Sign In

Hiệp Hòa với công tác xét miễn, giảm thi hành án dân sự

06/07/2022

Tình trạng việc thi hành án dân sự tồn đọng đã, đang và vẫn sẽ là vấn đề trăn trở của không riêng ngành Thi hành án dân sự mà còn là mối quan tâm chung của một bộ phận người phải thi hành án và toàn xã hội. Trong số việc thi hành án dân sự tồn đọng lâu nay thì phần nhiều là các vụ việc thi hành cho Ngân sách Nhà nước mà chủ yếu nằm trong các vụ án hình sự không có điều kiện thi hành.
Thông thường khi xét xử các vụ án hình sự thì ngoài hình phạt chính là hình phạt tù giam, cải tạo không giam giữ…, người bị kết án còn phải chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tiền, tài sản để sung công quỹ Nhà nước, nộp án phí hình sự, dân sự…Tuy nhiên trong quá trình thi hành án, không ít người trong số họ đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phần vì phải chấp hành hình phạt tù nhiều năm, thậm chí cả tù chung thân, phần vì bản thân và gia đình đã kiệt quệ về kinh tế, không có tài sản, thu nhập để thi hành án, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc  thi hành án dân sự tồn đọng.
Từ thực tiễn đó Luật Thi hành án dân sự  năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và được sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có quy định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước mà sau một thời hạn nhất định, người phải thi hành án vẫn không có khả năng thi hành, đây là quy định mới thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện để những người bị kết án phạt tù yên tâm cải tạo, sớm hòa nhập cộng đồng; gia đình họ cũng giải tỏa được tâm lý lo lắng vì không biết đến bao giờ mới thi hành được nghĩa vụ cho người thân của mình để có điều kiện hưởng các quyền lợi do Nhà nước mang lại; các cơ quan Thi hành án dân sự   cũng giảm bớt được nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí để xác minh điều kiện thi hành án của họ.
Hiệp Hòa là một huyện thuần nông, điều kiện kinh tế gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đã làm cho một bộ phận không nhỏ người dân bị mất thu nhập dẫn đến không có khả năng để thi hành án; Hiệp Hòa cũng là địa bàn có số lượng việc Thi hành án dân sự  nằm trong các vụ án về hình sự có số lượng tiền phạt lớn mà phần nhiều trong số đó là việc không có điều kiện thi hành án.
Bám sát các quy định của pháp luật về miễn, giảm Thi hành án dân sự và tình hình thực tiễn của địa phương, UBND huyện Hiệp Hòa, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, đã quan tâm chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền cấp xã tăng cường các biện pháp tuyên truyền tới người phải thi hành án, thân nhân của họ nắm được các điều kiện, tiêu chuẩn về xét miễn, giảm thi hành án; huy động các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở kiên trì vận động, thuyết phục người phải thi hành án và gia đình cố gắng nộp 1/50 nghĩa vụ phải thi hành án để có đủ điều kiện được xét miễn, giảm đối với khoản tiền phải thi hành cho Ngân sách Nhà nước. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự  huyện cũng đã tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện trong việc lập hồ sơ, mở các phiên họp xét miễn, giảm thi hành án. Đặc biệt trong các đợt thi hành án tập trung do Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thi hành án phát động, Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã lập danh sách các vụ việc phải thi hành án gửi về địa phương để thông báo, tuyên truyền, lập danh sách các đối tượng phải thi hành án đang cải tạo tại các Trại giam thuộc Cục C10 - Bộ Công an, gửi và phối hợp với Ban giám thị Trại tuyên truyền, giải thích pháp luật và đôn đốc nghĩa vụ chấp hành tới các phạm nhân đang cải tạo tại Trại. Được sự phối hợp nhiệt tình, trách nhiệm và có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương; của Ban giám thị các Trại giam, nhiều người phải thi hành án đang cải tạo tại Trại đã tìm cách liên lạc về gia đình, động viên người thân, gia đình nộp 1/50 nghĩa vụ phải thi hành án để được hưởng các điều kiện về xét miễn, giảm thi hành án. Tổng số hồ sơ đã lập đề nghị: 13 việc = 51.459.000đ; trong đó:
- Số việc đã xét miễn: 04 việc= 12.811.000đ
- Số việc xét giảm: 01 việc= 24.778.000đ.
- Số việc chuyển đến VKS huyện đề nghị xét miễn: 02 việc= 7.700.000đ (đang trong thời hạn xem xét);
- Số việc chuyển đến Tòa án huyện đề nghị xét miễn: 06 việc= 6.170.000đ (đang trong thời hạn xem xét);
Chỉ tính riêng năm 2022 ngày đầu của đợt thi hành án tập trung, đã có hàng chục người phải thi hành án tự nguyện nộp một phần tiền để được hưởng điều kiện xét miễn, giảm thi hành án. Công tác lập hồ sơ, mở phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ về Thi hành án dân sự cũng đã được 3 cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện khẩn trương giải quyết, đảm bảo yêu cầu về quyền lợi của người phải thi hành án. Đây được coi là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong nhóm giải pháp về giải quyết tình trạng việc tồn đọng của huyện Hiệp Hòa, góp phần đáng kể vào việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác Thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay./.
Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: