Với phương châm hướng về cơ sở, ngay từ đầu năm, Ban lãnh Cục đã đổi mới và có nhiều đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành; toàn thể công chức các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp mang tính đột phá quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được giao, chủ động thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác. Vì vậy, cả 02 chỉ tiêu cứng về việc và tiền đều vượt so với chỉ tiêu Tổng cục giao (việc đạt 82,08% vượt 0,58%; tiền đạt 53,59% vượt 13,49%); các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác đều đạt tiến độ so với Kế hoạch công tác năm; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, nghiêm túc thực hiện; việc chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể như sau:
- Về việc:
+ Trong năm 2022: Tổng số việc thụ lý là 18.253 việc (trong đó: số cũ chuyển sang là 6.859 việc; số thụ lý mới là 11.394 việc). Đã thi hành xong là 10.547 việc, đạt tỷ lệ 82,08%; vượt 0,58% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao (81,5%).
+ Quý 1/2023: Tổng số việc thụ lý là 10.945 việc (trong đó: số cũ chuyển sang 7.365; số thụ lý mới: 3.580 việc, tăng 1.001 việc (tăng 38,81%) so với cùng kỳ năm 2022). Số việc thi hành xong: là 2.152 việc, tăng 881 việc (tăng 69,32%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 36,05% (tăng 13,35%) so với cùng kỳ năm 2022.
- Về tiền:
+ Trong năm 2022: Tổng số thụ lý là 4.268 tỷ đồng (trong đó: số cũ chuyển sang là 2.821 tỷ đồng; số thụ lý mới là 1.448 tỷ đồng). Đã thi hành xong là 915 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,59%; vượt 13,49% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao (40,1%);
+ Quý 1/2023: Tổng số thụ lý là 3.986 tỷ đồng (trong đó: số cũ chuyển sang là 3.220 tỷ đồng; số thụ lý mới là 766 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng (tăng 57,05%) so với cùng kỳ năm 2022. Đã thi hành xong là 165 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng (tăng 84,86%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 11,74% (tăng 2,81%) so với cùng kỳ năm 2022.
- Về thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước: số việc phải thi hành loại này là 11.900 việc, tương ứng với số tiền là 278 tỷ đồng đã thi hành được 9.052 việc thu được số tiền là 159 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 90,68% về việc và 90,86 % về tiền
- Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng: số việc phải thi hành là 985 việc, tương ứng với số tiền là 2.512 tỷ đồng. Kết quả đã thi hành được 122 việc thu được số tiền là 103 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,94 % về việc và 35,51% về tiền.
- Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án: năm 2022, các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 432 trường hợp, do có 46 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên thực tế số việc phải tổ chức cưỡng chế là 386 trường hợp, trong đó có 56 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành, tăng 08 trường hợp so với cùng kỳ; số việc cưỡng chế thành công: 227, số việc chưa tổ chức cưỡng chế: 159
- Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Cục THADS tỉnh và các Chi cục THADS cấp huyện đều ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; thực hiện công khai lịch tiếp công dân của Thủ trưởng đơn vị; Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất, giải quyết khiếu nại kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh đã làm giảm lượng đơn khiếu nại vượt cấp, hạn chế đến mức thấp nhất việc gây bức xúc cho công dân.
+ Tổng số lượt tiếp công dân trong năm 2022 là 103 lượt (Trong đó: Tỉnh: 13 lượt và Huyện: 90 lượt; Thủ trưởng đơn vị tiếp: 68 lượt; Cán bộ tiếp: 35 lượt).
+ Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị đã tiếp nhận là: 381 đơn (trong đó: 58 đơn khiếu nại; 12 đơn tố cáo; 311 phản ánh, kiến nghị; thuộc thẩm quyền của Cục THADS là 25 việc, thuộc thẩm quyền của Chi cục Thi hành án dân sự là 45 việc và thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác: 311 việc). Kết quả: đã giải quyết 381 việc (tỷ lệ 100%).
- Về công tác kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng Kế hoạch và Quyết định số 261/QĐ-CTHADS ngày 18/10/2021 về kiểm tra, tự kiểm tra công tác thi hành án dân sự hành chính và thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2022. Các Phòng chuyên môn thuộc Cục và 11 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc Cục đã xây dựng Kế hoạch tự kiểm tra và tiến hành tự kiểm tra; sau kiểm tra đã ban hành Kết luận tự kiểm tra theo quy định.
Trong năm 2022, Cục THADS tỉnh đã tiến hành kiểm tra toàn diện đối với 04 Chi cục THADS trực thuộc (Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân) theo Quyết định số 55/QĐ-CTHADS ngày 03/3/2022 và Kế hoạch số 174/KH-CTHADS ngày 04/3/2022; kiểm tra chuyên đề công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 02 Chi cục THADS trực thuộc (Châu Đốc vàTân Châu) theo Kế hoạch số 742/KH-ĐKT ngày 25/7/2022 và Quyết định số 171/QĐ-CTHADS ngày 25/7/2022.
Qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ, công chức trong ngành; đặc biệt là không có hiện tượng làm khó, vòi vĩnh hay sách nhiễu người dân.
* Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục THADS tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp như sau:
- Triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác THADS, theo dõi THAHC đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Quốc hội.
- Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy nhanh tiến độ thi hành án, đôn đốc công tác giải quyết án phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
- Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra công vụ đối với các đơn vị trực thuộc (đột xuất); tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy, công tác tổ chức thi hành án dân sự toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực thi nhiệm vụ và xây dựng ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh.
- Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng; tổ chức rút kinh nghiệm sau khi thực hiện kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại, đảm bảo trình tự thủ tục đúng quy định pháp luật, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong tác nghiệp thi hành án.
- Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thực thi nhiệm vụ; tranh thủ tối đa sự quan tâm, hỗ trợ của Cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan.
- Nghiêm túc triển khai thực hiện các Quy trình, Quy chế, Kế hoạch, Kết luận, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS; thực hiện nghiêm các quy trình theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
- Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện và tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự và Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 “về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc”.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về THADS, hành chính; công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS./.
Văn phòng Cục