Sign In

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xác minh, phân loại án tại địa phương và hướng giải quyết

01/10/2018

Công tác thi hành án dân sự là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, là hoạt động nghiệp vụ mang tính đặc thù, quá trình tổ chức việc thi hành án phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục trong đó việc xác minh điều kiện thi hành án là một trong những thủ tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ việc. Kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên quyết định cách thức và biện pháp tổ chức thi hành vụ việc trong giai đoạn tiếp theo như ủy thác vụ việc, đình chỉ giải quyết hay lựa chọn các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc phân loại vụ việc sang diện chưa có điều kiện thi hành … Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xác minh điều kiện thi hành án, trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự bên cạnh việc nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác xác minh điều kiện thi hành án, cần phải tích cực rèn luyện kỹ năng xác minh và xử  lý kết quả xác minh phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để phân loại chính xác hồ sơ và tổ chức thi hành vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ sở pháp lý của việc xác minh điều kiện thi hành án ngày càng được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho các Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi đạt được, thực tế công tác xác minh, xử lý thông tin xác minh và phân loại án trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến hai nguyên nhân chính: tình huống xảy ra trên thực tế nhưng pháp luật chưa quy định và xung đột ngay trong chính các quy định của pháp luật hiện hành. Vấn đề này đòi hỏi cần sớm có giải pháp để giải quyết những khó khăn từ thực tế.
Trong phạm vi bài viết này, xin đưa ra một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương và đề xuất một số giải pháp khắc phục nhằm sớm giải quyết những khó khăn trong công tác xác minh, xử lý thông tin xác minh và phân loại án.
I. Quy định về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án (Điều 44a)
Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung nă 2014 đã quy định cụ thể các trường  hợp để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án, tuy nhiên trên thực tế ngoài 3 trường hợp luật quy định còn có rất nhiều trường hợp mặc dù người được thi hành án có tài sản nhưng cũng không thể thi hành được và cần phải được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành, cụ thể:
1. Trường hợp một người phải thi hành án số tiền rất lớn (có thể lên đến vài trăm tỷ đồng), nhưng chỉ có tài sản duy nhất đang xử lý để thi hành án, nhưng tài sản xử lý thẩm định giá chỉ có giá trị bằng 1 phần rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì toàn bộ số tiền, nghĩa vụ của người đó vẫn phải xếp vào diện có điều kiện thi hành mặc dù trên thực tế phần lớn số tiền đó là không có điều kiện thi hành án vì họ chỉ có một tài sản duy nhất đang xử lý. Thời gian xử  lý tài sản thường kéo dài, đặc biệt là việc xử lý các tài sản liên quan đến bất động sản, có những vụ việc cơ quan THADS đã đưa ra bán đấu giá nhưng phải giảm giá nhiều lần (cá biệt có vụ việc phải giảm giá đến lần thứ 31) mới có người mua tài sản, do đó không thể chủ động trong tổ chức thi hành án.
Quy định trên dẫn đến số tiền có điều kiện thi hành trên báo cáo thống  kê không đúng với thực tế, gây áp lực cho Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án theo chỉ tiêu được Quốc hội, ngành giao hàng năm, là con số ảo so với thực tế. Do đó đề nghị bổ sung quy định: đối với những vụ việc người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất, hiện đã bị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, thẩm định giá, ký hợp đồng bán đấu giá mà giá trị tài sản theo chứng thư thẩm định thấp hơn nghĩa vụ phải thi hành án thì số tiền chênh lệch theo quyết định thi hành án và giá tài sản thực tế được chuyển sang diện chưa có điều kiện thi hành, để số liệu trên báo cáo phản ánh đúng thực tế hồ sơ tổ chức thi hành vụ việc.
2. Thực tế thi hành án tại địa phương có rất nhiều vụ việc người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp xử lý tài sản chung)… hiện đang đi xuất khẩu lao động, hoặc làm ăn sinh sống ở nước ngoài, không xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài nên không thể thực hiện được việc yêu cầu tương trợ Tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 181 Luật THADS, do đó không thể xử lý tài sản, giải quyết việc thi hành án mặc dù người phải thi hành án có tài sản, dẫn đến tồn án chưa có biện pháp giải quyết. Đề nghị bổ sung thêm quy định để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp này để  phù hợp với thực tế.
3. Đối với trường hợp tài sản thế chấp là động sản (ô tô, xe máy...) bản án, quyết định tuyên phát mại để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, hoặc trường hợp mua xe trả góp có sự bảo lãnh bằng tín chấp tại ngân hàng…nhưng đến thời điểm tổ chức việc thi hành án, xác minh tài sản hiện không còn, không xác định được tài sản ở đâu, người phải thi hành án không còn tài sản, thu nhập đảm bảo thi hành án, tuy nhiên theo quy định hiện hành thì chưa có căn cứ xác định việc chưa có điều kiện thi hành án vì trên giấy tờ thế chấp tài sản vẫn mang tên chủ sở hữu là người phải thi hành án, chưa sang tên, chuyển nhượng cho ai, mặc dù trên thực tế các hồ sơ này đều thuộc diện chưa có điều kiện thi hành vì không còn tài sản tại địa phương do việc chuyển nhượng các tài sản như ô tô, xe máy… hiện nay chưa được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Các bên chỉ làm giấy tờ viết tay mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thực tế có nhiều trường hợp ô tô, xe máy đã chuyển chủ sở hữu nhưng giấy đăng ký vẫn mang tên chủ sở hữu ban đầu. Chính vì vậy, khi xác minh điều kiện thi hành án tại cơ quan có thẩm quyền, người phải thi hành án có tài sản là ô tô, xe máy, nhưng thực tế tài sản này đã được bán cho người khác… Hiện nay loại việc “có điều kiện” nhưng không thể thi hành này phát sinh ngày càng nhiều và chưa có biện pháp giải quyết, do đó đề nghị bổ sung thêm quy định tại Điều 44a để xác định loại việc này thuộc diện chưa có điều kiện thi hành để giảm tải áp lực cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc.
II. Đề nghị bổ sung quy định của pháp luật về đình chỉ thi hành án trong trường hợp vật đặc định không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được và thống nhất áp dụng điều luật trong trường hợp người phải thi hành án là tổ chức giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1. Trường hợp thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 114 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì: c) Trường hợp vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thoả thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành theo thoả thuận.
Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được.
Tuy nhiên trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn, đương sự không thỏa thuận được về việc thi hành án và dù đã được hướng dẫn nhưng đương sự không thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình mà trước sau vẫn chỉ đòi thực hiện trả vật đặc định theo án tuyên. Đây là lý do dẫn đến một số vụ việc bị tồn đọng không có hướng giải quyết dứt điểm được. Trước đây, luật THADS năm 2008 quy định đối với trường hợp này nếu “đương sự không thỏa thuận được thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án. Đương sự có quyền khởi khiện yêu cầu Tòa án giải quyết thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được”, tuy nhiên đến nay do quy định về việc trả đơn yêu cầu thi hành án đã bị bãi bỏ, trong khi các trường hợp về đình chỉ thi hành án quy định tại Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 lại chưa có quy định về trường hợp này, do vậy số việc tồn đọng trên vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Nếu xếp hồ sơ sang diện chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì chưa hợp lý về mặt thực tế, do việc chưa có điều kiện thi hành là loại việc tuy tại thời điểm này chưa có điều kiện để thi hành nhưng khả năng trong tương lai có thể có điều kiện để thi hành án trở lại. Với trường hợp này, tại thời điểm xác minh vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ đã không còn tồn tại hoặc đã bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được thì đã xác định được khả năng để thi hành nghĩa vụ đó trên thực tế không còn. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì căn cứ chấm dứt nghĩa vụ là “bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một” và “vật đặc định  là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”. Như vậy, xét về mặt lôgic nên bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án và bổ sung nội dung quy định này tại khoản 1 Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thành căn cứ để đình chỉ thi hành án để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, đồng thời có hướng giải quyết dứt điểm các hồ sơ thi hành án còn tồn đọng, không có biện pháp giải quyết. Trường hợp sau khi đình chỉ thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định, đương sự khởi kiện tại Tòa và được thụ lý giải quyết bằng một bản án khác thì cơ quan THADS thực hiện việc tổ chức thi hành vụ việc theo quyết định của Tòa án theo bản án mới tuyên, như vậy quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo trên thực tế.
2. Trường hợp người phải thi hành án là tổ chức giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án thì: “d)Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật doanh nghiệp.”  Luật doanh nghiệp năm 2014 tại Điều 201, Điều 203 đã quy định cụ thể về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, và giải thể doanh nghệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì “Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”. Như vậy, nếu theo quy định của pháp luật tại các Điều luật trên thì được hiểu một doanh nghiệp phải thi hành án nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cơ quan thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao các khoản nợ của doanh nghiệp cho người quản lý có liên quan để cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp “đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;” Theo quy định này thì khi một tổ chức bị giải thể mà nghĩa vụ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc chứ không thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ cho cá nhân người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 được. Hơn nữa, quy định về đình chỉ thi hành án trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với bản chất về tính chịu trách nhiệm của mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với trách nhiệm cá nhân của chủ doanh nghiệp, cán bộ Ngân hàng có sai xót trong khâu thẩm định cho vay vốn … cần xem xét về mặt hình sự nếu có dấu hiệu của việc cố tình gây thất thoát hoặc lừa đảo, tạo dự án giả để rút tiền nhằm mục đích vụ lợi…như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Do hiện nay 02 điều luật cùng quy định về hướng giải quyết trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành án giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng tồn tại song song trong Luật THADS, không tránh khỏi gây ra những cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật, vì vậy đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thống nhất áp dụng chung.
III. Quy định của pháp luật trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án là một trong các căn cứ để Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và thực hiện việc đăng tải công khai thông tin về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 1 Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì việc “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” cũng là căn cứ để Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự sẽ ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án quyết định.
Về vấn đề này, mặc dù Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã làm rõ trường hợp nào Thủ trưởng cơ quan thi hành án cần ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành án và trường hợp nào thì ban hành quyết định hoãn thi hành án. Tuy nhiên, thực tế tổ chức thi hành án cho thấy, đối với loại việc người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án quyết định nhưng hiện không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án cũng cần được xếp vào diện việc chưa có điều kiện thi hành vì lý do sau:
- Thứ nhất, việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án ban hành quyết định hoãn thi  hành án trong trường hợp này tức là xác định loại việc này là việc có điều kiện để thi hành án, trong khi trên thực tế là không có điều kiện thi hành là không phù hợp.
- Thứ hai, tại thời điểm xác minh đã thể hiện việc chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì nếu ban hành quyết định hoãn thi hành án thì cũng không thể xác định rõ thời hạn đến bao giờ thì xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án mà vẫn buộc phải dựa vào kết quả của các lần xác minh tiếp theo. Do đó, nếu xếp vụ việc vào diện chưa có điều kiện thi hành án thì khi xác minh biết được địa chỉ của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc thì quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn được đảm bảo.
- Thứ ba, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác minh điều kiện thi hành án thì: “3. Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án phải ghi rõ việc thi hành án bị hoãn theo Điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.” Như vậy, giữa quy định tại Điều 9 và Điều 14 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có sự xung đột, cùng một căn cứ pháp lý nhưng 02 điều luật quy định hai cách giải quyết khác nhau.
Từ những lý do trên, xét thấy cần bỏ quy định về việc “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” tại Điều 48 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, giữ nguyên quy định tại điều 44a là phù hợp, phản ánh đúng thực tế và thể hiện tính nhất quán trong quy định của pháp luật. 
IV. Một số khó khăn, vướng mắc khác khi áp dụng quy định của luật trong thực tế:
1. Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án được quy định tại Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, nhưng đến nay trong hệ thống biểu mẫu chưa có biểu mẫu về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án, dẫn đến khó khăn, khó thực hiện trong quá trình áp dụng trên thực tế. Hiện nay, các Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang có trên 10 vụ việc khi tổ chức vụ việc xác minh, chấp hành viên đã xác định được người phải thi hành án đã chết nhưng có tài sản để thi hành án. Đề nghị Tổng cục THADS sớm có hướng dẫn, chỉ đạo đối với nội dung này để thực hiện việc chuyển giao quyền nghĩa vụ để tổ chức thi hành đúng và sát với tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là trong những vụ việc kê biên, xử lý tài sản là nhà, đất đang thế chấp tại Ngân hàng.
2. Trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ nhỏ (5, 10 triệu), tài sản duy nhất là nhà đất ngoài ra không có động sản khác, gia đình thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo … theo quy định của pháp luật hiện hành thì trường hợp này vẫn xếp hồ sơ thuộc diện có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên trên thực tế, để xử lý kê biên một phần tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành nghĩa vụ phải thi hành án và chi phí cưỡng chế trong những trường hợp này là không khả thi, nhất là đối với nhà, đất ở tại nông thôn, vùng sâu vùng xa… Do đó, đề nghị nên bổ sung thêm quy định cho những trường hợp này thuộc diện chưa có điều kiện thi hành án.
3. Đối với quy định về kết thúc thi hành án và xác nhận kết quả thi hành án
Theo quy định của pháp luật tại Điều 52 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong hai trường hợp:
1. Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
2. Có quyết định đình chỉ thi hành án.”
Quy định này được hiểu là việc thi hành án dân sự chỉ được coi là đương nhiên kết thúc khi thuộc một trong hai trường hợp trên; ngoài ra ngay cả khi đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình nhưng nếu cơ quan thi hành án dân sự chưa ban hành giấy xác nhận kết quả thi hành án hoặc quyết định đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án dân sự vẫn chưa được coi là đương nhiên kết thúc. Nếu hiểu theo cách này thì quy định trên không phù hợp với thực tế vì khi đương sự thực hiện xong quyền và nghĩa vụ thi hành án của mình thì việc thi hành án đối với họ đã kết thúc, và không phải trường hợp nào đương sự cũng phải đề nghị xác nhận kết quả thi hành án (thông thường đương sự chỉ đề nghị cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án trong các trường hợp để xóa án tích hoặc thực hiện các thủ tục về miễn giảm án phạt tù, còn đối với các vụ án dân sự, ly hôn, chia tài sản hay đối với những việc thi hành án chủ động khác thì hầu như không nhận được đề nghị xác nhận kết quả thi hành án của đương sự).
Mặt khác, theo quy định tại Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án cho đương sự trên cơ sở đơn yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án. Như vậy, nếu đương sự không có đơn yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án cũng không chủ động ban hành Giấy xác nhận kết quả thi hành án. Do đó, việc luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 52 Luật THADS năm 2008, bỏ quy định đương nhiên kết thúc việc thi hành án trong trường hợp “1. Đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình”, thay bằng quy định “1. Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.là không hợp lý, thể hiện sự bất cập trong quá trình áp dụng luật trong thực tế. Đề nghị sửa đổi theo hướng giữ nguyên quy định việc thi hành án dân sự đương nhiên kết thúc trong trường hợp đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình. 
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật vào thực tế công tác tổ chức thi hành án tại địa phương, và đề xuất một số biện pháp giải quyết. Rất mong nhận được ý kiến góp ý, trao đổi từ các đồng nghiệp./.
Sơn Bình - tháng 10/2018.

Các tin đã đưa ngày: