Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn tồn tại một số hạn chế tại một số đơn vị. Một số vụ việc có điều kiện thi hành nhưng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Những tồn tại này đòi hỏi cần có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác THADS.
Trước tình hình đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã lựa chọn chủ đề "Thi hành án dân sự - Quyền lợi và Nghĩa vụ của công dân" để thảo luận tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời". Chương trình nhằm lắng nghe ý kiến, quan tâm của cử tri và từ đó xây dựng các giải pháp thực tiễn, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.
Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM luôn được biết đến là đơn vị đi đầu trong cả nước về khối lượng việc và tiền phải thi hành án hàng năm. Đơn vị chiếm từ 11-14% về số lượng việc và từ 37-40% về số tiền của cả nước, điều này thể hiện vai trò quan trọng và khối lượng công việc đồ sộ mà ngành THADS TP.HCM phải gánh vác. Tuy nhiên, mặc dù khối lượng công việc tăng lên đáng kể qua từng năm, biên chế của đơn vị chưa đáp ứng được với khối lượng công việc đồ sộ nhất là thời gian tới đây, các vụ đại án lớn đòi hỏi cần nguồn nhân lực lớn mới có thể đáp ứng được.
So sánh số liệu, số lượng việc phải thi hành án năm 2023 tăng 3,8 lần so với năm 2013, trong khi số tiền phải thi hành tăng tới 5,7 lần. Mặc dù vậy, với sự quyết tâm, trách nhiệm và nỗ lực của toàn hệ thống, Cục THADS TP.HCM luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, ngành THADS TP.HCM đã giữ vững phong độ là lá cờ đầu của cả nước.
Trong năm 2024, ngành THADS TP.HCM đã thi hành xong 58.058 việc, đạt tỷ lệ 83,28%, vượt 0,03% so với chỉ tiêu. Số tiền thi hành xong lên đến 34.804.772.638.452 đồng, đạt tỷ lệ 52,48%, vượt 6,03% chỉ tiêu. Đây là những con số minh chứng rõ nét cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành THADS TP.HCM, vượt qua những khó khăn, thách thức phải đối mặt.
Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn, số lượng việc và tiền phải thi hành án dự kiến sẽ tăng đột biến, đặc biệt với sự xuất hiện của các vụ đại án lớn như vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 và 2. Tình hình kinh tế trong nước và TP.HCM tuy có dấu hiệu khởi sắc nhưng tăng trưởng còn chậm, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, khiến việc xử lý tài sản thi hành án gặp nhiều trở ngại.
Để đối mặt với nhiệm vụ lớn này, Cục THADS TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và lãnh đạo Thành phố. Cục sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt trong công tác xác minh tài sản và điều kiện thi hành án.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức và trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Cục cũng sẽ triển khai chương trình hành động về phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2023-2026, với các biện pháp cụ thể như kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền lực để trục lợi, đồng thời xây dựng môi trường làm việc trong sạch, minh bạch.
Bên cạnh đó, Cục đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thi hành án, đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, chấp hành viên và thẩm tra viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THADS cũng sẽ được chú trọng, giúp nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với công tác thi hành án.
Bên cạnh đó tình trạng quá tải của nhân sự, với khối lượng công việc lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 1/6 về số lượng việc và gần 2/5 về số tiền, mỗi chấp hành viên tại TP.HCM phải xử lý trung bình 370 việc/năm với số tiền lên tới 500 tỷ đồng. lãnh đạo Cục đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo nguồn nhân sự phù hợp.
Các giải pháp bao gồm rà soát và kiến nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS thi nâng ngạch nhằm tăng tỷ lệ chấp hành viên, sắp xếp và bố trí nhân sự hợp lý, tập trung cho các địa bàn khó khăn hoặc có khối lượng công việc lớn. Đồng thời, Cục cũng sẽ làm tốt công tác tư tưởng, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức để giữ chân nhân tài, hạn chế tình trạng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Trong những trường hợp gặp khó khăn do bản án tuyên không rõ, Cục THADS TP.HCM đã triển khai các biện pháp như liên hệ trực tiếp với thẩm phán để yêu cầu giải thích, đồng thời tổ chức các cuộc họp liên ngành giữa Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan thi hành án để tháo gỡ vướng mắc. Những giải pháp này giúp đảm bảo công tác thi hành án được thực hiện kịp thời, tránh kéo dài, gây phiền hà cho người dân.
Ngành THADS TP.HCM không chỉ đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu về số lượng việc và tiền, mà còn hướng tới việc nâng cao chất lượng thi hành án, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, ngành THADS TP.HCM đang từng bước củng cố vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành thi hành án dân sự và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành THADS TP.HCM không chỉ đảm bảo thực thi pháp luật mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong cả nước, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh."