Sign In

Những khó khăn, vướng mắc trong thi hành các bản án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Bình Định

10/01/2024

Những khó khăn, vướng mắc trong thi hành các bản án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Bình Định
Thi hành án đối với các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng,kinh tế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước do người phạm tội chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà hàng năm Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo quyết liệt Hệ thống Thi hành án dân sựtập trung tổ chức thi hành án theo kế hoạch đề ra, đảm bảo kết quả năm sau cao hơn năm trước theo chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tại tỉnh Bình Định, thực hiện kế hoạch của Bộ Tư pháp, hàng năm UBND tỉnh cũng đã thường xuyên chỉ đạcác cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tập trung triển khai, thực hiện, tổ chức thi hành án nói chung và thi hành các vụ việchình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng, nhằm sớm thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước.

Một vụ cưỡng chế THADS để thu hồi tài sản cho Nhà nước

Đến nay, đã có nhiều văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước ban hành, tạo cơ sở để tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản trên thực tế, như: Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Luật thi hành án dân sự năm 2028, sửa đổi, bổ sung năm 2014; đặc biệt làLuật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sựRiêng Luật thi hành án dân sự sửa đổi năm 2022, mặc dù chỉ sửa đổi có 03 Điều, nhưng nội dung các qui định được sửa đổi rất quan trọng, đã bổ sung vào Điều 55 Luật thi hành án dân sự qui định về ủy thác xử lý tài sản, đây là qui định mới,  căn cứ pháp lýđể các cơ quan Thi hành án dân sự có liên quan phối hợp cùng xử lý, thu hồi các tài sản trong các vụ án về hình sự tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc mà người phải thi hành án có tài sản thuộc diện phải thu hồi ở nhiều địa phương khác nhau.

Theo báo cáo của Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh, thực hiện chương trình, kế hoạch của ngànhchỉ đạo của UBND tỉnh về tổ chức thi hành các vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong thời gian qua các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tập trung đề ra nhiều giải pháp để tổ chức thi hành án, về cơ bản kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên kết quả thi hành xong so với số việc và tiền thụ lý vẫn còn thấp, cụ thể: Năm 2022: Tổng số việc phải thi hành là 45 việc, tương ứng với 12.179.619.000đồng; đã thi hành xong 12 việc/17 việc có điều kiện giải quyết, thu được số tiền 285.631.000đồng/6.950.283.000 đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 70,59% về việc và 4,11% về tiền. Số chuyển kỳ sau là 33 việc, với số tiền 11.893.988.000 đồng. Số chưa có điều kiện đang theo dõi riêng là 07 việc với số tiền 49.643.084.000đồng. Năm 2023: Tổng số việc phải thi hành là 19 việc, tương ứng với 12.889.959.000 đồng; đã thi hành xong 05 việc/08 việc có điều kiện giải quyết, thu được số tiền 1.393.912.000 đồng/7.644.139.000 đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 62,5% về việc và 18,24% về tiềnso với cùng kỳ năm 2022, giảm 07 việc (giảm 8,09% về tỷ lệ), về tiền tăng 1.108.281.000 đồng (tăng 14,13% về tỷ lệ); số chuyển kỳ sau là 14 việc, với số tiền 11.496.047.000 đồng. Số chưa có điều kiện đang theo dõi riêng của năm 2022 chuyển sang năm 2023là 07 việc với số tiền: 49.643.084.000đồnghiện đang tiếp tục chuyển sang kỳ sau để theo dõi thi hành.

Qua tổng kết công tác thi hành án, nhất là thực tiễn thi hành án đối với các vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng cho thấybên cạnh những thuận lợi cơ bản, trên thực tiễn thi hành án loại việc này thường phát sinh những khó khăn, vướng mắc do các qui định pháp luật chưa đầy đủthiếu đồng bộ; tính chất, đặc điểm tài sản, điều kiện thi hành án còn nhiều vướng mắc; công tác phối hợp giữa các cơ quan trên thực tế chưa nhịp nhàng nên kết quả thi hành án còn thấp, chưa đạt được theo yêu cầu chung, xuất phát từ những nội dung sau.

Thứ nhất, tỷ lệ số việc và tiền đối với các vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế chưa có điều kiện thi hành cao, trong đó tỷ lệ về việc chưa có điều kiện chiếm trên 50% so với tổng số phải thi hành; số tiền thu được rất thấp, chỉ chiếm khoảng dưới 20% trên số có điều kiện thi hành (năm 2022 chỉ đạt 4,11%, năm 2023 đạt 18,24%). Điều này cho thấy các đối tượng phạm tội có thể thực hiện việc che dấu, hợp lý hóa, tẩu tán tài sản tham nhũng trong các giai đoạn trước khi xét xử nên đến giai đoạn thi hành án không còn tài sản để thi hành án, hiện cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã đưa vào diện theo dõi riêng nhiều vụ việc, do không có tài sản để thi hành án. Loại việc này, trên địa bàn tỉnh đang theo dõi nhiều vụ việc, nhưng hiện có 02 vụ việc có số tiềnphải thu hồi rất lớn, nhưng người phải thi hành án không còn tài sản thi hành án, như: (1) vụ Hồ Thị Thanh Hương, ở tổ 7, khu vực 7, phường Trần Quang Diệu, Qui Nhơn phải bồi thường cho Chi nhánh Ngân hàng BIDV Phú Tài trên 30 tỷ đồng; (2) vụ Huỳnh Chí Trung, ở tổ 12, khu vực 3, phường Đống Đa phải bồi thường cho Chi nhánh Ngân hàng Agribankhuyện Tuy Phước số tiền trên 19 tỷ đồng.

Thứ hai, người phải thi hành án có tài sản nhưng nằm trong khối tài sản chung với vợ, chồng (nhà ở), nên để thi hành án theo qui định, cơ quan Thi hành án phải khởi kiện, yêu cầu Tòa án phân chia, xác địnhkỷ phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo quy định tại Điều 74 của Luật thi hành án dân sự mới có cơ sở để tổ chức thi hành án. Để xử lý được tài sản trong các trường hợp này thì phải chờ kết quả xét xử của Tòa án, nên việc thi hành ánthường kéo dài, chậm thi hành án.

Thứ ba, một số vụ việc tổ chức thi hành án gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế do cơ chế, chính sách hoặc xuất phát từ các quan hệ kinh tế, các qui định của pháp luật về sở hữu, sở hữu chéo, vấn đề góp vốn đối với doanh nghiệp, trong đó một số qui định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp, thiếu minh bạch trong các giao dịch kinh tế, dân sự hoặc có sự cố ý che giấu tài sản nên việc làm rõ các tài sản, các phần tài sản sở hữu trong các Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần (cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp) của các đối tượng phạm tội trong các doanh nghiệp mà họ là thành viên để kê biên, xử lý tài sản thi hànhán là một vấn đề nan giải, rất khó khăn, phức tạp. Đối với trường hợp này, hiện Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang tổ chức thi hành vụ ông Trần Duy Tùng, ở thành phố Quy Nhơn, theo  bản án tuyên kê biên 15.500.000 cổ phần của Công ty tập đoàn An Phú thuộc sở hữu của ông Trần Duy Tùng để thi hành án. Tuy nhiên, qua xác minh, Công ty tập đoàn An Phútrước đây đã tham gia góp vốn với một số doanh nghiệp  các tỉnh, thành phố khác nhau, nên việc xác minh, xác định tổng giá trị toàn bộ tài sản của Công ty tập đoàn An Phú để làm căn cứ xác định giá trị cổ phần để kê biên, xử lý để thi hành án là việc hết sức khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, nhiều vụ việc tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý của tài sản chưa đảm bảo, rõ ràng nên cần phải xác minh, làm việc với nhiều cơ quan để làm rõ tài sản thi hành án; người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, người đại diện theo pháp luật của các tổ chức kinh tế có liên quan không xác định rõ địa chỉ nên việc thông báo thi hành án rất khó khăn, đi lại nhiều lần, dễ xảy ra rủi ro trong thi hành án dân sự; một số tài sản bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua nên phải kéo dài thời gian thi hành án.

Để sớm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tổ chức thi hành án hiệu quả, sớm thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của loại việc này trong thời gian đến như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thành pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để tổ chức thi hành án, thu hồi, tài sản tham nhũng một cách hiệu quả nhất; sửa đổi, bổ sung các qui định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm sự đồng bộ các thiết chế về kiểm soát tài sản, thu nhập thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có liên quan nhiều Luật khác nhau như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự.v.v…

Thứ hai, hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự chưa có qui định riêng về trình tự, thủ tục thi hành các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế. Để tổ chức thi hành án nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, cần sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự theo hướng qui định một chế định riêng về thi hành án đối với các loại việc này nhằm đảm bảo cho việc thu hồi tài sản sớm nhất, đáp ứng với yêu cầu của Đảng và Nhà nước về thu hồi tài sản tham nhũng. 

Thứ ba, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong quá trình điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử vụ án, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời áp dụng biện pháp kê biên, ngăn chặn việc hợp lý hóa, che giấu, tẩu tán tài sản của các bị can, các đối tượng liên quan trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản cho Nhà nước ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quá trình kê biên, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ hiện trạng, đặc điểm tài sản; đồng thời, khi kê biên cần phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp để cùng tham gia, theo dõi vụ việc nhằm xử lý tài sản sau khi có bản án, quyết định của Tòa án được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

                                      Công Hoàng

Các tin đã đưa ngày: