Sign In

CÔNG ĐOÀN CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT TỔ CHỨC DU KHẢO VỀ NGUỒN

24/05/2023

CÔNG ĐOÀN CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT  TỔ CHỨC DU KHẢO VỀ NGUỒN
        Hòa chung không khí vui tươi phấn khởi chào mừng 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023); 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2022).
         
          Công đoàn Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một tổ chức hoạt động du khảo về nguồn tại Khu địa đạo tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nhằm ôn lại lịch sử đấu tranh, những truyền thống vẻ vang, hào hùng của ông cha ta.

 
 
         Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một 15 km về phía nam.
​         Khu địa đạo tiếp giáp với các nơi: phía Đông giáp các thị trấn Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp phường Tân An (Thủ Dầu Một), phía Bắc giáp xã An Lập, Long Nguyên (Bến Cát), và đây cũng chính là cái nôi của vùng “Tam giác sắt”.
        Khi đến đây, chúng tôi mới thấy và biết được sự chung sức, đồng lòng của người dân 3 xã Tây Nam, khí thế của phong trào “nhà nhà đào địa đạo” qua câu thơ: “Chồng vác xuổng, vợ vác len. Con xách lồng đèn, cầm vá theo sau. Cả nhà chung sức với nhau. Đào hố, đào hào, chống đạn, chống bom”. Trong chiến tranh, người dân nơi đây phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh bởi bom cày, đạn xới. Hòa bình lập lại, bà con đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển quê hương, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề.

 


(Hình ảnh tham quan địa đạo)
 
 
          Với những giá trị độc đáo của hệ thống địa đạo và ý nghĩa lịch sử của vùng đất này, năm 1996, địa đạo Tam giác sắt đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Việc xếp hạng, công nhận di tích địa đạo Tam giác sắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là ghi nhận về sự đóng góp của quân dân 3 xã Tây Nam trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà điều đó còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục lòng tự hào lịch sử dân tộc cho các thế hệ mai sau.
         Tiếp tục chương trình du khảo về nguồn, ngày 13/5/2023 Công đoàn Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một tổ chức viếng thăm Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
 
          Khu di tích không những được xây dựng rất kỳ công mà còn mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ quay mặt về hướng Đông là một cánh hoa sen cách điệu có dáng hình bàn tay xòe úp xuống, phía trên là 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và ôm ấp ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.
         Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, nấm mộ màu xám tro yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi nằm bên trái mộ và cây sộp hơn 300 tuổi nằm bên phải mộ.

 


 
          Khu di tích còn tái hiện lại nét đẹp của không gian văn hóa làng Hòa An quen thuộc ở đầu thế kỷ XX, trên diện tích trên 22.000m2. Khu vực này có những ngôi nhà truyền thống của các hộ dân trong làng, rạch Cái Tôm, vườn cây ăn trái, những hàng dừa, cây cầu khỉ, đường làng quanh co. Những hình ảnh sinh hoạt văn hóa, giải trí, sản xuất,… mô tả một phần cuộc sống lao động sản xuất của làng Hòa An.
          Tìm hiểu về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc quả thật là thú vị, qua đó chúng ta hiểu ra nhiều đạo lý không được biết đến trong sách vở. Biết về cụ, hiểu thêm một chút về cụ, chúng tôi cảm nhận được tấm gương đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chắc chắn là một điều hiển nhiên trong đạo lý làm người của dân tộc ta. Bác Hồ có một người cha như Cụ Nguyễn Sinh Sắc, đó chính là điều kiện và nền tảng để dân tộc ta có một vĩ nhân như Bác.

 

          Về đất sen thắp hương cụ Nguyễn Sinh Sắc. Về mảnh đất miền Tây để thấy cái trọn nghĩa vẹn tình của con người nơi đây đối với thân sinh của Bác. Cái tình cái nghĩa ấy cần được lan tỏa đến thế hệ của người Việt Nam bây giờ nhiều hơn nữa. Để mỗi khi có người đến mảnh đất này hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong lịch sử hay ngày hôm nay. Để rồi khi tiếp tục công việc thường ngày, mỗi người trong chúng ta luôn tự hứa với bản thân rằng, sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ giữ mãi tấm lòng yêu nước thủy chung son sắt như cụ Nguyễn Sinh Sắc.                                    
          Chuyến đi về nguồn tại Khu địa đạo tam giác sắt Tây Nam Bến Cát và viếng thăm Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã giúp thắt chặt thêm sự gắn kết giữa các công đoàn viên, đồng thời cũng là động lực để tập thể công chức Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một có tinh thần hăng say trong công việc./.

 
Người viết bài: Trần Thị Thanh Kiều -
Thẩm tra viên Chi cục THADS TP.Thủ Dầu Một

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: