chức danh thấp hơn thì được giữ mức lương cũ (kể cả phụ cấp chức vụ nếu có) và được thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định ở ngạch hoặc chức danh cũ.”
[3] “- Công chức được điều động, luân chuyển được thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Trường hợp công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái đến làm việc, công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
|