Sign In

Ra quyết định thi hành án theo yêu cầu trong trường hợp bản án, quyết định của tòa án không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ thi hành án còn nhiều bất cập, khó tổ chức thi hành án

15/02/2023

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, đã tạo hành lang, khung pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động Thi hành án dân sự, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, chúng tôi nhận thấy vẫn còn khó khăn, bất cập trong trường hợp ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu mà bản án, quyết định của Tòa án không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ thi hành án. Cụ thể: theo quy định tại điểm a, Khoản 5, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này”.

Để hướng dẫn rõ nội dung này, thì tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định số: 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2020 quy định:

 “4. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án, trừ các trường hợp:
a) Giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản;
b) Giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp nuôi dưỡng;
c) Giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động cho người được thi hành án không trực tiếp nuôi dưỡng.”

Như vậy, điều luật đã khẳng định Cơ quan thi hành án không được từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong 03 trường hợp nêu trên, mặc dù bản án, quyết định của Tòa án không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án.

 
                                         Cán bộ THADS đang tiếp nhận đơn yêu cầu THA của Công dân

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến nội dung ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu trong trường hợp giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản. Để minh chứng cho việc khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành án tại địa phương, chúng tôi xin nêu ra một ví dụ điển hình như sau:

Tại nội dung Bản án số: 166/2022/DS-ST ngày 10/6/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B xét xử về việc: “Tranh chấp thừa kế về tài sản” đã có hiệu lực pháp luật, nội dung Bản án tuyên:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Thanh về việc chia thừa kế đối với di sản của bà Đặng Thị Sang theo quy định của pháp luật.
- Chia thừa kế theo pháp luật di sản của bà Đặng Thị Sang để lại là ngôi nhà gắn liền với Quyền sử dụng đất tọa lạc tại số 35 đường Âu Cơ, thành phố Q, tỉnh B có giá trị 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng) cho bà Nguyễn Thị Vĩnh, bà Nguyễn Thị Tuyết và anh Nguyễn Thanh mỗi người được hưởng 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).
- Anh Nguyễn Thanh được quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất tại số 35 đường Âu Cơ, thành phố Q, tỉnh B.
- Anh Nguyễn Thanh phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị Vĩnh và bà Nguyễn Thị Tuyết mỗi người được nhận số tiền 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

Ngày 05/9/2022, Ông Nguyễn Thanh có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản: “ Anh Nguyễn Thanh được quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất tại số 35 đường Âu Cơ, thành phố Q, tỉnh B”; tự nguyện nộp số 600.000.000đ để giao cho bà Vĩnh, bà Tuyết và gửi kèm theo đơn yêu cầu thi hành án là giấy xác nhận của chính quyền địa phương (nơi có di sản thừa kế) có nội dung chứng minh hiện tại ông Thanh không trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà và đất số 35 đường Âu Cơ, thành phố Q, tỉnh B nói trên, mà do bà Nguyễn Thị Tuyết đang trực tiếp quản lý, sử dụng.

Theo quy định của pháp luật, thì trong trường hợp này cơ quan thi hành án phải tiếp nhận đơn yêu cầu thi hàn án và phải ra Quyết định thi hành án theo nội dung yêu cầu của ông Thanh. Tuy nhiên, việc ra Quyết định thi hành án trong trường hợp này gặp vướng mắc, bất cập, vì bản án không xác định người phải thi hành án là ai. Nếu cơ quan thi hành án xác định bà Tuyết là người phải thi hành án để ra Quyết định buộc bà Tuyết giao nhà cho ông Thanh là không có cơ sở, vì bản án không tuyên ai là người có nghĩa vụ giao nhà cho ông Thanh. Nếu bà Tuyết không tự nguyện thi hành án giao nhà cho ông thanh, thì cơ quan thi hành án cũng không có cơ sở áp dụng biện pháp cưỡng chế đưa người và tài sản ra khỏi nhà để giao nhà cho ông Thanh.

Được biết, hiện nay chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể việc ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên: “Giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản”.

Để bản án, quyết định của Tòa án được tổ chức thi hành đạt hiệu quả trong thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự, tránh việc khiếu nại, tố cáo kéo dài làm ảnh hưởng đến ngành Tư pháp nói chung và ngành Thi hành án dân sự nói riêng. Trong thời gian đến, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nêu trên, để công tác Thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao./. 
 (Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn, Bình Định)

Các tin đã đưa ngày: