Sign In

Xử phạt vi phạm hành chính trong THADS vướng mắc nhìn từ thực tiễn

01/07/2016

Xử phạt vi phạm hành chính trong THADS vướng mắc nhìn từ thực tiễn
Xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong thi hành án dân sự (THADS) là một trong những công tác quan trọng, nhằm đấu tranh, phòng ngừa, răn đe để người phải thi hành án, người được thi hành án và các bên có liên quan chấp hành đầy đủ, đúng các qui định của pháp luật về THADS trong quá trình THADS, góp phần đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án được thực thi trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 
                 
Tuy nhiên, theo số liệu của ngành THADS trong toàn quốc, thì kết quả XLVPHC còn rất khiêm tốn, năm 2010 là 43 quyết định, với tổng số tiền là 5.200.000 đồng; năm 2011 là 61 quyết định, với tổng số tiền là 10.450.000 đồng; năm 2012, là 90 quyết định, với tổng số tiền là 13.700.000 đồng và những năm  2014, 2015 con số XPVPHC cũng chỉ nằm trong phạm vi con số trên dưới một trăm trường hợp. Vậy, đâu là nguyên nhân:

Pháp luật về XPVPHC trong THADS còn nhiều bất cập
Các hành vi hành chính trong THADS được qui định tại Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, ngày 24/9/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bỡi NĐ số 67/2015, ngày 14/8/2015) thì có rất nhiều hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên, nhưng chấp hành viên không thể xử phạt được, vì mức phạt tiền vượt quá thẩm quyền. Theo Luật XLVPHC thì chấp hành viên cơ quan THADS phạt tiền ở mức cao nhất đến 500.000đ, trong khi đó tại Điều 52 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP, ngày 24/9/2013 của Chính phủ qui định phạt tiền mức thấp nhất đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS có khung từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Xét về nguyên tắc XPVPHC, thì trường hợp này chấp hành viên không thể ra quyết định xử phạt được vì có khung trên năm trăm ngàn đồng, vượt thẩm quyền. Những vướng mắc khắc như, nhiều vụ việc bắt buộc chấp hành viên phải XPVPHC để có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo nhưng chấp hành viên không xử lý được do vượt quá thẩm quyền (kể cả vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng). Để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo thì phải lập hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền của cơ quan THADS cấp trên ra Quyết định xử phạt, cụ thể là các hành vi vi phạm tại các Điều 118, 119 của Luật Thi hành án dân sự về buộc thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nhất  định, mức xử phạt từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ (trong khi đó thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên đến 500.000đ, Chi cục trưởng 2.500.000đ).
 
Nhiều hành vi vi phạm không được xử phạt
Thực tế cho thấy, các qui định về XPVPHC trong hoạt động THADS thời gian qua vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, việc răn đe, phòng ngừa vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hành vi vi phạm trong THADS vẫn chưa được xử lý kịp thời hoặc có xử lý cũng chỉ mang tính thủ tục. Người có thẩm quyền xử lý VPHC của cơ quan THADS còn ngại, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử phạt. Một số địa phương trong một năm không thực hiện XPVPHC. Nhiều hành vi vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ nhưng việc XPVPHC rất ít được xử lý, như: hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm mà không có lý do chính đáng, không cung cấp thông tin, không thực hiện quyết định khấu trừ thu nhập của người có thẩm quyền… Điều này có rất nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản nhất là việc răn đe, phòng ngừa khi XPVPHC không có hiệu quả, nhiều vụ việc sau khi xử phạt có biểu hiện căn thẳng thêm, nên chấp hành viên rất ngại xử phạt. Nếu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tính khả thi của việc xử phạt không cao, số tiền phải thi hành tăng, người phải thi hành án sẽ tiếp tục chống đối, cản trở việc thi hành án, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều trường hợp cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định XPVPHC. Chính vì vậy, mà số lượng việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự rất ít, chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm hành chính trong THADS.

Nên tăng thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên
Để thực hiện tốt Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, người dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác THADS. Một trong những vấn đề quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả việc XPVPHC là cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong THADS theo hướng phù hợp giữa hành vi và thẩm quyền xử phạt; cần tăng thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên, nhằm đảm bảo cho việc xử lý thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian do phải đề nghị cấp trên quyết định xử phạt, nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ THADS.
                                                                             Công Hoàng
 
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: