Hàng năm, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Yên có tổng thụ lý khoảng trên 1.300 việc, với số tiền phải thi hành trên 90 tỷ đồng. Trong khi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, đòi hỏi đội ngũ Chấp hành viên và công chức của Chi cục phải luôn cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Trước áp lực công việc ngày một nhiều, tính chất khó khăn, phức tạp nổi cộm ở một số xã, thị trấn, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Yên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của đơn vị.
Tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn”. Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với UBND cấp xã đã được hình thành từ lâu và được cụ thể hoá trong Luật Thi hành án dân sự, góp phần quan trọng trong công cuộc thực thi bản án, bảo vệ pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương.
Công tác phối hợp giữa Chi cục THADS huyện với chính quyền địa phương các xã, thị trấn trong giải quyết thi hành án dân sự luôn có sự phối hợp rất tích cực, chặt chẽ, trong đó người mà chúng tôi muốn nói tới đó là đồng chí Đồng Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Lam Cốt, là người trách nhiệm trong việc phối hợp giải quyết thi hành án dân sự. Khi đặt vấn đề viết bài về anh, anh khiêm tốn khéo léo từ chối, tôi thuyết phục trình bày với anh việc tôi viết bài đúng về người thật việc thật để anh cho phép, anh Phái đã đồng ý cho tôi viết bài về anh và anh nói vui “với điều kiện để anh vận động được 13 hộ thực hiện giải phóng mặt bằng xong thì hãy đăng bài, lỡ chưa thành công lại mang tiếng anh dân vận kém”. Khi được làm việc với đồng chí Phái thì ai cũng đều có cảm nhận đồng chí là người cởi mở, chân tình, thẳng thắn nhưng cũng rất cứng rắn trong xử lý công việc. Kể từ những năm 2004 khi đồng chí Phái làm Phó trưởng Công an xã Lam Cốt, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng chí nắm bắt rõ thông tin, đặc điểm của các trường hợp phải thi hành án về hình sự và dân sự trên địa bàn để cùng Chấp hành viên có hướng vận động thuyết phục các đối tượng phải thi hành án tự nguyện chấp hành bản án. Năm 2010 đồng chí Đồng Văn Phái giữ chức vụ Phó bí thư Đảng uỷ xã Lam Cốt, ở cương vị công tác Đảng nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm đến công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn xã. Năm 2015 đồng chí Đồng Văn Phái giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Lam Cốt cho đến nay. Ở cương vị Chủ tịch UBND xã, khối lượng công việc nhiều, bao quát rộng các lĩnh vực của địa phương, nhưng khi có công việc liên quan đến phối hợp thi hành án thì đồng chí Phái sẵn sàng vào cuộc cùng cơ quan Thi hành án, nhiều trường hợp đồng chí đã trực tiếp gọi điện vận động hoặc có ý kiến chân tình với người phải thi hành án để họ hiểu và chấp hành bản án. Đối với các vụ án khó khăn, phức tạp, thì đích thân đồng chí Phái tham gia giải quyết cùng cơ quan Thi hành án. Sự có mặt của đồng chí chủ tịch trong các buổi phối hợp làm việc giải quyết thi hành án đều rất hiệu quả, thông qua cách vận động giải thích có tình có lý của đồng chí để người dân hiểu và chấp hành bản án, hạn chế phải tổ chức cưỡng chế như vụ anh Nguyễn M T phải thi hành trả Quỹ tín dụng số tiền 1.945.000.000đ và tiền lãi theo hợp đồng tín dụng. Đây là vụ án phức tạp, khiếu kiện qua nhiều cấp xét xử, người phải thi hành án đang phải chấp hành hình phạt tù, tài sản nhà đất chung hộ gia đình. Chi cục Thi hành án đã vận động, giải quyết nhiều lần nhưng chưa có kết quả, xác định vụ việc phải tổ chức cưỡng chế. Trong quá trình giải quyết được biết, người thân của anh T có khả năng để đứng ra giải quyết thay cho anh T. Để vận động trước khi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên làm việc với UBND xã và được đồng chí chủ tịch Đồng Văn Phái đưa ra hướng giải quyết, bằng phương pháp mời đại diện hai bên đến UBND xã để hoà giải. Tại buổi hoà giải, đồng chí Phái đã khéo léo phân tích có tình có lý để hai bên hợp tác giải quyết, trong đó vận động bên được thi hành án có cơ chế giảm khoản tiền lãi tối đa cho bên phải thi hành án. Do có sự phân tích đánh giá chân tình của đồng chí Phái nên bên được thi hành án đã đồng ý giảm tối đa khoản tiền lãi cho bên phải thi hành án, hai bên đã thống nhất phương án giải quyết, lập biên bản cam kết thực hiện. Thân nhân của anh T đã đứng ra giải quyết thay cho anh T các khoản nợ Quỹ tín dụng theo đúng cam kết tại buổi hoà giải, việc thi hành án đã được giải quyết xong, không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Để công tác Thi hành án dân sự được thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trong đó có sự đóng góp rất lớn của chính quyền địa phương các xã, thị trấn, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương, là người gần dân, hiểu dân, có phương pháp dân vận có tình, có lý như đồng chí Đồng Văn Phái, chủ tịch UBND xã Lam Cốt, thực sự trách nhiệm trong công tác phối hợp giải quyết Thi hành án dân sự, được cán bộ, nhân dân tin yêu, nể phục./.
Nguyễn Minh Hoàng- Chi cục THADS huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang