Ngày 22 tháng 3 năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong toàn ngành Tư pháp. Tham dự và chủ trì hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long, UVBCHTW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Đến dự và báo cáo các nội dung của Luật Đất đai năm 2024 có Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, đại diện lãnh đạo Ủy ban kinh tế của Quốc hội và nhóm chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những người trực tiếp soạn thảo Luật Đất đai. Tham dự tại điểm cầu Bình Định, có đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh; đồng chí Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh.
Đi vào phổ biến, quán triệt và triển khai Luật Đất đai, đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tại hội nghị về quá trình xây dựng Luật Đất đai.
Sau nhiều lần tham gia góp ý của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân, Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào ngày 18-1-2024, gồm 16 chương với 260 điều. Đây là đạo luật hết sức quan trọng, tiếp tục kế thừa những qui định của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời đã qui định, sửa đổi, bổ sung mới nhiều nội dung liên quan đến các chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã báo cáo những nội dung quan trọng của Luật Đất đai, đặc biệt là những qui định mới, nhất là qui định nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn cuộc sống theo qui định của Luật Đất đai năm 2013. Nhiều qui định vướng mắc, khó khăn trước đây trong ngành Tư pháp đã được đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự địa phương trên toàn quốc tham gia trao đổi, phát biểu sôi nổi, nhất là những khó khăn, vướng mắc tronghoạt động thi hành án dân sự, trong công chứng, chứng thực liên quan đến đất đai, vấn đề thế chấp, đăng ký thế chấp và đăng ký biến động đất đai, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Trên cơ sở những ý kiến trao đổi của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Lê Đức Hiếu và tổ chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, giải đáp nhiều nội dung có khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai trong trong quá trình áp dụng, thực hiện trong Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời gợi ý vận dụng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó khi áp dụng các qui định của Luật Đất đại năm 2024.
Để thực hiện các qui định của Luật Đất đai một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan giúp Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các điều luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, thi hành, nhất là những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện các qui định pháp luật về đất đai, những vấn đề liên quan đến các qui định về đấu thầu, đấu giá, các chính sách về đất đai đối với dân tộc thiểu số và nhiều nội dung quan trọng khác.
Công Hoàng.