Sign In

Tản mạn với nghề thi hành án dân sự - Từ một vụ việc thực tế!

13/05/2022

          Bản thân tôi đến với nghề thi hành án dân sự một cách rất tình cờ, vì mình không xác định đó là một nghề mà mình gắn bó. Lúc nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Luật TPHCM, tôi và gia đình mừng vui không tả, khi đi nhập học, bên cạnh những lời tán dương, chúc mừng, thì cũng có không ít những lời dè biểu, đại loại như “nay học ngành đó có mà thất nghiệp, chứ làm sao xin được việc làm…”. Bỏ ngoài tai tất cả những lời dèm pha, tôi gói gém đồ đạt vào Thành phố Hồ Chí Minh nhập học.
         Trải qua hơn bốn năm đèn sách, rong ruổi khắp thành phố sa hoa lộng lẫy bằng chiếc xe đạp cà tàng, nếm đủ các “món ngon vật lạ” của thành phố, từ cơm từ thiện miễn phí, cơm chay giá rẻ, cơm bình dân, đến các loại “thức uống thượng hạng” như cà phê, trà chanh… miễn phí mà các gian hàng giới thiệu sản phẩm bày ra trước cổng trường, trước các siêu thị. Không dừng lại tại đó, để có thêm ít tiền ngoài khoản tiền lương cứng hàng tháng ba mẹ bán lúa thóc, lợn gà gửi vào thành phố cho tôi ăn học, khi có thời gian rãnh, tôi còn phải làm thêm những công việc rất “cao quý và thời thượng” lúc đó như đi bán vé số, làm gia sư, phụ bạn bán hoa nhân những ngày lễ. Cuối cùng tôi cũng cầm được tấm băng cử nhân luật, lại khăn gói về quê tìm việc. Nghe Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thông báo Sở Tư pháp tỉnh tuyển dụng, tôi tức tốc hoàn thiện hồ sơ và đến nộp, may đâu tôi được nhận và cho thử việc tại Phòng thi hành án tỉnh để chờ thi tuyển công chức, cuối cùng tôi cũng thi tuyển và đậu vào ngạch công chức chuyên viên pháp lý, được phân công làm việc tại Phòng thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó đến nay cuộc đời tôi gắn liền với ngành thi hành án dân sự.
          Qua hơn 17 năm gắn bó với ngành, từ ngạch công chức chuyên viên pháp lý ban đầu đến ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính và bây giờ là Chấp hành viên trung cấp, bản thân tôi đã vượt qua không biết bao nhiêu gian truân, vất vả và cũng đã nếm trãi rất nhiều cay đắng, ngọt bùi, từ việc bị đương sự mắng chửi té tát vào mặt, hăm dọa đủ kiểu, đến những lời hỏi thăm, động viên, cảm ơn, nhưng vinh dự nhất vẫn là được ngành cấp trên xem xét và công nhận, tặng thưởng nhiều danh hiêu cao quý, từ lao động tiên tiến đến chiến sĩ thi đua ngành, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba. Nói vậy để thấy, mặc dù làm ngành thi hành án dân sự vất vả thật, khó khăn thật và cũng nhiều rủi ro thật, nhưng nếu bản thân mình yêu ngành, tâm huyết và có sự nổ lực, cố gắng, thì luôn được Đảng và Nhà nước, ngành cấp trên quan tâm, ghi nhận và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chính vì vậy, trong qúa trình công tác trong ngành, tôi đã tham gia giải quyết rất nhiều vụ việc, lúc đầu tưởng như bế tắc, nhưng bằng sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và kiên trì động viên, thuyết phục đương sự, cuối cùng vụ việc cũng đươc giải quyết ổn thỏa.
         Mới đây nhất, trong một vụ cưỡng chế giao nhà của người phải thi hành án cho người trúng đấu giá thành, khi thành phần tham gia cưỡng chế đến hiện trường, gia đình người phải thi hành án gồm có bốn người, hai vợ chồng và hai đứa con, mặc dù đã được thông báo trước, nhưng người chồng đi biển và không có mặt ở nhà tại lúc cưỡng chế, nhà còn lại ba mẹ con, người mẹ kiên quyết không dọn đồ đạt, tài sản ra khỏi nhà để giao tài sản, hai cháu nhỏ theo mẹ, khóc lóc, trông rất đáng thương, nhưng quy định pháp luật, buộc mình phải làm, chứ không có cách nào khác. Trước tình cảnh đó, bản thân tôi cùng với chấp hành viên và đại diện Viện kiểm sát, lãnh đạo UBND xã và cán bộ phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ thôn tiếp tục dành một khoản thời gian, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người phải thi hành án, sau dó giải thích cặn kẽ, tỉ mĩ quy định của pháp luật, động viên, thuyết phục người phải thi hành án chấp hành. Tuy nhiên, người phải thi hanh án vẫn không chấp hành. Vì vậy, chấp hành viên công bố Quyết định cưỡng chế để thực hiện việc cưỡng chế, khi lực lượng nhân công dọn đồ đạt, tài sản của người phải thi hành án ra khỏi nhà, trong đó có sách vở và quần áo của cháu bé lớn đang học lớp hai, cháu khóc và van xin đừng lấy sách vở và quần áo của cháu để chiều nay cháu đi học!
          Đứng trước tình cảnh đó, tôi rơi nước mắt, tôi rơi nước mắt bởi lẽ mình có sự đồng cảm với người phải thi hành án, họ cũng đã cố gắng làm ăn để thoát nghèo, họ đã vay nợ của Ngân hàng hàng tỉ đồng để đóng cặp tàu vươn khơi, bám biển để làm ăn, phát triển kinh tế nhằm có cuộc sống tốt hơn, lo cho con đầy đủ hơn, chứ họ đâu có ngờ rằng khi làm ăn thất bại, không trả tiền cho ngân hàng, ngân hàng khởi kiện và yêu cầu bán nhà ở là tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho ngân hàng, để rồi giờ này gia đình không có chổ ở, thậm chí con còn sợ không có sách vở, quần áo để chiều nay đi học! Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấu ánh mắt thơ ngây của cháu bé học lớp hai, cháu còn quá nhỏ để chứng kiến quy luật khắc nghiệt của cuộc sống mà ba mẹ cháu gặp phải, để rồi có thể nó sẽ đeo bám và ám ảnh cháu mãi về sau! Tôi cũng rơi nước mắt vì cách hành sử của người mẹ, ước gì sáng hôm đó mẹ cháu dọn trước quần áo và sách vở của cháu và gửi cháu ở tạm nhà ngoại hoặc nhà nội để cháu không chứng kiến cảnh đau lòng này… nhưng tất cả đã muộn màng, giờ chỉ còn cách vỗ về, an ủi cháu và động viên, thuyết phục  mẹ cháu nhận lại tất cả tài sản để cháu yên tâm có sách vở, quần áo để chiều nay cháu đi học.
          Nghĩ thì dễ, nhưng thực tế làm rất khó, vì trước khi chấp hành viên công bố quyết định cưỡng chế, thành phần tham gia đã cùng nhau động viên, thuyết phục rồi nhưng không được. Thôi thì trước mắt vỗ về cháu bé trước, nghĩ là làm, tôi đến bên cạnh cháu vuốt nhẹ đầu cháu và lau nước mắt cho cháu, sau đó mới hỏi, cháu học lớp mấy? Cháu cũng rất ngoan, trả lời tôi cháu học lớp hai! Tôi lại hỏi, cháu ăn sáng chưa? Cháu trả lời cháu ăn rồi! Tôi lại tiếp tục hỏi, chiều nay cháu có đi học không, cháu trả lời dạ có… sau một hồi trò chuyện, cháu dần có thiện cảm với mình, nên tôi khuyên cháu, mấy chú dọn dùm đồ cho nhà cháu đó, không ai lấy của cháu đâu, tí nữa sẽ đem hết đồ của nhà cháu sang để bên nhà ông nội hoặc nhà ngoại của cháu cho cháu, nên cháu đừng lo, không khóc nữa nhé! Vậy là cháu tin tôi, khuôn mặt vui hẳn lên và không còn khóc nữa. Xong việc của cháu rồi, giờ đến việc của mẹ cháu, phải làm sao đây? Chắc phải nhờ người thân và hàng xóm láng giềng thôi! Tôi ra khỏi khu vực cưỡng chế, hỏi thăm người dân thì biết được cha chồng của người phải thi hành án đang ở đây, tôi đến và trò chuyện cùng ông, tôi cũng chia sẻ với những khó khăn mà các con, cháu ông đang gặp phải, tôi cũng nói với ông về những câu nói của cháu nội ông, nếu ông thương con, thương cháu thì ông vào cùng chúng tôi động viên con dâu nhận lại tài sản và chuyển đến nhà ông để tạm, ông nghe và đồng ý với đề nghị của tôi. Tôi mừng thầm trong bụng, nhưng thấy vậy cũng chưa chắc chắn, tôi lại lại đến gần và trò chuyện cùng hai người phụ nữ cũng tương đối lớn tuổi ở gần nhà và có mối quan hệ thân thiết với chị phải thi hành án, tôi cũng nói về hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị và cháu bé, nếu chị không nhận lại tài sản, buộc chúng tôi phải liệt kê và đưa tài sản về kho của cơ quan thi hành án để bảo quản và chờ xử lý theo quy định của pháp luật, nên nhờ các chị vào cùng chúng tôi động viên mẹ cháu bé nhận lại tài sản, hai chị đó đồng ý. Như vậy, sau một khoảng thời gian dài kiên trì phối hợp với các hội đoàn thể và chính quyền địa phương, cùng người thân và hàng xóm, tiếp tục động viên, thuyết phục người phải thi hành án, cuối cùng người phải thi hành án cũng đồng ý nhận lại toàn bộ tài sản và chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi nhà đến nhà ba chồng gửi tạm để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Chị cũng nhận được một khoản tiền trích lại đủ thuê nhà cho gia đình chị sinh sống trong 01 năm. Việc cưỡng chế kết thúc, được đa số nhân dân tại địa phương đồng tình, ủng hộ.
         Trãi qua thời gian dài công tác trong ngành thi hành án dân sự, từ những trãi nghiệm thực tế, tôi càng nhận ra và khẳng định rằng, dù bất cứ làm công việc gì, bản thân mỗi con người chúng ta phải thể hiện được sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có tính chất cá nhân và điều cốt lõi là xử lý tình huống phải thể hiện được tính nhân văn, đạo đức và có tình người, thì dù có cưỡng chế vẫn được nhân dân đồng tình ủng hộ./.
                                                                                                                                      Phạm Huy Ân

Các tin đã đưa ngày: