Sign In

Chủ động hạn chế nguy cơ bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự

24/11/2022

Chủ động hạn chế nguy cơ bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự
Trong năm 2022, công tác giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước phát sinh được các cơ quan THADS địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại nhiều địa phương việc giải quyết yêu cầu bồi thường vẫn còn chậm, nguy cơ phát sinh vụ việc thuộc trách nhiệm phải bồi thường nhà nước vẫn còn cao. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ dẫn đến bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có những yêu cầu cụ thể đối với Cục trưởng cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 và Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, theo đó, những vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan dẫn đến khiếu nại, tố cáo.....sẽ là cơ sở để người bị thiệt yêu cầu bồi thường nhà nước.
           
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, uy tín của hệ thống THADS, hạn chế nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS, ngày 26/10/2022, Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 3405/TCTHADS-NV3 về việc chủ động hạn chế nguy cơ bồi thường nhà nước trong hệ thống THADS, chỉ đạo, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung thực hiện các nội dung: (1) Quán triệt, chỉ đạo các Chi cục THADS và Chấp hành viên, công chức THADS thực hiện đầy đủ, chặt chẽ trình tự, thủ tục THADS theo đúng quy định pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm hạn chế thấp nhất việc để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án; (2) Xác định kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan trực tiếp đến nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, do đó, cần quán triệt, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm thận trọng, khách quan và đúng quy định pháp luật; (3) Đẩy nhanh việc giải quyết các yêu cầu bồi thường phát sinh tại đơn vị, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đối với các bản án yêu cầu bồi thường nhà nước đã có hiệu lực pháp luật, đề nghị lập hồ sơ bồi thường đảm bảo đúng thời hạn, thành phần hồ sơ theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; (4) Khi có thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn khởi kiện của đương sự, Thủ trưởng cơ quan THADS phải tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung; cử người có đủ năng lực, trình độ và nắm vững nội dung vụ việc để tham gia hiệu quả tại Tòa án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan THADS, của Nhà nước. Cục trưởng Cục THADS có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục THADS trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án; phối hợp chặt chẽ, bám sát quá trình tố tụng đối với các vụ việc phức tạp Tòa án đang giải quyết nhưng trong thời gian dài chưa có kết quả; (5) Đối với những vụ việc đương sự khiếu nại, tố cáo đúng toàn bộ hoặc một phần, vụ việc có kiến nghị về sai phạm của cơ quan có thẩm quyền đã được cơ quan THADS chấp nhận một phần hoặc toàn bộ, các đơn vị, Thủ trưởng cơ quan THADS phải thường xuyên bám sát, nắm chắc vụ việc, trường hợp đương sự có yêu cầu bồi thường phải chủ động thực hiện các biện pháp hòa giải, thỏa thuận,...nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ việc phải bồi thường và số tiền bồi thường.
Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS
File đính kèm


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: