Thi hành án dân sự là một hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án. Chính vì vậy, đương sự dễ cảm thấy búc xúc không thoải mái tâm lý trước những việc Chấp hành viên thực hiện, nên quá trình tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khiếu nại, tố cáo kéo dài làm mất tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Để giải quyết một việc thi hành án dân sự xong, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng nhiều biện pháp tác nghiệp khác nhau, trong đó biện pháp vận động, thuyết phục cho các bên đương sự tự nguyện thỏa thỏa thuận thi hành án là biện pháp hữu hiệu nhất, đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Việc vận động, thuyết phục trong giai đoạn thi hành án dân sự không chỉ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà còn giúp cho Chấp hành viên không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa chữa, bổ sung năm 2014. Điều này đã tiết kiệm được chi phí cưỡng chế và một số chi phí hợp lý khác; tiết kiệm được thời gian, công sức của đương sự và Chấp hành viên. Đặc biệt là rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc và hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Thực tế cho thấy, công tác vận động, thuyết phục trong giai đoạn thi hành án dân sự không phải là việc dễ dàng, vì ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là người phải thi hành án còn hạn chế. Nhiều đương sự khi được Chấp hành viên giải thích, vận động, thuyết phục đã có thái độ thiếu tôn trọng, không hợp tác, nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về nội dung vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự, chưa xác định thời gian cho phép Chấp hành viên tiến hành công tác vận đông, thuyết phục các bên đương sự, cũng như người có nghĩa vụ liên quan trong khoảng thời gian bao lâu và áp dụng biện pháp này trong giai đoạn nào của quá trình tổ chức thi hành án. Để công tác vận động, thuyết phục trong Thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, thì đòi hỏi Chấp hành viên cần phải có một số kỹ năng cơ bản như sau:
Thứ nhất, Chấp hành viên phải am hiểu các nội dung về pháp luật hiện hành và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, thủ tục về nghiệp vụ thi hành dân sự.
Thứ hai, Chấp hành viên cũng cần có sự am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương cấp cơ sở và những người thân thích của đương sự… để việc vận động, thuyết phục đạt hiệu quả.
Thứ ba: Khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc thì bản thân Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án, tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình, xác định thái độ của đương sự; mối quan hệ xã hội của các đương sự để tìm ra cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất. Cụ thể:
+ Tìm hiểu điều kiện kinh tế, khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án thuận lợi nhất cho đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ.
+ Tìm hiểu các mối quan hệ bên ngoài xã hội của đương sự qua Bản án, quyết định của Toà án hoặc các kênh thông tin khác nhau, chọn lọc và tác động đến những người có ảnh hưởng lớn đối với đương sự, giúp đương sự nhận thức và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.
+ Tìm hiểu các vấn đề khác có liên quan đến đương sự. Tuỳ thuộc vào từng loại vụ việc, từng đương sự sẽ có những đặc điểm khác nhau mà Chấp hành viên cần tinh ý, linh hoạt, khéo léo để có thể xác định cần thu thập những thông tin nào phục vụ cho việc vận động, thuyết phục và phân tích mọi khía cạnh, tìm được giải pháp thuận lợi nhất để thuyết phục đương sự tự nguyện.
Thứ tư: Chấp hành viên phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể ở địa phương tổ chức các cuộc họp để vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Đặc biệt, qua các cuộc họp này Chấp hành viên phải lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự.
Theo tôi, nếu Chấp hành viên của Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt những nội dung nêu trên, thì công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án mang lại hiệu quả rất cao, làm giảm lượng án tồn đọng, cũng như làm giảm thiểu số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo hàng năm. Điều đó, khẳng định rằng: biện pháp vận động, thuyết phục nó trở thành thủ tục không thể thiếu trong thực tiễn giải quyết việc thi hành án dân sự./.
Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự TP.Quy Nhơn, Bình Định