Thực tiễn cho thấy, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) ở nước ta trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định như: khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS, một số người có thẩm quyền còn nhiều lúng túng khi áp dụng các quy định của pháp luật để xử phạt. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, tình trạng chống đối cơ quan THADS bằng nhiều hình thức khác nhau như: tẩu tán tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản, thậm chí là huỷ hoại tài sản đã kê biên... Đặc biệt là những trường hợp Tòa án tuyên buộc người phải thi hành án phải thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định theo bản án (buộc tháo dỡ công trình xây dựng trên đất để trả lại lối đi; buộc chám dứt hành vi cản trở trái pháp luật…), thì người phải thi hành án luôn tìm mọi cách chống đối quyết liệt, không tự nguyện thi hành án. Thực tế đó đã chứng tỏ vi phạm hành chính trong hoạt động THADS có xu hướng ngày càng tăng và phức tạp hơn. Để bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định của cơ quan tài phán khác có nội dung buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định được thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế, nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thì cơ quan THADS phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định theo bản án tuyên. Theo quy định của pháp luật THADS, thì trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này phải xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp có hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều vụ việc trong quá trình tổ chức thi hành án đã có hành vi vi phạm hành chính xảy ra, nhưng việc lập biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả của của công tác này chưa cao.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một số khó khăn, bất cập về quy định thời gian tiến hành lập biên bản hành chính và thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, thì: “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này” và theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, thì thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định như sau:
“a) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
b) Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
c) Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;
d) Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga;
đ) Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan”.
Như vậy, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hạn phải lập biên bản vi phạm hành chính trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS, vì nhiều lý do khác nhau, nên một số trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập bị quá thời hạn theo quy định. Đối chiếu với quy định trên, thì người có thẩm quyền xử phạt không được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu như không ban hành quyết định xử phạt sẽ dẫn đến hậu quả là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS còn thời hiệu xử phạt, nhưng không bị xử phạt và vụ việc vi phạm vẫn tồn tại trên thực tế, mà theo quy định tại Điều 118 Luật THADS 2008, được sửa đổi năm 2014, thì trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định, Chấp hành viên phải ra quyết định phạt tiền, nghĩa là hành vi vi phạm hành chính của người phải thi hành án không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì Chấp hành viên không được áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Hơn nữa, việc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp biên bản vi phạm hành chính lập quá thời hạn là chưa bảo đảm nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật” và trái với quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính vì theo điều luật này, thì việc lập biên bản vi phạm hành chính quá thời hạn không thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(Ảnh: Cơ quan THADS đang tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định
theo bản án của Tòa án)
Bên cạnh quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, thì tại khoản 5, Điều 58 Luật xử phạt quy phạm hành chính quy định: “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.” Theo quy định của điều luật này, thì thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu khác cho người có thẩm quyền xử phạt là quá ngắn, không đảm bảo về mặt thời gian, đặc biệt là đối với những địa phương điều kiện đi lại khó khăn, nơi lập biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động THADS đến nơi người có thẩm quyền xử phạt quá xa hoặc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ …
Để thủ tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói chung và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động THADS nói riêng ngày càng đạt hiệu quả cao, thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tôi thiết nghĩ trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định thời gian lập biên bản vi phạm hành chính và thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu kèm theo cho người có thẩm quyền xử phạt cho phù hợp với thực tiễn áp dụng./.
ThS. Nguyễn Trọng Tài – Chi cục THADS TP. Quy Nhơn