Mặc dù, đến nay chưa có văn bản chính thức đưa ra khái niệm “án tồn đọng”, cũng như các tiêu chí để xác định “án tồn đọng” nhưng thực tế cho thấy cụm từ này xuất hiện không ít trong các diễn đàn khi bàn về công tác thi hành án dân sự, nhất là trong các hội thảo, hội nghị, cuộc họp ở các địa phương.
Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự
Thật không công bằng cho cơ quan Thi hành án dân sự, khi có dư luận hoặc ai đó cho rằng cơ quan này, địa phương kia để án tồn đọng và quy trách nhiệm cho cơ quan Thi hành án dân sự, mà chưa thật sự hiểu đầy đủ về khái niệm “án tồn đọng”, điều đó đã ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, mà trực tiếp là người đứng đầu.
Qua nắm bắt cũng như tìm hiểu cho thấy, nhận thức của nhiều người, trong đó có lãnh đạo một số cơ quan cho rằng “án tồn đọng” là tất cả các bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý đưa ra thi hành nhưng chưa thi hành xong tính ở tại một thời điểm nhất định. Nếu theo cách hiểu này, thì tất cả những bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý thi hành nhưng chưa thi hành, có thể là do nguyên nhân khách quan, cũng có thể là do nguyên nhân chủ quan của cơ quan THADS cũng đều là “án tồn đọng”.
Đây là một cách hiểu chưa đầy đủ vì trong số này rất nhiều bản án, quyết định do nguyên nhân khách quan mà cơ quan Thi hành án dân sự không thể thi hành được, vì người phải thi hành án không có hoặc chưa có điều kiện thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự chỉ theo dõi thi hành nhưng đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, quyết định xác định không có điều kiện thi hành án do người phải thi hành án không có tài sản, không có địa chỉ cư trú, đang chấp hành hình phạt tù ... nhưng chưa đến thời hạn để xét miễn giảm và các loại việc này được chuyển dồn từ nhiều năm cộng lại, có địa phương chiếm khoảng từ 80% đến 90% trong số việc chưa thi hành.
Đây là vấn đề cần được làm rõ để mọi người hiểu thống nhất và đầy đủ hơn về khái niệm “án tồn đọng”, tránh áp lực từ phía các cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương về vấn đề “án tồn đọng”, để nhìn nhận và đánh giá đầy đủ, chính xác hơn kết quả thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự.
Công Hoàng