Bảo đảm tài chính để thi hành án trong hoạt động THADS là trường hợp ngân sách nhà nước cấp bổ sung dự toán cho cơ quan THADS phải thi hành án để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp cơ quan THADS đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án.
Khác với bồi thường nhà nước là trách nhiệm thay thế, theo đó Nhà nước với tư cách là bên sử dụng lao động, phải có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức do mình quản lý có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, bảo đảm tài chính để thi hành án là việc ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Trình tự giải quyết một vụ việc bảo đảm tài chính bao gồm các bước sau:
- Thụ lý đơn yêu cầu thi hành án.
- Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện đối tượng được bảo đảm tài chính để thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính: (1) Yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ thi hành án, (2) Sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ theo quy định.
- Lập hồ sơ bảo đảm tài chính.
- Thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án.
- Hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách.
Các bước thực hiện quy trình bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự cụ thể như sau:
1. Thụ lý đơn yêu cầu thi hành án
Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án căn cứ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, Thủ trưởng cơ quan THADS có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Đồng thời tiến hành chỉ đạo rà soát các khoản tiền có thể sử dụng để thi hành án (ví dụ: tiền nộp mua tài sản trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản mà chưa chi trả; khoản tiền cơ quan thi hành án đã chi sai hoặc khoản tiền sau khi tài sản bán đấu giá thành đã thanh toán cho người được thi hành án nhưng sau đó Tòa án tuyên hủy kết quả bán đấu giá, phải bồi thường cho người mua trúng đấu giá,...)
Trường hợp, nếu các khoản tiền trên vẫn chưa đủ để thi hành án, Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đạo rà soát, xác định khoản kinh phí tiết kiệm từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị để thi hành án; đồng thời, quán triệt kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến thời điểm cơ quan lập hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chínhkhông được chi khen thưởng, phúc lợi, thu nhập tăng thêm.
2. Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện đối tượng được bảo đảm tài chính để thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính
- Trường hợp chưa có văn bản xác định người có lỗi
Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan phải thi hành án (có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây thiệt hại.
Trên cơ sở kết quả xác định người có lỗi, Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án có trách nhiệmyêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ và sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị để thi hành án(nếu người có lỗi chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có nhưng số tiền nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án).
- Trường hợp đã có văn bản xác định người có lỗi (bản án của Tòa án hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo xác định lỗi của người thi hành công vụ…)
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án. Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án tổ chức làm việc để yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ và sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị để thi hành án (nếu người có lỗi chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có nhưng số tiền nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án).
Sau khi, ơ quan phải thi hành án đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm từ nguồn kinh phí tự chủ nhưng vẫn không có khả năng thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan phải thi hành án (trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại là Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án) có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại và có văn bản kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan THADS về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả. Việc thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách để thi hành án.
3. Lập hồ sơ bảo đảm tài chính
Cơ quan phải thi hành án (là Chi cục THADS hoặc Cục THADS) đã áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC nhưng không có khả năng thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ thi hành án thì chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan THADS phải thi hành án áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC nhưng không có khả năng thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan THADS có trách nhiệm:
- Xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện nghĩa vụ của người có lỗi gây ra thiệt hại và việc Chi cục THADS/ Cục THADS đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm từ nguồn kinh phí tự chủ để thi hành án.
- Lập hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính gửi Cục THADS (trong trường hợp cơ quan phải thi hành án là Chi cục THADS) hoặc Tổng cục THADS (trong trường hợp người phải thi hành án là Cục THADS) để xem xét, tổng hợp và chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án.
- Trong trường hợp Chi cục THADS là cơ quan phải thi hành án gửi hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính thì chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu hồ sơ bảo đảm đầy đủ, đúng quy định thì Cục THADS có văn bản gửi Tổng cục THADS để xem xét, đề nghị cấp kinh phí. Trường hợp hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ, đúng quy định thì Cục THADS có văn bản hướng dẫn hoặc yêu cầu Chi cục THADS hoàn thiện hồ sơ (trừ trường hợp vụ việc phức tạp, cần trao đổi, thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan..., thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ để hướng dẫn hoặc yêu cầu hoàn thiện hồ sơ). Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chi cục THADS phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định để Cục THADS có văn bản gửi Tổng cục xem xét, đề nghị cấp kinh phí.
- Trong trường hợp Cục THADS là cơ quan phải thi hành án gửi hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính đến Tổng cục THADS thì chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định nếu hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ, đúng quy định Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn hoặc yêu cầu Cục THADS hoàn thiện hồ sơ (trừ trường hợp vụ việc phức tạp, cần trao đổi, thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan..., thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ để hướng dẫn hoặc yêu cầu hoàn thiện hồ sơ). Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cục THADS phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định để Tổng cục xem xét, có văn bản gửi Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp kinh phí bảo đảm thi hành án.
Hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính để thi hành án gồm: (1) Văn bản đề nghị được bảo đảm tài chính để thi hành án của Chi cục THADS, (2) Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, (3) Quyết định thi hành án, (4) Văn bản kiến nghị của Hội đồng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại, (5) Báo cáo về tình hình thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người có lỗi đã gây ra thiệt hại và việc Chi cục THADS đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm từ nguồn kinh phí tự chủ để thi hành án, (6) Biên bản thỏa thuận thanh toán bằng tiền của các đương sự (đối với nghĩa vụ giao tài sản) theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC.
Các tài tài liệu khác có liên quan: (1) Các văn bản có nội dung liên quan tới hướng dẫn nghiệp vụ/yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của Chi cục THADS, Cục THADS và Tổng cục THADS (nếu có), (2) Văn bản ghi nhận nội dung, kết quả các cuộc họp của Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả, (3) Biên bản làm việc nội dung yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ thi hành án, (4) Văn bản làm căn cứ xác định khoản kinh phí tiết kiệm của đơn vị hoặc văn bản tạm tính khoản kinh phí tiết kiệm của đơn vị (trường hợp chưa có căn cứ xác định chính xác khoản kinh phí tiết kiệm theo quy định), (5) Văn bản về xử lý trách nhiệm của người có lỗi gây ra thiệt hại.
4. Thanh toán tiền thi hành án
Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí bảo đảm tài chính, cơ quan phải thi hành án phải tiến hành các thủ tục thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án thông qua cơ quan THADS tổ chức thi hành án hoặc chuyển số tiền bảo đảm tài chính vào tài khoản tiền gửi của cơ quan THADS tổ chức thi hành án để thanh toán cho người được thi hành án theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí bảo đảm tài chính, Cục THADS/Chi cục THADS phải thi hành án có trách nhiệm lập báo cáo bằng văn bản về tình hình thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án:
5. Hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước
Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án, Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC thu hồi số tiền hoàn trả của người có lỗi gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại đồng thời là Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan phải thi hành án ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả vào ngân sách nhà nước.
Các trường hợp người có lỗi thực hiện hoàn trả:
+ Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện một lần thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Quyết định hoàn trả có hiệu lực pháp luật, người có trách nhiệm hoàn trả phải trả đủ số tiền đã được xác định trong quyết định hoàn trả;
+ Trường hợp thực hiện hoàn trả nhiều lần thì người có trách nhiệm hoàn trả số tiền theo mức và thời hạn đã được xác định trong quyết định hoàn trả;
+ Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người có lỗi gây ra thiệt hại thì mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng.
- Kết thúc năm tài chính, cơ quan phải thi hành án có trách nhiệm quyết toán khoản kinh phí được ngân sách nhà nước bảo đảm để thi hành án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Vụ Nghiệp vụ 3 - Tổng cục THADS