Sign In

Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự

03/08/2015

Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự

          Ngày 18/07/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, có một số điểm nổi bật đáng lưu ý, như sau:

          - Quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự: Trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để chỉ đạo đối với các việc thi hành án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương; theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương

          - Xác minh điều kiện thi hành án: Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật
           - Công khai thông tin của người phải thi hành án: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai.
- Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án: Trong trường hợp có ít nhất một trong các đương sự có đơn yêu cầu định giá tài sản mà tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá trị tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên tổ chức định giá tài sản để thực hiện việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án dân sự. Người có đơn yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh có thay đổi giá tài sản, kèm theo đơn yêu cầu định giá tài sản (Tài liệu chứng minh có thay đổi giá tài sản có thể là khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định được áp dụng tại địa phương hoặc giá thị trường phổ biến của tài sản giống hệt hoặc tương tự với tài sản cần định giá tại địa phương hoặc giá chuyển nhượng thực tế ở địa phương của tài sản cùng loại)
          - Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá “ngoài địa bàn” tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên; trường hợp vẫn không thể ký được hợp đồng thì Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên.
           - Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác.
          - Mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án: Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản với mức phí sau đây: Số tiền, giá trị tài sản
          + Từ trên 02 lần mức lương cơ sở đến 5tỷ đồng thì mức phí là 3%
          + Từ trên 5tỷ đồng  đến 7tỷ đồng: mức phí là 150triệu đồng + 2% của số vượt quá 5tỷ;
          + Từ trên 7tỷ đồng đến 10tỷ đồng thì mức phí là 190triệu đồng  + 1% của số vượt quá 7tỷ đồng;
          + Từ trên 10tỷ đồng đến 15tỷ đồng thì mức phí là 220triệu đồng + 0,5% của vượt quá 10tỷ đồng;
          + Từ trên 15tỷ đồng thì mức phí thi hành án là 245triệu đồng cộng với 0,01% của số vượt quá 15tỷ đồng.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án và chứng kiến các đương sự thỏa thuận tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì phải chịu 1/3 mức phí thi hành án quy định
        - Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 có hiệu lực từ ngày 01/09/2015 và thay thế các Nghị định 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009, 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 và Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013.
 
                                                                               Tiến Dũng

Các tin đã đưa ngày: